Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 00:48 3014
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
"Giáp Ngọ, năm thứ 35 (1774), tháng năm...Từ khi bình định được Hưng Hoá và Trấn Ninh, Trịnh Sâm quen mùi thắng trận, thích lập chiến công...Hắn được tin Thuận Hoá...bèn quyết chí đánh..."(35). Chuẩn bị cuộc viễn chinh này, năm 1774, Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ "Giáp Ngọ bình Nam đồ" dâng chúa Trịnh. Như thế, hai chữ "Bình Nam" được dùng với ý nghĩa sẽ/đã bình định phương Nam...biểu hiện thích lập chiến công. Ngoài hệ thống tiền kẽm "Bình Nam Thông Bảo"!; với cách giải thích ý nghĩa hai chữ "Bình Nam" như trên, rõ ràng đồng tiền này phải do quân Trịnh đúc tên cơ sở các lò đúc tiền kẽm của chúa Nguyễn, khi chiếm được Thuận Hoá năm 1775.
*THỜI CHÚA TRỊNH

"Giáp Ngọ, năm thứ 35 (1774), tháng năm...Từ khi bình định được Hưng Hoá và Trấn Ninh, Trịnh Sâm quen mùi thắng trận, thích lập chiến công...Hắn được tin Thuận Hoá...bèn quyết chí đánh..."(35). Chuẩn bị cuộc viễn chinh này, năm 1774, Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ "Giáp Ngọ bình Nam đồ" dâng chúa Trịnh. Như thế, hai chữ "Bình Nam" được dùng với ý nghĩa sẽ/đã bình định phương Nam...biểu hiện thích lập chiến công. Ngoài hệ thống tiền kẽm "Bình Nam Thông Bảo"!; với cách giải thích ý nghĩa hai chữ "Bình Nam" như trên, rõ ràng đồng tiền này phải do quân Trịnh đúc tên cơ sở các lò đúc tiền kẽm của chúa Nguyễn, khi chiếm được Thuận Hoá năm 1775.


Nguyễn Anh Huy và bản thảo Tiền cổ học Việt Nam, sơ truy và lược khảo của anh

Những năm tháng sau đó: "Bính Thân, năm thứ 37 (1776). Mở trường đúc tiền ở Thuận Hoá. Triều đình hạ lệnh mở trường ở trấn doanh đem súng đồng, khí dụng và tiền tệ đã bắt được mà không thể dùng được, đúc hơn ba vạn quan tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo"(36). Sự kiện này, người đương thời là Lê Quý Đôn, trong Phủ Biên Tạp Lục chép rõ hơn: Năm Bính Thân [tức là năm thứ 37 niên hiệu Lê Cảnh Hưng], mùa xuân, có lệnh truyền: đại phàm những súng đồng bắt được ở xứ Thuận Hoá, hoả môn rộng không dùng được nữa, cùng với các đồ đồng, đồng miếng, đồng vụn không tiện dùng và không tiện chuyên chở, thì nên phá huỷ để lấy đồng đúc tiền chứa vào kho. Đồng tiên ấy nặng 1 đồng cân, có khắc 4 chữ Cảnh Hưng Thuận Bảo...mở xưởng đúc tiền ngay ở bên hữu trấn dinh...Việc đúc tiền được khởi công làm từu ngày 20 tháng 2 đến 30 tháng 6 thì xong...cộng tất cả thành tiền là 30.362 quan tiền"(37).

Ngày nay, tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo-chữ "Thuận" dùng để ghi nhớ chiến công Bình Nam được Thuận Hoá của chúa Trịnh Sâm-không phải là di vật hiếm lắm. Xem kỹ, tiền có chất liệu khác hẳn các loại tiền Cảnh Hưng đúc ở Đàng Ngoài, còn về đặc điểm thì chắc chắn là mang đặc điểm xứ Đàng Trong, dù là do quân Trịnh đúc!

