Đàn Xã tắc tọa lạc bên trong Kinh thành, phía Tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa- thành phố Huế. Nguyên tục lập đàn tế thần Xã tắc có từ lâu đời ở Trung Quốc và đã du nhập vào nước ta, ít nhất từ thời Lý. Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã tắc” trong từ điển Hán - Việt như sau: “Thửa xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã tắc tỏ ra rất phù hợp, nên rất được coi trọng.
Đàn Xã tắc tọa lạc bên trong Kinh thành, phía Tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa- thành phố Huế. Nguyên tục lập đàn tế thần Xã tắc có từ lâu đời ở Trung Quốc và đã du nhập vào nước ta, ít nhất từ thời Lý. Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã tắc” trong từ điển Hán - Việt như sau: “Thửa xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã tắc tỏ ra rất phù hợp, nên rất được coi trọng.
|
Đàn Xã tắc (Ảnh tư liệu- Chụp năm 1914) |
Đàn Xã tắc thời Nguyễn ở Cố đô Huế được xây dựng năm Gia Long thứ 5 (1806). Theo lệnh vua tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc phải đóng góp đất sạch để đắp đàn, bởi vậy, đàn Xã tắc là tượng trưng đất đai cả tổ quốc. Ý nghĩa đàn Xã tắc vì thế càng thiêng liêng.
Trải thời gian và biến cố lịch sử, hiện tại khu vực đàn tế Xã tắc hầu như bị hủy hoại hoàn toàn và nằm trong khu dân cư sinh sống.
|
Báo cáo tại hiện trường khai quật |
Với quyết tâm phục hồi một di tích cung đình đặc biệt quan trọng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia cho đàn Xã tắc, đồng thời nghiên cứu, phục hồi đàn Xã tắc và lễ tế đàn Xã tắc trong Festival Huế năm 2008.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương nghiên cứu, khai quật, thiết thực phục vụ dự án phục hồi đàn Xã tắc.
Sau hơn hai tháng làm việc trên công trường, với diện tích thám sát khai quật trên 2500m2, đoàn khai quật đã làm xuất lộ gần như toàn bộ nền, móng bó nền tầng 1 (tầng thượng), một phần nền, móng bó nền phía Đông, phía Tây tầng 2 (tầng hạ), các bậc cấp lên xuống tầng thượng và tầng hạ, dấu tích La thành, bờ kè nguyên gốc của hồ Xã Tắc…
Từ những vết tích còn lại, các di vật thu được trong hố đào và đối chiếu với các tài liệu ghi chép về đàn Xã Tắc, bước đầu có thể xác định được quy mô của đàn Xã Tắc: mặt bằng hình chữ nhật (213 x 175m), được bao bọc bởi hệ thống La thành xây bằng đá bazan.
|
Toàn cảnh Đàn Xã tắc |
Tầng thượng ở nằm ở vị trí trung tâm, mặt bằng nền hình vuông, mỗi chiều dài 30,34m, nền được đắp bằng nhiều lớp đất sét màu vàng nhạt pha cát, đất sét màu xám vàng, xám xanh dẻo dính, chồng xếp lên nhau và phân định rõ rệt từ trên xuống dưới. Tại các vị trí bẻ góc và phần đất tiếp giáp với móng tường bó nền được gia cố bằng nhiều lớp đất laterite, cát vàng. Móng nền được xây bằng gạch vồ màu đỏ tươi (30 x 14 x 5cm), mạch liên kết là vữa hàu truyền thống.
Tầng hạ có diện tích (74 x 74m), nền được đắp bằng các lớp đất sét màu vàng và xám vàng, móng bó nền xây bằng đá bazan màu tím và màu xám.
Bờ kè hồ Xã Tắc được xây bằng đá bazan màu với kỹ thuật và kết cấu tương tự bờ kè Ngự Hà, hồ, ao… trong Kinh thành Huế. Hồ Xã Tắc có mặt bằng hình chữ nhật, chiều Đông - Tây dài khoảng 175m (tương ứng với khoảng cách giữa La thành phía Đông và phía Tây đàn Xã Tắc), chiều Bắc - Nam dài khoảng 71m.
Trong phạm vi khai quật chúng tôi đã làm phát lộ 1 chân đế bia được chế tác bằng đá Thanh dài 1,02m, rộng 0,74m, dày 0,43m, chính giữa trổ thủng lỗ mộng hình chữ nhật dài 44,5cm, rộng 23,5cm để cắm chân chốt bia. Theo nhiều nhà nghiên cứu tại Huế cho rằng, đây là chân đế cắm tấm bia “Thái Xã chi thần” hiện còn sót lại trên mặt nền đàn Xã Tắc và bia Thái Xã chi thần được chôn trong lòng nền tầng thượng? nhưng hiện tại không tư liệu nào đề cập tới vấn đề này, do vậy cần phải có thời gian nghiên cứu một cách cẩn thận mới mong có câu trả lời thoả đáng.
|
Chân đế cắm bia Thái Xã chi thần |
Cuối tháng 3 năm 2008, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thám sát, khai quật Đàn Xã tắc. Hội nghị đánh giá cao kết quả công tác của các cán bộ khảo cổ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong thời gian qua. Từ những vết tích xuất lộ và kết quả trắc đạc cho thấy quy mô, kích thước, kỹ thuật xây dựng của đàn Xã Tắc thu được qua công tác điều tra, thám sát khảo cổ học phù hợp với các số liệu mà kỹ sư công chánh Ngô Nẫm đã thể hiện trên bản vẽ (Bình đồ - Đàn Xã Tắc) được thực hiện vào ngày 20 tháng 03 năm 1963. Như vậy, kết quả của đợt thám sát, khai quật khảo cổ học lần này đã góp phần cung cấp những tư liệu chân xác, thiết thực phục vụ cho dự án phục hồi, tôn tạo lại đàn Xã Tắc. Đồng thời, hội nghị cũng kiến nghị trước mặt cần có kế hoạch giải toả, di dời toàn bộ dân cư hiện đang sinh sống trong phạm vi di tích, đặc biệt là hộ dân sống ở khu vực phía Bắc trong phạm vi tầng thượng và tầng hạ để tiếp tục công tác thám sát khảo cổ học, nhằm cung cấp một cách đầy đủ nhất các cứ liệu khoa học cho dự án phục hồi, tôn tạo lại đàn Xã Tắc và những giá trị phi vật thể gắn liền với di tích linh thiêng này.
Hiền-Lâm- Cư