Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 00:35 6122
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Nằm ở góc Đông Nam, bên trong Tử Cấm Thành - Huế, Duyệt Thị Đường (Théatre Royal) là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế, với chức năng chính là nhà hát cung đình.

Nằm ở góc Đông Nam, bên trong Tử Cấm Thành - Huế, Duyệt Thị Đường (Théatre Royal) là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế, với chức năng chính là nhà hát cung đình.

Đây là nơi diễn ra các loại hình sinh hoạt văn hoá nghệ thuật truyền thống, như: ca múa nhạc cung đình, diễn tuồng, hát bội, kịch… Người xem là vua, các bà trong cung, các quan đại thần và khách nước ngoài.

Không ảnh Tử Cấm Thành- Huế

Ngoài chức năng chính trên, Duyệt Thị Đường còn là nơi tổ chức các buổi lễ hội đặc biệt như dịp tứ tuần các vua Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định…. Đối tượng được tham dự là các quan văn võ, các hoàng tử, hoàng đệ…. Vào năm 1833 (Minh Mạng thứ 14) triều đình nhà Nguyễn đã cho tổ chức đúc tiền “Minh Mạng phi long” ngay tại địa điểm này.

Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm 1826 dưới thời Minh Mạng, trên nền cũ của nhà hát Thanh Phong Đường (1805). Công trình được tu bổ lần đầu vào năm 1829 (Minh Mạng thứ 10). Chắc chắn trong suốt quá trình tồn tại, nhà hát này đã được tu bổ nhiều lần, xong quy mô và kết cấu thì không thay đổi.

Xung quanh nhà hát Duyệt Thị Đường còn có nhiều công trình kiến trúc khác phục vụ sinh hoạt của vua và triều đình nhà Nguyễn, như: Sở Thượng Thiện (còn gọi là Ngự Thiện) nằm ở phía Đông bắc, là nơi chế biến, cung cấp thức ăn và thực hiện những công việc có liên quan như chuẩn bị bát đĩa, thìa, tăm… cho Hoàng gia. Thái Y Viện nằm ở phía Đông nam, là nơi làm việc của các thầy thuốc trong hoàng cung, luôn chăm lo sức khoẻ của Hoàng đế, Hoàng gia cùng quan lại tại kinh đô. Tại góc Đông nam là nơi tập trung 3 công trình kiến trúc quan trọng, gồm Thị Vệ Trực Phòng (nơi các thị vệ của nhà vua túc trực), Cẩn Tín Ty (văn phòng nội điện trong Tử Cấm Thành) và Tiên Trượng Khố (nơi để phù hiệu của vua đem biểu dương trong những kỳ đại lễ). Ngoài ra, ở phía Nam nhà Duyệt Thị còn có một công trình khác là Dưỡng Chính Đường, đây là nơi ở và học tập của các hoàng tử. Như vậy, khu vực nhà hát Duyệt Thị Đường là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, bao gồm nhiều đơn nguyên với các chức năng khác nhau nhằm phục vụ cho những sinh hoạt thiết yếu của Hoàng đế, Hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn.

Biểu diễn ca nhạc tại nhà hát Duyệt Thị Đường

Nhà hát Duyệt Thị Đường ngưng hoạt động ngay sau ngày chế độ quân chủ cáo chung (8/1945). Trong những năm chiến tranh sau đó, cùng với các công trình kiến trúc khác trong Tử Cấm Thành, Duyệt Thị Đường bị tàn phá nặng nề. Thời kỳ đất nước bị chia cắt, chính quyền miền Nam sử dụng Duyệt Thị Đường làm cơ sở giảng dạy của trường Quốc gia Âm nhạc Huế (ngày nay là Trường Đại học Nghệ thuật Huế) và đã sửa đổi cho phù hợp: thu hẹp diện tích công trình, nâng lên hai tầng, những cấu trúc mới được thực hiện bằng gạch và bê tông cốt sắt, mái đôi thay bằng mái đơn lợp ngói liệt, loại bỏ mái hiên, dựng thêm trần vỏ cua ở phía Đông.

