Ngày 31 tháng 05 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh”. Chức năng chính của Khu kinh tế Vân Đồn được xác định là: Trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, Trung tâm hàng không quốc tế, Trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thông quốc tế.
Ngày 31 tháng 05 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh”. Chức năng chính của Khu kinh tế Vân Đồn được xác định là: Trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, Trung tâm hàng không quốc tế, Trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thông quốc tế. Có thể nói, đây là một “cú hích” cho chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Vân Đồn nói riêng có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong vùng. Để chuẩn bị cho Quy hoạch xây dựng tổng thể Khu kinh tế Vân Đồn sớm được Chính phủ phê duyệt, chính quyền và nhân dân huyện đảo Vân Đồn rất cần có sự tham gia ủng hộ, chỉ đạo tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó việc khảo sát và đánh giá hiện trạng các nguồn lực kinh tế cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương là một vấn đề hết sức cần thiết. Chương trình điều tra, khảo sát hiện trạng các di tích lịch sử, văn hóa thuộc hệ thống Thương cảng Vân Đồn cổ không nằm ngoài Quy hoạch tổng thể đó.
|
Bãi tắm biển lý tưởng |
Nói đến Thương cảng Vân Đồn là chúng ta nói đến một thương cảng cổ đã sớm được hình thành trong lịch sử quân chủ Việt Nam. Đây được xem là một trung tâm thương mại có quy mô lớn, một khu vực có vị trí quân sự chiến lược gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước của dân tộc ta trong lịch sử.
Tên gọi Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam vào thời Lý (1010 - 1225). Năm 1149, vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) đã cho khai mở trang Vân Đồn để đón thuyền buôn nước ngoài vào buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ta. Đến thời Trần (1226 - 1400), Vân Đồn không chỉ được biết đến là một thương cảng sầm uất bậc nhất của nước ta mà nơi đây còn chứng kiến thắng lợi vẻ vang của quân dân nhà Trần (năm 1288) dưới sự chỉ huy của phó tướng Trần Khánh Dư khi đánh chìm và tiêu diệt tướng giặc Trương Văn Hổ và 500 chiến thuyền trở lương thực của quân Nguyên tiếp viện cho Thoát Hoan trên dòng sông Mang.
|
Bến tàu cổ của Thương cảng Vân Đồn |
Thế kỷ XV, Danh nhân văn hóa thế giới - Nguyễn Trãi - khi đến thăm Vân Đồn đã có những vần thơ trác tuyệt ca ngợi cảnh quan và hoạt động kinh tế của Thương cảng Vân Đồn:
Đường đến Vân Đồn lắm núi sao
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao
Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng
Muôn hộc xanh om tóc mượt màu
Non biển gạn trong tay vũ trụ
Tim gan chẳng núng sức ba đào
Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục
Nghe nói người Phiên vụng đỗ tàu.
(Nguyễn Trãi toàn tập - Đào Duy Anh dịch)
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, địa danh Vân Đồn luôn được ghi trong các bộ sử, địa chí Việt Nam, Trung Quốc và các nguồn tư liệu nước ngoài... Qua đó cho thấy Vân Đồn nổi lên với vị trí là một trung tâm quân sự chiến lược, một thương cảng có quy mô mang tầm một trung tâm kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong lịch sử...
|
Cảnh thương thuyền Trung Quốc vào cảng Vân Đồn |
Vì vậy, trước những đòi hỏi mới của sự nghiệp phát triển kinh tế và quy hoạch xây dựng tổng thể khu kinh tế Vân Đồn, việc nghiên cứu, tìm hiểu một cách có hệ thống về Thương cảng Vân Đồn, nhằm đánh giá hiện trạng, xác định giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn của Vân Đồn cũng như xác định phạm vi và quy mô phân bố để từ đó có phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích này là rất cần thiết. Việc tìm hiểu về thương cảng Vân Đồn xưa còn có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, góp phần quy hoạch hệ thống tham quan du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái trên địa bàn huyện đảo Vân Đồn.
Trên tinh thần thực hiện chủ trương đó, từ ngày 02 đến 22 tháng 11 năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh đã phối hợp tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng toàn bộ các di tích bến bãi có liến quan đến hoạt động giao lưu buôn bán của thương cảng Vân Đồn trong lịch sử. Các địa điểm được khảo sát bao gồm: Khu vực bến Đượng Hạc, Hòn Dáu (xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), bến Gạo Rang, bến Bang (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) - những nơi được xem như là các khu vực tiền cảng, nơi tập trung hàng hóa vận chuyển ra khu vực trung tâm để buôn bán, trao đổi. Khu vực trung tâm của thương cảng Vân Đồn bao gồm các bến bãi thuộc đảo Cống Đông, đảo Cống Tây (xã Thắng Lợi); Bến cống Yên, bến cống Hẹp thuộc đảo Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng); Khu vực bến Cái Làng, bến Cống Cái, bến Con Quy thuộc đảo Trà Bản, Quan Lạn (xã Quan Lạn); Khu vực bến Cổng Đồn, Cổng Ông, Cổng Bà và Đá Bạc (xã Minh Châu). Ngoài ra, đoàn khảo sát cũng đã trực tiếp đến khảo sát tại địa điểm bến Vạn Ninh, thuộc thôn Đông, xã Vạn Ninh, thị xã Móng Cái - nơi được xem như là điểm tập kết cuối cùng của hàng hóa Việt Nam trước khi xuất ra nước ngoài, cũng như là điểm tập kết đầu tiên của hàng hóa nước ngoài nhập vào Việt Nam.
|
Đình Quan Lạn- Di tích lịch sử- văn hóa nổi tiếng |
Có thể nói, với thời gian 20 ngày tiến hành điều tra, khảo sát, qua từng địa điểm, quan sát và đánh giá hiện trạng, vị trí của từng bến bãi trong hệ thống thương cảng cổ, nhiều vấn đề lịch sử cũng như hoạt động buôn bán, trao đổi của hệ thống thương cảng Vân Đồn xưa đã dần được hé lộ. Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến thương cảng thì những địa điểm du lịch sinh thái, bãi tắm cũng đã được đoàn khảo sát quan tâm và vạch hướng nối kết thành các tuyến tham quan, nghỉ dưỡng như rừng Quốc gia Ba Mùn – Bái Tử Long (xã Minh Châu), khu nghỉ dưỡng và tắm mát trên đảo Quan Lạn (xã Quan Lạn), bãi biển và các di tích lịch sử trên đảo Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng) hay tham quan những di tích chùa miếu và bến đỗ tàu của thương cảng cổ trên đảo Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi)…. Tuy nhiên, để quy hoạch xây dựng thành các tuyến tham quan, nghỉ dưỡng đó, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và khai quật khảo cổ phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa gắn bó mật thiết với thương cảng Vân Đồn cũng đã được tính toán lên kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Vào trung tuần tháng 12 năm 2007, toàn bộ kết quả điều tra, khảo sát và kế hoạch nghiên cứu để quy hoạch xây dựng tổng thể cho hệ thống thương cảng nổi tiếng này sẽ được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh tổ chức báo cáo tại thành phố Hạ Long.
Đợt điều tra, khảo sát lần này là bước đi tiền trạm cho một quá trình nghiên cứu lâu dài để phát huy giá trị cho toàn bộ hệ thống thương cảng Vân Đồn trong lịch sử, thiết thực góp phần cho quy hoạch xây dựng tổng thể Khu kinh tế Vân Đồn. Hy vọng, trong tương lai, Vân Đồn sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, du lịch và sinh thái của vùng biển Đông bắc Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Chất