Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 00:40 2674
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Năm 1930, trên tạp chí BEFEO có đăng những thông tin của các nhà khai thác đồn điền ở Nam Đông Dương về việc phát hiện hai “Thành mọi” ở Xa Cam (Bình Long - Bình Phước). Theo những gì họ mô tả thì đó là di tích có hai vòng đất hình tròn đồng tâm cách nhau bởi một con hào, đường kính khoảng 100m và nằm trên gò cao.

Năm 1930, trên tạp chí BEFEO có đăng những thông tin của các nhà khai thác đồn điền ở Nam Đông Dương về việc phát hiện hai “Thành mọi” ở Xa Cam (Bình Long - Bình Phước).

Theo những gì họ mô tả thì đó là di tích có hai vòng đất hình tròn đồng tâm cách nhau bởi một con hào, đường kính khoảng 100m và nằm trên gò cao. Có thể coi đây là mốc đánh dấu sự phát hiện của loại hình di tích mà sau này được gọi là “công trình đất tròn” (circular earthwork). Đến năm 1955, Louis Malleret đã tiến hành nghiên cứu trên thực địa đồng thời lập một danh sách 17 di tích thuộc loại này (12 di tích ở Bình Phước và 5 di tích ở Kompong Cham). Vì những lí do khác nhau, trong các thập niên tiếp theo chỉ có một vài cuộc nghiên cứu lẻ tẻ. Phải đến nửa sau của thập kỷ 90 thì việc nghiên cứu loại hình di tích đất đắp cổ hình tròn mới được đẩy mạnh với quy mô lớn hơn và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong bài viết nhỏ này, trên cơ sở những nguồn tư liệu mới, chúng tôi xin đưa ra một vài nhận xét về loại hình di tích đặc biệt này.

1. Đầu tiên đó là vấn đề chức năng (function). Trước nay, căn cứ vào cấu trúc, người ta thường giải thích một cách giản dị rằng những công trình đất đắp này là nơi cư trú phòng ngự (defensive) hoặc ít nhiều mang yếu tố quân sự (fortification) (2; 5). Nhìn bề ngoài, với cấu trúc gồm một hoặc hai vòng đất bao và một vòng hào, dễ khiến mọi người nghĩ như vậy. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ thì lại không phải thế. Ta biết rằng, các vòng đất phía ngoài, thường cao hơn xung quanh chỉ khoảng 1 - 2m, nếu tính cả độ xói mòn thì cũng chỉ cao đến 3 - 4m là cùng. Đáng chú ý là những vòng thành này không hề được đắp một cách dựng đứng mà bao giờ cũng có độ thoải ra phía bên ngoài. Rõ ràng với cấu tạo như thế, nếu là một vòng thành, thì nó gần như không có tác dụng ngăn cản đối phương xâm nhập, cho dù phía trên có được trồng một hàng rào gỗ như Malleret gợi ý (1: 21). Theo những nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Đức tại Kompong Cham thì một số địa điểm như Phoum Chong, Phoum Kampoan, các vòng đất bên ngoài thậm chí có chỗ còn thấp hơn cả khu vực bên trong (1: 29). Còn theo Nguyễn Trung Đỗ thì ở các di tích như Bù Nho hay Long Hà I (Phước Long - Bình Phước) lại không hề có vòng đất bao mà chỉ có một vài ụ đất đắp ở bên ngoài cổng ra vào (3: 53). Vậy thì phòng ngự làm sao được (!). Hơn nữa, khi nghiên cứu di vật thu được trong các đợt khai quật ở một số địa điểm, thì hầu như không tìm thấy một tiêu bản nào mang chức năng là vũ khí chân chính, chỉ có rìu bôn, cuốc, đục, bàn mài và một số loại hình khác, đâu đó có một vài mũi nhọn. Đành rằng những chiếc rìu, khi cần, cũng có thể mang ra chiến đấu, nhưng chức năng chủ đạo của nó vẫn là dùng trong lao động. Nếu khả năng người xưa đắp cả một vòng thành đồ sộ để phòng ngự được chấp nhận thì chắc hẳn những cư dân này phải có một tổ chức, một ý niệm sẵn sàng chiến đấu cao lắm, vậy mà họ lại không có một bộ vũ khí chuyên biệt thì quả là vô lí. Rõ ràng, với những bằng chứng về cấu trúc và di vật, thì việc gắn chức năng phòng ngự cho những “công trình đất tròn” cần phải xem xét lại.

