Bản giao hưởng ấy được viết lên bởi nguồn tài sản vô cùng phong phú của địa phương này, bằng sự say mê đến cuồng tín của những nhà sưu tập, bằng tốc độ phát triển như vũ bão của các bảo tàng nhà nước, bằng sự quản lý khá chuyên nghiệp của các cơ quan chức năng... Thế nhưng, bản giao hưởng ấy cũng có lúc bi, lúc tráng, bởi người chỉ huy, luật pháp, với mong muốn điều phối sao cho thị trường hòa nhập với xu thế chung của đất nước thời mở cửa, vươn tới một sự lành mạnh hơn cho một loại hàng hóa vô cùng đặt biệt này
Bản giao hưởng ấy được viết lên bởi nguồn tài sản vô cùng phong phú của địa phương này, bằng sự say mê đến cuồng tín của những nhà sưu tập, bằng tốc độ phát triển như vũ bão của các bảo tàng nhà nước, bằng sự quản lý khá chuyên nghiệp của các cơ quan chức năng... Thế nhưng, bản giao hưởng ấy cũng có lúc bi, lúc tráng, bởi người chỉ huy, luật pháp, với mong muốn điều phối sao cho thị trường hòa nhập với xu thế chung của đất nước thời mở cửa, vươn tới một sự lành mạnh hơn cho một loại hàng hóa vô cùng đặt biệt này. Khi được xem, nghe và tìm hiểu bản giao hưởng ấy ở Quảng Tây, tôi cảm thấy, nó khá giống với Việt Nam, muốn viết ra đây, để cùng luận bàn, rút kinh nghiệm, tránh được sai lầm đáng tiếc, tận dụng được “lợi thế của những người đi sau”, để bản giao hưởng của chúng ta nhiều hùng, ít bi ai.
I. Đôi nét về thị trường cổ vật Quảng Tây
Đến thăm một phố nhỏ Nam Ninh, khiêm tốn và nép mình sau những ngôi nhà chọc trời nơi mặt phố, các cửa hàng cổ vật trầm sâu và tĩnh lặng, với những kiốt đủ loại sang, hèn bày bán các cổ vật, đồ giả cổ lẫn lộn, chẳng khác nào Lê Công Kiều (TP.Hồ Chí Minh) và Nghi Tàm (Hà Nội), nhưng ngăn nắp, sạch sẽ và mang tính chuyên nghiệp cao hơn. Chủ các cửa hàng cũng đủ loại, sang trọng và dân dã, niềm nở tiếp đón khách, sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu, luôn thường trực nụ cười trên môi và cởi mở trao đổi những vấn đề về chuyên môn. Giá cả thì khỏi phải nói, cao ngất trời, đặc biệt là những cổ vật có tuổi, không được phép xuất. Những đồ dưới 100 năm, giá phải chăng, nhưng đột xuất cao vọt như những tác phẩm nghệ thuật, đó là những đồ sứ thời Trung Hoa Dân Quốc được làm từ các nghệ nhân, được vẽ từ các tao nhân mặc khách, chán đời, thất thế. Đó cũng là những tác phẩm thời Mao Trạch Đông của Cách mạng văn hóa được sáng tác từ những nhân vật trốn chạy, ẩn dật, xác minh là những tác gia đương đại có tầm.
Tôi hỏi thử một chiếc bình gốm, giả khoảng gần vạn tệ, tương đương 150 triệu tiền Việt Nam, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 6, cao 28cm. Thành giá, nhưng tôi lắc đầu giải thích, là người nước ngoài, không thể mang khỏi biên giới. Chủ cửa hàng cười, đề nghị ghi địa chỉ, cổ vật đến tay sẽ trao tiền. Đó là một thị trường “đen”, một cách hoạt động theo kiểu maphia, có rất sớm ở Trung Quốc mà Việt Nam gần đây đã học được sau khi mở cửa, hội nhập.
