Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/04/2010 11:31 2030
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với vị trí trọng yếu-là Kinh đô, trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-giáo dục của cả nước (các thời Lý-Trần-Mạc-Lê Sơ-Lê Trịnh); là đầu mối hành chính của các trấn-tỉnh ở Bắc Thành (từ đầu thời Nguyễn)..
Với vị trí trọng yếu-là Kinh đô, trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-giáo dục của cả nước (các thời Lý-Trần-Mạc-Lê Sơ-Lê Trịnh); là đầu mối hành chính của các trấn-tỉnh ở Bắc Thành (từ đầu thời Nguyễn)..

Thăng Long-Hà Nội luôn được quan tâm quản lí, bởi sự ổn định và phát triển của đô thị này có ảnh hưởng rất lớn đến các mặt chính trị-kinh tế-xã hội của cả nước.
Trong quản lí Thăng Long-Hà Nội, Nhà nước phong kiến rất coi trọng việc cử người đứng đầu đơn vị hành chính đặc biệt này. Trước hết, Nhà nước phong kiến chọn người trung thành, căn cứ vào hiệu quả công việc để cử người đứng đầu Thăng Long-Hà Nội. Điển hình cho nguyên tắc này là vào thời Trần, chức Đại An phủ Kinh sư phải là người từng trông coi các Lộ (đơn vị hành chính cao nhất ở địa phương lúc đó), sau đó, qua khảo duyệt để cử người có năng lực nhất về trông coi phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), rồi lại qua khảo duyệt lần nữa mới được cử về cai quản Kinh đô. Đầu thời Nguyễn, đứng đầu Thăng Long (Án phủ sứ Hoài Đức) đều là các tướng lĩnh xông pha trận tiền. Từ khi tỉnh Hà Nội được thiết lập, một bộ phận lớn các Tổng đốc Hà-Ninh là những võ quan cao cấp, nhiều người thuộc dòng tôn thất, hoặc rất thân tín với vua; bên cạnh những người có học vấn. Thứ hai, chọn người có học thức, có trình độ. Thăng Long-Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội của cả nước, phải xử lí rất nhiều công việc; mà còn là nơi hội tụ nhân tài, có đội ngũ quan lại rất đông đảo, có học thức của các cơ quan trung ương làm việc, mặt bằng dân trí cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Vì thế, để quản lí được Thăng Long-Hà Nội, không thể cử những vị quan ít học, trình độ kém; mà phải là những người có học, được đào tạo cơ bản, có năng lực. Mở đầu cho nguyên tắc này là Nguyễn Trung Ngạn (đỗ Hoàng giáp năm Giáp Thìn-1304) làm Kinh sư Đại doãn vào năm Tân Sửu đời Vua Trần Dụ Tông (năm 1341). 12/13 Phủ doãn Phụng Thiên từ thời Lê Sơ là các Tiến sĩ; con số tương tự đối với thời Mạc là 6/8 (2 người còn lại là Hương cống); thời Lê-Trịnh là 15/18. Họ là những Tiến sĩ “học thật, thi thật và hầu hết đều trở thành người tài thật”, hay “tài xứng kỳ danh, danh xứng kỳ đức”.

Lung linh hồ Gươm

Trong 30 năm đầu thời Nguyễn (1802-1831), việc đào tạo bị gián đoạn, triều đình cử các võ quan nắm giữ chính quyền Thăng Long, song cũng cố gắng lựa chọn những người tương đối có học thức. Sau đó, khi việc giáo dục và khoa cử Nho học ổn định trở lại, triều đình lại cử những người thuộc tầng lớp văn quan, khoa trường, đỗ đạt cao vào bộ máy chính quyền Hà Nội, nhất là với chức Tổng đốc (cai quản cả Hà Nội-Ninh Bình). Từ đời Vua Minh Mệnh (1820-1841) trở đi, phần lớn những người đứng đầu chính quyền Hà Nội nếu không là Tiến sĩ thì cũng là Hương cống-Cử nhân. Nhiều người khá nổi tiếng trên văn đàn, chính đàn. Có những thời điểm, triều đình phải cử các võ quan đảm nhiệm chức vụ đứng đầu chính quyền tỉnh Hà Nội, song cũng là người tương đối có học thức hoặc xuất thân từ những gia đình có học.

Thứ ba, chọn người có đức hạnh: Phần lớn những người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội là những bậc đại khoa, trung khoa, thấm nhuần lí tưởng sống của kẻ sĩ là “Thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (người quân tử ăn không cần no, ở không cần sang), gắng tu thân để “Thành danh, lập ngôn, lập công, lập đức”, để “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Do vậy, phần lớn họ là người có đức hạnh, đem hết tài năng của mình phụng sự đất nước, vì sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Nhiều người sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Thăng Long được đề bạt lên Phó tể tướng, Thượng thư, được cử đi sứ. Số người bị giáng chức, cách chức chiếm tỉ lệ rất thấp. Nhiều người thể hiện một nhân cách khẳng khái, cao cả, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ Thăng Long, như Lê Giốc, Hoàng Diệu...

Cuối cùng, có chế độ thỏa đáng đối với người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội. Trừ giai đoạn từ 1831 đến 1888 dưới triều Nguyễn, Thăng Long nằm trong tỉnh Hà Nội-một tỉnh có quy mô lớn cả về diện tích và dân số; còn các thời kì, giai đoạn khác, Thăng Long có quy mô nhỏ, song lại là đơn vị hành chính đặc biệt; là đô thị lớn, trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của cả nước, là “bộ mặt quốc gia”; dân cư đa dạng về thành phần xuất thân, hoạt động kinh tế và các mối quan hệ xã hội, nên việc quản lí nó mang nhiều nét đặc thù, có phần phức tạp. Trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội rất lớn, công việc rất nhiều, không chỉ quan hệ đến đời sống thường ngày của đô thị này mà còn liên quan trực diện với triều đình trung ương và với các địa phương khác. Do vậy, Nhà nước các thời luôn có chế độ thỏa đáng với họ. Phẩm hàm, lương bổng của người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội ở các thời đều ngang bằng so với người đứng đầu các trấn (tỉnh) lớn, ngay cả trong giai đoạn đầu của triều Nguyễn, Thăng Long không còn là Kinh thành, chỉ là một phủ bình thường (phủ Hoài Đức).

Nghiên cứu việc chọn cử người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội của cha ông giúp cho chúng ta hiểu được cung cách quản lí một đô thị lớn, giữ vai trò là Kinh đô của đất nước qua gần 800 năm mà còn rút ra được những bài học kinh nghiệm của quá khứ cho việc quản lí Thủ đô Hà Nội hiện nay, nhất là việc hình thành bộ máy cùng cơ chế quản lí, đào tạo và sử dụng cán bộ (trong đó có người đứng đầu); góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại và văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long-Hà Nội.
Theo 1000namthanglonghanoi.vn
luutruvn.gov.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6646

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Hoàng Diệu - Người quyết tử để giữ thành Hà Nội

Hoàng Diệu - Người quyết tử để giữ thành Hà Nội

  • 28/04/2010 10:48
  • 2173

Hoàng Diệu không phải người Hà Nội, nhưng cụ đã tuẫn tiết vì Hà Nội, để rồi cùng với lớp lớp những anh hùng hào kiệt, đem tài năng, đức độ, trí tuệ và cả xương máu hiến dâng cho mảnh đất linh thiêng này.