*THỜI TÂY SƠN

Chỉ mới hơn 200 năm, nhưng do những hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, những tư liệu, di tích thời Tây Sơn không còn được mấy; riêng tiền Tây sơn, ngày nay rất dễ tìm thấy với số lượng nhiều, nhưng tư liệu chép về chính sách tiền Tây Sơn, cho đến nay xem như không thể tìm thấy được. Do vậy, phải dựa vào thực tế hiện vật để bình xét...

Một điểm rất cần lưu ý là tièn Quang Trung và Cảnh Thịnh, nhất là tiền Quang Trung, rất mỏng và nhẹ (1,5g, so với tiền Hồng Đức là loại tiền chuẩn nặng khoảng 4,5g) nhưng lưu hành rất mạnh mẽ: "Những cuộc điều tra và khai quật khảo cổ học cho hay rằng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tiền Tây Sơn chiếm số lượng áp đảo so với tiền Càn Long và Gia Khánh của Trung Quốc, ở những miền biên viễn như Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc ở các hải đảo xa xôi giữa biển khơi như Vân Hải, tiền Quang Trung và Cảnh Thịnh cũng phân bố nhiều và là hiện vật khảo cổ học dẽ thấy nhất..."(38).

Nhận xét vè tiền Tây Sơn, sử triều Nguyễn chép: "Gia Long năm thứ 10 (1811)...Giám đốc cục đúc tiền ở Bắc Thành dâng sớ nói: "-Nhà Lê trước đặt cục đúc tiền 3 sở, đúc luôn không nghỉ, thế nền đồng tiền thừa thải. Từ khi nguỵ Tây đúc tiền không đúng phép, tiền càng ngày càng ít..."(39).

Tôi không phải là nhà kinh tế tài chính, nhưng cho rằng trong việc đúc tiền Tây Sơn đã có sự thụân lý về việc "đúc tiền không đúng phép". Vì muốn thay thế nạn lạm phát tiền kẽm và các loại tiền cũ của nhà Lê ở Bắc Hà, nên vua Quang Trung đã cho đúc tiền mỏng nhẹ. Tâm lý người sử dụng luôn muốn dành lại các loại tiền tốt, dày (tiền thời Lê hoặc tiền Trung Quốc) để lưu trữ, còn các loại tiền xấu, nhẹ (tức tiền Trung Quốc) thì thải ra chuyền qua tay người khác. Nhẹ thì trôi chảy, nặng thì chìm đọng: như vậy, các loại tiền Tây Sơn đã được lưu hành thật sự! trong khi các loại tiền khác thì bị cất giữ. Hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam không có mỏ đồng, nên các chiến lợi phẩm cũng như các loại tiền thời trước đều được triều đình Tây Sơn thu giữ làm nguyên liệu đúc ra tiền mới, mỏng nhẹ, có số lượng nhiều hơn gấp bội! Có lẽ như vậy mới giải thích được vì sao tiền Quang Trung lưu hành với số lượng rất lớn, trong khi tiền thời Lê "thì ngày càng ít"!


Tiền cổ

Chính vì sự lưu hành tiền mạnh mẽ như vậy, nên khi một thế lực chính trị đối lập mới lên, rất cần có sự thay thế về tiền tệ. Việc thu huỷ tiền Tây Sơn, sử triều Nguyễn ghi chép rất rõ: "Bính Tý, Gia Long năm thứ 15 (1816), tháng 9...Huỷ tiền nguỵ hiệu Tây Sơn, chiếu rằng: "Quy chế đúc tiền, từ xưa ghi niên hiệu cốt để phân biệt. Từ thuở Tây Sơn lấn cướp đúc ra các thứ tiền Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Bảo Hưng, dân gian nối nhau thông dụng lẫn lộn rất nhiều. Nhưng noi theo đã lâu, chợt nghiêm cấm thì người tích trữ phải đọng lại mà không thông, người quen dùng thì ngại tiền mới, thực ra không tiện cho dân. Vậy chuẩn định những tiền nguỵ từ năm Đinh Sửu đến năm Tân Tỵ là 5 năm thì hãy cho thông dụng, từ năm Nhâm Ngọ trở về sau đều cấm. Ở trong hạn ấy thì kho tàng trưng thu và nhân dân mua bán không được kén loại, làm trái thì có tội"(40). Đến năm 1822 (Nhâm Ngọ), việc thu đổi tiền Tây Sơn vẫn chưa hoàn tất, vua Minh Mạng hạn thêm năm nữa; tất cả tiền Tây Sơn thu được, từ thời Minh Mạng và mãi đến thời Tự Đức, dần bị huỷ, xem như nguyên liệu để cải đúc tiền mới.

