Chùa Hòe Nhai ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Từ thời Lý, chùa có tên là Hồng Phúc Tự. Thời ấy, chùa nằm ven bờ sông Hồng, quang cảnh tấp nập đông vui với ngã ba sông Hồng - sông Tô Lịch ở Giang Khẩu, sát chợ Gạo; rồi đến bến Đông Bộ Đầu trên sông Hồng. Thế kỷ XVIII, năm Chính Hoà thứ 4 (1703), chùa Hồng Phúc được trùng tu lại với quy mô lớn và Tiến sĩ Hà Tông Mục ở phủ Phụng Thiên đã soạn văn bia, trong đó có ghi địa danh Đông Bộ Đầu, liên quan đến chiến công lẫy lừng của quân dân Đại Việt thời Trần năm 1258.
Chùa Hòe Nhai ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Từ thời Lý, chùa có tên là Hồng Phúc Tự. Thời ấy, chùa nằm ven bờ sông Hồng, quang cảnh tấp nập đông vui với ngã ba sông Hồng - sông Tô Lịch ở Giang Khẩu, sát chợ Gạo; rồi đến bến Đông Bộ Đầu trên sông Hồng. Thế kỷ XVIII, năm Chính Hoà thứ 4 (1703), chùa Hồng Phúc được trùng tu lại với quy mô lớn và Tiến sĩ Hà Tông Mục ở phủ Phụng Thiên đã soạn văn bia, trong đó có ghi địa danh Đông Bộ Đầu, liên quan đến chiến công lẫy lừng của quân dân Đại Việt thời Trần năm 1258.
Phố Hàng Than, Hà Nội.
Về chiến công tại Đông Bộ Đầu, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi: “Vua và thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu đón đánh, cản phá được quân giặc”. Đã có một thời gian dài, một số nhà sử học theo Đại Việt sử ký toàn thư mà xác định rằng: Đông Bộ Đầu là địa danh thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ). Sau đó, năm 1965, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà sử học Vũ Tuấn Sán, bằng những phân tích logíc và kết quả nghiên cứu tấm văn bia năm 1703 ở chùa Hoè Nhai đã khẳng định, Đông Bộ Đầu chính là một bến sông thuộc phường Hoè Nhai của Thăng Long, ghi dấu chiến thắng của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1258: “Bia đề ngày 21 tháng Chạp năm 24 hiệu Chính Hoà triều Lê (1703 – đời Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, có đoạn:“Đại Việt Thăng Long Thành chi Đông Bộ Đầu Hoè Nhai phường hữu tự danh Hồng Phúc Đài Lô giang nhi khâm Tô Lịch, khống Tản lĩnh nhi củng Thần cư”.
Tạm dịch:
“Phường Hoè Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt có ngôi chùa tên là Hồng Phúc, lấy Lô giang (sông Hồng) làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về cung vua”(1)
Nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc cũng khẳng định, con đường trồng toàn cây hoa hoè, nên gọi là đường Hoè đi thẳng từ bến Đông Bộ Đầu vào phía bắc Hoàng Thành. Các sĩ tử đi thi, các quan lên kinh thành từ sông Cái lên bến Đông Bộ Đầu mà vào thành Nội. Như vậy, Đông Bộ Đầu là một bến quan trọng ở vị trí đắc địa để quan- sĩ theo đường thuỷ ra vào Hoàng Thành.
Đầu năm 1258, kinh thành Thăng Long bị giặc Nguyên Mông xâm chiếm. Tướng giặc là Ngột Lương Hợp Thai chiếm bến Đông Bộ Đầu để trấn giữ vị trí quan trọng ở phía đông Thăng Long. Lúc này, vua tôi nhà Trần đã thực hiện rút lui chiến lược, xuôi về bãi sông Thiên Mạc (Hưng Yên) để bảo tồn lực lượng; nhân dân làm vườn không nhà trống (gọi là kế “thanh dã”), khiến địch chiếm kinh thành trống rỗng. Chờ cho quân địch mỏi mệt, thiếu lương thực, vũ khí, đêm 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7, tức đêm 28 rạng sáng ngày 29/1/1258, quân dân nhà Trần từ Thiên Mạc chia làm hai cánh thủy bộ phản công quân địch. Vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy cánh quân thuỷ từ sông Thiên Mạc lên sông Hồng đổ bộ vào đại bản doanh của địch ở Đông Bộ Đầu. Tướng tiên phong Trần Khánh Dư chỉ huy kỵ binh chủ động tấn công kỵ binh địch. Sau đó, các lực lượng bộ binh và kỵ binh đã hợp sức chia cắt địch ra mà đánh. Quan tướng của Ngột Lương Hợp Thai tháo chạy lên Bạch Hạc (Việt Trì), đến vùng Quy Hoá, lại bị Hà Bổng đánh tập kích dữ dội, quân Nguyên chỉ còn vài nghìn lê về Đại Lý - Vân Nam.
Sáng 29/1/1258, vua Trần Thái Tông và tướng sĩ tiến vào kinh thành trong niềm hân hoan vui mừng của nhân dân. Trận quyết chiến chiến lược ở Đông Bộ Đầu làm cho địch bị đại bại. Vó ngựa quân Nguyên Mông chinh phục khắp Á – Âu đã phải quy hàng, thất bại trước sức mạnh của hào khí Đông A- Đại Việt.
Chiến thắng oanh liệt tại bến Đông Bộ Đầu được xác định lại địa điểm bởi tấm bia trong ngôi chùa cổ Hoè Nhai là sự kết hợp kỳ diệu của lịch sử và văn hoá trong tâm thức nhân dân mà cội rễ vẫn là văn hiến Thăng Long - Đại Việt.
Tam quan chùa Hòe Nhai, phố Hàng Than, Hà Nội.
Ngày nay, chùa Hoè Nhai là một trong những di tích - danh thắng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Chùa là chốn tổ của phái Tào Động - một thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam có từ thế kỷ XVII. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật cổ: 68 pho tượng cổ, 28 tấm bia chứa đựng nhiều tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu; khánh đồng lớn (cao 1m, rộng 1,5m) đúc năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ ba (1734) đời vua Lê Thần Tông (1619-1662); trống đồng niên hiệu Tự Đức (1848-1883. Đặc biệt, chùa có tượng Phật cưỡi trên lưng vua, tương truyền là vua Lê Hy Tông (1675-1705) vô cùng độc đáo. Di tích chùa Hòe Nhai được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia số 100 VH/QĐ ngày 21-01-1989.
Chùa Hòe Nhai, phố Hàng Than, Hà Nội.
Giữa phố cổ tấp nập người mua đặc sản bánh cốm - một nét riêng của văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, vẫn có một chốn thoáng đãng, tĩnh lặng của cõi Thiền để tĩnh tại và suy ngẫm. Lớp lớp văn hoá Lý - Trần - Lê Nguyễn còn đọng lại trên các pho tượng cổ, văn bia, khánh đồng, cử võng… Năm 2010, kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, chùa Hoè Nhai được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho tôn tạo nhà Tiền tế và một số hạng mục trong tổng thể kiến trúc.
Chiến thắng Đông Bộ đầu năm 1258 cách nay tròn 760 năm; nhưng mỗi khi đến thăm viếng chùa, thắp nén hương thơm, lại nhớ chiến công vang dội của quân dân nhà Trần, quyết tâm bảo vệ Thăng Long và câu thơ của Vua Trần Thái Tông: Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong.
Ths. Phạm Kim Thanh
(1) Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 77 (8/1965), tr.56-59)