Nữ Giới Chung là một trong 6 tờ báo xuất bản theo chủ thuyết của Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut, thuộc dòng báo chí công khai hợp pháp. Đây là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.
Nữ Giới Chung là một trong 6 tờ báo xuất bản theo chủ thuyết của Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut, thuộc dòng báo chí công khai hợp pháp. Đây là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Vì thế, việc Nữ Giới Chung ra đời là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, báo sống không lâu. Nữ Giới Chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, ra số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1-2-1918. Số cuối ra ngày 19-7-1918, nghĩa là tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.
Nữ Giới Chung số đầu tiên xuất bản vào thứ sáu, ngày 1-2-1918.
Mỗi số Nữ Giới Chung có 24 trang, khổ 29 x 41 cm. Báo in typô, mỗi số in 4000 bản, đặc biệt số 4, 5, 6 in thêm 2000 bản để gửi tặng. Báo in tại Nhà in Alberd PORTAIL, đường Rudyard Kipling (nay là Nguyễn Siêu), Sài Gòn (1).
Tên gọi của tờ báo - Nữ Giới Chung, nghĩa là tiếng chuông của giới phụ nữ. Trong “Lời tựa đầu” số 1, Sương Nguyệt Anh nêu rõ lý do tờ báo mang tên Nữ Giới Chung:
Người xưa có câu thơ đề chuông rằng: “một tiếng khua vang năm hồ bốn biển”. Bổn báo tài nhỏ sức mọn, đâu dám tự phụ như cổ nhân, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá liều như lời tục nói: “vác chiêng đi đánh nước người, chẳng kêu cũng đánh một hồi lấy danh”. Nghĩa chỉ có ý muốn tỷ mình như chuông báo thức, kề tai mấy tiếng, kêu nhau trong chị em nhà. Bởi thế nên lấy tên Nữ Giới Chung mà đặt hiệu báo.
Mục đích, tôn chỉ
Cũng trong “Lời tựa đầu”, Sương Nguyệt Anh bày tỏ mục đích của Nữ Giới Chung là:
Đề xướng việc nữ học, chẳng dám can thiệp đến cả chánh trị, cũng chẳng dám đua tranh với bực tài trai” để, trước, “giúp trong bạn gái gây cái nền tứ đức”; sau, “gây lấy hai bực. Một “phổ thông”, hai “thiệt nghiệp”. Phổ thông là bất cứ giàu, nghèo, sang, hèn, ai cũng có chút học thức trong não. Thiệt nghiệp là nhứt thiết đờn bà con gái ai cũng có một nghề nghiệp trên tay.
Sương Nguyệt Anh nói rõ 4 tôn chỉ của tờ báo:
1 - Vun trồng gốc luân lý - Từ cách ăn thói ở các bà hiền triết đời một lò, đúc cái gương đạo đức, soi chung với bạn má đào.
2 - Trau dồi lẽ biết thường - Lược đại khái những học thuật xưa nay, các hiện trạng trong ngoài, cuộc đời biến đổi làm sao, thân ta quan hệ thế nào, lấy lời giản dị, tỏ nghĩa cao sâu, đặng thích hiệp với trình độ đờn bà nước ta, mà có cái kiến thức tương đương với người nam tử.
3 - Gây dựng cuộc công thương - Diễn các khoa chuyên môn thiệt dụng, tả những sự chiến tranh vô hình, kêu nhau đem nghề tay đua bơi với đồ máy, trọng thổ hóa vừa giữ lấy lợi quyền.
4 - Liên lạc mối cảm tình - Tỏ cái nghĩa chủng tộc kết một giải đồng tâm hiệp cả Bắc, Trung, Nam, làm một đoàn thê lớn, cho rộng đường phổ thông, mau chơn tấn bộ.(2)
“Lời tựa đầu” số 1, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh nêu rõ lý do tờ báo mang tên Nữ Giới Chung.
