Ngoài việc xác định vị trí, làm rõ quy mô, kết cấu của 3 lớp kiến trúc có niên đại sớm muộn khác nhau, trong đợt khai quật ở khu trung tâm di tích chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Tây) năm 2006, chúng tôi còn đưa lên khỏi lòng đất một số lượng lớn các mảnh vật liệu kiến trúc có giá trị nghiên cứu và trưng bày, bao gồm các sưu tập vật liệu kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Mạc (thế kỷ XVI), thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) (1).
Ngoài việc xác định vị trí, làm rõ quy mô, kết cấu của 3 lớp kiến trúc có niên đại sớm muộn khác nhau, trong đợt khai quật ở khu trung tâm di tích chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Tây) năm 2006, chúng tôi còn đưa lên khỏi lòng đất một số lượng lớn các mảnh vật liệu kiến trúc có giá trị nghiên cứu và trưng bày, bao gồm các sưu tập vật liệu kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Mạc (thế kỷ XVI), thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) (1). Đáng chú ý nhất là sưu tập vật liệu kiến trúc thời Mạc. Vật liệu kiến trúc thời Mạc tìm thấy ở đây có số lượng nhiều, tập trung chủ yếu ở lớp 2, bao gồm vật liệu bằng đá và đất nung, trong đó vật liệu làm bằng đất nung chiếm đa số.
1. Vật liệu đá: gồm có 2 loại hình chính là chân tảng kê cột và lan can. Cả hai loại vật liệu này đều được làm bằng đá vôi màu xám trắng và đã được tận dụng lại trong các công trình kiến trúc có niên đại muộn hơn.
|
Chân tảng đá trang trí cánh sen |
- Chân tảng đá có dạng hình hộp vuông, kích thước: 43 x 43 x 14cm. Bề mặt chân tảng thường được trang trí bông sen gồm hai lớp cánh (đường kính: 41cm). Lớp cánh phía trên gồm 16 cánh nở rộng, cánh sen thon nhỏ, mũi hếch cao. Lớp cánh phía dưới nhỏ, chỉ lộ phần mũi, nằm đan xen giữa khe của lớp cánh phía trên. Gương sen được bố trí ở chính giữa chân tảng và là nơi tiếp xúc trực tiếp với chân cột. Có loại gương sen hình tròn (đường kính: 29cm), có loại hình bát giác (kích thước: 30 x30cm).
- Lan can đá được tạo tác đơn giản, không có hoa văn trang trí, chủ yếu được bổ ô và ngăn cách với nhau bởi các trụ đứng hình con tiện, đỉnh trụ tạo hình nụ sen. Các mảng lan can đều đã bị vỡ và được tận dụng để gia cố chân móng của kiến trúc có niên đại thế kỷ XVII. Kích thước của lan can: cao 40cm, trụ cao 90cm (tính cả phần chân), dày: 8cm.
|
Đầu ngói tròn trang trí rồng |
2. Vật liệu đất nung:
Đây là loại vật liệu bền vững, được tìm thấy nhiều trong các hố đào và trên vết tích kiến trúc. Bao gồm có 4 loại hình chính: gạch, ngói, diềm trang trí và tượng con giống trang trí.
- Gạch: có số lượng lớn nhất, tham gia vào nhiều bộ phận của kiến trúc như bó móng, bó nền, bó hiên, lát nền và nhiều bộ phận trang trí khác, bao gồm các loại gạch vồ, gạch bìa và gạch lát nền. Đặc điểm của các loại gạch thời này đều được làm bằng đất nung màu đỏ sẫm và vàng gạch, xương bở, mủn, lẫn nhiều tạp chất.
+ Các loại gạch dùng để xây bó móng như gạch vồ (38 x 13 x 8,5cm) hoặc bó nền như gạch bìa (30 x 18 x 5cm), trên một mặt rộng, rìa cạnh hay đầu viên gạch đều có hoa văn trang trí với nhiều đề tài phong phú như rồng yên ngựa, chuột chầu sen, cá hoá long, hoa sen hay các loại linh thú khác như kỳ lân, nghê...
Hoa văn được trang trí với một đề tài riêng biệt, hoặc cũng có thể trang trí mở, tức là khi liên kết với nhau sẽ tạo thành băng hoa văn, như gạch bó nền chẳng hạn. Hoa văn trang trí trên gạch ở đây đều được tạo tác từ các khuôn có sẵn. Điều đó cho thấy vào giai đoạn này, gạch xây bó móng, bó nền đã được sản xuất chuyên biệt, nhằm mục đích trang trí hoàn chỉnh cho toàn bộ hệ thống móng kiến trúc. Hẳn trong giai đoạn này, việc sản xuất vật liệu hàng loạt và mang tính chất chuyên biệt là một đặc trưng điển hình.
