* Hình thức Nữ Giới Chung
Nữ Giới Chung in khổ 29 x 41 cm, “có khổ tương tự các tờ tuần báo sau này, chỉ đóng dính lại bằng một sợi chỉ tơ tằm”(4). Mỗi số báo có 24 trang (tính từ trang bìa đến trang cuối cùng) trong đó, trang đầu tiên được sử dụng làm bìa và 10 trang dành cho quảng cáo. Riêng Nữ Giới Chung số 1 chỉ có 8 trang quảng cáo. Như vậy, thông thường Nữ Giới Chung có 13 trang chính. Số trang được đánh từ 2 đến 13 (trang một không đánh số trang) ở góc trên (bên trái cho số trang chẵn, bên phải cho số trang lẻ).
Trang bìa được trình bày gọn, cân đối, là trang cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho độc giả. Nằm trên một filê chạy ngang phía trên cùng của trang bìa là dòng thông tin về: số báo, ngày ra báo, năm ra báo. Phần dưới filê, giữa trang, là tên báo Nữ Giới Chung bằng chữ Việt in to, đậm, giữa mỗi từ có gạch nối; chữ Pháp (Fémina Annamite) và chữ Hán. Bên trái, ngang với dòng tên báo chữ Hán là giá báo bán lẻ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt bên phải. Kỳ xuất bản báo “Mỗi tuần xuất bản ngày thứ sáu” được ghi ngay dưới dòng tên báo chữ Hán này.
Tiếp đến, tên chủ nhân báo ở giữa trang; phía trái, tên tổng lý; phải, tên chủ bút. Dòng địa chỉ toà báo như một đường chia trang bìa thành hai phần trên - dưới đều nhau. Nửa dưới trang bìa đăng giá báo (giá bán năm, 6 tháng, từng số...) và giá rao hàng (rao việc công, bố cáo, truyền tin...). Cuối cùng là “Mục lục” với tên các chuyên mục, các mục nhỏ, tên các bài của từng số báo.
Đặc biệt, cuối trang bìa, dưới một filê chạy ngang, mỗi số đều có dòng chữ: “Vị nào mua báo, xin gởi mandat cho M. Lê Đức, Nữ Giới Chung, số nhà 15, đường Taberd, Saigon” thể hiện rõ việc phát hành báo được Nữ Giới Chung rất quan tâm.
Trang 1, Manchette của Nữ Giới Chung rất đơn giản. Trên: số báo, ngày ra báo, năm ra báo. Dưới: Tên báo, chữ Việt - Pháp - Hán đồng nhất với trang bìa.
Các trang trong Nữ Giới Chung là các bài viết được đặt dưới các chuyên mục: “Xã thuyết”, “Học nghệ”, “Gia chánh”, “Tạp trở” ..v..v.. Bài viết được đăng liên tục từ trang 1 đến trang 13. Tên các chuyên mục được in bằng hai thứ chữ Việt -Hán. Từ số 6 đến số 16 có thêm chữ Pháp, thứ tự là Việt - Pháp - Hán. Từ số 17 đến số cuối đổi lại thành Hán - Việt - Pháp.
Mỗi trang báo được chia thành 3 cột, dãn cách bằng một filê kéo dài. Hai chuyên mục trong cùng một trang báo luôn được ngăn cách bởi một filê chạy ngang.
Nữ Giới Chung được biên tập cẩn thận, ít lỗi, nếu có thường có phần đính chính, sửa lỗi ngay ở số tiếp theo. Tuy không nhiều, Nữ Giới Chung đã dùng một số tranh vẽ minh họa, đặc biệt trên các trang quảng cáo để tăng thêm phần hấp dẫn.
Tóm lại, Nữ Giới Chung toát lên là một tờ báo có tính cách nghiêm túc. Khổ báo, số trang, trang bìa luôn nhất quán từ số đầu đến số cuối. Hình thức trình bày tờ báo, bố cục trang báo cân đối, hợp lý, có tính linh hoạt.