Hai điểm kỳ lạ khác trong vấn đề đúc tiền thời Quang Trung là, vua đã cho đúc ra đồng tìên Quang Trung có hai mặt giống nhau để làm mẹo "Điềm trời cho thắng trận" làm quân sĩ nức lòng thần tốc đánh thắng 29 vạn quân Thanh; sau đó khi sang Trung Quốc đáp lễ phong vương, lại đúc ra đồng tiền Quang Trung mặt lưng có hai chữ "An Nam" để khẳng định "Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"(41)!

*THỜI NGUYỄN

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh hoàn tất việc thống nhất nam bắc, lấy niên hiệu Gia Long, bắt đầu cho đúc tiền để dân gian thông dụng, nhưng mãi đến năm 1816 mới thật sự có chiếu ban bố tiền Gia Long Thông Bảo...

Một trong những dấu ấn về đúc tiền để biểu hiện ý tưởng chính trị là Thế tổ đã cho đúc một loại tiền Gia Long Thông Bảo nhưng mặt lưng lại có hai chữ "Thái Bình" viết theo lối triện như khẳng định rằng chính mình là người hoàn tất di mệnh của tổ tiên!(42)

Việc tổ chức đúc tiền và lưu hành thời Nguyễn gồm các vấn đề "Lò đúc tiền; Tìm mua đồng, kẽm, thiếc; Số thành và số hao về kẽm và đồng; Nhân công, vật liệu; Lệ cấm đúc tiền; Tích trữ; Thu chi...", đã được Khâm Định Đại Nam Hội Điền Sử Lệ, cũng như Đại Nam Thực Lục, Minh Mạng Chính Yếu...ghi chép rất rõ ràng và đầy đủ trong các mục "Pháp luật-Tiền tệ"..."(43); ở đây, tôi chỉ trích một số điểm quan trọng để bình luận cho những nhận định...

Riêng việc cấm đúc trộm tiền, Thế tổ đã có những chính sách: "Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ 1 (1802)...tháng 12...Cấm đúc trộm tiền. Vua cho rằng từ khi Tây Sơn làm loạn, trong dân có nhiều người đúc trộm tiền, đồng tiền mỏng quá, bèn hạ lệnh cấm"(44). Rồi sau đó: "Quý Hợi, năm Gia Long thứ 2 (1803)...tháng 6...Bắt đầu đúc tiền Gia Long Thông Bảo. Sai cai đội Cáp Văn Cẩn trong coi công việc. Đúc xong đưa 1000 đồng ra Bắc Thành để đúc cho có tiền nặng 2 cân 4 lạng)"(45). Và cũng để: "Gia Long năm thứ 2, đặt trường đúc tiền ở Bắc Thành...chiếu theo mẫu tiền mới ban ra đúc tiền Gia Long Thông Bảo".(46)

Đến thời Thánh tổ, Minh Mạng Chính Yếu chép: "Minh Mạng năm đầu, vua dụ Bộ Hộ như sau..phải có hội đồng kiểm kê mỗi năm một lần để biết tường tận số tiền và số thóc xuất nhập trong năm...Nếu có ai đúc trộm tiền sẽ bị trị tội". Nội các triều Nguyễn ghi thêm: "Minh Mạng năm đầu...lại đặt Bảo Hoá Kinh Cục ở kinh đô...Lại có chỉ cho cục Bảo Tuyền Bắc Thành đúc tiền đồng Minh Mạng Thông Bảo nặng 5 phân 5 ly, và đúc tiền Minh Mạng Thông Bảo đều nặng 5 phân...".(47)

