Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/11/2009 16:32 3636
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
LTS. Theo công văn số 7678/VPCP-KGVX, Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đồng ý bổ sung Tòa Điện chính Khu di tích Lam Kinh vào danh mục các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp này, Ban biên tập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xin giới thiệu những kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại khu Chính điện Lam Kinh trong thời gian qua.

LTS. Theo công văn số 7678/VPCP-KGVX, Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đồng ý bổ sung Tòa Điện chính Khu di tích Lam Kinh vào danh mục các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp này, Ban biên tập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xin giới thiệu những kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại khu Chính điện Lam Kinh trong thời gian qua.

Chính Điện là tên gọi toà kiến trúc nằm ở vị trí trung tâm Lam Kinh, nơi theo ghi chép của sử sách là nơi vua ở mỗi lần về bái yết sơn lăng. Lần giở từng trang Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy "xuân thu nhị kỳ" các vua và hoàng tộc nhà Lê sơ đều trở về Lam Kinh, trong những lần ấy, ẩn hiện đều thấy "bóng dáng" của toà Chính Điện .


Mặt bằng Chính điện thời Lê Sơ (Khai quật năm 2000)

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ mất đưa về an táng ở Lam Kinh, các điện miếu cũng bắt đầu được xây dựng (trong đó có Chính Điện, với tư cách là công trình đặc biệt quan trọng). Từ đây, Lam Kinh đã trở thành nơi an táng các vua và Hoàng Hậu thời Lê sơ.Vào năm sau (1434) vua sai Hữu bộc xạ Lê Như Lãng đến Lam Kinh dựng miếu Cung Từ Thái Mẫu. Trong năm này, Chính Điện Lam Kinh bị cháy.

Vào năm 1448, Lam Kinh lại tiếp tục được xây dựng và trùng tu, trong đó Chính Điện được ưu tiên hàng đầu, với sự chuẩn bị công phu của các nghệ nhân thuộc cục Bách Tác do Thái uý Lê Khả chủ trì. Chưa đầy một năm, công việc xây dựng hoàn thành và được triều đình bảo vệ. Năm 1456, trong dịp hành lễ ở Lam Kinh, vua Lê Nhân Tông đã đặt tên cho 3 toà nhà của Chính Điện là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diễn (Diên) Khánh.

Nói chung, quá trình xây dựng Chính Điện được ghi chép còn hết sức khái quát, song chúng ta đều có cảm nhận đó là công trình đặc biệt quan trọng, có qui mô to lớn và rất hoành tráng. Các văn liệu thời kỳ sau (Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn; Hoàng Việt dư địa toàn đồ của Phan Huy Chú; Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử Quán triều Nguyễn...) có nhắc tới Chính Điện Lam Kinh, song chủ yếu là dựa vào ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư .


Sân trước Chính điện thời Lê Sơ
Đáng chú ý nhất khi nói về sự to lớn của Chính Điện là ghi chép của Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí) khi miêu tả khá chi tiết về trung tâm điện miếu Lam Kinh: Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và lăng các vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện, lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi Môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp".

Vết tích phía Đông hành lang Chính điện thời Lê Trung Hưng

Không rõ các thời kỳ sau đó diện mạo của Chính Điện ra sao, chỉ biết sang đến thời Nguyễn, khi nhà Lê đã mất đi vai trò lịch sử, thì năm 1805, nhà Nguyễn đã cho tháo dỡ ngói và gỗ ở Thăng Long, sẵn với gỗ miếu các vua ở Lam Kinh đem về làm ở đền Bố Vệ (Điện Hoằng Đức nay thuộc TP. Thanh Hoá). Sau đợt trùng san này, có lẽ Chính Điện Lam Kinh cũng đã bị triệt giải hoàn toàn.

Rãnh thoát nước ngầm phía trước Chính điện

Cho đến trước năm 1995, Chính Điện cùng chung số phận với khu di tích Lam Kinh bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước hiện trạng ấy, nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, văn hoá của Lam Kinh, Chính phủ đã phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể, trùng tu tôn tạo và phục hồi khu di tích Lam Kinh, trong đó Chính Điện được đặt vị trí ưu tiên hàng đầu.

Nguyễn Văn Đoàn

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6814

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Vàng son Karnak

Vàng son Karnak

  • 29/10/2009 11:08
  • 2175

Được coi là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới, đền Karnak thờ thần Amon ở Luxor không chỉ sánh ngang với đại kim tự tháp Giza về quy mô và sự hùng vĩ, mà còn là đỉnh cao của kiến trúc và mỹ thuật Ai cập cổ đại. Ngôi đền này được xây dựng trong vòng vài trăm năm, qua nhiều đời Pharaoh, là tập hợp của nhiều phong cách kiến trúc và điêu khắc.