Trong sưu tập vật liệu kiến trúc phát hiện được qua đợt khai quật ở di tích Dương Kinh năm 2004, ngoài những loại hình vật liệu như gạch, ngói, diềm trang trí, có một nhóm di vật khá phong phú, gây được sự chú ý của chúng tôi, đó là nhóm tượng con giống trang trí kiến trúc.
Trong sưu tập vật liệu kiến trúc phát hiện được qua đợt khai quật ở di tích Dương Kinh năm 2004, ngoài những loại hình vật liệu như gạch, ngói, diềm trang trí, có một nhóm di vật khá phong phú, gây được sự chú ý của chúng tôi, đó là nhóm tượng con giống trang trí kiến trúc.
Tượng con giống được tìm thấy ở đây đều là mảnh vỡ còn lại của các khối tượng tròn, phân bố tập trung trong địa tầng chứa đựng vết tích kiến trúc thời Mạc ở hai khu vực Gò chữ Công và gò Gạo thuộc làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng - nơi được các nhà nghiên cứu xác định là trung tâm của Dương Kinh nhà Mạc.
|
Đầu tượng nghê |
- Về số lượng: qua kết quả thống kê và phân loại, chúng tôi xác định được có 83 tiêu bản, trong đó có 73 tiêu bản là mảnh tượng rồng và 10 tiêu bản là mảnh tượng nghê.
- Về chất liệu: tất cả các mảnh tượng tìm thấy ở đây đều được làm bằng đất nung màu xám xanh, xương thô, mủn, lẫn nhiều cát, cho thấy kỹ thuật luyện đất không kỹ, độ nung thấp. Vì vậy khi tiến hành cọ rửa hiện vật, chúng tôi chỉ có thể dùng chổi cứng để tách đất chứ không dám dùng nước rửa, bởi nếu dùng nước thì gần như các mảng chạm khắc của khối tượng sẽ bị mủn và bay mất họa tiết.
- Về thể khối và họa tiết trang trí: có thể nói các mảnh tượng tìm thấy ở đây đều có thể khối bé, có loại được đúc rỗng, có loại đúc đặc, kích thước trung bình rộng từ 4 - 12 cm. Do đều là những mảnh vỡ nên chúng tôi không xác định được kích thước đầy đủ của hiện vật. Tuy nhiên qua đó cũng có thể xác định được công năng của chúng, có lẽ chúng đều là những khối tượng gắn trên bờ giải/chảy của kiến trúc.
|
Mảnh tượng rồng |
Mặc dù có thể khối bé như vậy nhưng các tượng con giống ở đây đều được chạm khắc rất cầu kỳ, kỹ thuật tinh xảo, thể hiện sự tinh tế của các nghệ nhân đương thời.
Tượng rồng, qua quan sát nhận thấy tượng được tạo với đầu ngẩng cao, trán dô, miệng há, mũi to và hếch, hai cánh mũi nở rộng, mắt lồi tròn, tạo nhiều lớp, giữa có lỗ nhỏ, lõm sâu. Tai dạng tai thú, vuốt về phía sau, hai má bành rộng, râu và mào hướng về phía sau, bám liền với thân. Bờm rồng xoắn móc tạo hình tảng vân, ôm sát theo chiều lượn của thân. Thân rồng mập tròn, tạo nổi vảy rồng giống như vảy cá. Đuôi nhọn, vuốt đao lửa giống đuôi cá chép. Rất tiếc trong số các tiêu bản được tìm thấy, chúng tôi không gặp được những mảng chân rồng. Vì thế khó xác định tượng rồng ở đây chân có 4 móng hay 5 móng.
|
Đầu tượng nghê |
Tượng nghê, qua thống kê còn lại 3 mảnh đầu tượng ở tư thế ngẩng cao. Nghê có trán dô, mắt to tròn, má bành, miệng ngậm lộ rõ hai chiếc răng nanh, mũi hếch, cánh mũi nở rộng, tai dạng tai thú, mở rộng, cổ tròn bầu, một đầu tượng còn có chòm râu phía dưới. Qua quan sát nhận thấy các mảnh tượng nghê này có hình dáng và phong cách trang trí giống với hai tượng nghê đồng phát hiện ở gò Quan Thiệu (thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan) năm 1987, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.
