Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/04/2010 10:48 2172
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hoàng Diệu không phải người Hà Nội, nhưng cụ đã tuẫn tiết vì Hà Nội, để rồi cùng với lớp lớp những anh hùng hào kiệt, đem tài năng, đức độ, trí tuệ và cả xương máu hiến dâng cho mảnh đất linh thiêng này.
Hoàng Diệu không phải người Hà Nội, nhưng cụ đã tuẫn tiết vì Hà Nội, để rồi cùng với lớp lớp những anh hùng hào kiệt, đem tài năng, đức độ, trí tuệ và cả xương máu hiến dâng cho mảnh đất linh thiêng này.
Hoàng Diệu (tự là Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai) sinh năm 1829 trong một gia đình nho học phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).


Tượng thờ cụ Hoàng Diệu, tại thành Cửa Bắc, Hà Nội.


Cha mất sớm, mẹ phải tần tảo quanh năm làm ruộng, chăn tằm nuôi anh em Hoàng Diệu ăn học. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, tới năm 16 tuổi nhờ chăm chỉ đèn sách, Hoàng Diệu đã nổi tiếng khắp vùng về văn thơ và tài ứng đối thông minh. Năm 21 tuổi (1848), Hoàng Diệu thi Hương đỗ cử nhân; năm 26 tuổi (1853) đỗ Phó Bảng và được bổ nhiệm làm Tri phủ Tuy Phước. Tấm gương liêm khiết Suốt 30 năm kinh qua nhiều chức quan lớn, nhỏ (tri phủ Đa Trúc, tri phủ Lạng Giang, án sát Nam Định, bố chính Bắc Ninh…) nhưng cụ vẫn luôn giữ trọn đạo làm quan, cương trực, liêm khiết, hết lòng vì dân, được nhân dân vô cùng kính trọng và yêu mến. Ở gia tộc cụ còn lưu truyền câu chuyện: Làm quan xa nhà, có lần Hoàng Diệu gửi về biếu mẹ một tấm áo bằng lụa để tỏ lòng hiếu thảo. Nhưng bà lặng lẽ gửi trả lại con trai kèm theo một chiếc roi, hàm ý khuyên con làm quan phải luôn giữ liêm khiết, hết lòng lo việc dân, việc nước, như thế là tròn đạo hiếu. Nhận được tấm áo kèm chiếc roi mẹ gửi, Hoàng Diệu hiểu ngay ý mẹ già ở quê. Từ đó, ông nguyện một lòng sống thanh bạch dù cho cảnh nhà có thiếu thốn.


Dấu tích hai vết đạn đại bác của quân đội Pháp bắn vào thành Hà Nội
trong đợt đánh chiếm thành lần thứ 2 ngày 25/4/1882.
Tổng đốc Hoàng Diệu đã anh dũng chỉ huy quân dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ thành.

Gần dân, thân dân, vì dân Làm quan ở nhiều nơi, nhưng ở đâu Hoàng Diệu cũng nổi tiếng chí công vô tư, thân dân, gần dân và hết lòng chăm lo cho cuộc sống của dân. Cụ không bao giờ nói suông, mà luôn an dân bằng những việc làm hết sức cụ thể. Năm 1878, ở Quảng Nam xảy ra lũ lụt lớn. Nhiều huyện lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, bệnh tật, trộm cướp. Dân chúng vô cùng đói khổ, phải ăn củ chuối để sống qua ngày. Khi ấy, Hoàng Diệu được vua Tự Đức tin tưởng giao chức Khâm sai đại thần, lo việc chẩn tế, an dân, dẹp trừ nạn cướp bóc. Nhờ tài năng và đức độ của mình, cụ đã sớm hoàn thành trọng trách. Để làm được điều ấy, cụ đã bám sát cuộc sống người dân và gần dân để thấu hiểu nỗi thống khổ của họ, giúp dân trừ bỏ kẻ ác. Như việc cụ giúp dân trừ tên cường hào Hương Phi ở làng Giao Ái chuyên lợi dụng tình hình nhiễu nhương, tổ chức bọn tay chân đi cướp bóc, ức hiếp dân lành. Sau khi điều tra, thu thập đủ chứng cứ, cụ cho niêm yết tội trạng của tên cường hào trước khi lên án trảm quyết. Dân chúng từ đó yên tâm khắc phục thiên tai, phục hồi sản xuất, bọn cướp cũng không dám hoành hành nữa. “Lệnh cấm trừ tệ” Khi nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), chỉ một thời gian ngắn cụ đã hiểu được nỗi thống khổ của dân là do bọn lý dịch thông đồng với bọn vô lại ức hiếp, nhũng nhiễu dân trong các dịp ma chay, cưới xin. Chúng còn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ. Lập tức, cụ ra “Lệnh cấm trừ tệ” niêm yết năm 1881 nhằm lên án và nghiêm cấm những thói hư này. Cụ cho khắc lệnh cấm trên lên bia, dựng trước nha môn để mọi người qua lại đều biết mà thực hiện (Dấu tích này ngày nay vẫn còn trên một bức tường ở cổng ra vào Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu). Sau khi bia được gắn, cụ theo dõi sát sao việc thi hành. Đồng thời, cụ cho xử phạt thật nặng, thật nghiêm những kẻ vi phạm để răn đe. Hà Thành từ đó ổn định. Bị vua quở trách, vẫn tu sửa thành vách Thời gian ra nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh cũng là lúc Bắc Kỳ nói chung và Hà Nội nói riêng đang bị thực dân Pháp âm mưu đánh chiếm lần thứ hai. Trong khi đó, triều đình Huế lại nhu nhược, chỉ muốn chủ trương thương lượng, không lo phòng thủ, kháng Pháp. Khi nhận ra nguy cơ bị xâm lược, Hoàng Diệu đã cấp báo xin triều đình tăng thêm viện binh, đem quân ở Thái Nguyên và Sơn Tây về tăng cường cho Hà Nội phòng thủ. Vua Tự Đức lúc ấy không những không nghe mà còn quở trách. Dù vậy, cụ vẫn cho người tu sửa lại thành vách, đắp thành cao thêm 1m5. Các cửa đều được làm lại bằng gỗ chắc chắn. Sau cửa chất nhiều bao đất. Cụ còn cho đào hào trước thành, đắp nhiều ụ đất, lập thêm các pháo đài, mộ thêm quân và huấn luyện binh lính sẵn sàng chiến đấu. Cụ biết chắc chắn sẽ có một cuộc xung đột lớn xảy ra giữa ta và Pháp ở Hà Nội.


Chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu.

Cái chết bi tráng của người giữ thành Điều gì tới cũng tới, rạng sáng ngày 25/4/1882, Henri Riviere gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu với lời lẽ láo xược yêu cầu cụ hạ hết khí giới, mở cửa thành và đến nạp mình cho quân Pháp. Nhưng cụ thà “thịt nát xương tan” cũng quyết không giao nộp thành. Và cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch đã nổ ra. Dù đang ốm, cụ vẫn cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng xông lên mặt thành đốc quân sĩ tử chiến với giặc. Quân ta bắn trả quyết liệt, nhân dân trong các phố tự thiêu huỷ nhà cửa, phố xá làm thành một bức tường lửa cản bước tiến của quân thù. Sự kháng cự anh dũng ấy của quân dân Hà Nội làm cho giặc Pháp hết sức bất ngờ. Giữa lúc trận đánh đang diễn ra căng thẳng thì kho thuốc súng của ta trúng đại bác, nổ cháy ngùn ngụt. Quân lính phần đông mới nhập ngũ, ít được huấn luyện, vũ khí lại thô sơ, nhiều súng thần công bắn không nổ, nhiều khẩu đại bác nổ chậm gây thương vong cho chính quân ta. Do đó tinh thần binh sĩ hoảng hốt, sợ hãi, hoang mang dao động. Trong khi đó, quân Pháp được trang bị 9 khẩu đại bác 40 ly, loại vũ khí hiện đại bấy giờ, quân số lại đông, lại nắm rõ các địa điểm bố trí binh lực của ta. Thành Hà Nội cuối cùng cũng bị vây hãm. Thấy thành bị vỡ, biết không thể kháng cự, Hoàng Diệu trở về ăn mặc chỉnh tề, tay cầm kiếm vào hành cung bái vọng rồi viết một tờ biểu để lại cho vua Tự Đức. Xong cụ tới Võ Miếu tuẫn tiết. Di biểu có đoạn: “Thần trộm nghĩ, Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, cũng là nơi trọng yếu của nước nhà, nếu một khi mà đổ sụp, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo. Vì thế, thần thường lo lắng đêm ngày, nên đã dâng sớ lên xin cho thêm viện binh để đề phòng thì lại bị bệ hạ quở trách. Thần đau đớn vô cùng…” Hà Nội thất thủ, cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết đã gây một nỗi xúc động sâu xa trong lòng người Hà Nội nói riêng và trên khắp đất nước. Bằng sự tuẫn tiết, Hoàng Diệu đã nêu tấm gương vì nước quên mình, khơi dậy lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần kiên quyết chống quân xâm lược ở lớp lớp người đương thời. Để rồi, với lòng biết ơn vô hạn, suốt 128 năm kể từ ngày cụ ngã xuống dưới chân thành, những con dân đất Việt hôm nay chưa bao giờ để hương khói nguội lạnh tại những nơi thờ cụ - vị Tổng đốc đáng kính của Hà Nội xưa!

Nguồn tin: Nguyễn Mạnh Quang (Dân Trí)
1000namthanglonghanoi.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6646

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Ông vua Việt Nam duy nhất lấy vợ người Âu châu

Ông vua Việt Nam duy nhất lấy vợ người Âu châu

  • 27/04/2010 16:15
  • 3013

Trong suốt chiều dài lịch sử của các triều đại vua chúa Việt Nam, hiếm có vị vua nào lên ngôi hai lần và có đến 4 bà vợ là người ngoại quốc như vua Lê Thần Tông. Đặc biệt, trong đó có một bà vợ là người Hà Lan, đây cũng chính là bà hoàng đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là người châu Âu. Tại một ngôi chùa ở Thanh Hóa -quê hương của các vị vua Lê vẫn còn dấu tích về các bà vợ của ông vua đặc biệt này.