+ Đối với gạch lát nền, đa số đều để trơn, bề mặt nhẵn, kích thước trung bình: 38 x 38 x 5,5cm, hoặc 45 x 45 x 5,5cm. Ngoài ra, ở khu vực Thượng Điện, còn phát hiện nhiều mảnh gạch lát nền trang trí nổi hoa văn đồng tiền. Gạch có màu vàng gạch, xương bở, lẫn tạp chất, kích thước: 48 x 48 x 4,6cm, mặt phía trên trang trí hoa văn khép kín tạo thành hình đồng tiền. Nếu liên kết với các viên gạch khác cùng loại sẽ tạo ra một mảng nền trang trí hoa chanh 4 cánh. Có lẽ, ở thời Mạc, những công trình kiến trúc quan trọng sẽ được lát bằng loại gạch này.
- Ngói: cũng chiếm số lượng lớn, bao gồm 3 loại hình chính là ngói mũi lá, ngói mũi sen và ngói ống.
+ Ngói mũi lá có kích thước nhỏ, mỏng, đất nung màu đỏ sẫm, xương thô, bở, 2/3 viên ngói có bản rộng hình chữ nhật, phần mũi phía dưới vát nhọn hình tam giác cân, kích thước trung bình:: 23,5 x 17,5 x 1cm.
+ Ngói mũi sen có nhiều biến thể đa dạng, nhiều kích cỡ và hoa văn trang trí khác nhau. Ngói có màu đỏ sẫm, xương thô, kích thước lớn, mũi ngói hếch cao, nhọn. Ngói gồm có hai loại cánh đơn và cánh kép. Có loại được trang trí nổi bông sen ngay đầu viên ngói, có loại trang trí hoa dây trên phần lưng của ngói. Nhiều mảnh ngói còn có dấu vết lỗ chốt trên lưng để liên kết với bộ phận dui mè hoặc các mảng trang trí diềm mái. Các viên ngói tìm thấy ở đây đều đã bị vỡ, kích thước trung bình: dài từ 28 - 31cm, rộng từ 26 - 28cm, dày từ 2 - 3cm, mũi cao từ 5,5 - 8,5cm.
+ Ngói ống tìm thấy có số lượng ít, đất nung màu xám xanh, xương thô, bở. Ngói có kích thước nhỏ: dài 19,6 - 21cm, rộng 9,5 - 10,5cm, dày 1,0 - 1,2cm, cao 5 - 6cm, cổ ngói ngắn (2cm).
|
Gạch vồ trang trí chuột chầu hoa sen |
- Diềm trang trí: có hai chất liệu chính là đất nung màu xám xanh và đất nung màu vàng gạch, cả hai đều có xương thô, bở, rất dễ bị phong hoá. Về loại hình, diềm trang trí có 2 loại cơ bản là trang trí bờ nóc và trang trí diềm mái.
+ Trang trí bờ nóc phát hiện ở đây có 2 loại, đó là diềm trang trí hình hoa thị và diềm trang trí dạng tảng vân, đất nung màu vàng gạch, xương thô, bở. Diềm trang trí hình hoa thị được đúc rỗng, trang trí hai mặt hình hoa thị 4 cánh. Loại diềm này thường được liên kết với nhau tạo thành băng hoa văn chạy trên nóc mái hoặc góc mái. Nếu sử dụng loại diềm trang trí này thì bộ mái không cần có ngói bò nóc. Đối với loại diềm trang trí tảng vân, loại này cũng được trang trí trên nóc mái hoăc góc mái, nhưng lại được trang trí độc lập (như dạng lá đề). Thường khi đã trang trí loại diềm tảng vân thì nóc mái sẽ không trang trí diềm hoa thị. Bởi vì, khi quan sát diềm trang trí tảng vân ta thấy chúng đều có chốt liên kết với ngói bò nóc, như thế sẽ không có sự hiện diện đồng thời của hai loại diềm mái này trên một bộ mái kiến trúc.
+ Trang trí diềm mái có nhiều biến thể hơn, nó vừa đảm nhiệm chức năng trang trí diềm mái, vừa đảm nhiệm chức năng hướng giọt nước chảy. Vì vậy tuỳ từng loại bộ mái mà sử dụng các loại diềm khác nhau. Thường những bộ mái lợp ngói ống và ngói âm dương thì diềm mái sử dụng diềm trang trí hình tròn, hình bán viên và hình lá đề. Những bộ mái lợp ngói mũi sen, mũi lá thì diềm mái sử dụng diềm trang trí hình chữ T, chữ L. Ở khu trung tâm chùa Đậu, chúng tôi phát hiện có tất cả các loại diềm mái trên. Điều này cho thấy, vào thời Mạc, chùa Đậu có rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng, đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau.