Cửa hàng cổ vật Quảng Tây
Quảng Tây có ba hội mang tính nghề nghiệp trên lĩnh vực cổ vật, đó là Hội nghiên cứu - Sưu tầm cổ vật Quảng Tây; Hội nghiên cứu - Sưu tầm những tác phẩm nghệ thuật; Hội những người yêu cổ vật Quảng Tây, với tổng số hội viên khoảng 3.000 người. Xem thế, thị trường ở địa phương này sôi động đến nhường nào, khi mà mấy năm gần đây kinh tế Quảng Tây phát triển với tốc độ thần kỳ, do tự lực và do Trung ương đầu tư cho một tỉnh là cửa ngõ của Trung Quốc lục địa tới Đông Nam Á. Tuy nhiên, không chỉ Quảng Tây, ở Trung Quốc, mọi địa phương đều sôi động với những sưu tập tư nhân. Bắc Kinh tới 5 vạn, Giang Tây vài vạn, trong đó khoảng 300 đại gia, Quảng Đông gần bằng với con số ở Bắc Kinh.... Những sưu tập đại gia ở Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng phải đạt được ba tiêu chuẩn: Họ phải là ông chủ có kỹ năng và học vấn nhất định về bộ môn mình sưu tập. Sưu tập của họ phải có số lượng và chất lượng tốt. Họ không phải là người buôn bán chuyên nghiệp, cho dù có sự giao lưu trao đổi. Ba trăm nhà sưu tập ở Giang Tây đạt tiêu chuẩn này. Quả là một thị trường hoành tráng.
Bên cạnh tư nhân, Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung, đều có loại hình cửa hàng nhà nước, với tên gọi “Cửa hàng văn vật”. Tôi đến thăm cửa hàng này, ngay trong bảo tàng tỉnh. Tiếp chúng tôi là một ông chủ trẻ - Lâm Phong, cán bộ bảo tàng mới chuyển sang, một chuyên gia cổ vật có hạng, một con người hùng biện và tâm huyết với cổ vật. Ông dẫn chúng tôi xem hai tầng cửa hàng, giá cả nổi da gà. Ông nói về mô hình hoạt động của cửa hàng, đó là một đơn vị vốn trước đây là một bộ phận của bảo tàng tỉnh, sau tách ra thành đơn vị sự nghiệp có thu, với chức năng ban đầu là dùng vốn nhà nước, sưu tầm những cổ vật trong dân gian để cung cấp hiện vật cho bảo tàng, những cổ vật bình thường, phổ biến và thông dụng được phép bán ra bên ngoài để chủ yếu làm tăng thêm sinh khí hoạt động cho cửa hàng, nuôi khoảng 40 cán bộ với lương tháng vài ba nghìn tệ, tương đương 7, 8 triệu đồng Việt Nam. Tiền thân của cửa hàng này là một công ty văn vật, nhưng mô hình ấy không tồn tại được bao lâu, chỉ vài năm sau thời mở cửa 1978.
Cửa hàng ông còn một kho cổ vật, nằm xa nơi bán. Chắc có nhiều đồ lớn và quý.
Lâm Phong không vui vì sự tách cửa hàng khỏi bảo tàng, không phải vì khiến cho ông bươn trải hơn, mà vì chức năng ban đầu của nó mất đi, bởi vai trò điều tiết của nó bị xuống cấp do phải chạy theo thị trường để tồn tại. Cửa hàng không còn chi phối được tư nhân, ngược lại, đôi khi phải liên hệ với họ như những kẻ cùng hội, cùng thuyền để nắm thông tin thị trường và nguồn cung cấp. Đạo đức của một người vốn xuất thân từ cán bộ bảo tàng bị xâm hại. Di sản bị thất thoát, dù chúng có nằm trong các sưu tập tư nhân trong nước, thì những sưu tập ấy không đại diện cho tiếng nói của một quốc gia. Cửa hàng văn vật rất ít, thậm chí lâu nay, không còn chức năng này.
Một buổi làm việc với Cửa hàng văn vật Quảng Tây
Phó Giám đốc Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang nói với tôi rằng, hiện nay, các bảo tàng địa phương đang chuẩn bị cung cấp hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với nguyên tắc thỏa thuận, mua bán. Sức mua của Trung ương không thể cưỡng lại được, không chỉ bằng quyền lực, mà bằng giá cả tuyệt vời. Một chiếc trống đồng của Nam Ninh đặt giá 3 triệu USD cho Bảo tàng Quốc gia. Thị trường cổ vật Trung Quốc đa dạng và sôi động vô cùng.
Bên cạnh loại hình cửa hàng, Quảng Tây còn có một công ty đấu giá. Công ty này vốn trước đây là của nhà nước, sau được cổ phần hóa thành tư nhân. Sự tồn tại và phát triển của công ty không hề có sự cạnh tranh, ngược lại bổ sung cho nhau, nhưng cũng gây không ít tác hại. Mặc dù vậy, kinh tế thị trường buộc các loại hình kinh tế phải vào cuộc với bất cứ loại hàng hóa nào, dù đó là cổ vật - một thứ hàng hóa đặc biệt và nhạy cảm.