* Các chuyên mục trên Nữ Giới Chung
Thông thường mỗi số Nữ Giới Chung gồm 8 chuyên mục: “Xã thuyết”, “Học nghệ”, “Gia chánh”, “Văn uyển”, “Tạp trở”, “Thời đàm”, “Truyện ký”, “Tiểu thuyết”. Số chuyên mục này không có tính chất cố định, có số báo chỉ có 5 trong số các chuyên mục trên [NGC số 16], có khi lại xuất hiện thêm chuyên mục mới: “Đồng thoại” [NGC, số 18]. Như vậy, trên các số Nữ Giới Chung, ít nhất có 5 chuyên mục và nhiều nhất có tới 9 chuyên mục.
Mục Xã thuyết: Được coi là chuyên mục tạo nên “tinh thần của bổn báo”, nội dung của các bài xã thuyết chính là nội dung lớn nhất, chính yếu của tờ báo. Chủ yếu các bài này đề cập đến: Vị trí, vai trò của người phụ nữ và vấn đề nữ quyền và nam nữ bình quyền.
Mục Học nghệ: phổ biến những nghề nghiệp chuyên môn như: nghề đặt dầu thơm, nghề làm trà tàu, làm muối, làm mắm, làm ngà giả, làm rượu bọt, làm giấm, làm xà bông, cách lấy hơi thơm trong các thứ bông, làm đường, nghề nuôi cá, chụp hình, làm phổ mách (fromage), làm pháo, nghề nhuộm, chế tơ giả từ chỉ chuối, chế tác san hô - hổ phách, bào chế thuốc trị nọc rắn, làm đồ hộp…
Có những nghề người phụ nữ Việt Nam đã biết (làm muối, làm mắm, giấm, nuôi cá...) nhưng một số nghề lại hoàn toàn mới được du nhập vào Việt Nam (chụp hình, làm đồ hộp, đặt dầu thơm...)
Mục Gia chánh: đem đến cho độc giả những kinh nghiệm, hiểu biết, cách sống hàng ngày; cách ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Mục “Học nghệ” và Xã thuyết trên báo Nữ Giới Chung.
Mục Văn uyển: gồm các bài thơ, ca, vịnh, phú, văn tế, câu đối…Ngoài “Xã thuyết”, “Văn uyển” là chuyên mục thứ hai được bà chủ bút Sương Nguyệt Anh rất quan tâm. Trực tiếp làm thơ đăng báo đồng thời, bà chọn lọc, kiên quyết không cho đăng nếu chưa tìm được những bài thơ “hay”, có ý vị. “Hay” ở đây, theo bà có nghĩa phải giúp người phụ nữ hiểu vận nước; từ đó kêu gọi, thức tỉnh tinh thần dân tộc của họ.
Mục Tạp trở: đăng các bài về phụ nữ, chính trị, văn hóa - xã hội, kiến thức mới về khoa học tự nhiên và xã hội….
Mục Thời đàm: đăng tin thời sự ở Sài Gòn, Lục tỉnh Nam Kỳ.
Mục Truyện ký: một số gương liệt nữ, phụ nữ đức tài trong nước được Nữ Giới Chung chọn đăng trên chuyên mục này.
Mục Tiểu thuyết: đăng liên tục hai tiểu thuyết: Băng thuyết nhân duyên (dịch tiểu thuyết Tàu) và Truyện một ngàn và một ngày (phỏng theo truyện Ngàn lẻ một đêm của phương Tây).
Mục Đồng thoại: xuất hiện ở 4 số cuối cùng của Nữ Giới Chung, nhằm “lựa chọn những truyện trong sách Tây sách Tàu hay truyện xưa truyện nay ở nước ta để cống hiến cho các bạn thiếu niên của bổn báo” do Nguyễn Mạnh Bổng (bút danh Nguyễn Song Kim) phụ trách với những lời bàn đầy hàm ý và sâu sắc.
Ngoài ra, mục “Cẩn cáo” (hay có số gọi là “Kính khải”, “Cần khải” hoặc “Lời rao cần kiếp”) bản báo thông tin về: việc thay đổi kỳ báo, thay đổi các chuyên mục, đề nghị độc giả trả tiền báo góp năm...