Quốc sử quán ghi: "Nhâm Ngọ, Minh Mạng năm thứ 3 (1822) tháng 4 bắt đầu đúc tiền đồng (nặng 1 đồng 1 cân)", và đến "năm Ất Dậu" (1825), tháng 5, bắt đầu đúc tiền nặng 9 phân...sai Vũ Khố chế mẫu ban cho trường đúc tiền ở kinh cùng Cục Bảo Tuyền Bắc Thành để đúc mà bãi bỏ tiền 6 phân".(48)

Sau đó, Nội các ghi: "(Minh Mạng) Năm thứ 6...Lại dụ rằng...Vừa rồi có Chỉ cho Cục Bảo Tuyền Bắc Thành đều đúc tiền đồng hạng lớn nặng 1 đồng cân. Nhưng đúc chưa được nhiều. Vậy Vũ Khố chế mẫu tiền mới để thi hành. Còn tiền đồng 6 phân thì thôi, không đúc nữa"(49).

Đến thời Hiến tổ, Quốc sử ghi: "Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), tháng 3, đúc tiền Thiệu Trị Thông Bảo, tiền đồng hạng lớn nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm mới đều nặng 6 phân...Tiền mẫu đúc xong, giao cho Cục Thông Bảo ở Hà Nội để khởi công đúc".

Qua đó, có thể thấy Bảo Hoá Kinh Cục và Vũ Khố chủ yếu chuyên đúc tiền mẫu(50), sau đó các mẫu ban cho các cục đúc tiền ở các địa phương, chiếu theo đó mà đúc tiền lưu hành. Khi ban tiền mẫu, đều có quy định thành phần kim loại, trọng lượng...Vai trò đúc tiền mẫu ở Kinh đô vẫn kéo dài suốt thời Nguyễn như ta thấy Thực Lục ghi: "Giáp Thân, Kiến Phúc năm 1, tháng 10... định lệ tiền. Tháng 11, mở cục đúc tiền ở Nha Đốc công kho Vũ Khố (trích sai tên thợ làm khuôn ở Hà Nội, một tên thợ đúc đem đủ cá đồ dùng về kinh để dạy tập đúc tiền"...

Từ khi vua Gia Long lên ngôi, ban bố tiền Gia Long Thông Bảo, mở màn kỷ nguyên tiền tệ triều Nguỹên, các vị vua sau này kế vị, chúng tôi nhận thấy kỹ thuật đúc tiền và chất lượng tốt. Số lượng đúc từng loại tiền bao nhiêu, sử sách nói không rõ lắm, song căn cứ vào di vật được tìm thấy thì tiền triều Nguyễn co số lượng rất lớn và thường nằm riêng biệt, ít khi xen kẽ với các loại tiền trước hoặc tiền Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ tiền triều Nguyễn phát triển vượt bậc so với thời trước và đã ngăn chặn được nạn xâm nhập dùng chung với tiền Trung Quốc. Trước đây tiền đồng là đơn vị chính, mỗi tiền đồng ăn 1 đồng; nay tiền kẽm mới là đơn vị nhỏ nhất, và các loại tiền đã có quy định mệnh giá rõ ràng. Về việc phát hành tiền, khác với các triều đại trước, triều Nguyễn thực sự quan tâm đến vấn đề này như ra các sắc lệnh đúc tiền, quy định mệnh giá, quy định cách đúc tiền...Việc đúc tiền là của triều đình, tư nhân không được đúc tiền như thời trước, ngăn cấm việc đúc tiền giả...đó là tiến bộ rõ rệt của triều Nguyễn. Ngoài ra, triều Nguyễn còn có việc truy đúc tiền thời trước như thời Minh Mạng có đúc tiền Gia Long hoặc thời Thiệu Trị có đúc tiền Minh Mạng...cho thấy về ý tưởng, quan điểm đã có sự nhất thống và kế thừa...

