Bá Hiến là một trong 10 xã của huyện Bình Xuyên - một huyện giáp danh được coi là cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, vùng đất "bán sơn địa" với địa hình đồi gò thấp có lịch sử/văn hoá lâu đời.
Bá Hiến là một trong 10 xã của huyện Bình Xuyên - một huyện giáp danh được coi là cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, vùng đất "bán sơn địa" với địa hình đồi gò thấp có lịch sử/văn hoá lâu đời.
Xã Bá Hiến được biết tới là xã thuần nông, với các thôn xóm trù phú và mật độ dân cư đông đúc cư trú trên những gò đất cao ráo được hình thành từ hậu kỳ đá cũ cách ngày nay trên dưới 20.000 năm. Đâu đó, trong mỗi phong tục tập quán của đời sống thường nhật nơi đây ta vẫn cảm nhận truyền thống lịch sử lâu đời ấy: thấp thoáng một mái đình, một phế tích nền chùa cổ, cây đa, bến (giếng) nước... Đặc biệt nơi đây có cả hệ thống giếng cổ xây dựng từ thời Lê sơ, cách ngày nay hơn 500 năm nằm rải rác ở các thôn trong xã mà chúng tôi đã có dịp đề cập. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài cảm nhận bước đầu khi có dịp tham quan, khảo sát một vài điểm di tích ở các thôn trong xã Bá Hiến.
Bia đá đình Quang Vinh
Đầu tiên là các di tích chùa. Mỗi làng trong xã đều có một ngôi chùa, thời gian qua đi với bao biến đổi lại tạo nên những dáng vẻ riêng. Những ngôi chùa hiện nay đều có qui mô nhỏ bé, nhiều chùa đã trở nên hoang phế rất cần được các cấp chính quyền quan tâm tôn tạo trong thời gian tới.
Một trong số ấy là chùa Quang Vinh, với tên chữ là
Thanh Lam tự nằm trên gò cao ngay ở đầu làng Quang Vinh. Hiện nay mặt bằng chùa rất nhỏ bé giống như một am thờ, song trên thế đất ấy có thể hình dung phần nào qui mô to lớn vốn có của chùa. Trên lối chính dẫn từ cổng vào sân chùa còn lưu giữ cây hương bằng đá sa thạch xám ngả xanh, cao 1,08m, rộng 19,5cm, dày 12,5cm, hai bên trang trí hình rồng và hoa dây hình sin. Hoa văn đều đã mờ. Bia được dựng vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Nội dung văn bia nói về lịch sử lâu đời và quá trình tồn tại của ngôi chùa Thanh Lam với nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Khi ấy ngôi chùa thuộc thôn Phù Hộ, xã Bá Hạ, huyện Bình Tuyền. Hệ thống Tam bảo không còn nhiều tượng, song trong đó một số pho mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cột đá chùa Thích Chung
Ngôi chùa làng Thích Chung lại gây ấn tượng đặc biệt với tam quan bằng đá xanh dựng vào năm Bảo Thái thứ 3 (1722) hiếm thấy. Đá màu xanh xám, tròn, cột cao 2,75m với những hoạ tiết hoa văn trang trí hoặc để trơn. Tam quan có mặt bằng hình gần chữ nhật tạo thành hai chái hai bên với khẩu độ các bước gian 2,3m và 1,7m (ảnh).
Trong chùa cũng còn lưu giữ cây hương nhỏ được làm từ đá sa thạch màu nâu xám, dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tám (1712). Nội dung ghi trên cây hương cho biết đến ý nghĩa của việc dựng cây hương trong khuôn viên chùa, với sự đóng góp công sức của bà con trong làng.
Cây hương đá chùa Quang Vinh
Với các ngôi đình, đáng chú ý nhất là đình của thôn Quang Vinh nằm trên gò đất cao ở phía đầu làng. Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, với nhiều lần trùng tu, sửa chữa hiện nay mặt bằng của đình đã bị thu hẹp, với kiến trúc xây vôi vữa phảng phất phong cách hồi đầu thế kỷ 20, các câu đối hai bên trụ biểu đều mới được chép lại khá phù hợp với không gian khiêm nhường. Đáng chú ý vật liệu xây dựng đình đều sử dụng loại đá ong được khai thác tại địa phương. Các di vật lưu trong đình là các hoành phi, câu đối và đại tự gỗ sơn son thếp vàng, niên đại đầu thế kỷ 20. Mé sau vườn của đình còn lưu giữ tấm bia đá xanh, cao 1,2m, rộng 0,58m, dày 13,5cm của Hội Tư văn. Mặt trước trang trí hổ phù ngậm chữ Thọ và hồi văn chữ Vạn ghi chép về việc dựng Từ chỉ. Mặt sau trang trí hình phượng cách điệu và hồi văn chữ Vạn ghi điều lệ của Hội. Bia dựng vào năm Giáp Tuất, căn cứ vào phong cách nghệ thuật có thể đoán niên đại vào khoảng năm 1874.
Trên đây là một vài nét sơ bộ về một số ngôi chùa và đình ở xã Bá Hiến. Còn rất nhiều di tích và di vật khác nữa mà chúng tôi chưa có dịp đề cập. Song, chỉ như vậy thôi, chúng ta cũng đã phần nào thấy được những giá trị còn lưu giữ ở các làng quê Bắc bộ Việt Nam dẫu rất đỗi bình dị, song lại hàm chứa những di sản văn hoá truyền thống quí giá, mà Bá Hiến là tiêu biểu.
Chiến Đoàn