Long Biên - địa danh lịch sử ấy gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hồi đầu Công nguyên, nơi hàm chứa những giá trị lịch sử - văn hoá của vùng đất có truyền thống lâu đời, vùng đất "địa linh, nhân kiệt". Ngày nay, Long Biên là một quận mới được thành lập trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm, nằm bên tả ngạn sông Hồng, là đầu mối giao thông quan trọng trong giao lưu kinh tế - văn hoá của đất nước.
Long Biên - địa danh lịch sử ấy gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hồi đầu Công nguyên, nơi hàm chứa những giá trị lịch sử - văn hoá của vùng đất có truyền thống lâu đời, vùng đất "địa linh, nhân kiệt". Ngày nay, Long Biên là một quận mới được thành lập trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm, nằm bên tả ngạn sông Hồng, là đầu mối giao thông quan trọng trong giao lưu kinh tế - văn hoá của đất nước.
Theo Di tích Lịch sử - Văn hoá và Cách mạng kháng chiến quận Long Biên (Nxb. Chính trị Quốc gia, 2006), trên địa bàn quận Long Biên có tới 77 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có tới 36 ngôi đình, 34 ngôi chùa, 7 đền và nghè, bên cạnh đó là hệ thống các di tích cách mạng, kháng chiến.... nằm rải rác trên địa bàn quận. Hiện nay hầu hết các di tích đã được lập hồ sơ khoa học và đưa vào kế hoạch trùng tu tôn tạo và từng bước phát huy tác dụng.
Theo khảo sát bước đầu, trong các di tích lịch sử - văn hoá còn lưu giữ một số lượng lớn các di vật cổ, mang ý nghĩa như là một "bảo tàng" tại chỗ, phản ánh quá trình tồn tại lâu dài của mỗi di tích nói riêng cũng như của cả vùng đất Long Biên nói chung. Các di vật cổ thuộc nhiều thời đại khác nhau, chủ yếu là đồ gỗ sơn son thếp vàng, gồm các loại tượng và đồ thờ, hoành phi, câu đối; các di vật đồ đá như bia, tượng, bát hương; các di vật bằng giấy và vảinhư sắc phong, thần phả, quần áo, hia... rất phong phú về loại hình và kiểu dáng, hoa văn trang trí cũng như minh văn lịch sử, thực sự là phần "cốt lõi căn bản", là "hồn" của di tích (ảnh).
Trong bối cảnh hiện nay, trước xu thế phát triển của xã hội hiện đại, vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn quận Long Biên đã trở thành yêu cầu bức thiết. Công việc đó sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi nhân dân thủ đô cũng như cả nước đang hướng tới đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi. Chính bởi vậy, Uỷ ban Nhân dân quận Long Biên đã đề xuất Chương trình nghiên cứu, giám định cổ vật tại các di tích trên địa bàn quận Long Biên. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là cơ quan chuyên nghiên cứu về khảo cổ học phối hợp với phòng Văn hoá, Thông tin - Thể thao quận Long Biên chủ trì thực hiện chương trình nghiên cứu này, với sự tham gia của Ban Tư vấn chuyên môn là các chuyên gia thuộc Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ VH - TT & DL), Viện Khảo cổ học, Trường Đại học KHXH & NV, Trường Đại học Văn hoá... (ảnh).
Trong quá trình thực hiện chương trình nghiên cứu, các chuyên gia sẽ tiến hành giám định toàn bộ, hệ thống các di vật trong các di tích bằng phương pháp nghiên cứu khảo cổ học truyền thống với việc thống kê, phân loại, khảo tả, đo vẽ, chụp ảnh, dập hoa văn, ký tự, ký hiệu, lập hệ thống phiếu... kết hợp với các phương pháp liên nghành Khảo cổ - Dân tộc học, Xã hội học, Văn hoá dân gian, Hán văn, Tôn giáo trong việc điều tra, thăm hỏi thu thập thông tin liên quan cũng như "xã hội hoá" nhận thức bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của di tích và di vật. Thông qua đó, xác định niên đại tương đối và tuyệt đối cho từng di vật và nhóm di vật trên cơ sở đối sánh tài liệu (ở các di tích kề cận ở Hà Nội và cả nước, các ghi chép của sử sách về các vấn đề có liên quan). Từ đó lập hồ sơ khoa học về các di vật trong từng di tích, đánh giá giá trị lịch sử - văn hoá, hiện trạng và kiến nghị bảo quản, bảo tồn. Hồ sơ khoa học về các di vật góp phần quan trọng tìm hiểu quá trình tồn tại của từng di tích trong lịch sử với những biến đổi/biến động lớn ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan của di tích nói riêng cũng như đối với vùng đất Long Biên nói chung.
Theo kế hoạch, chương trình nghiên cứu, giám định cổ vật các di tích trên địa bàn quận Long Biên sẽ tiến hành trong 3 năm, từ 2007 đến 2009, với việc khảo sát, nghiên cứu, giám định và lập hồ sơ khoa học về các di vật cổ trên 41 di tích (năm 2007: 10 di tích; năm 2008: 16 di tích; năm 2009: 15 di tích). Song song với quá trình nghiên cứu, giám định sẽ từng bước tập hợp và hoàn thiện bản thảo và xuất bản sách giới thiệu cổ vật Long Biên vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nguyễn Văn Đoàn