Theo chúng tôi, chủ nhân của những “công trình đất tròn”thực chất là những cư dân nông nghiệp. Việc tìm thấy vỏ trấu trong xương gốm ở Krek 52/62 (1: 43) cho thấy đã tồn tại thực sự một nền nông nghiệp trồng lúa ở đây. Bên cạnh đó, những cư dân này còn có những nghề thủ công khác như chế tác đá, làm gốm, làm mộc, dệt… Còn tại sao họ lại xây dựng nơi cư trú của mình với cấu trúc kì lạ như thế thì vẫn là điều bí ẩn mà với những tư liệu hiện biết, chúng ta chưa thể giải mã.

2. Vấn đề thứ hai chúng tôi muốn nói tới đó là cách gọi vùng đất cao bên trong là “vòng thành/vòng đê phía trong” (inner wall). Tôi không hiểu tại sao lại gọi một cách dễ dãi như vậy, trong khi rõ ràng đây không phải là vòng đất đắp. Trong các cuộc khảo sát và khai quật, mọi người đều có nhận định rằng “hiện vật phân bố tập trung ở vòng đê phía trong, không có hoặc rất ít ở vòng đê ngoài, hào và nền trũng trung tâm” (3: 43). Như thế, đương nhiên ta phải hiểu “vòng đê” phía trong là khu vực cư trú chủ yếu, nó không hề là một vòng đất đắp có ý thức mà thật ra được bồi cao lên bởi trầm tích văn hoá của con người.

3. Cuối cùng là vấn đề về niên đại. Cho dù có vạch ra các khung niên đại cụ thể khác nhau, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều xếp những công trình đất tròn vào thời đại Kim khí, với niên đại khoảng 3.000 năm trở lại (1; 2; 5). Ở đây, chúng tôi chỉ muốn cung cấp một thông tin rằng, tại địa điểm Krek 52/62 (Kompong Cham), các nhà khảo cổ học Đức đã tìm thấy 2 mảnh vòng thuỷ tinh nằm (in situ) trong địa tầng (lớp trên) (1:38). Căn cứ vào đó, những người khai quật cho rằng chủ nhân của di tích đã biết sử dụng kim khí. Theo họ sở dĩ không tìm thấy hiện vật kim loại trong các đợt khai quật là vì chúng đã bị phân huỷ trong điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi (1: 30). Chúng tôi không tán thành cách lí giải này. Hai mảnh vòng thuỷ tinh trong địa tầng chỉ phản ánh rằng di tích có một giai đoạn tồn tại ở thời đại Sắt (Iron Age) chứ không có nghĩa chủ nhân của nó phải biết sử dụng/chế tạo đồ sắt (hay kim khí nói chung). Sự có mặt của chúng có thể được thực hiện bằng mua bán, trao đổi. Còn nói đồ kim loại bị phân huỷ do thổ nhưỡng thì tại sao nhiều di tích cũng phân bố trên thềm đất đỏ ấy vẫn tìm thấy hiện vật kim loại (?). Đơn giản là di tích này có còn di tích kia thì không (!). Chúng ta cần phân biệt “thời gian tồn tại với trình độ phát triển” của di tích, bởi trong tiến trình lịch sử bao giờ cũng có sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực hay giữa các nhóm cư dân trong một khu vực. Thế nên sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi chủ nhân của những “công trình đất tròn”, dù đã bước vào thời đại Kim khí (về mặt thời gian), nhưng vẫn dùng những công cụ đá, tre, gỗ…quen thuộc của mình.

Trương Đắc Chiến

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6541

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

NHỮNG KHU MỘ MƯỜNG Ở KHU VỰC NAM ĐỒNG MÔ (SƠN TÂY, HÀ TÂY)

NHỮNG KHU MỘ MƯỜNG Ở KHU VỰC NAM ĐỒNG MÔ (SƠN TÂY, HÀ TÂY)

  • 05/09/2008 00:38
  • 2352

Nhằm phục vụ Dự án xây dựng Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam,Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát khảo cổ học tại khu Nam hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Tây).