Như vậy, với sưu tập tượng con giống trang trí kiến trúc bằng đất nung phát hiện được ở di tích Dương Kinh bước đầu đã cho chúng ta thấy rõ sự phong phú và đa dạng của các công trình kiến trúc nơi đây. Mặc dù, qua kết quả khai quật, những dấu vết nền móng kiến trúc còn lại của Dương Kinh tráng lệ một thời chỉ là những đoạn gia cố nền móng, nhưng với sự xuất hiện phong phú các loại hình vật liệu và trang trí kiến trúc trong hố đào cũng phần nào cho thấy bóng dáng kiến trúc nơi đây, trong đó sưu tập con giống trang trí kiến trúc là một minh chứng rõ nét.
Như trên đã nói, với thể khối nhỏ, lại được làm bằng chất liệu đất nung, nên có thể xác nhận những con giống này đều được gắn trên các bờ giải hay bờ chảy của kiến trúc đương thời. Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta hầu như không còn gặp được những công trình kiến trúc cổ có gắn các khối tượng tròn trên bờ chảy của kiến trúc, nhưng nếu có dịp thăm quan và làm việc tại các nước bạn như Trung Quốc, Nhật Bản chúng ta sẽ có cơ hội được nhìn thấy những tượng thú chạy trên bờ chảy của các công trình kiến trúc cổ. Hẳn đó là những nét tương đồng và giao lưu văn hóa giữa kiến trúc Việt Nam và các nước cùng khu vực.
|
Mái kiến trúc cung điện ở Trung Quốc |
Những mảnh tượng con giống trang trí ở đây đều được tìm thấy trong địa tầng hố đào, cùng với tầng văn hóa chứa đựng các vết tích kiến trúc Dương Kinh, vì thế việc xác định khung niên đại thế kỷ XVI - thời Mạc cho chúng là điều không cần bàn cãi. Xong, một vấn đề mà chúng tôi cần đề cập ở đây là loại hình tượng con giống này xuất hiện trên bộ mái kiến trúc từ giai đoạn nào? Phát hiện những loại tượng con giống trang trí kiến trúc ở Dương Kinh sẽ gợi mở cho chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu về loại loại hình này trong dòng chảy kiến trúc cổ Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua đã cho thấy kiến trúc “ngõa thạch” được du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên, theo gót chân xâm lược của phong kiến phương Bắc. Và chúng thật sự nổi bật, khẳng định nét văn hóa kiến trúc truyền thống Việt chỉ bắt đầu từ thế kỷ X cho đến nay - kỷ nguyên độc lập của dân tộc ta. Tuy nhiên, ở thời Đinh - Tiền Lê, qua các đợt khai quật ở di tích Cố đô Hoa Lư, chúng ta chỉ bắt gặp những tượng vịt/ uyên ương gắn trên mái kiến trúc chứ chưa thấy tượng nghê. Đến thời Lý - Trần, với hàng trăm di tích đã được nghiên cứu, khai quật mà chúng ta cũng chỉ phát hiện những tượngvịt/uyên ương, lá đề trang trí rồng, phượng hay các khối tượng rồng, phượng có thể khối lớn được trang trí trên mái kiến trúc hoặc đầu kìm mà vẫn không thấy các khối tượng khác. Hay sang giai đoạn Lê sơ, giai đoạn liền trước thời Mạc, qua các đợt khai quật ở di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), nơi được xem là kinh đô thứ hai của triều Lê sơ, nơi lăng phần liệt thánh của nhà Lê với hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ mà kết quả khai quật cũng không phát hiện mảy may một mảnh tượng thú nào gắn trên mái kiến trúc. Do vậy, qua sưu tập con giống trang trí kiến trúc, đặc biệt là các tượng nghê phát hiện ở di tích Dương Kinh đã đưa chúng tôi đến một kết luận là các loại hình tượng thú (ngoài rồng) tham gia trang trí mái kiến trúc Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu từ thời Mạc và phát triển vào giai đoạn Lê Trung Hưng, sớm bị mất dần vào thời Tây Sơn và Nguyễn. Chắc chắn đây là một vấn đề lý thú, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, không chỉ đối với giới nghiên cứu khảo cổ học mà còn đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật và điêu khắc.
Nguyễn Ngọc Chất