Đôi ba nét chấm phá thị trường cổ vật Quảng Tây, chắc người đọc chỉ thấy sự sôi động và hoành tráng, chỉ thấy những nốt thăng mà chưa thấy nốt trầm trong bản giao hưởng dài 30 năm thời mở cửa của đại lục, được coi là thế giới Trung Hoa. Vậy nên, sẽ không thể nói hết, khi tôi là một người vãng lai, liếc một cái nhìn sơ lãng khi biết mình không đủ thấu đáo để luận bàn. Xin nhường lời cho người trong cuộc: người Quảng Tây chính cống, người buôn bán cổ vật có hạng, phẩm bình về những nốt trầm trong bản hùng ca, một mảng màu xám trên bức tranh đa sắc của cổ vật Trung Hoa.
II. Những trăn trở của người trong cuộc
Giám đốc cửa hàng văn vật Quảng Tây Lâm Phong nói với tôi rằng, cổ vật, bất động sản, ma túy là ba mặt hàng đem lại siêu lợi nhuận, không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới, do đó, không từ một thủ đoạn gì, con buôn không dám làm.
Trước thời mở cửa, Trung Quốc nói chung, Quảng Tây nói riêng, thị trường khá êm đềm và trong sạch. Pháp luật quy định về vấn đề này chưa có, theo đó, dường như mặt hàng này vẫn là đồ quốc cấm.
Từ khi có pháp luật, buộc nó phải nương theo hội nhập, do đó, không ít những tiêu cực, cho dù, những điều khoản trong luật không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn sống động của cư dân và vẫn phải đảm bảo được những quy ước quốc tế.
Cho đến ngày 28 - 10 - 2002, Luật cổ vật mới của Trung Quốc ra đời, với sự thừa nhận có thị trường tự do cho loại mặt hàng này, theo đó, thị trường sôi động hẳn lên. Mọi thành phần kinh tế tham gia buôn bán, cạnh tranh khốc liệt. Cửa hàng văn vật dưới sự bảo trợ của nhà nước, luôn phải tuân thủ pháp luật, trong khi tư nhân tìm cách lách luật, thậm chí bằng mọi thủ đoạn, kể cả băng nhóm để trừng phạt lẫn nhau, đưa cổ vật ra bên ngoài bằng xuất lậu, trốn thuế... trong khi cửa hàng nhà nước chịu rất nhiều khoản chi phí, thuế má, nghĩa vụ với cơ quan, nhà nước.... buộc nó phải chạy theo thị trường nhưng lại không đạt được yêu cầu thị trường. Tất yếu nó phải ngoi ngóp, không đủ sức cạnh tranh.
Thị trường tự do quá nóng, quản lý không với tới, luật pháp không bao quát và theo kịp thị trường, hậu quả dẫn đến là sự thao túng, sự phá hoại các di chỉ khảo cổ học, sự lấy cắp cổ vật ở các di tích, đưa lại một sự tàn phá ghê gớm tới di sản. Đó chính là tính hai mặt của thị trường tự do. Không hiểu sau 100 năm nữa, Trung Quốc tổng kết vấn đề này, di sản sẽ bị tàn phá đến nhường nào, đạo đức nghề nghiệp sẽ đi đến đâu, đạo đức xã hội sẽ băng hoại ra sao... từ hậu quả của tự do hóa thị trường.
Một góc cửa hàng Văn vật Quảng Tây
Mặc dù vậy, sự phát triển tất yếu và theo quy luật, cổ vật vẫn phải có thị trường tự do. Muốn quản lý được, luật pháp phải luôn điều chỉnh để bao quát mọi vấn đề ngóc ngách của thị trường, cơ quan hành pháp phải nghiêm chỉnh, cửa hàng nhà nước phải đủ mạnh để khống chế và điều tiết thị trường tự do. Muốn đủ mạnh, trước hết, nguồn vốn phải khổng lồ, trình độ cán bộ phải có chuyên môn cao, chuyên nghiệp hóa, hành lang pháp lý cho loại cửa hàng này đủ để có quyền tự quyết những vấn đề nhạy cảm nhất. Mua cạnh tranh với tư nhân, dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Chủ cửa hàng nhà nước phải chịu quở trách và hình phạt, buồn chán và nặng nề, bởi cửa hàng làm ra hàng triệu, hàng triệu tệ, chẳng thấy ai khen ngợi.