Chủ nhân: Henri Blaquière. Ông này cũng là Tổng lý tờ Le Courrier Saigonnais (1889; -), một tờ báo tiếng Pháp tư nhân ở Sài Gòn và có cùng trụ sở với Nữ Giới Chung. Blaquière là chủ nhân Nữ Giới Chung và là người chịu trách nhiệm trước nhà cầm quyền Pháp về tờ báo chỉ trên danh nghĩa. Bởi vì lo việc cho tờ Le Courrier Saigonnais, trông coi mấy héc ta cà phê ở Đồng Nai khiến cho Blaquière quá bận rộn, không còn thời gian dành cho Nữ Giới Chung.
Tổng lý: Trần Văn Chim, một văn sĩ Bắc Kỳ vào Nam lập nghiệp. Thực chất, Trần Văn Chim là người trông coi chính tờ Nữ Giới Chung, kể cả về tài chính để tờ báo tồn tại.
Nữ Giới Chung là tờ báo Việt ngữ tư nhân, để có thể sống được, một phần do lợi nhuận của chính tờ báo đem lại, nhưng phần lớn do Trần Văn Chim cấp vốn. Blaquière “không bỏ đồng nào vô việc mua giấy, việc trả tiền cho nhà in” (3)
Chủ bút: Sương Nguyệt Anh, người trông coi toàn bộ bài vở Nữ Giới Chung, giữ cho tờ báo luôn đi đúng mục đích tôn chỉ.
Trông coi việc phát hành: Lê Đức.
Giá báo được đăng ngay ở trang bìa. Giá bán lẻ là 10 xu; 1 tháng là 50 xu; 6 tháng là 3 đồng; một năm là 5 đồng, với học trò, binh lính được giảm là 4 đồng/năm; người Pháp là 25f. Cho đến số cuối cùng giá báo Nữ Giới Chung không thay đổi.
Giá rao hàng trên Nữ Giới Chung: việc công, mỗi hàng giá 1 đồng; Lời bố cáo và truyền tin 1,2 đồng. Báo cũng đăng rõ: “rao về việc buôn bán nghiệp nghệ, thì đến thương nghị với bổn quán”.
Về việc phát hành
- Phạm vi: không chỉ bó hẹp trong Sài Gòn - Nam Kỳ, Nữ Giới Chung được phát hành rộng khắp toàn Đông Dương.
- Phương thức phát hành: phổ biến nhất, Nữ Giới Chung được phát hành theo đường bưu điện. Trang đầu, số 1, có dòng: “Vị nào chiếu cố mua báo, xin đề rõ chỗ mình ở thuộc về nhà dây thép nào, đặng sau gởi báo cho khỏi lầm lạc”.
Ngoài ra, báo Nữ Giới Chung đến tay độc giả qua các đại lý bán sách, báo trên đường phố Sài Gòn như: đường Charner (Nguyễn Huệ hiện nay), đường Macmahon (Nam Kỳ khởi nghĩa hiện nay) v..v.. Nếu báo không bán hết, các chủ sạp có thể gửi trả lại tòa báo.
Một số lượng đáng kể độc giả Nữ Giới Chung đặt mua báo trước một năm. Về sau, khi gặp khó khăn, tờ báo đăng liên tục trên 6 số (Nữ Giới Chung số 13, 14, 15,16, 17, 18) nhắn độc giả gửi mandat trả tiền báo.
Độc giả có thể đăng ký mua báo góp năm, nửa năm, riêng góp tháng, toà báo chỉ bán trong các sở ở châu thành Sài Gòn mà thôi.
Trụ sở báo Nữ Giới Chung đặt tại số 15, đường Taberd, Sài Gòn (Nay là đường Nguyễn Du).
Tường Khanh
Chú thích:
(1). Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đăng (cb). Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Mình (tập 2: Văn học-báo chí-giáo dục). NXB TPHCM, 1988, tr 656.
(2). Nguyên văn Nữ Giới Chung số 1, ngày 1-2-1918.
(3). Nguyễn Phương Thảo: Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1990, tr 149.