Đề tài trang trí trên diềm mái tập trung chủ yếu là đề tài hoa lá, nhũ đinh và số ít trang trí rồng. Đường nét trang trí có sự đơn giản, thô cứng và phóng khoáng hơn các giai đoạn trước và sau thời Mạc.
- Tượng con giống trang trí: có số lượng ít, chủ yếu là các mảnh tượng rồng. Tượng rồng được thể hiện nhiều ở dạng phù điêu, chỉ có một số ít là dạng tượng tròn, bên trong rỗng. Tượng được làm bằng đất nung màu xám xanh và màu vàng gạch. Rồng đầu to, thân tròn, khoẻ, uốn lượn thành nhiều khúc, bờm và râu tủa rộng, sừng chia thành nhiều nhánh, vuốt thẳng về phía sau, vây và đuôi rồng có dạng hình đao lửa. Nhiều tiêu bản, tượng rồng được tạo tác đơn giản hơn, người nghệ nhân chỉ chú trọng hình khối chứ không chú trọng đến hoạ tiết.
|
Diềm trang trí bộ nóc hình tảng vân |
3. Nhận xét
Có thể nói, qua sưu tập vật liệu kiến trúc thời Mạc phát hiện ở khu trung tâm di tích chùa Đậu, bước đầu chúng ta đã có thể phác dựng được phần nào kết cấu nền móng cũng như bộ mái của kiến trúc thời Mạc. Điều đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu những đặc trưng, tính chất mỹ thuật thời Mạc trong chiều dài lịch sử kiến trúc và mỹ thuật Việt Nam mà còn góp phần đáng kể trong công tác thiết kế, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc đồng đại, như kiến trúc trung tâm chùa Đậu.
Với sự xuất hiện nở rộ của hệ thống vật liệu kiến trúc thời Mạc trong các hố đào và trên vết tích, chúng ta có thể hình dung được diện mạo của di tích chùa Đậu phát triển như thế nào trong giai đoạn thế kỷ XVI. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có nguồn tư liệu nào phản ánh quá trình trùng tu di tích chùa Đậu vào thời Mạc, nhưng qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học và những loại hình vật liệu xuất hiện nhiều trong các hố đào đã cung cấp những tư liệu vật chất sống động, minh chứng rõ nét cho một đợt trùng tu lớn của chùa vào giai đoạn này.
Hơn thế nữa, với việc phát hiện sưu tập gạch vồ có màu đỏ sẫm, rìa cạnh hoặc đầu viên gạch có trang trí nổi những đề tài mang đậm dấu ấn “cung đình” như rồng, nghê, chuột chầu sen, cá hoá long... đã cho thấy vị trí, ý nghĩa quan trọng của di tích chùa Đậu đối với triều đình nhà Mạc. Những phát hiện này còn có ý nghĩa giúp cho chúng ta có thêm nhận thức mới trong việc đoán định tính chất, đặc trưng và niên đại của các viên gạch vồ nói riêng và vật liệu kiến trúc thời Mạc nói chung.
Với những đặc trưng của sưu tập vật liệu kiến trúc thời Mạc tìm thấy trong đợt khai quật này, chúng ta cần phải xem xét lại việc xác định niên đại cho những viên gạch vồ màu xám xanh được phát hiện ở nền móng am thờ Thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu mà chúng ta đã công bố trong các năm trước đây (2). Theo chúng tôi, khi so sánh các viên gạch phát hiện trước đây và trong đợt khai quật này đều có sự khác biệt rõ nét. Ngoài sự khác biệt về màu sắc và kích cỡ, hoạ tiết trang trí giữa hai loại gạch cũng có nhiều khác biệt. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể xác định niên đại của những viên gạch vồ phát hiện ở chùa Đậu trước đây vào giai đoạn đầu thế kỷ XVII. Điều đó cũng phù hợp với thời gian tu hành của Thiền sư Vũ Khắc Minh, đồng thời cũng phù hợp với niên đại trùng tu chùa vào năm 1636 mà tấm bia Dương Hoà thứ 5 (1639) đời Lê Thần Tông (hiện còn lưu giữ trong chùa) đã ghi chép.
Nguyễn Ngọc Chất
_____________________
CHÚ THÍCH:
1. Nguyễn Ngọc Chất và Đoàn khai quật. Báo cáo kết quả khai quật khu vực trung tâm di tích chùa Đậu năm 2006. Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
2. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân. Mỹ thuật thời Mạc. Viện Mỹ thuật, Hà Nội 1993, tr. 117 - 118.
- Nguyễn Lân Cường. Những viên gạch thời Mạc dưới am Vũ Khắc Minh (chùa Đậu). NPHMVKCH năm 2004. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2005, tr. 341 - 343.