Sự bùng nổ thị trường tự do, kéo theo sự bùng phát các sưu tập tư nhân, với nhu cầu sưu tập qua mua bán. Hàng giả cổ siêu đẳng của Trung Quốc xuất hiện, như một tất yếu đòi hỏi của thị trường. Hàng loạt đại gia lắm tiền nhiều của, ham thích cổ vật, ít kiến thức, nghe bằng tai...., mua hàng đống những loại “cổ vật” làm giả, bầy đặt trong nhà như một thứ rửa tiền, như một kênh đầu tư, như một sự khoe khoang văn hóa của doanh nghiệp..., theo đó, hàng tỷ, hàng tỷ nhân dân tệ vất vào, không sinh lời, cũng là một mảng xám nữa trong bức tranh cổ vật Trung Hoa. Nó thực sự có tác động xấu đến xã hội, nếu tiền của ấy được đầu tư vào lĩnh vực khác. Nó làm đạo đức băng hoại. Nó làm lòng tin bị mất mát...
Thị trường cổ vật tự do với lợi nhuận lớn, đem lại một tâm lý lãnh đạm, quay lưng với lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Con buôn có thể làm tất cả để có lợi nhuận. Trước đây, Trung Quốc nói chung, Quảng Tây nói riêng, bảo tàng luôn nhận được sự đóng góp hiện vật của tư nhân. Hiện nay không còn. Rất nhiều bảo vật quốc gia bị bán ra bên ngoài, nay Chính phủ đang có một chiến dịch hồi hương. Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh vừa mua ba bảo vật từ Anh Quốc với giá 200 triệu USD với chỉ thị của chính quyền, mua bằng bất cứ giá nào từ đấu giá trực tiếp. Sự ra đi chắc là ít của, sự trở lại thì khổng lồ về tài chính... như một bài toán không dễ gì có lời giải.
Đó chỉ là một phần rất nhỏ mà tôi được ông Lâm Phong, chủ cửa hàng văn vật Quảng Tây phác thảo phần màu xám của bức tranh thị trường cổ vật ở địa phương này và theo thiển nghĩ của cá nhân, nó hao hao giống với Việt Nam trong vài thập niên qua, do đó, xin được lược trích để có đôi điều liên hệ, mong có những kinh nghiệm quý trước khi thị trường cổ vật tự do Việt Nam mở cửa.
III. Đôi điều liên hệ và gợi mở
Thị trường cổ vật Việt Nam không phải là thị trường tự do, mà quá tự do, dẫn đến sự lộn xộn, không có sự điều tiết của cửa hàng nhà nước và các công ty đấu giá. Tất yếu, nhà nước không thu được thuế, bảo tàng không có thông tin. Sự thiếu minh bạch trong mua bán, tạo điều kiện cho việc phá hoại và lấy cắp cổ vật trong các di tích, xuất lậu ngầm những cổ vật, bảo vật ra bên ngoài mà không biết khi nào mới có đủ điều kiện hồi hương.
Vậy nên, để thị trường tránh sự lộn xộn, tất yếu phải có cửa hàng nhà nước và công ty đấu giá. Theo kinh nghiệm của các bạn Quảng Tây - Trung Quốc, việc làm này rất cần sự thận trọng. Không nên mở tràn lan, cần làm thí điểm ở hai thành phố lớn là: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngay cả việc thí điểm cũng rất cần sự chuẩn bị kỹ càng. Ngân sách phải rất lớn, đủ có thể khống chế được tư nhân. Trước hết, cửa hàng này phải giao cho các bảo tàng thực hiện, với nhiệm vụ chủ yếu là thu mua cổ vật để cung cấp cho các bảo tàng thông qua hình thức bán lại với số tiền lời phải chăng, đủ trang trải cho sự tồn tại, bởi chính các nhân viên và ông chủ đã hưởng lương từ ngân sách bảo tàng. Cổ vật bán ra bên ngoài phải được định tính, định lượng, có chuẩn mực sẵn, đa số là những đổ cổ thông thường, nhiều trong dân gian... Nguồn thu này không là chính, như là một sự tiếp sinh khí cho hoạt động của cửa hàng, khỏi bị coi là vô tích sự. Chức năng chính của cửa hàng nhằm nắm thông tin thị trường, giúp các nhà quản lý có những điều chỉnh về luật pháp, quản lý được bảo vật quốc gia, cổ vật cấp I, đưa ra những sách lược, chiến lược thích ứng... Những ông chủ của cửa hàng này không phải là những trí giả “mũ cao, áo dài”, mà là những người có chuyên môn, năng động và khá toàn diện trên các lĩnh vực về thị trường, về tâm lý, về cổ vật, về luật pháp... Những nhân viên phải có trình độ chuyên môn sâu, trong từng lĩnh vực về cổ vật, có đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật pháp và quy chế của cửa hàng...
