Vùng đất Kiếp Bạc nằm liền kề bên tả ngạn sông Lục Đầu Giang, thuộc địa phận xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương), cách Hà Nội khoảng 100km về phía đông, cách Phả Lại 5km về phía bắc.
Vùng đất Kiếp Bạc nằm liền kề bên tả ngạn sông Lục Đầu Giang, thuộc địa phận xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương), cách Hà Nội khoảng 100km về phía đông, cách Phả Lại 5km về phía bắc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây là nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt. Trên hết, đó là vị trí tiền tiêu của cả vùng đông bắc rộng lớn của tổ quốc, thường được ví như điểm "đầu con đường xâm lược" của phong kiến phương bắc. Từ Lạng Sơn đi xuống, từ biển khơi đi vào trung tâm Thăng Long, cả hai đường thuỷ bộ đều phải qua đây. Chính bởi vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng vùng đất này. Các vị vua thời nhà Lý và Trần rất quan tâm xây dựng, với việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế, quân sự (Vân Đồn) cùng với việc cử các vị tướng tài thống lĩnh (Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư).
Trong bối cảnh địa lý nhân văn ấy, với vị thế đặc biệt quan trọng, Kiếp Bạc trở thành vùng đất "địa linh - nhân kiệt" khá nổi tiếng trong lịch sử. Trước hết, đây là khu vực có địa thế núi - sông hùng vĩ, hội đủ các yếu tố của một vùng đất 'địa linh", với hệ thống các dãy núi cao thuộc vòng cung Đông Triều ôm trọn cả vùng đông bắc. Nơi đây có một hệ thống núi cao trung bình từ 200m đến 250m, trong đó núi Trán Rồng đứng sừng sững như tay ngai ôm lấy trung tâm là đền Kiếp Bạc. Hai dãy núi Côn Sơn (phía bắc) và Phượng Hoàng (phía nam), nối dài từ Yên Tử về như ôm lấy lòng chảo Kiếp Bạc. Dãy Côn Sơn nối với Kiếp Bạc bằng những quả đồi thấp dạng "bát úp" nằm rải rác trong thung lũng phía đông bắc. Dãy Phượng Hoàng chạy theo mé phía nam như bức tường thành tự nhiên chia đôi núi và đồng bằng của huyện Chí Linh.
Bên cạnh Sơn văn, Thuỷ văn vùng Kiếp Bạc quyết định bởi sông Lục Đầu Giang, quanh năm mênh mông nước, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, khúc sông này trở nên rộng lớn vô cùng bởi là nơi hợp lưu của nhiều dòng sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Thái Bình, sông Kinh Thày).
Song, không chỉ có vậy, Kiếp Bạc còn có những đồng bằng (nhỏ hẹp) là bãi bồi chạy dài hay là các thung lũng nhỏ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, sản xuất. Với hình thế núi - sông như "thế bàn tay" hoà - hợp, có thể thấy khu vực Kiếp Bạc có vị thế đặc biệt quan trọng, thuận tiện giao lưu/thông, không chỉ phát triển kinh tế mà còn là trọng điểm quân sự. Chính bởi vậy, vùng đất này là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.
Trong lịch sử dân tộc, vào thế kỷ 13, địa danh Kiếp Bạc/Vạn Kiếp được sử sách ghi chép nhiều bởi nó gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược, người có công tích lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược, người được tôn vinh là "cha" trong tâm thức dân gian Việt, với lễ hội lớn vào tháng 8 Âm lịch (tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ). Do Kiếp Bạc là nơi có địa thế núi - sông hoà hợp, cây cối xanh tươi, làng mạc trù phú, được Trần Hưng Đạo lựa chọn làm phủ đệ, nhằm vừa mở mang kinh tế, sản xuất, song vẫn có thể đảm trách là tiền đồn vững chắc, cứ điểm quân sự quan trọng lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, vùng đất này cũng gắn với nhiều nhân vật thời Trần khác. Liền kề Kiếp Bạc là núi Côn Sơn, với đền thờ và hệ thống di tích liên quan đến Nguyễn Trãi - danh nhân văn hoá thế giới. Phía xa, dưới chân núi Phượng Hoàng là di tích thờ Chu Văn An - nhà giáo liêm khiết, nổi tiếng thanh cao, trung trực với "thất trảm sớ"...
Do hàm chứa những giá trị lịch sử/văn hoá to lớn, từ lâu vùng đất "địa linh - nhân kiệt" Kiếp Bạc đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước, đặc biệt là vào mùa lễ hội được tổ chức trang trọng hàng năm.
Nguyễn Văn Đoàn