Ngoài ra, kết cấu sân vườn bên ngoài Duyệt Thị Đường và tổng thể kiến trúc Duyệt Thị Đường nói chung đều bị thay đổi: mở một cửa tam quan ở tường thành phía Đông, đồng thời tạo vườn hoa trên phần đất của Sở Thượng Thiện và Thái Y Viện cũ.

Căn cứ vào các nguồn sử liệu, sơ đồ tổng thể Hoàng thành Huế của A.Laborde, bức không ảnh chụp trong khoảng 1930 - 1932 của Graffenil và đặc biệt là kết quả khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện vào năm 1999 - 2000 đã xác định Duyệt Thị Đường khởi thuỷ là một ngôi nhà trùng thiềm lớn, mái thắt cổ diềm, lợp ngói thanh lưu ly, mặt bằng hình chữ nhật, dài 45,9m, rộng 34,5m, chạy theo hướng Đông - Tây, cấu trúc ban đầu gồm 4 gian 2 chái, mặt quay hướng Đông, xung quanh có hiên rộng 2,8m. Móng xây gạch vồ (29,5cm x 13,5cm x 7cm), trên bó đá sa thạch (rộng 38cm, dày 26cm). Nền nhà lát gạch vuông màu đỏ tươi (38cm x38cm x 3,5cm). Giữa lòng nền nhà có sàn diễn được thiết kế theo dạng sân đình, không có cấp bậc ngăn cách mà được lát phẳng (cùng côtê) với toàn bộ nền nhà. Sân khấu có dạng gần vuông (10,5m x 9,1m), được lát bằng gạch men xi măng của Pháp, xung quanh được bo diềm bằng loại gạch trang trí hồi văn hình chữ T. Phía cuối nhà hát là khán đài danh dự, nơi dành riêng cho vua và các bà trong nội cung.

Hiện trạng nhà hát Duyệt Thị Đường

Hình dáng và bố cục của nhà hát Duyệt Thị Đường đã được ông Marcel Monnier ghi lại trong cuốn “Le tour d’Asie”(Plan, Paris 1898) về những điều mắt thấy tai nghe tại buổi xem hát tuồng ở Duyệt Thị Đường vào năm 1898, nhân dịp lễ sinh nhật lần thứ 17 của vua Thành Thái:

“Sân khấu hình chữ nhật, mái cong như mái đình chùa được chống đỡ bởi mấy hàng cột gỗ to lớn, sơn son. Nhà hát được xây dựng dựa lưng vào Hoàng cung - ở đó có cung điện dành cho vua và các bà. Các bà này xem hát ngồi trên một khán đài cao chiếm gần hết phần cuối nhà hát. Phía trước khán đài của các bà có treo một tấm màn trúc. Xuyên qua tấm bình phong mềm mại di động đó, các bà thu mình trong một thứ ánh sáng nhờ nhờ, từ đó các bà nhìn ra và không sợ ai nhìn thấy dung nhan của các bà. Họ nói chuyện huyên thuyên nhè nhẹ. Xen vào tiếng thỏ thẻ như trong lồng chim ấy là tiếng quạt phành phạch giống như tiếng chim vỗ cánh. Tiếng xào xạc của quần áo lụa, tiếng kim khí của đồ nữ trang chạm nhau, tiếng lanh canh của những sợi dây chuyền vàng, thỉnh thoảng một tiếng cười lại phá lên, tiếng cười của trẻ thơ, tiếng cười sớm được hãm lại và theo sau là một sự im lặng kéo dài.

Cách trang trí của nhà hát thật hài hoà: con rồng Việt Nam được thể hiện khắp nơi trên những khung gỗ hoặc bám quanh những thân cột. Trần nhà sơn màu xanh lơ (couleurazur), tinh tú với những dấu hiệu của Hoàng cung nổi lên.

