Tục thờ cúng chó của người Dao là một nét văn hóa đẹp của cộng đồng, mang ý nghĩa thờ cúng tổ tiên. Đồng bào Dao “tắm” trong huyền thoại ấy hàng trăm năm và hiện tại, họ vẫn duy trì tục kiêng ăn thịt chó và dành cho “chú cẩu” sự tôn kính nhất định.
Tục thờ cúng chó của người Dao là một nét văn hóa đẹp của cộng đồng, mang ý nghĩa thờ cúng tổ tiên. Đồng bào Dao “tắm” trong huyền thoại ấy hàng trăm năm và hiện tại, họ vẫn duy trì tục kiêng ăn thịt chó và dành cho “chú cẩu” sự tôn kính nhất định.
Vài nét về cộng đồng người Dao
Người Dao từng được biết đến với các tên gọi: Mán, Trại, Dìu Miền, Đông, Làn Tiển, Đại Bản, Tiểu Bản, Kim Miền, Giáo, Lù Gang, Sơn Đầu, Cốc Ngáng, Cốc Mùn… Thực tế, các tên gọi này chỉ là định danh cho một nhóm địa phương trong cộng đồng người Dao trên lãnh thổ Việt Nam hơn là định danh chung cho cả tộc người; thậm chí, có trường hợp chỉ một nhóm địa phương nhưng được gọi bằng hai cách phát âm khác nhau (tùy theo nhận thức, thổ ngữ vùng miền). Hiện nay, định danh người/dân tộc Dao khá phổ biến, được đa số các nhà nghiên cứu chấp nhận.
Qua nhiều tư liệu, có thể khẳng định, người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc (Trần Hữu Sơn - Đề án “Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao”). Dẫu vậy, đến nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất về thời điểm cụ thể người Dao có mặt tại Việt Nam. Có tài liệu khẳng định người Dao cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đã gần một nghìn năm lịch sử. Tác giả Đào Thị Vinh trong Phong tục tập quán người Dao Thanh Hóa (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.15) cho rằng tộc người này hiện diện trên đất nước ta từ thế kỷ XIII. Tuy nhiên, nguồn tài liệu “truyền gia” (gia phả, sách vở trong gia đình) của đồng bào người Dao vùng miền núi phía Bắc lại hé lộ thông tin: thời điểm họ có mặt tại Việt Nam chỉ cách ngày nay từ 300 đến 400 năm. Họ Bàn là dòng họ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Nguồn tài liệu truyền ngôn của đồng bào Dao các tỉnh miền núi phía Bắc cũng cho biết: họ di cư sang Việt Nam theo quy mô lớn, lên tới hàng nghìn, hàng vạn người.
Thiếu nữ Dao trong trang phục truyền thống (ảnh: Internet)
Người Dao trên lãnh thổ Việt Nam có tới 7 nhóm (ngành) gồm: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y và Dao Làn Tiển/Tẻn. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương, số người Dao ở Việt Nam là 751.067 người. Người Dao tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Một số tỉnh có số lượng người Dao cư trú lớn là Hà Giang (gần 110.000 người, tương đương 15% dân số toàn tỉnh); Tuyên Quang (hơn 90.000 người, 12% dân số toàn tỉnh); Lào Cai (hơn 88.000 người, hơn 11% dân số toàn tỉnh); Yên Bái (hơn 83.000 người); Quảng Ninh (gần 60.000 người); Bắc Kạn (hơn 50.000 người); Cao Bằng; Lai Châu… Theo các tác giả Người Dao ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.12) thì trước thời điểm công trình này được xuất bản, nước ta có ít nhất 30 xã “toàn người Dao”.
Truyền thuyết Bàn Hồ hay tín ngưỡng thờ chó của người Dao
Chuyện Bàn Hồ - truyền thuyết về sự hình thành cộng đồng người Dao, kể về một con Long Khuyển và cuộc chiến giữa hai nhân vật huyền thoại: Bình Hoàng - Cao Vương. Long Khuyển vốn ở trên trời (yếu tố “long” - rồng) và được Bình Hoàng hết mực yêu quý. Khi Bình Hoàng quyết tâm tiêu diệt Cao Vương, Long Khuyển xin được nhận nhiệm vụ đó. Cảm kích trước sự dũng cảm của Long Khuyển, Bình Hoàng hứa rằng nếu nhiệm vụ kia hoàn thành, sẽ gả con gái cho Long Khuyển. Bàn Hồ (tên con Long Khuyển) bơi 7 ngày 7 đêm qua đại dương thì đến địa phận của Cao Vương.