Mặc dù vậy, cổ vật và thị trường là hai vất đề rất mới mẻ, Việt Nam cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm được thuê từ các nước phát triển như Anh, Nga, Trung Quốc. Họ giúp cho việc nhận nhìn mọi vấn đề ngóc ngách của cổ vật và thị trường. Thời gian từ bốn đến năm năm, may chăng, đội ngũ Việt Nam mới có đủ tự tin để thao tác và điều phối thị trường cổ vật, vốn là một lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm.
Thị trường cổ vật tự do, có nghĩa là mọi thành phần kinh tế đều được tham gia và có trách nhiệm như nhau. Nhà nước cũng có thể mua lại của nhà nước. Bảo tàng của địa phương được bán cho bảo tàng Trung ương. Do yêu cầu ngày một nhiều hơn của bảo tàng Quốc gia về cổ vật sau khi mở rộng diện tích trưng bày, vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, bảo tàng Lịch sử Quốc gia Trung Quốc mua lại rất nhiều cổ vật từ các bảo tàng địa phương, với giá không thể cưỡng lại được, bởi sự hấp dẫn. Một chiếc trống đồng đường kính mặt 80cm, giá 3 triệu USD, Quảng Tây bán cho Trung ương. Như thế, Việt Nam cũng nên áp dụng hình thức này để bổ sung cho bảo tàng Quốc gia. Đã chấp nhận cơ chế thị trường thì không thể dùng lệnh và quyền mà cần sự mua bán thỏa thuận.
Để bảo vệ di sản, cổ vật khỏi bị thất thoát ra bên ngoài, Hải quan phải là cơ quan có trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho văn hóa. Thế nên, nhân viên Hải quan quản lý cổ vật tại các cửa khẩu phải được đào tạo chính quy, chuyên sâu về cổ vật. Họ thường xuyên phải được đào tạo lại từ các chuyên gia văn vật, để cập nhật luật và thông tin mới về đồ cổ. Điều này, hiện nay ở Việt Nam còn lúng túng, không rõ trách nhiệm dẫn đến cổ vật ít nhiều bị thả nổi, không phải việc của ai, dù nhân viên hải quan chịu trách nhiệm chính, nhưng do không có nhiều kiến thức về lĩnh vực này.
Việc đào phá di tích, trộm cắp cổ vật phải được xử nghiêm minh. Rất nhiều vụ án ở Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung được đưa ra tòa với những hình phạt nặng nề, trong khi ở Việt Nam, dường như chưa có một vụ án nào được thực hiện, dù là thí điểm để răn đe. Chính vì lẽ đó, việc đào phá di chỉ khảo cổ một cách tràn lan, khiến các nhà nghiên cứu kêu than, rồi đây không biết lấy đâu ra di tích nguyên vẹn để khai quật, nghiên cứu? Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học của Hàn Quốc, tìm gần hai năm trời mới được một điểm khai quật, tạm hài lòng với cả hai bên.
Việc phổ biến và trao truyền kiến thức về cổ vật cho các nhà sưu tập cũng cần phải đa dạng về hình thức và thường xuyên, tránh sai lầm từ các nhà sưu tập. Ở Việt Nam còn yếu lĩnh vực này, khiến cho những đồ giả tràn vào nhiều nhà sưu tập, để cho họ giữ “gỗ mục” mà cứ tưởng là “trầm hương”. Việc chuẩn hóa để phân loại các nhà sưu tập, các sưu tập cần được sớm tiến hành, bởi họ, dù không phải là đại diện cho tiếng nói quốc gia, thì cũng là một bộ phận không thể tách rời, tạo nên tài sản động sản của di sản đất nước.
Các cửa hàng cổ vật tư nhân cần phải được chuẩn hóa, sao cho đó là những điểm đến của khách du lịch. Ở Việt Nam, các cửa hàng dường như là nơi chất chứa những đống hổ lốn, sập sệ và bệ rạc, bẩn thỉu. Lê Công Kiều hơn được đôi chút, còn Nghi Tàm quả là một khu phố phản cảm, ngay cả với người trong nước.
Xem ra, Việt Nam còn quá nhiều điều phải làm. Đó cũng là điều bình thường của một quốc gia mới mở cửa và hội nhập. Lời khuyên của các bạn Quảng Tây là thận trọng, nhưng không phải là dò dẫm, băn khoăn. Vấn đề là phải dám làm, để điều chỉnh, khi mà mỗi chúng ta đều nhận thức “sai thì sẽ sửa”!
Mong thị trường cổ vật Việt Nam tránh được những bước chân sai lầm của những quốc gia đi trước.
Phạm Quốc Quân