Đến thời Tự Đức, do tình hình chính trị đất nước có nhiều thay đổi, ngoại bang xâm nhập...nên tiền tệ không còn kỷ cương như trước..và có nạn thương gia Trung Quốc đúc giả tiền tung vào nước ta. Để đối phó, vua Tự Đức đã ra một số sắc lệnh quy định về việc đúc tiền và nghiêm nghị việc xuất nhập cảng tiền tệ, đồng thời sử dụng cả biện pháp nhờ quan chức người Anh ở Hương Cảng tra xét giúp. Kết quả, tháng 11 năm 1884, triều đình kết án chém 4 thương nhân Trung Quốc can tội đưa tiền giả vào lưu hành ở nước ta. "Bốn tên đó là Lý Thành Long, can tội chở lậu 20 bao tiền đồng...còn 3 tên khác đều là chủ hiệu buôn ở phố Gia Hội...Để đối phó tiền đồng giả đã lan tràn trong dân chúng, triều đình ban bố một số điểm sau:

-Quy định tiền đồng lọai nặng 1 đồng cân và 9 phân vẫn ăn 6 đồng tiền kẽm như trước, còn các loại nặng 6-7 phân trở xuống cùng các loại tiền đồng kiểu lạ khác, mỗi đồng chỉ ăn 4 đồng chỉ ăn 4 đồng tiền kẽm.

-Kẻ nào chuyển tiền đồng của nước ta ra nước ngoài đều bị kết án chém ngay lập tức, hãy trông gương bọn Lý Thành Long!

...Lệnh này không thi hành được vì bọn gian thương đút lót...tình hình chợ búa trở nên rắc rối...nên tháng 3 năm 1885 cho tự do lưu hành tiền đồng giả nhưng chỉ ăn hai đồng tiền kẽm"(51).

Sau biến cố thất thủ kinh đô 1885, ở nước ta sử dụng song song hai hệ thống tiền, đó là tiền của triều đình và tiền của chính quyền Pháp phát hành. Từ năm 1885 đến 1945, còn 5 vị vua tiếp tục trị vì, cũng có đúc tiền song hình thức và chính sách lưu hành không được kỷ cương như trước(52).

Tìm hiểu việc lưu hành tiền tệ và tổ chức đúc tiền trong gần 700 năm ở Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế là một đề tài sử học khá rộng lớn, nhưng qua lược khảo và tham khảo các đề tài chuyên biệt theo từng thờ kỳ, có thể đưa ra một số nhận định sau:

1.Tiền cổ Trung Quốc rất dể tìm thấy ở Đàng Trong (trong đó có Thuận Hoá-Phú Xuân) có thể cả hàng tấn, là một việc rất bình thường mà Lê Quý Đôn đã từng chép trong Phủ Biên Tạp Lục: "Tiền Khai Nguyên nhà Đường và tiền Thuần Hoá, Tường Phù nhà Tống, luyện đồng rất tốt, chôn xuống đất không nát"; có thể do người ta chôn làm của giấu trong các cuộc chiến tranh từ thời Chămpa-Đại Việt hoặc Trịnh-Nguyễn phân tranh hoặc nội chiến giữa Nguyễn Huệ- Nguyễn Ánh..., ngày nay nếu tìm thấy thì cũng không phải là phát hiện gì mới và quan trọng lắm như các báo chí đã đưa tin(55).

2.Từ thời Trần đến thời Lê-Mạc, các loại tiền của triều đình Đại Việt đều có lưu hành tại biên ải Thuận Hoá; tuy nhiên việc tìm thấy lô tiền thời Trần tại Hoá Châu-Thanh Hà, cho phép nhận định lại thương cảng cổ Thanh Hà đã ra đời từ thời vương quốc Champa chứ không phải mới được thành lập vào thế kỷ XVII.

