Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/09/2008 00:00 2619
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Di tích chùa Long Đọi Sơn ở thôn Đọi Nhì, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Di tích này khá nổi tiếng trong lịch sử bởi là nơi được vua Nhân Tông triều Lý cho dựng Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121). Ngôi Bảo tháp sau thời gian dài tồn tại, vào đầu thế kỷ XV đã bị giặc Minh phá huỷ hoàn toàn, tuy nhiên hình ảnh của nó vẫn được lưu giữ qua ghi chép của sử sách và truyền thuyết dân gian, đặc biệt là ẩn sâu trong lòng núi Đọi.
Di tích chùa Long Đọi Sơn ở thôn Đọi Nhì, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Gạch trang trí kiến trúc hình rồng
Di tích này khá nổi tiếng trong lịch sử bởi là nơi được vua Nhân Tông triều Lý cho dựng Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121). Ngôi Bảo tháp sau thời gian dài tồn tại, vào đầu thế kỷ XV đã bị giặc Minh phá huỷ hoàn toàn, tuy nhiên hình ảnh của nó vẫn được lưu giữ qua ghi chép của sử sách và truyền thuyết dân gian, đặc biệt là ẩn sâu trong lòng núi Đọi.


Năm 2001, trong chương trình nghiên cứu nhằm trùng tu, tôn tạo và phục hồi tổng thể di tích Long Đọi Sơn, Bảo tàng Lịch sử Việt nam và Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nam đã tiến hành thám sát và khai quật tìm hiểu về ngôi Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh. Bên cạnh việc xác định được các vết tích kiến trúc như nền, móng là một phần còn lại của ngôi Bảo tháp, đợt nghiên cứu đã thu được một sưu tập hiện vật có số lượng lớn rất có giá trị nghiên cứu và trưng bày, trong đó chủ yếu là các loại hình vật liệu và trang trí của ngôi Bảo tháp.

Mảnh trang trí khối tượng rồng

1. Các di vật bằng đá: có tới 3606 tiêu bản, chủ yếu là đá sa thạch, loại đá sử dụng phổ biến của thời Lý và Trần, bên cạnh số ít là đá vôi. Đá sa thạch có màu xám xanh và nâu đỏ kết câu hạt thô to, phần lớn đã bị vỡ. Trong đó có các loại hình vật liệu kiến trúc tháp: đấu kê (trụ tường, đội các khối tượng tròn ở góc tháp) các thanh đá hình hộp chữ nhật (bó móng hoặc làm trụ đỡ, có lỗ mộng hình đuôi cá để liên kết kiến trúc), con sơn, hiện vật hình lục giác ?...


Phong phú hơn vật liệu kiến trúc là nhóm các trang trí kiến trúc với các đường nét cực kỳ tinh xảo, trong đó trang trí hình rồng là môtíp chủ đạo được chạm dưới dạng phù điêu, trang trí cánh sen một hay nhiều lớp kết hợp hoa cúc, mẫu đơn, rồng vờn cầu lửa, là mảnh vỡ bệ thờ Phật. Bệ trang trí xoắn hình tay mướp kết hợp với các loại hoa lá, trang trí đao lửa hình khánh gần giống như đao lửa của phượng, lan can thành bậc (sóc) trang trí văn sóng nước, hình tiên nữ múa, trang trí hoa mẫu đơn, hoa lá dây. Đặc biệt là tượng đầu người mình chim (Kinari), với 1 hiện vật nguyên vẹn có bố cục đặc trưng nghệ thuật thời Lý với mặt ngửa, ngực nở ưỡn về phía trước, thân cong, cánh xoè đều sang 2 phía, đuôi xoè rộng, cong gần dính sát vào đầu. Mặt tượng tròn, thanh tú với nét mặt giống như mặt tiên nữ rạng rỡ, hai cánh tay để trần đang sử dụng nhạc cụ. Đi liền với cánh tay là đôi cánh cong vươn về phía sau, ngực nở, bụng thon, hai chân khoẻ bám chắc vào đấu kê, 3 móng dài, đều. Toàn bộ tượng thể hiện với các đường nét thanh thoát khoẻ mạnh trong tư rthế bay vươn về phía trước.

Tượng đầu người mình chim

2. Các di vật bằng đất nung:có 351 tiêu bản với nhiều loại hình khác nhau. Hiện vật đều được làm từ đất sét mịn, độ nung cao nên hiện vật đanh và cứng, thể hiện trình độ sản xuất cao với nguồn nguyên liệu được tuyển chọn kỹ lưỡng, gốm các loại hình chủ yếu là gạch và ngói. Đặc biệt là sự xuất hiện các loại trang trí kiến trúc sử dụng vào ở các vị trí góc tháp, ốp trang trí, đa phần đều bị vỡ nhỏ, song đường nét trang trí cực kỳ tinh xảo. Nổi trội trong số các môtíp trang trí vẫn là hình rồng. Rồng được tạo dạng khối tượng tròn hoặc dạng phù điêu, với bố cục uốn nhiều khúc (thắt túi) là đặc trưng của thời Lý. Tiếp đó là hình chim thần Kinari dạng tượng tròn hoặc phù điêu và tượng uyên ương (gắn trên đầu ngói ốn và ngói mũi hài ). Bên cạnh đó là các môtíp trang trí hoa lá và mây nước (chủ yếu trên các loại gạch lát nền và gạch ốp: gồm hoa cúc, hoa sen, nở dạng “mãn khai”, cánh xoè rộng), trong đó nổi trội nhất là trang trí hoa cúc dây trang trí trong vòng tròn nối tiếp, đường nét chi tiết, tỷ mỷ tạo cảm giác như một tấm thảm gấm phủ kín trên bề mặt di vật.

Trang trí hình phượng trong lá đề

3. Sau thời gian chỉnh lý,gắn chắp nhiều loại hình di vật đã được phục dựng, góp phần tìm hiểu về diện mạo và qui mô hoành tráng của ngôi Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, qua đó bổ sung nhận thức về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc thời Lý. Hiện nay, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam và đang từng bước phát huy tác dụng.

Nguyễn Văn Đoàn

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6474

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

MẠC ĐĂNG DUNG VÀ VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG LỊCH SỬ QUÂN CHỦ VIỆT NAM

MẠC ĐĂNG DUNG VÀ VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG LỊCH SỬ QUÂN CHỦ VIỆT NAM

  • 04/09/2008 17:30
  • 11235

Trong các bộ chính sử của nhà nước quân chủ Việt Nam, kể từ “Đại Việt sử ký toàn thư” đời Lê - Trịnh đến “Việt sử thông giám cương mục” đời Nguyễn, cũng như trong quan niệm chính thống của các sử gia đương thời, có ba triều đại bị đặt ra ngoài lề của dòng chính sử, bị coi là “nhuận triều” hay “nguỵ triều” chỉ vì lẽ “cướp ngôi vua, giết vua thì danh không chính, ngôn không thuận, vì lẽ nghịch mà lấy được nước, nên không chép là chính thống”. Đó là các triều: nhuận Hồ, nguỵ Mạc và nguỵ Tây Sơn