Đồ gỗ sắp đặt rất tương xứng. Ở chân đài dành cho các bà Hoàng Thái hậu và các bà ở Hậu cung, ngai vàng đặt trên một cái bệ đứng riêng một mình. Ở bên phải và bên trái đặt hai hàng ghế dành cho các vị quốc khách, cho các vị chức sắc ở toà Khâm, cho các tướng lãnh quân đội và bộ tham mưu của họ. Xa hơn một chút nữa, ở hai bên sân khấu đặt hai dãy ghế dài trải vải điều sẫm dành cho các quan trong triều, các vị trong Hội đồng Nhiếp chính và Hội đồng Cơ mật. Toạ vị tại đó là người cuối cùng và đáng kính đại diện cho triều Gia Long, ông hoàng Tuy Lý - con thứ 11 của vua Minh Mạng. Ngồi bên cạnh ông là cụ Nguyễn Trọng Hợp - đệ tam phụ chánh, người thực sự nắm quyền hành pháp. Tất cả những người có chức tước đều đeo thẻ bài trước ngực. Đó là một loại kim khánh đeo với một sợi dây bằng lụa màu đỏ. Y phục bằng gấm được thêu hoa với đủ màu sắc sặc sỡ. Cảnh quan được tô điểm thêm bằng bữa cơm chiều dọn trên một cái bàn dài. Có nhiều thứ bánh rất ngon do chính tay các bà làm để dành cho vua và các vị khách quý.

Nhà hát Duyệt Thị Đường sau khi trùng tu

Người phục dịch mặc áo ngắn màu đỏ, đi qua đi lại rất nhẹ nhàng, dáng đi uyển chuyển với đôi bàn chân không. Họ rót rượu mời khách thận trọng như các em rót rượu lễ trong nhà thờ.

Sân khấu thật sự không có, không có gì ngăn cách giữa thế giới hiện thực với các diễn viên. Diễn viên di động đồng bộ với khán giả trong khung hình vuông rộng được tổ chức ngay phía trước ngai vàng và chỗ dành cho các quan lại. Trang trí theo lối cổ: một bức tường có trổ hai cửa, đi ra bên trái, đi vào bên phải.

Sân khấu như thế, người xem được dự vào cái thế giới của nghệ thuật”.

Qua những đoạn mô tả khá chi tiết này, chúng ta có thể hình dung được một cách tường tận quy mô và kết cấu của nhà hát Duyệt Thị Đường cũng như cách bài trí trong một buổi biểu diễn nghệ thuật của nhà hát nhân dịp trọng lễ. Điều đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học.

Trong chương trình trùng tu sửa lại các di tích lịch sử ở Cố đô Huế, Chính phủ Việt Nam và UNESCO đã đồng ý sửa sang lại Duyệt Thị Đường và sẽ tổ chức các cuộc liên hoan sân khấu truyền thống Đông phương tại đây. Như vậy, sau bao năm bị lãng quên và xuống cấp nặng nề, nay nhà hát Duyệt Thị Đường lại được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị của một nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu truyền thống Việt Nam. Và trong dịp lễ Festival năm 2002 tổ chức tại Huế, nhà hát Duyệt Thị Đường lại được sáng đèn, tiếng trống, tiếng nhạc cùng những khúc hát nhã nhạc cung đình Huế lại được cất lên, báo hiệu sự hồi sinh của nhà hát này cũng như các loại hình âm nhạc truyền thống nơi đây. Chắc chắn nhà hát Duyệt Thị Đường và đời sống sinh hoạt văn hoá tại đây sẽ là điểm tham quan cuốn hút với đông đảo du khách trong và ngoài nước có mong muốn tìm hiểu văn hoá cổ truyền của dân tộc ta.

Nguyễn Ngọc Chất

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6377

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

NHỮNG DẤU TÍCH CỦA CON NGƯỜI THỜI TIỀN - SƠ SỬ Ở KHU VỰC ĐỒNG MÔ (SƠN TÂY, HÀ TÂY)

NHỮNG DẤU TÍCH CỦA CON NGƯỜI THỜI TIỀN - SƠ SỬ Ở KHU VỰC ĐỒNG MÔ (SƠN TÂY, HÀ TÂY)

  • 05/09/2008 00:32
  • 3261

Năm 1998, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát khảo cổ học tại khu Nam hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Tây) nhằm phục vụ Dự án xây dựng Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam. Đây là một Dự án trọng điểm, có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, với qui mô đầu tư trên phạm vi 547ha, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào khoảng năm 2020.