Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/02/2018 00:00 1478
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chữ Tết trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ tiết (節) trong chữ Hán. Lịch pháp Trung Quốc chia thời gian trong một năm thành 24 tiết: xuân phân, thanh minh, hạ chí, thu phân, đông chí... Tiết là cách người xưa “ngắt” chuỗi thời gian bất tận, vô thủy vô chung của vũ trụ thành những khoảng thời gian hữu hạn, để con người có thể nắm bắt và hòa nhập với nhịp điệu của vũ trụ. Người Việt dựa vào sự “ngắt nhịp thời gian” ấy, để biến các tiết trong năm thành những cái Tết mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt: Tết Cả (tiết Nguyên đán), Tết Nguyên tiêu (tiết Thượng nguyên), Tết bánh trôi (tiết Hàn thực), Tết mồng Năm (tiết Đoan ngọ), Tết trông trăng (tiết Trung thu), Tết cơm mới (tiết Hạ nguyên)… Nguyên đán là Tết to nhất, dài ngày nhất, rộn ràng nhất và cũng… tốn kém nhất trong “văn hóa Tết Việt”.

Chữ Tết trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ tiết (節) trong chữ Hán. Lịch pháp Trung Quốc chia thời gian trong một năm thành 24 tiết: xuân phân, thanh minh, hạ chí, thu phân, đông chí... Tiết là cách người xưa “ngắt” chuỗi thời gian bất tận, vô thủy vô chung của vũ trụ thành những khoảng thời gian hữu hạn, để con người có thể nắm bắt và hòa nhập với nhịp điệu của vũ trụ. Người Việt dựa vào sự “ngắt nhịp thời gian” ấy, để biến các tiết trong năm thành những cái Tết mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt: Tết Cả (tiết Nguyên đán), Tết Nguyên tiêu (tiết Thượng nguyên), Tết bánh trôi (tiết Hàn thực), Tết mồng Năm (tiết Đoan ngọ), Tết trông trăng (tiết Trung thu), Tết cơm mới (tiết Hạ nguyên)… Nguyên đán là Tết to nhất, dài ngày nhất, rộn ràng nhất và cũng… tốn kém nhất trong “văn hóa Tết Việt”.

Hoa mai ngày Tết.

Hoa đào ngày Tết.

Tết Nguyên đán của người Việt được hợp thành từ năm hình thái: nghỉ Tết, về Tết, lễ Tết, ăn Tết và chơi Tết.

- Nghỉ Tết: Tết là dịp để người Việt nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm lao động vất vả. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp. Khi người Việt kết thúc vụ mùa chính thức của năm, thóc lúa đã chảy vào bồ, cũng là lúc những cơn gió mùa rét buốt bắt đầu tràn về miền Bắc, là lúc những trận mưa bão đổ xuống miền Trung và cũng là lúc nước lũ tràn bờ ở châu thổ sông Mê Kông. Người nông dân tạm gác công việc đồng áng để chuyển cuộc mưu sinh sang các nghề khác. Rồi những ngày đông tháng giá, mưa dầm gió bấc cũng trôi qua, bầu trời hửng nắng, cây cối cựa mình nảy lộc, đâm chồi. Ấy là lúc người Việt nghỉ Tết. Họ tranh thủ lúc giao mùa để nghỉ ngơi mà không vội vã bắt tay vào vụ mới. Đây chính là cách để họ tự làm “tươi mới” tinh thần và thể chất của mình trước khi bước vào một năm làm lụng vất vả.

Chăm hoa bán Tết.

- Về Tết: Tết là thời gian đoàn tụ. Người Việt dù đi làm ăn xa đến đâu, cũng đều mong mỏi được về Tết để sum họp với gia đình, họ tộc và quê hương. Sự đoàn tụ này không chỉ giữa những người đang sống, mà cả với những người ở thế giới bên kia. Trước Tết, người Việt thường đi viếng mồ mả tổ tiên. Họ đến làm vệ sinh, chăm sóc những luống hoa, búi cỏ nơi phần mộ, rồi thắp nhang tưởng niệm người quá cố. Đến lúc giao thừa, họ lại bày dọn cỗ bàn, hoa quả và thắp hương khấn vái, mời những người đã khuất cùng về vui Tết. Về Tết không chỉ là về với gia đình thân thuộc của mình mà còn về với quê hương, bản quán. Với những ai còn giữ mối liên hệ ruột rà nơi quê hương thì Tết là dịp để họ trở về thăm bà con nơi ấy. Họ biếu người này hộp trà, người kia quả mứt. Và người nhà quê cũng hào hiệp đáp lễ người miệt phố bằng dăm ba ký nếp, cân đậu hay nhành mai chúm chím nụ vàng, lòng những mong cái Tết nơi phố phường sẽ thấm đẫm tình quê.

Cổ tích vào xuân.

