Ông là Lâm Phong - Một chuyên gia thượng thặng về cổ vật, một cán bộ bảo tàng tỉnh, được điều sang làm ông chủ buôn bán cổ vật. Ông có nhiều hoạt động và ý tưởng gần gũi với thị trường cổ vật Việt Nam. Ý kiến của ông giúp ích nhiều trong kinh nghiệm mở cửa thị trường cổ vật Việt Nam.
Ông là Lâm Phong - Một chuyên gia thượng thặng về cổ vật, một cán bộ bảo tàng tỉnh, được điều sang làm ông chủ buôn bán cổ vật. Ông có nhiều hoạt động và ý tưởng gần gũi với thị trường cổ vật Việt Nam. Ý kiến của ông giúp ích nhiều trong kinh nghiệm mở cửa thị trường cổ vật Việt Nam.
P.V. Xin ông cho biết thị trường cổ vật Trung Quốc nói chung, Quảng tây nói riêng?
Lâm Phong: Đó là một thị trường theo hình Sin. Trước năm 1978, Trung Quốc có thị trường bán công khai. Sau 1978, luật pháp chính thức thừa nhận cổ vật là một loại hàng hóa đặc biệt, do đó, theo quy luật, nó phải có thị trường. Kể từ đó, Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung, khá sôi động hoạt động này. Tuy nhiên, để khống chế sự phát triển nóng, nhà nước cho ra đời loại cửa hàng kinh doanh cổ vật, tiền thân của nó là Tổng Công ty Văn vật (tồn tại không dài). Với loại hình này, nhà nước muốn điều tiết thị trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý, cửa hàng có nhiệm vụ chủ yếu mua hiện vật trong dân gian để cung cấp cho bảo tàng. Chỉ có những cổ vật niên đại muộn, chất lượng kém, khá thông dụng được phép bán, làm tăng sức sống cho cửa hàng. Mặc dù vậy, đây không phải là mô hình thống nhất trên toàn nước Trung Hoa. Đến 28 - 10 - 2002, luật mới về cổ vật ra đời với điều khoản thừa nhận có một thị trường tự do về cổ vật, theo đó, thị trường cổ vật Trung Quốc nói chung, Quảng Tây nói riêng phát triển nóng, thiếu trật tự, khiến cho mô hình cửa hàng nhà nước không đủ sức điều tiết và thực tiễn thị trường phát triển khiến chính sách nhà nước không theo kịp.
P.V. Không đủ sức điều tiết, sao cửa hàng nhà nước vẫn tồn tại và phát triển?
Lâm Phong: Nó tồn tại nhưng yếu đi rất nhiều. Nó không còn độc quyền nữa, nó không đủ sức cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế tham gia vào thị trường này, bởi tiềm lực kinh tế yếu, bởi năng lực cán bộ kém, bởi tổ chức cồng kềnh, bởi cơ chế không phù hợp. Cửa hàng chúng tôi vẫn theo mô hình là cơ quan sự nghiệp có thu. Sự tồn tại của loại cửa hàng này dẫu sao vẫn có ích cho thị trường cổ vật. Nó không hề phát triển mà còn tụt lùi so với trước tháng 10 năm 2002.
P.V. Vậy để tồn tại mô hình cửa hàng nhà nước, ông phải chống chọi với nhiều khó khăn?
Lâm Phong: Đúng. Trước hết là tài chính. Muốn vậy, nhiều khi cửa hàng phải cuốn theo thị trường. Cuốn theo thị trường sẽ có nhiều tiêu cực. Điều này ảnh hưởng đến việc bảo vệ, quản lý di sản văn hóa đất nước.
P.V. Luật Trung Quốc quy định rõ dưới 100 năm, cổ vật được phép xuất. Trên 100 năm không được phép xuất khẩu? Vậy dù có buôn bán sôi động thì vẫn nằm trong khuôn khổ pháp luật? Có nghĩa là cổ vật vẫn ở trong nước, vẫn nằm trong các nhà sưu tập?