Lễ hội Bàn Vương tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường, thị xã Hà Giang
(ảnh: hagiang.gov.vn)
Cao Vương thấy con chó dài 3 thước, lông đen mượt có vằn vàng cho là giống vật quý liền đem về nuôi trong cung. Nhân lúc Cao Vương say rượu, Long Khuyển chồm lên cắn chết, ngoạm lấy đầu rồi bơi về báo công. Bình Hoàng giữ đúng lời hứa, gả con gái cho Long Khuyển và ban cho một vùng đất (nay là Chiết Giang - Trung Quốc). Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 trai, 6 gái) và được nhạc phụ ban sắc thành 12 họ là họ Bàn, họ Mãn, họ Trần, họ Lan, họ Đặng, họ Tống, họ Phượng, họ Lương, họ Uyển, họ Triệu, họ Đới, họ Lưu…
Đây là 12 họ phổ biến trong cộng đồng người Dao; song từ nguồn tư liệu khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy: người Dao còn có một số dòng họ khác như họ Dương, họ Phan, họ Phùng… Nhiều khả năng, những họ này là các “nhánh” của 12 dòng họ lớn, hoặc do sự biến thể trong phát âm: Phan - Lan, Phùng - Phượng, Dương - Lương… Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết và cần thêm thời gian làm sáng tỏ.
Lễ cúng Bàn Hồ (Bàn Vương) mang ý nghĩa cúng tổ - một hình thức “ma nhà” của người Dao. Trước khi làm lễ cúng Bàn Vương, nếu gia đình có người gặp chuyện chẳng lành (con cái ốm đau, làm ăn thất bát…) người Dao sẽ soạn một mâm lễ “giải hạn”, cầu xin Bàn Vương phù trợ cho tai qua nạn khỏi. Trong khi cúng, gia chủ phải hứa với Bàn Vương: khi nào làm ăn khấm khá sẽ làm lễ cúng chính thức. Nghi thức này được gọi là “lễ khuất” (xin khất).
Tái hiện nghi thức cúng Bàn Vương của người Dao tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước” (nguồn ảnh: http://cinet.vn/)
Mâm lễ cúng tổ, ngoài các đồ hương khói thông thường, nhất thiết phải có một đôi “lợn thần” và hai chĩnh “rượu thần”. Sau khi ấn định ngày, gia chủ mời 3 thầy cúng về nhà chủ trì buổi lễ. Các thầy cúng lập 2 đàn (một đàn cao hơn dành cho Bàn Vương, đàn còn lại cúng gia tiên), mỗi đàn có một con lợn (làm sạch, bỏ lòng), gạo, bạc trắng (9 đồng), một chén nước, một chai rượu (chắt từ hai vò “rượu thần”), 5 cái chén, 5 cái bát và 5 đôi đũa.
Lễ cúng tổ tiên trong gia đình người Dao đỏ ở xã Nậm Lành - Văn Chấn - Yên Bái (ảnh: baoyenbai.com.vn).
Lễ cúng Bàn Vương diễn ra trong 3 ngày 3 đêm. Thầy cúng thực hiện các nghi thức mời Bàn Vương về chứng giám lòng thành của gia chủ và “đọc lại” các sự tích của Bàn Vương, từ khi được phong “Vương” đến lúc đẻ ra 12 người con rồi tỏa đi khắp mọi nơi lập họ, khai phá đất đai. Kết thúc lễ, thầy cúng đốt tiền ma, tiễn đưa Bàn Vương về lại quê cha đất tổ.
Tục thờ cúng chó của người Dao là một nét văn hóa đẹp của cộng đồng, mang ý nghĩa thờ cúng tổ tiên. Đồng bào Dao “tắm” trong huyền thoại ấy hàng trăm năm và hiện tại, họ vẫn duy trì tục kiêng ăn thịt chó và dành cho “chú cẩu” sự tôn kính nhất định.
PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