Hoa giấy Thanh Tiên vào phiên chợ Tết.

- Lễ Tết: Tết còn là thời điểm để thực hành các lễ nghi. Người Việt tổ chức lễ hội quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào dịp Tết. Đó là những lễ hội cộng đồng để tưởng nhớ các bậc khai canh lập làng, để truy ân các vị tổ sư ngành nghề đã ban cho hậu thế phương thức mưu sinh… Trong từng gia đình, Tết là dịp thực hành những tín ngưỡng và lễ nghi đã gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay. Khởi đầu là lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Kế đến là cúng tất niên, cúng lên nêu, cúng rước ông bà về ăn Tết, cúng thần Hành khiển đã coi sóc gia đình trong suốt một năm, cúng giao thừa đón mừng năm mới. Sáng mồng Một thì lên chùa lễ Phật hoặc đi viếng mộ phần tổ tiên, thăm nhà thờ họ tộc, thăm ông bà, cha mẹ, chúc Tết thầy dạy nghề, dạy chữ. Chiều mồng Ba phải làm lễ cúng tiễn ông bà về lại cõi trên. Đến ngày mồng Bảy thì làm lễ hạ nêu, hoàn tất một chu kỳ lễ Tết.

- Ăn Tết: Tết là dịp để người Việt thỏa sức ăn uống và tận hưởng thú vui ẩm thực sau cả năm trời phải chắt chiu, dè sẻn. Người Việt có thể nghèo quanh năm nhưng không khó trong ba ngày Tết. Tết là dịp để họ đem tất cả những gì ngon nhất, quý nhất từ “kho” lương thực, thực phẩm mà họ nuôi trồng, tích trữ trong cả năm ra để nấu nướng, chế biến, làm nên những món ăn ngon lành, những thức uống hấp dẫn để dâng cúng trời đất, thần linh và tổ tiên; để cung phụng ông bà, cha mẹ; để thết đãi con cháu, láng giềng, thân hữu. Tết là dịp để các mẹ, các chị trổ tài nấu nướng hàng chục món ăn mặn - ngọt - chay với tinh thần “trước cúng, sau cấp” để cả thần và người đều được thụ hưởng. Có những món ăn ngày Tết được làm ra không chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn Tết, mà đó còn là biểu tượng, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Bánh chưng, bánh tét chẳng hạn. Hai món bánh này là sản phẩm của nền văn minh lúa nước. Bánh chưng gắn liền với truyền thuyết dựng nước từ thời Hùng Vương, còn bánh tét món ăn của lưu dân Việt trong hành trình mở cõi về phương Nam. Hai món bánh này vừa là đồ cúng, vừa là món ăn không thể thiếu của Tết Việt. Có thể thấy rằng, nếu không có ẩm thực ngày Tết, thì di sản ẩm thực Việt Nam sẽ không đầy đặn như hiện hữu.

Đổ xăm hường, trò chơi ngày Tết ở cố đô Huế.

Bài tới ngày xuân.

- Chơi Tết: Tết là lúc người Việt bày ra nhiều trò chơi, thú tiêu khiển để chơi đùa cho thỏa chí. Người Việt đã sáng tạo nhiều hình thức vui chơi trong dịp Tết: đấu vật, đu tiên, đua thuyền, thi chim, đấu cờ, hát xướng, ngâm vịnh… Chơi từ trong Tết cho đến ra Giêng. Chơi cho bõ những tháng ngày làm lụng vất vả. Cái chơi hấp dẫn nhất của Tết Việt chính là những cuộc du xuân. Du xuân là sự kết hợp giữa hành hương, tham gia lễ hội và thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước. Thú vui này cuốn hút mọi tầng lớp người Việt từ bao đời nay, làm nên nét độc đáo của Tết Việt.

“Trong gần một tháng, người bản xứ giàu hay nghèo đều ngừng công việc để ăn uống, vui chơi. Chấm dứt buôn bán, làm đồng, công việc phu phen vất vả. Người lớn, người bé đều mặc đẹp. Người nghèo bán đồ bán đạc lấy tiền xả láng… Trẻ con cũng vui thích vì chúc Tết thì nhận được tiền phong bao giấy đỏ. Chỗ nào cũng màu đỏ, màu vui sướng” (Charles-Edouard Hocquard, bác sĩ người Pháp, viết về Tết Việt cách đây hơn một thế kỷ).

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6388

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Kỷ niệm 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2013). Gương hy sinh của chị NguyễnThị Minh Khai

Kỷ niệm 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2013). Gương hy sinh của chị NguyễnThị Minh Khai

  • 28/01/2018 01:11
  • 1424

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910, tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, làm công chức hỏa xa ở Vinh, thường gọi là Hàn Bình. Mẹ là Đậu Thị Thư, quê Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh làm nghề buôn bán nhỏ.