Lâm Phong: Đúng như vậy. Nhưng thị trường nóng kích thích việc đào bới, kích thích việc lấy cắp cổ vật ở các di tích. Các đại gia lắm tiền nhiều của dù có sưu tập, vẫn không phải đại diện cho tiếng nói của quốc gia. Họ dù có hùng hậu đến đâu cũng không đại diện cho diện mạo văn hóa quốc gia. Sự phát triển tự do các sưu tập tư nhân là biểu hiện không lành mạnh tới văn hóa. Tôi cho rằng, luật mới ra đời, tàn phá di sản, mà 100 năm nữa, nếu phải tổng kết, không biết hậu quả của sự tàn phá ấy đến mức nào.
P.V. Ông cho biết ở Quảng Tây và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc có bao nhiêu nhà sưu tập cổ vật?
Lâm Phong: Chúng tôi có những tiêu chí cụ thể về sưu tập gia chân chính. Họ phải là những người có kỹ năng, học vấn nhất định về bộ môn mình sưu tập. Họ không phải là những người buôn bán chuyên nghiệp, dù họ có giao lưu trao đổi. Họ có bộ sưu tập chất lượng cao, số lượng nhiều. Ở Quảng Tây, những người như thế chỉ khoảng 30 người. Nhưng ở Giang Tây khoảng 300 người. Còn nếu theo quan niệm rộng hơn, số lượng ấy ở Quảng Tây khoảng 3.000 người, Giang Tây lên tới hàng vạn.
P.V. Trong số hàng nghìn, hàng vạn ấy có nhiều nhà sưu tập sưu tầm những đồ giả mà không biết?
Lâm Phong: Có. Có rất nhiều. Họ bỏ ra hàng triệu, hàng triệu tệ để mua những đồ giả. Mà đồ giả ở Trung Quốc thì vô cùng siêu đẳng. Nhân tài, vật lực hút vào một đống “cổ vật” mà họ tưởng sẽ là một trong ba thứ hàng hóa siêu lợi nhuận. Đó cũng chính là một sự tàn phá ghê gớm đối với nền kinh tế mà lẽ ra, tiền của ấy được đầu tư vào các lĩnh vực khác sẽ hiệu quả cho dân chúng biết nhường nào.
P.V. Ông có một lời khuyên nào cho thị trường cổ vật Việt Nam?
Lâm Phong: Việt Nam là một đất nước nhỏ, việc quản lý cổ vật và thị trường cổ vật đỡ phức tạp hơn Trung Quốc nhiều. Việt Nam có bài học của những người đi trước, nên sẽ có lợi thế của người đi sau. Mặc dù vậy, trước khi đưa ra quyết định mở cửa thị trường cổ vật dưới sự điều tiết của nhà nước, rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Theo tôi, Việt Nam cần mở cửa thí điểm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cần phải mời các chuyên gia có kinh nghiệm từ Anh, Nga, Trung Quốc... làm tư vấn mới có thể quan tâm tới mọi ngóc ngách của lĩnh vực này. Phải thuê chuyên gia trong vòng 4 - 5 năm mới có thể trưởng thành để độc lập.
Cửa hàng nhà nước phải tồn tại song song với cửa hàng tư nhân. Nhưng nhà nước phải là chủ thể, quản lý được cửa hàng cá thể. Muốn vậy, cửa hàng nhà nước phải đào tạo được lực lượng trẻ, có chuyên môn cao, có tiềm lực tài chính dồi dào, đủ mạnh để điều tiết cá thể, phải xây dựng được hành lang pháp lý tốt. Có như vậy, chúng ta mới gìn giữ được cổ vật cho bảo tàng, cho quốc gia. Có như vậy, chúng ta mới làm lành mạnh được phần nào thị trường cổ vật vốn có nhiều thế lực “ngầm” và “đen”.
Là một cán bộ của bảo tàng, tôi luôn trăn trở làm sao, mọi hoạt động của thị trường cổ vật đều hướng tới việc bảo vệ di sản, bảo vệ cổ vật cho đất nước, cung cấp hiện vật cho bảo tàng. Với suy nghĩ và hành động theo đạo đức ấy, tôi là một “thương gia” không thành đạt.
P.V. Xin cảm ơn ông có buổi chuyện trò lý thú và bổ ích.
Cửa hàng cổ vật Quảng Tây