3.Thái tổ Nguyễn Hoàng đã có tư tưởng ly khai với Đàng Ngoài để cát cứ Đàng Trong, được biểu hiện qua di huấn và lệ đúc tiền "Thái Bình Thông Bảo"; và việc Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh đúc ra tiền "Gia Long Thông Bảo-Thái Bình đã chấm dứt lệ này, nhưng cũng khẳng định việc nhất thống từ Gia Định đến Thăng Long là hoàn tất di mệnh của tổ tiên!

4.Các chúa Nguyễn phóng khoáng cởi mở, đã hoà cùng tâm nguyện "phản Thanh phục Minh" của Hoa kiều, sẵn sàng cho tàn quân Đại Minh trú ngụ rộng rãi ở Đàng Trong, nhờ đó được họ giúp đỡ nhiều về phương diện kinh tế, trong đó có việc đúc tiền. Sự xuất hiện của các hệ thống tiền ở xứ Đàng Trong đã đẩy nền kinh tế đô thị khu vực này phát triển mạnh mẽ, qua đó chúng ta phần nào hiểu được tầm cỡ giao lưu thương mại quốc tế rộng lớn của các chúa...Và nhờ vậy, Đàng Trong được xem là một trạm trung chuyển hàng hoá giữa các trung tâm vùng, trung tâm liên vùng với trung tâm liên thế giới...Tuy vậy, nạn lạm phát tiền kẽm đã gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế, đói kém...lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của phong trào nông dân Tây Sơn.

5.Hiện tượng tiền Tây Sơn lưu hành mạnh mẽ, mãi cho đến thời Minh Mạng vẫn còn cho sử dụng, cho thấy vua Quang Trung đã có một chính sách kinh tế tiền tệ đột biến, táo bạo và có hiệu quả. Ngoài ra, việc đúc đồng tiền Quang Trung-An Nam cũng chính là một tuyên ngôn "-Nam quốc sơn hà, nam đế cư!".

6.Trước đây, tiền các nước trong khối đồng văn đều được sử dụng chung trên đất Việt, song từ thời Gia Long đến Tự Đức, không bao giờ sử dụng tiền nước ngoài, chứng tỏ một Đại Nam tự chủ! Nhưng sau cuộc thất thủ kinh đô 1885, ở Việt Nam xuất hiện Banque de L'Indochine (Ngân hàng Đông Dương), tiền tệ Việt Nam đã bước sang mọt trang sử khác(54).

Tuy thế, việc tìm hiểu đề tài này vẫn còn một số hạn chế, đó là hiện tại vẫn chưa tìm thấy tư liệu gốc nào nói về chính sách dúc tiền thời Tây Sơn, cũng như vẫn chưa tìm hiểu hết rõ ràng việc tổ chức đúc tiền mthời chúa Nguyễn. Như vậy, ngoài việc tiếp tục tìm hiểu sâu hơn các hạn chế vừa nêu, cần có định hướng thăm dò khai quật khảo cổ vùng Lương Quán(55) là nơi có hàng trăm lò đúc tiền kẽm nổi tiếng thời chúa Nguyễn. Bởi báo Thừa Thiên -Huế số 3551 ra ngày 27/4/2006 có thông báo các nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2006 của tỉnh gồm 16 nhiệm vụ, trong đó là nhiệm vụ thứ 3 là đề tài: "Nghiên cứu thám sát khảo cổ học các thủ phủ Đàng Trong ở Thừa Thiên -Huế", đây là đề tài hiện đang được giới sử học quan tâm, thiển nghĩ, việc tìm hiểu Lương Quán, cũng phần nào giúp tái tạo diện mạo một xã hội còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá...

Chú thích

(36).Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,tập 2, tr. 726.

(37).Lê Quý Đôn, sđd. Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, "Tiền thời Cảnh Hưng, một bí ẩn lịch sử cần được khai phá", Khảo cổ học, số 4 năm 2005.

