Ngày 17 tháng 1 năm 2008, tại UBND xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội và VP. Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật di tích miếu Đồng Cổ (thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội). Đợt nghiên cứu được tiến hành từ cuối tháng 10 năm 2007 trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn TP. Hà Nội, kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.
Ngày 17 tháng 1 năm 2008, tại UBND xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội và VP. Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật di tích miếu Đồng Cổ (thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội). Đợt nghiên cứu được tiến hành từ cuối tháng 10 năm 2007 trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn TP. Hà Nội, kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.
|
Lò nung vật liệu kiến trúc thời Lê |
Trống đồng là một loại di vật đặc biệt, gắn liền với tâm thức của người Việt cổ, bởi vậy thờ thần Đồng cổ (thần trống đồng) trở thành một tín ngưỡng dân gian. Hiện nay, chúng ta biết tới ba di tích thờ thần Đồng cổ, trong đó có ngôi miếu Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Ghi chép của sử sách, sắc phong, thần phả và các truyền thuyết dân gian cho biết: thần Đồng cổ rất hiển linh, đã báo mộng giúp các vua Lý đánh tan giặc Chiêm Thành, dẹp loạn Tam Vương, Ngài được phong thần và
dựng miếu thờ, với lễ
Minh thệ.
Trải qua thời gian tồn tại, thật khó có thể hình dung diện mạo ngôi miếu được sử sách ghi chép và dân gian lưu truyền. 9 hố thám sát và khai quật, với tổng diện tích khoảng 150m2 được xác định tập trung chủ yếu ở gò đất cao sau miếu (phía bắc). Các hố đào sâu từ 1m đến 1,8m đã tìm thấy dấu tích các lớp kiến trúc, văn hoá, mộ táng giai đoạn Đông Sơn - Hán, thời Trần, thời Lê... qua đó, nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, song nhiều vấn đề mới chỉ là giả thiết công tác.
|
Mộ táng trong lon sành thời Trần |
Qua diễn biến địa tầng cùng hệ thống các di tích, di vật trong các hố thám sát và khai quật có thể nhận thấy di tích nằm ở vùng đất có lịch sử lâu đời. Với vị trí cao ráo (các đồi, gò), gần nguồn nước (dòng Nhuệ Giang và các phụ lưu), khu vực này sớm trở thành địa bàn tụ cư của con người.
Các nội dung lịch sử ghi chép trong sử sách và truyền thuyết dân gian được thể hiện khá rõ trong các hố đào. Đặc biệt là đã tìm thấy gốm thời Lý và dấu tích kiến trúc thời Trần. Mặc dù chỉ là các dấu tích phản ánh sinh hoạt và đống đổ phế liệu, chưa tìm thấy nền, móng do diện tích hố khai quật bị khống chế bởi kiến trúc hiện tồn, song nó đã chứng minh sự hiện diện của công trình kiến trúc thời Trần ở nơi đây. Có phải đó là vết tích của ngôi miếu cổ được Việt Điện u linh và Đại Việt sử ký toàn thư nhắc tới không, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu ?
|
Quang cảnh khai quật |
Vào thời Lê (thế kỷ 17 - 18), địa tầng các hố đào cho thấy khá đậm đặc các loại hình vật liệu kiến trúc, nhất là số lượng các mảnh ngói lợp, phản ánh sự tồn tại của ngôi miếu. Đặc biệt, đã tìm thấy các lò nung vật liệu phục vụ cho việc xây dựng ngôi miếu. Nó đã phản ánh phần nào qui mô to lớn của công trình. Tuy nhiên, cũng chỉ là vật liệu, còn nền, móng kiến trúc vẫn chưa tìm thấy.
Vào thời Nguyễn, ngôi miếu được nhận diện rõ hơn với các vết tích móng ở phía đông và tây, là vết tích phần móng còn lại của ngôi miếu tồn tại cho đến năm 1952 thì bị di dời về vị trí hiện tại.
Trong số các di tích và di vật tìm thấy đợt này, ngoài giá trị nghiên cứu và trưng bày của bộ sưu tập hiện vật, chúng tôi muốn lưu ý tới các ngôi mộ đất (giai đoạn Đông Sơn - Hán), mộ lon (thời Trần), mộ vò (thời Lê)... đặc biệt là phế tích lò nung vật liệu thời Lê (thế kỷ 17 - 18) còn khá nguyên vẹn. Đây là lò nung vật liệu kiến trúc có cấu trúc khá "đặc biệt", hiếm thấy. Lò nung sẽ được di dời về kho tạm của Bảo tàng Hà Nội, có phương án bảo quản, phục dựng, phục vụ trưng bày.
|
Xử lý vết tích mộ táng giai đoạn Đông Sơn - Hán |
Trên cơ sở nghiên cứu và khai quật khảo cổ học tại di tích miếu Đồng Cổ, Hội nghị đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khai quật của các nhà khảo cổ học đã bước đầu xác định phạm vi phân bố di tích, qua đó lý giải tính chất và niên đại các lớp kiến trúc/văn hoá, quá trình tồn tại cũng như các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Đồng cổ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của di tích. Hội nghị cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích trước quá trình đô thị hoá và nạn lấn chiếm đất đai, cũng như việc việc bảo vệ, bảo tồn di tích và chăm sóc vườn muỗm cổ thụ phía sau miếu rất quí giá không phải di tích nào cũng có được. Đoàn- Chiến