Thương cảng Vân Đồn chính thức được thành lập vào thời vua Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (1149), với tên gọi ban đầu là trang Vân Đồn. Kể từ đó, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hóa, thu thuế và căn cứ phòng vệ. Vào các thời Lý - Trần, Vân Đồn đã có các khu định cư tương đối trù mật, khu khai thác và sản xuất với nhiều di tích, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng…
|
|
Thương cảng Vân Đồn chính thức được thành lập vào thời vua Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (1149), với tên gọi ban đầu là trang Vân Đồn. Kể từ đó, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hóa, thu thuế và căn cứ phòng vệ. Vào các thời Lý - Trần, Vân Đồn đã có các khu định cư tương đối trù mật, khu khai thác và sản xuất với nhiều di tích, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng… Trên thực tế, Vân Đồn đã trở thành một thực thể phát triển tương đối hoàn chỉnh và hoạt động liên tục trong gần 7 thế kỷ (từ giữa thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XVIII). Thương cảng Vân Đồn giữ một vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ bang giao của nước ta trong các thời đại Lý, Trần, Lê, Mạc. Cùng với hệ thống cảng biển, thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến cảng đảo ven bờ; các cảng, bến vùng cửa sông như Yên Hưng, Hoành Bồ; với vùng Vạn Ninh (Móng Cái), Cát Bà và các làng nghề dệt, gốm sứ cùng nhiều ngành, nghề thủ công khác của vùng châu thổ Sông Hồng và cả miền Đông Nam Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Vân Đồn và vùng biển đảo Đông Bắc của nước ta đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn thương thuyền từ các nước trong khu vực cũng như là phương Tây.
|
|
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong quá trình lịch sử đấu tranh và bảo vệ tổ quốc, Vân Đồn còn giữ một vị trí quân sự chiến lược quan trọng, đảm bảo an ninh cho cửa ngõ Đông Bắc Việt Nam - một khu vực luôn tiềm ẩn những hiểm họa xâm lược từ bên ngoài (đặc biệt là phong kiến phương Bắc). Điều đó đã được minh chứng rõ nét trong chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần trên dòng sông Mang lịch sử.
Trải qua một thời gian dài hoạt động, đến cuối thế kỷ XVIII, thương cảng Vân Đồn đã mất dần vai trò của một thương cảng ngoại thương Việt Nam và bước sang thế kỷ XIX thì gần như hoàn toàn mất hẳn chức năng của một thương cảng.
Ngày 31 tháng 05 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ‘‘Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh’’. Chức năng chính của Khu kinh tế Vân Đồn được xác định là: Trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao; Trung tâm hàng không quốc tế; Trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thông quốc tế. Đây là một “cú hích” cho chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Vân Đồn nói riêng có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong vùng.
|
|
Để chuẩn bị cho Quy hoạch xây dựng tổng thể Khu kinh tế Vân Đồn sớm được Chính phủ phê duyệt, chính quyền và nhân dân huyện đảo Vân Đồn rất cần có sự tham gia ủng hộ, chỉ đạo tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó việc khảo sát và đánh giá hiện trạng các nguồn lực kinh tế cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương là một vấn đề hết sức cần thiết. Trên tinh thần đó, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) và UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học:
Thương cảng Vân Đồn - Lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn hóa. Hội thảo được tổ chức trong hai ngày 11 và 12 tháng 07 năm 2008.
Cuộc Hội thảo lần này là cuộc Hội thảo lần thứ II (lần thứ I tổ chức năm 1986), có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Với trên 40 bài báo cáo tham luận, Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ các tiềm năng, các điều kiện, đặc tính tự nhiên (bao gồm các nguồn lợi từ biển và gắn với môi trường kinh tế biển, các tuyến hải thương…) và các đặc tính xã hội - nhân văn (khả năng khai thác biển, tri thức, kinh nghiệm đi biển, hiểu biết về các ngư trường, các nguồn lợi từ biển, công cụ và kỹ thuật đóng bè mảng, đóng thuyền, sinh hoạt văn hóa biển, lễ hội, cách thức ứng xử với các dòng di cư… của chính quyền, cư dân khu vực Vân Đồn trong mối liên hệ, so sánh với các vùng biển khác của đất nước) của Vân Đồn nói riêng, vùng biển Đông Bắc Việt Nam nói chung. Ngoài ra, qua Hội thảo này, những vấn đề về hoạt động và vị thế kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực cũng đã được làm rõ; Vai trò của các chính quyền trung ương, địa phương trong nhận thức về vị trí và quan hệ bang giao trên biển, cũng như bảo vệ an ninh, xác lập chủ quyền lãnh hải của một số triều đại trước đây hay các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay về Biển Đông, trong đó có khu vực biển Quảng Ninh và thương cảng Vân Đồn cũng được Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá để làm sáng tỏ hơn.
|
|
Đặc biệt, Hội thảo đã tập trung một lượng lớn các bài báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu Sử học, Khảo cổ học, Văn hóa học trong việc xác định phạm vi, quy mô của khu thương cảng cổ, qua đó đề xuất các phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích (bao gồm các bến cảng cổ, khu định cư, các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, nơi diễn ra các trận hải chiến lớn… ) nhằm tuyên truyền giáo dục về truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của một Trung tâm kinh tế, hải thương quan trọng của đất nước, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, nhất là giao lưu hợp tác kinh tế quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới.
Hội thảo khoa học lần này cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân và chính quyền các cấp, các cơ quan ban ngành hữu quan, các cơ quan báo chí, truyền thông của địa phương và trung ương. Hội thảo cũng nhận được đa số các ý kiến hưởng ứng về việc sớm lập quy hoạch, nghiên cứu tổng thể hiện trạng của Thương cảng Vân Đồn, trong đó, việc tiến hành khai quật Khảo cổ học trên diện rộng với quy mô lớn được ưu tiên hàng đầu. Đây là một công việc hết sức cần thiết để xác định đầy đủ hơn, rõ hơn về phạm vi phân bố của thương cảng cổ, về quy mô và kết cấu của các bến cảng cũng như các công trình kiến trúc có liên quan, để qua đó có đầy đủ cơ sở khoa học phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vốn có của khu vực thương cảng Vân Đồn.
Chắc chắn, qua Hội thảo lần này, cùng với những công tác chuẩn bị tiếp theo, thương cảng Vân Đồn nói riêng, huyện đảo Vân Đồn nói chung sẽ trở thành điểm đến của du khách cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vân Đồn sẽ là điểm sáng của bầu trời Đông Bắc Việt Nam trong sự phát triển lớn mạnh và bền vững của nền kinh tế và giao lưu văn hóa.
Vũ Quốc Hiền - Nguyễn Ngọc Chất