* Vài nét về tác giả Nữ Giới Chung
Nữ Giới Chung quy tụ gần 100 tác giả, cộng tác viên với gần 500 tác phẩm, bài viết các thể loại, trong đó chủ yếu là nữ (số tác giả nam giới chỉ chiếm không quá 10 %), tiêu biểu như: Sương Nguyệt Anh, Trần Thị Đào, MlleLiễu, Thiên Hương, Lê Ái Kiều ... Điều đó cho thấy, phụ nữ là người tạo nên diện mạo chính của tờ báo phụ nữ đầu tiên trong lịch sử, và rõ ràng chính người phụ nữ đã tự nhận thức được vấn đề của mình, tự nói lên tiếng nói của mình - một quyền lợi chính đáng mà đến bây giờ họ mới có được.
Đội ngũ tác giả của Nữ Giới Chung trải rộng trên phạm vi cả nước. Đóng góp cho tờ báo, số đông là các tác giả Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và Lục tỉnh Nam Kỳ như: Trà Vinh, Biên Hòa, Long Xuyên, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Từ Nữ Giới Chung số 10 trở đi, trên một số chuyên mục, xuất hiện các tác giả Bắc Kỳ như: Hà Nội, Nam Định, và Trung Kỳ như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết... Đặc biệt, một tác giả ngụ tại Pnômpênh gửi bài đăng trên Nữ Giới Chung rất đều đặn.
Thành phần các tác giả. Các tác giả Nữ Giới Chung thuộc tầng lớp tư sản, tiểu tư sản thành thị. Tên tác giả ký dưới các bài báo thường xuyên có những từ tiếng Pháp đứng trước như: Madame (quí bà), Mademoiselle (quícô)... Họ là những văn sĩ, trí thức tân học, nhà thơ, dịch giả, những viên chức của chính phủ, vợ của những người làm việc trong sở công hoặc tư, nữ học sinh ..v..v..
Các tác giả Nữ Giới Chung đều ký tên thật (có khi kèm theo địa chỉ). Số ít ký bút danh: Nguyễn Văn Vĩnh, bút danh Nguyễn Thị Bồng; Nguyễn Mạnh Bổng, bút danh Nữ sinh Nguyễn Song Kim, Ái Hoa, Mân Châu.
Một tác giả Nữ Giới Chung ký tên thật và kèm theo địa chỉ.
* Ngôn ngữ, văn phong
Tiêu chí “dễ hiểu” được triệt để tôn trọng trên Nữ Giới Chung. Khởi xướng là bà chủ bút Sương Nguyệt Anh, trên “Lời tựa đầu”, Nữ Giới Chung số 1, bà viết: “Phàm trong bài nào, hoặc có câu nào chữ Nho, thì dưới lại xin chú thích minh bạch, đặng bạn đọc báo khỏi phiền về cùng một tiếng nói, mà thành như cái ranh hạn vô hình”. Và ngay trong “Lời tựa đầu”- một bài báo đầu tiên của tờ báo, dài khoảng 1500 từ, bà Sương Nguyệt Anh đã dùng tới 89 chú thích.
Bà Sương Nguyệt Anh dùng rất nhiều chú thích trong bài viết đăng trên
Nữ Giới Chung số 1, ngày 1-2-1918.
Với một đội ngũ người viết trải rộng, Nữ Giới Chung có sự hòa đồng giữa ngôn ngữ, văn phong xứ Bắc và Nam. Khảo sát mỗi số báo, thậm chí trên cùng một trang báo Nữ Giới Chung, có bài mang đậm tính cách Nam Kỳ (lối văn đơn giản, mộc mạc, cách dùng từ: “bổn báo”, “đờn bà”, “trách nhậm”... hay viết sai do phát âm sai: “diều dắc”, “nhơ nhuốt”...) lại có bài rất chải chuốt, cân xứng, đăng đối của văn phong miền Bắc.
Nữ Giới Chung được phát hành rộng rãi khắp Bắc-Trung-Nam là một điều thuận lợi để độc giả có thể hiểu được ngôn ngữ địa phương của từng miền, góp phần thống nhất ngôn ngữ trong cả nước.
Với tư cách là một tờ báo chuyên biệt dành cho phụ nữ, có thể nói Nữ Giới Chung là tờ báo có nhiều nét đặc sắc trong báo giới Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tường Khanh
Chú thích:
(4). Mai Huỳnh Hoa: Đôi nét về bà Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ tuần báo Nữ Giới Chung. Tạp chí Văn học, số 3, 1983, tr 144.