Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 00:25 2107
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nghị quyết số 77/2007/QHII của Quốc hội khóa XI ghi rõ: Cần triển khai đồng bộ việc xây dựng Nhà Quốc hội với việc bảo tồn di tích lịch sử của Hội trường Ba Đình. Theo đó, những giá trị lịch sử của Hội trường Ba Đình sẽ không mất đi mà được bảo tồn bằng hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật và mô hình trong bảo tàng để giới thiệu đến đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế bằng phương pháp giới thiệu, thuyết minh giá trị văn hóa lịch sử.
Nghị quyết số 77/2007/QHII của Quốc hội khóa XI ghi rõ: Cần triển khai đồng bộ việc xây dựng Nhà Quốc hội với việc bảo tồn di tích lịch sử của Hội trường Ba Đình. Theo đó, những giá trị lịch sử của Hội trường Ba Đình sẽ không mất đi mà được bảo tồn bằng hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật và mô hình trong bảo tàng để giới thiệu đến đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế bằng phương pháp giới thiệu, thuyết minh giá trị văn hóa lịch sử.

Thực hiện Nghị quyết đó, Văn phòng Quốc hội giao cho Trung tâm Thông tin – Thư viện và Nghiên cứu Khoa học phối hợp với một số cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện dự án với 4 nội dung cụ thể sau đây:

1. Xây dựng mô hình Hội trường Ba Đình.

2. Xây dựng phim tư liệu về lịch sử Hội trường Ba Đình.

3. Lựa chọn hiện vật và tổ chức Hội thảo khoa học để đánh giá hiện vật Hội trường Ba Đình.

4. Lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử Hội trường Ba Đình.

Công việc đã được triển khai từ tháng 7/2007 và cho đến nay, theo tôi biết, đã thu được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, dường như những người thực hiện chưa mấy an tâm về những kết quả ban đầu này và mong muốn nhận được ý kiến tham góp của các chuyên gia bảo tồn - bảo tàng học, sử học, văn hóa học…. để công việc hồ sơ hóa tư liệu ở đây xứng đáng với tầm vóc lịch sử và đúng với tinh thần “lưu giữ được đầy đủ các tư liệu, hình ảnh, hiện vật và những ký ức của các thế hệ về Hội trường Ba Đình” (công văn số 52/TT-TV-KH). Vì lẽ đó, cuộc hội thảo được tổ chức, thể hiện thái độ cầu thị, có trách nhiệm của cơ quan thực hiện dự án.

Tôi hoàn toàn tán thành với bốn nội dung, đồng thời cũng là mục tiêu của dự án đặt ra. Tuy nhiên, bước đi để đạt hiệu quả cao nhất, theo đúng tinh thần “lưu giữ được đầy đủ các tư liệu” cho bốn mục tiêu này cần phải được thảo luận thêm.

- Việc xây dựng một mô hình Hội trường Ba Đình phục vụ cho công tác trưng bày chắc hẳn là không khó vì tư liệu cho nó là rất đơn giản. Vấn đề ở đây là tư liệu hóa toàn bộ những gì có liên quan tới kiến trúc nhà Quốc hội thông qua các bản vẽ ghi. Từng chi tiết phải được lưu tâm, bởi đây là “công trình mang dấu ấn kiến trúc Việt Nam, thành quả xây dựng của một giai đoạn đất nước đầy khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được mục đích chính trị”. Vậy thì, tại sao chúng ta không quan tâm tới những công trình làm thêm, vá chắp vào ngôi nhà ban đầu? Đó là những câu chuyện của thế hệ sau muốn tìm hiểu, lý giải và sẽ đầy sức quyến rũ khi hiểu được những lý do mà không một quốc gia nào, một công trình quan trọng và tầm cỡ lại có những giải pháp đặc biệt như vậy. Điều đó, cũng giống như hàng loạt các phòng họp được cải tạo, nâng cấp qua mỗi thời kỳ, người thực hiện phải thu lượm được toàn bộ hồ sơ ấy, cùng với bản vẽ ghi thật chi tiết tất cả các phòng hiện tại, sẽ tạo được bộ hồ sơ để sau này khai thác được nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tâm lý, kinh tế…. của một thời đã qua.

- Cũng như vậy, với gần 300 bộ phim lưu trữ tại Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, thiết nghĩ, xây dựng một bộ phim tư liệu về lịch sử Hội trường Ba Đình chỉ cần một chút ít nữa thôi là có thể có một bộ phim 45 – 50 phút. Vấn đề phim ở đây phải được hiểu theo nghĩa tư liệu hóa, tức là những câu chuyện quanh việc xây dựng ngôi nhà này trước đây, những ý tưởng cải tạo nó trong quá trình tồn tại, sự nâng cấp từng phần nằm trong thời điểm nào, lý do làm sao phải nâng cấp? Những câu chuyện về thiết kế, về vật liệu, về thiết bị, về con người có liên quan tới công trình này….càng được nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Muốn làm được những thước phim ấy, cần phải có chuyên gia về bảo tàng, phải có nhân chứng kể lại, mà không cần một lời bình nào của đạo diễn, sẽ là những thước phim tư liệu bổ ích sau này. Phim tư liệu cùng với những bản vẽ ghi phải được coi là hai nguồn tư liệu hoàn toàn khác nhau, hỗ trợ cho nhau để cho người khai thác tiện về sử dụng. Muốn làm được những cuốn phim tư liệu ấy, đạo diễn cùng với chuyên gia bảo tàng phải có một kịch bản, trong đó, những điều cần phải làm kỹ, những điều lướt qua, những điều cần có nhân chứng, những gì cần có sự trao đổi giữa nhân chứng với các nhà sử học, bảo tàng học…. cần phải được đặt ra và chuẩn bị trước khi thực hiện.

