Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 00:11 8045
Điểm: 3/5 (1 đánh giá)
Bia Vĩnh Văng là một phần quan trọng của lăng mộ Lê Thái Tổ, nằm ở phía tây nam, cách khu lăng mộ khoảng 300m, liền kề với hồ Tây - là "não" của điện miếu Lam Kinh
Bia Vĩnh Văng là một phần quan trọng của lăng mộ Lê Thái Tổ, nằm ở phía tây nam, cách khu lăng mộ khoảng 300m, liền kề với hồ Tây - là "não" của điện miếu Lam Kinh.

Bản dập trán bia Vĩnh Lăng
Bia được đặt trên một gò đất cao thoai thoải hướng về phía nam, cao 2,79m, rộng 1,94m, dày 0,27m, do Vinh Lộc Đại phu nhập nội hành khiển, tam tri quán sự Nguyễn Trãi soạn. Nội dung bia ngắn gọn, xúc tích, nêu khái quát đầy đủ thân thế sự nghiệp và công lao của Đức Thái Tổ cao Hoàng đế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới sự khoan dung, với quân thù khi đã chiến bại.

Bia hình chữ nhật, trán cong hình bán nguyệt, chính giữa có biểu tượng trời/đất (hình vuông, trong tròn), ở chính giữa khắc nổi hình rồng cuộn, uốn khúc quanh mặt trời với ý nghĩa thiên tử (con trời) là do sự giao hoà của trời đất tạo nên là pho sử liệu sống động, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử/văn hoá to lớn trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Hai bên là hình rồng chầu với thân dài uốn khúc cùng văn mây nước. Diềm bia được trang trí (từ trên xuống), 9 hình rồng trang trí tinh xảo bố cục trong 1/2 lá đề, đan xen hoa cúc dây mang phong cách nghệ thuật thời Lý - Trần. Bia Vĩnh Lăng là pho sử liệu sống động, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hoá to lớn trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam.

Văn bia Vĩnh lăng

(theo Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb. KHXH 1969, tr. 83 - 84)

Thuận Thiên năm thứ 6, tức Quý sửu, tháng 8 nhuận, ngày 22 Thái Tổ Cao Hoàng đế chầu trời. Cùng năm ấy, tháng 10, ngày 23 táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn.

Vua họ Lê, huý là Lợi, tằng tổ của vua huý là Hối, người phủ Thanh Hoá, một ngày kia đi qua Lam Sơn thấy có đàn chim bay lượn quanh ở dưới núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt liền dời nhà đến đấy, được ba năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước, mở đất gây nền từ đấy. Từ bấy giờ làm chủ một miền.

Tổ của vua huý là Đinh, nối dõi nghiệp nhà, theo trí người trước, bộ hạ có đến hàng nghìn người. Tổ mẫu của vua họ Nguyễn rất có đức hạnh sinh được hai con trai, trưởng là Tùng, con thứ là Khoáng, tức thân phụ của vua. Người vui vẻ, dễ dãi hiền lành, thích làm việc thiện, mến đãi khách đối với người láng giềng coi như người một nhà cho nên người ta chẳng ai là không cảm ơn mà phục nghĩa.

Diềm bia Vĩnh Lăng

Thân mẫu của vua họ Trịnh huý là Thương chăm sóc đạo đàn bà, cửa nhà hoà vui, gia đạo thêm thịnh sinh được ba con trai, trưởng là Học, thứ là Trừ, út là vua.

Người con trai trưởng được cha truyền nghiệp không may chết non. Vua vâng thừa nghiệp của cha ông một lòng kính cẩn, tuy thời gặp loạn lớn mà trí càng thêm bền, giấu mình ở Lam Sơn làm nghề cày cấy vì giận giặc tàn bạo càng chuyên tâm vào sách lược thao, dốc hết của nhà khoản đãi tân khách.

Năm Mậu Tuất dấy nghĩa hưng binh, đóng trên sông Lạc Thuỷ, trước sau hơn 20 trận đều đặt mai phục, dùng kỳ binh tránh mũi nhọn, thừa chỗ hở, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh.

Năm Bính Ngọ đánh ở Ninh Động đại thắng, liền tiến vây Đông Đô.

Năm Đinh Mùi giặc gửi viện binh An Viễn hầu Liễu Thăng đem 10 vạn quân do Quảng Tây tiến. Kiềm quốc công Mộc Thạnh đem 5 vạn quân do Vân Nam tiến, một trận Chi Lăng Liễu Thăng nộp đầu, chém quân giặc hơn mấy vạn tên. Bắt sống bọn Hoàng Thúc, Thôi Tụ hơn 300 người và hơn vạn binh sĩ, sắc mệnh và binh phù bắt được của Liễu Thăng gửi đám quân Vân Nam Mộc Thạnh trông thấy nhân đêm chạy trốn giặc bị chém đầu và bị bắt sống không biết bao nhiêu mà kể.

Rồng ổ trán bia Vĩnh Lăng

Bấy giờ trấn thủ thành Đông Quan là bọn Thành Sơn hầu Vương Thông đã cùng quân ta giảng hoà mà chưa xong, đến đây xin thề trên sông Nhị những thành trì trấn thủ các xứ đều mở cửa ra hàng. Những giặc bị bắt và những quân đầu hàng có đến 10 vạn người đều tha cho về cả, đường thuỷ thì cấp cho 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa. Răn cấm quân sĩ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc). Hai nước từ đây giao hảo, Bắc Nam vô sự. Mường Lễ và Ai Lao dẫn vào bản đồ, Chiêm Thành và Chân Lạp vượt biển đến cống.

Vua thức khuya dậy sớm 6 năm mà nước thịnh trị, đến nay băng.

Thuận Thiên năm thứ 6, Quí Sửu, tháng 10, ngày tốt.

Vinh Lộc Đại phu Nhập nội hành khiển tri tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn.

Nguyễn Văn Đoàn

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6388

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Mộ vua Lê Thái Tổ ở đâu ?

Mộ vua Lê Thái Tổ ở đâu ?

  • 05/09/2008 00:07
  • 13993

Nói tới Lam Sơn là nói tới khu lăng mộ của vua và hoàng hậu nhà Lê sơ cùng các công trình điện miếu thờ có qui mô to lớn. Trong khu lăng mộ ấy, Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ được đặt ở vị trí trung tâm, làm chuẩn "qui chiếu" các lăng mộ khác