(38).Đỗ Văn Ninh, Tiền cổ Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 1992.

(39).Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tâp 1, sđd, Tr.814.

(40).Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tâp 1, sđd, Tr.935.

(41).Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, "Tiền thời Tây Sơn", Nghiên cứu Huế, tập 5, Huế,2003; hoặc bài "Những đồng tiền Quang Trung kỳ lạ với các huyền thoại ở Phú Xuân", Hội thảo Phú Xuân-Thuận Hoá thời Tây Sơn do UBND thành phố Huế tổ chức tháng 12 năm 2001.

(42).Tức Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh cũng theo tiền lệ các chúa, nhưng vì đã thống nhất đất nước và lên ngôi hoàng đế nên vừa dùng chữ "Gia Long" theo niên hiệu của mình, vừa dùng hai chữ "Thái Bình" theo tiền lệ.

(43).Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, 15 tập,NXB Thuận Hoá, Huế, 1993. Tập 5 gồm các chương viết rất kỹ về việc tổ chức đúc tiền...

(44).Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, sđd, Tr. 561.

(45).Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, sđd, Tr. 563.

(46).Nội các triều Nguyễn, sđd, Tập 5.

(47).Nội các triều Nguyễn, sđd, Tập 5, Tr. 14.

(48).Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, sđd.

(49).Nội các triều Nguyễn, sđd, Tập 5, Tr. 15.

(50).Về khuôn đúc tiền Minh Mạng Thông Bảo loại 9 phân này, cuối năm 2001, tại trường Đại học Nông Lâm Huế, địa điểm của Vũ Khố triều Nguyễn cũ, trong một dịp đào đất để xây dựng, đã tìm thấy khuôn đúc tiền bằng đất sét. Di vật này hiện đang được Bảo tàng Lịch sử và Cách Mạng tỉnh Thừa Thiên -Huế lưu giữ.

(51).Dương Kinh Quốc, Việt Nam-Những sự kiện lịch sử 1858-1918, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1999.

(52).Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, "Tiền thời Nguyễn", Tuyển tập các bài nghiên cứu triều Nguyễn, tạp chí Nghiên cứu-Phát triển, năm 2002.

(53).Chẳng hạn xem báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 16 năm 2003 (ra ngày 27/4/2003) có bài "Đất tiền cổ"của Nguyễn Quốc Khương; bài "Nhộn nhịp mua bán tiền cổ" trên báo Lao Động ra ngày 7/9/2004; hoặc bài "Quảng Bình: Hàng tấn tiền cổ được phát hiện... và biến mất" của Hồng Lam-Tâm Phùng trên An Ninh Thế Giới số 172 ra ngày 3/1/2004; hoặc trên truyền hình Việt Nam...

(54).Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, "Tiền tệ lưu hành tịa Việt Nam qua những biến động lịch sử thế kỷ XX", Hồn Việt, tập 2, Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, 2004.

(55).Trong một đợt đi điền dã để tìm hiểu vùng Lương Quán, tiếp xúc với già làng, trưởng tộc, tôi (và TS Nguyễn Văn Đăng, Khoa Sử-ĐHKH Huế) được nghe kể về việc đào đất làm nhà đã tìm thấy 2 lô tiền kẽm. Khi nghe cụ già nói "tiền kẽm", tôi ngạc nhiên hỏi vì sao biết đó là tiền kẽm thì cụ già giải thích đúng như tôi đã nghiên cứu.

Nguyễn Anh Huy
(Trích trong 700 năm Thuận Hoá-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế)

(Nguồn: hue.vnn.vn)

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6449

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

VÙNG ĐẤT KIẾP BẠC "ĐỊA LINH, NHÂN KIỆT"

  • 05/09/2008 00:46
  • 2278

Vùng đất Kiếp Bạc nằm liền kề bên tả ngạn sông Lục Đầu Giang, thuộc địa phận xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương), cách Hà Nội khoảng 100km về phía đông, cách Phả Lại 5km về phía bắc.