Long Biên là một quận mới được thành lập trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm, nằm giữa tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn sông Đuống. Đó là về mặt địa lý hành chính, còn về mặt lịch sử/văn hoá, địa danh Long Biên khá nổi tiếng, gắn với biết bao nhân vật và sự kiện lịch sử từ thời Hai Bà Trưng. Long Biên là vùng đất "địa linh nhân kiệt".
Long Biên là một quận mới được thành lập trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm, nằm giữa tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn sông Đuống. Đó là về mặt địa lý hành chính, còn về mặt lịch sử/văn hoá, địa danh Long Biên khá nổi tiếng, gắn với biết bao nhân vật và sự kiện lịch sử từ thời Hai Bà Trưng. Long Biên là vùng đất "địa linh nhân kiệt".
Vùng đất này là nơi ghi dấu ấn có liên quan đến Lý Nam Đế, vị anh hùng kháng chiến thắng lợi giặc Lương xâm lược, lập nên nhà nước Vạn Xuân, người được coi là có thiên hướng đầu tiên trong việc định đô ở Thăng Long với việc dựng chùa Khai Quốc. Hiện nay ngôi đình làng Tình Quang (Giang Biên) còn lưu giữ được những sắc phong, thần phả ghi nhận công tích của Ngài, đặc biệt là những truyền thuyết dân gian còn được lưu truyền ở khu vực này.
Long Biên là nơi lưu dấu tên tuổi của Lý Thường Kiệt, với bài thơ thần "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư" - bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ông vốn là người ở khu vực phường Cơ Xá, sau chuyển sang bờ bắc sông Hồng (Bắc Biên, Ngọc Thuỵ), nay còn di tích thờ ở đìnhlàng Bắc Biên.
Dinh Bồ Đề là nơi Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Trãi chọn làm đại bản doanh chỉ huy bao vây thành Đông Quan vào năm 1426. Tại nơi này, Nguyễn Trãi đã thảo những bức "tâm thư" làm cho giặc Minh phải nao núng xin hàng. Có nhiều truyền thuyết có liên quan đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sĩ nhà Lê như truyền thuyết về Đào Duy Trinh chèo thuyến cứu giúp Lê Lợi ở Cự Khối.
Đình làng Lệ Mật thờ Hoàng Quí Công là người có công "chống Tống, bình Chiêm" quan tâm mở mang sản xuất, chăm sóc dân lành, được vua ban lộc, chỉ xin phân binh lập trại, dựng nên khu "Thập tam trại" ở phía tây thành Thăng Long.
Tử/Tư Đình là một làng cổ, gắn liền với lịch sử đấu tranh chống phương bắc xâm lược với vị danh tướng Thành Công Tương Liệt được Hai Bà Trưng phong cho thực ấp. Ngoài trông coi việc binh, Ngài thường kinh lý các nơi trong vùng dạy dân làm ruộng chăn tằm. Khi qua trang Cổ Linh, thấy phong cảnh hữu tình, dân chúng làm ăn cần cù, đã ở lại Cổ Linh. Sau này Ngài hoá khi chiến đấu chống quân xâm lược nhà Hán, được cả 5 thôn ở Cổ Linh thờ làm thành hoàng, nay nhiều vết tích có liên quan như sắc phong, Sinh Từ....
Cũng là vị tướng dưới thời Hai Bà Trưng, tại đình Xuân Đỗ hạ còn lưu dấu vết có liên quan đến Khoả Ba Sơn. Sau khi dẹp yên Tô Định, kéo quân về vườn hồng tại trang Hoa Động khao quân, rồi sau đó tự hoá, nhân dân trong vùng nhớ công lao của ngài đã lập làm thành hoàng.
Người dân vùng Thanh Am rất tự hào bởi vùng quê mình là nơi lưu dấu Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà văn hoá lớn của thế kỷ 16. Ông vốn người Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năm Ất Mùi (1535) đỗ Trạng nguyên, ra làm quan ít lâu, ông về vùng Thanh Am, lập nên Am Bạch Vân, dựng Quán Trung Tân làm nơi dạy học. Việc thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Thanh Am đã nói lên việc tôn trọng văn hoá, danh sĩ, đề cao học vấn của người dân nơi đây.
Ở Ngọc Trì (Thạch Bàn) có ngôi đền thờ Trấn Vũ. Truyền thuyết kể rằng khi vua Lê chinh phạt phương nam, qua đất Cự Linh, nửa đêm được báo mộng, bèn cho xây dựng ngôi quán tại đây. Trấn Vũ ở Thăng Long được thờ với tư cách là một trong Tứ Trấn, nhưng với Ngọc trì thì ông là hiện thân của thần chống lũ lụt, cầu mong mưa thuận, gió hoà, an tâm sản xuất.
Trên địa bàn Long Biên hiện nay còn rất nhiều di tích thờ các vị anh hìng dân tộc khác như: Linh lang đại vương dọc theo tả ngạn sông Hồng từ Ngọc Thuỵ về đến Cự Khối; Bố Cái Đại Vương và biết bao danh nhan văn hoá khác: Trần Hưng Đạo, công chúa Ngọc Hân (đền Gênh, đình Tình Quang...).
Những di tích trên địa bàn cùng với những công trình kiến trúc thể hiện sự hưng thịnh qua các thời kỳ lịch sử. Những tác phẩm điêu khắc, thể hiện khát vọng của con người trước đời sống sản xuất, tư nhiên phản ánh chân thực đời sống xã hội phong kiến đương thời ở di tích đình Tình Quang, Thanh Am. Trong mỗi di tích, mỗi nhân vật là biết bao câu truyện, truyền thuyết... cùng các di vật cổ phần nào phản ánh những chặng mốc quan trọng lịch sử dân tộc: Bộ Tam thế ở chùa Hội Xá (Phúc Lợi), chùa Lệ Mật, bộ sưu tập các sắc phong, thần phả ở đình Thổ Khối, Mai Phúc. Những đồ gốm được chế tác cực kỳ tinh xảo với đôi chân đèn thời Mạc ở đình Mai Phúc, những bia đá với minh văn và hoạ tiết trang trí đặc biệt ở chùa Lệ Mật, quả chuông đồng thời Lê (1690) và thời Tây Sơn còn nguyên minh văn, không hề có vết tích đục đẽo... Đặc biệt, pho tượng đồng Trấn Vũ có trọng lượng lớn là kết kết tinh nghệ thuật đúc đồng của các nghệ nhân xưa.
Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, trên các xã, phường thuộc địa bàn quận Long Biên còn diễn ra các lễ hội là những di sản văn hoá vô thể cực kỳ quí hiếm rất cần được bảo tồn: những diễn xướng nghi thức nông nghiệp hay những bản anh hùng ca, những trò chơi dân gian: chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê, bắt vịt dưới nước, bắt chạch trong chum, kéo co.... đặc biệt là lễ hội Lệ Mật với tích múa Giảo Long thể hiện sức mạnh tinh thần trị thuỷ và các lễ hội hát quan họ, chầu văn, chèo truyền thống...
Xuân này, mời bạn về Long Biên.
Nguyễn Văn Đoàn