Tháng 9 năm 2008, tôi được các đồng nghiệp Bảo tàng Quảng Tây cho đến tham quan Hợp Phố - một thị trấn ngày nay, một cảng thị thời xưa, cách thủ phủ Nam Ninh khoảng 250 km về phía Đông.
Tháng 9 năm 2008, tôi được các đồng nghiệp Bảo tàng Quảng Tây cho đến tham quan Hợp Phố - một thị trấn ngày nay, một cảng thị thời xưa, cách thủ phủ Nam Ninh khoảng 250 km về phía Đông. Hợp Phố xưa chắc chắn là một cảng thị sầm uất, ngoài những điều được ghi chép trong lịch sử, mà chứng cứ vật chất hiện còn là hàng vạn những ngôi mộ có niên đại thời Đông Hán vẫn còn đó, như một chỉ dẫn về sự mật tập dân cư vào thời đại này ở Hợp Phố là không thể phủ nhận. Những ngôi mộ gạch, mộ đất có cấu trúc, chất liệu, kỹ thuật xây cất hoàn toàn khác với những mộ Hán ở Bắc Việt Nam, được các nhà khảo cổ Quảng Tây xác định, dường như không phải tất cả là của quý tộc, mà chủ yếu lại là của những người giàu có - thuộc tầng lớp thương nhân, lại một lần nữa xác thực, Hợp Phố là một trung tâm buôn bán khá sầm uất vào thời Đông Hán.
Ngày nay, thị trấn Hợp Phố đã cách xa biển khoảng 20 km, nhường chỗ cho thành phố Bắc Hải là một cảng thị, khiến cho chúng ta khó hình dung, nơi đây, gần hai mươi thế kỷ trước lại là một cảng biển quan trọng của vùng Lưỡng Quảng và giữ vai trò vô cùng lớn trong quan hệ giao thương với các vùng đất thuộc Đông Nam Á ngày nay, trong đó có Giao Chỉ, Cửu Chân của Việt Nam.
Hội nghị quốc tế về Hợp Phố, gần đây, các nhà sử học, khảo cổ học Trung Quốc và quốc tế đều thống nhất cho rằng, hàng hoá tập trung ở cảng thị này đã có ảnh hưởng đến quan hệ thương mại trong buổi đầu hình thành con đường tơ lụa trên biển, thông qua sử sách và tài liệu khảo cổ học. Vai trò tiếp nhận hàng hoá của Hợp Phố đối với thị trường phía Nam cũng không kém phần quan trọng, mà chắc chắn những cảng thị như Lạch Trường (Thanh Hoá), Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam)… đã tham gia vào mạng lưới ngoại thương trên biển, đã từng được các nhà khảo cổ học như O.Janse, trước đây, Nguyễn Việt và Lâm Mỹ Dung…hiện nay chỉ ra, thông qua những phát hiện quan trọng từ khảo cổ học và địa lý nhân văn. Sự có mặt của chiếc Thạp gốm có ghi chữ “Cửu Chân quận” trong một ngôi mộ số 31 ở Hợp Phố như là một minh chứng về mối giao thương hai chiều trong những thế kỷ đầu Công nguyên, đồng thời cũng là những gợi ý, sẽ được các nhà khảo cổ học Quảng Tây tiếp tục tìm thêm chứng cứ cho quan hệ thương mại hai chiều ấy.
Các giáo sư sử học, khảo cổ học Trung Quốc nói với tôi rằng, “con đường tơ lụa” trên đất liền đang được các nước có liên quan đề nghị xếp hạng di sản văn hoá thế giới. Rồi đây, “con đường tơ lụa” trên biển cũng sẽ được xếp hạng và chắc chắn các cảng thị của Việt Nam giúp ích nhiều cho công cuộc làm hồ sơ xếp hạng. Vấn đề đó đặt ra cho các nhà khảo cổ Việt Nam cần sớm bắt tay vào nghiên cứu tập trung và toàn diện hơn về cảng thị cổ - đề tài mà bấy lâu nay giới nghiên cứu Việt Nam đầu tư chưa xứng tầm, kể cả sức người và sức của.
Bài viết của tôi xin gợi mở nhân một chuyến viếng thăm./.