- Lựa chọn hiện vật cũng không thể chủ quan của những người thực hiện dự án và cũng không chỉ có các nhà bảo tàng, lịch sử, bởi Hội trường Ba Đình với 45 năm đảm đương sứ mệnh, có biết bao nhiêu sự kiện diễn ra, liên quan tới nhiều ngành nghề, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, theo đó những vật dụng nơi đây, có thể là của các ngành khác. Theo tôi, phải thông báo công việc này với nhiều các cơ quan có liên quan để họ có yêu cầu gì trong công tác sưu tầm hiện vật tại đây. Trên cơ sở ấy, những người thực hiện phân loại, rồi mới đến bước làm hộ chiếu khoa học. Hộ chiếu khoa học hiện vật tại Hội trường Ba Đình có một đặc thù riêng, đó là những vật dụng tưởng như thông thường, nhưng chứa đựng bên trong đó là những câu chuyện mà các nhà bảo tàng học gọi là “văn hóa phi vật thể”, đầy hấp dẫn và ấn tượng, cần phải được khai thác triệt để từ những nhân chứng có liên quan.

Tôi có một cảm nhận rằng, dường như lựa chọn hiện vật trong Hội trường Ba Đình như đang làm chỉ với mục đích phục vụ cho phòng trưng bày hay một Bảo tàng Quốc hội sau này. Sự lựa chọn phải bao quát tối đa, và ngay cả những hiện vật không nằm trong sự lựa chọn hôm nay cũng cần phải nắm vững được sự “di chuyển của nó”, để nếu cần thiết có thể bổ sung.

Tuy nhiên, để tránh sự bỏ sót, theo tôi, phải xây dựng các tiêu chí cho từng hiện vật, từng nhóm hiện vật, các đối tượng cần sưu tầm, để có được một định hướng toàn diện cho công tác này. Rất có thể, qua nhiều thời kỳ chuyển dời, nhiều hiện vật đã chuyển địa chỉ, cũng cần phải nắm lại để phục vụ cho công tác sưu tầm sau này.

- Cuối cùng, tổng kết tất cả những công việc nêu trên lại và lượng hóa chúng bằng hồ sơ, phim ảnh, bản vẽ, ghi âm, chính là làm hồ sơ khoa học cho di tích lịch sử Hội trường Ba Đình. Đương nhiên, đó là bước đầu của hồ sơ. Sau đó là phân loại, đánh giá, số hóa….để trở thành tư liệu có thể khai thác được, theo tôi cần một quãng thời gian dài hơn, với một bộ phận chuyên trách.

- Hồ sơ, tư liệu ở nước ta lâu nay vẫn thường xem nhẹ. Công tác hồ sơ, tư liệu của Pháp trước đây và hiện nay luôn được lưu tâm. Một ngôi biệt thự của Pháp xây dựng đầu thế kỷ ở Hà Nội còn có một bộ hồ sơ đầy đủ, huống chi một Hội trường Ba Đình với bao sự kiện quan trọng diễn ra ở đó qua 45 năm và sau này sẽ không còn nữa, thiết nghĩ công tác hồ sơ tư liệu càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi đánh giá Hội trường Ba Đình cũng giống như một di chỉ khảo cổ học sẽ bị lòng hồ thủy điện nhấn chìm, theo đó, công việc lấy tư liệu cho bằng hết những gì cần lấy cho một di chỉ vĩnh viễn sẽ không còn trong tương lai là một ưu tiên hàng đầu và thực tế chính phủ đã phải bỏ hàng chục tỷ đồng, đầu tư hàng trăm nhà khảo cổ học, thậm chí hoãn ngày làm ngập lòng hồ để phục vụ cho công tác đó, thì không có lý do gì không đầu tư cho công tác làm hồ sơ ở Hội trường Ba Đình được hoàn thiện và có chất lượng cao, cho dù thời gian có kéo dài thêm một vài tháng nữa.

Công tác hồ sơ hóa những giá trị lịch sử - văn hóa có liên quan tới Hội trường Ba Đình, trong bối cảnh này, chính là bảo tồn những di tích không còn nữa. Làm tốt được công việc này, chắc hẳn việc phát huy sau này sẽ đa dạng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Hồng Hải

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6388

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

HỆ THỐNG VẬT LIỆU KIẾN TRÚC THỜI MẠC TÌM THẤY Ở KHU TRUNG TÂM DI TÍCH CHÙA ĐẬU NĂM 2006

HỆ THỐNG VẬT LIỆU KIẾN TRÚC THỜI MẠC TÌM THẤY Ở KHU TRUNG TÂM DI TÍCH CHÙA ĐẬU NĂM 2006

  • 05/09/2008 00:24
  • 3356

Ngoài việc xác định vị trí, làm rõ quy mô, kết cấu của 3 lớp kiến trúc có niên đại sớm muộn khác nhau, trong đợt khai quật ở khu trung tâm di tích chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Tây) năm 2006, chúng tôi còn đưa lên khỏi lòng đất một số lượng lớn các mảnh vật liệu kiến trúc có giá trị nghiên cứu và trưng bày, bao gồm các sưu tập vật liệu kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Mạc (thế kỷ XVI), thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) (1).