Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 01:06 2394
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đàn tế thần đất và thần lúa của triều Nguyễn ở Kinh đô Huế. Đàn tọa lạc ở bên trong Kinh thành, phía tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.
Đàn tế thần đất và thần lúa của triều Nguyễn ở Kinh đô Huế. Đàn tọa lạc ở bên trong Kinh thành, phía tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.


Nguyên tục lập đàn tế thần Xã Tắc vốn có từ lâu đời ở Trung Quốc và đã du nhập vào nước ta từ ngàn năm trước. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã Tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã Tắc tỏ ra rất phù hợp nên rất được coi trọng.

Đàn Xã Tắc thời Nguyễn ở Kinh đô được xây dựng năm Gia Long 5 (1806). Tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua, phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc là tượng trưng cho đất đai cả tổ quốc. ý nghĩa của đàn Xã Tắc vì thế càng thêm thiêng liêng.

Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng bắc. Tầng trên cao 1,60m, cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của ngũ hành: giữa màu vàng, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng, phía nam màu đỏ, phía bắc màu đen. Trên nền còn đặt 32 bệ đá để cắm tàn. Tầng dưới cao 1,20m, cạnh dài 70m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn.

Cả tầng trên và tầng dưới đều có lan can gạch cao 1m chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây hệ thống bậc cấp để lên xuống. Mỗi khi tế Xã Tắc, lan can tầng trên được quét màu vàng, lan can tầng dưới được quét màu đỏ. Khi ấy, tầng trên đặt án thờ thần Đại Xã và Đại Tắc ở chính giữa. Đàn thờ thần Hậu Thổ, Càn Long thị và Hậu Tắc thị phối thờ ở hai bên.


Khuôn viên đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật, cao 1,2m, chiều bắc-nam hơn 160m, chiều đông-tây hơn 200m. Mặt bắc tường trổ 3 cửa phường, các mặt còn lại chỉ trổ một cửa. Bên ngoài vòng tường, ở phía nam có một bình phong gạch, dài 10m, cao 3,70m, dày 0,85m. ở phía bắc, ngoài vòng tường đào hồ vuông, bờ kè đá, cạnh dài 60m.

Lễ tế ở đàn Xã Tắc được tổ chức hàng năm hai lần vào ngày mậu của tháng trọng xuân và tháng trọng thu (tức tháng hai và tháng tám âm lịch). Thời Nguyễn tính theo tầm quan trọng chia việc thờ cúng làm 3 loại: Đại tự, Trung tự và Tiểu tự. Lễ tế Xã Tắc được xếp vào hàng Đại tự và chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Năm Gia Long thứ 8 (1809) quy định, cứ 3 năm một, đích thân vua phải tham gia làm chủ tế một lần, còn lại phải cử đại thần tế thay. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều từng tham dự lễ tế quan trọng này.


Ngày nay, trải qua thời gian và các biến động lịch sử, khu vực đàn tế Xã Tắc hầu như đã bị hủy hoại hoàn toàn. Hiện nay, trong khuôn viên đàn tế đều có cư dân sinh sống. Dấu tích của đàn Xã Tắc xưa có chăng chỉ còn là tấm bia đá “Thái Xã Chi Thần”, tấm bình phong ở mặt nam, chiếc hồ vốn làm “minh đường” ở mặt bắc và câu ca dao đã in sâu trong lòng mỗi người dân Huế:

Văn Thánh trồng thông,

Võ Thánh trồng bàng,

Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u.

Phan Thanh Hải

TT bảo tồn di tich cố đô Huế

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6373

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Khai quật khảo cổ học di tích đàn Xã Tắc (phường Thuận Hoà, thành phố Huế)

Khai quật khảo cổ học di tích đàn Xã Tắc (phường Thuận Hoà, thành phố Huế)

  • 05/09/2008 01:04
  • 2307

Đàn Xã tắc tọa lạc bên trong Kinh thành, phía Tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa- thành phố Huế. Nguyên tục lập đàn tế thần Xã tắc có từ lâu đời ở Trung Quốc và đã du nhập vào nước ta, ít nhất từ thời Lý. Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã tắc” trong từ điển Hán - Việt như sau: “Thửa xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã tắc tỏ ra rất phù hợp, nên rất được coi trọng.