Trong quá trình tồn tại, do chịu ảnh hưởng của việc sông Hồng đổi dòng, tại khu vực mép sông Hồng thuộc địa phận xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) đã xuất lộ nhiều di vật cổ. Việc tiến hành điều tra, khảo sát và khai quật đã mang lại những nhận thức rất bổ ích và lý thú khi tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này, đồng thời đã thu thập được sưu tập hiện vật có số lượng lớn, trong đó chủ yếu là những đồ gốm, sứ có niên đại kéo dài từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, mà tập trung là gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn, hoa văn trang trí tinh xảo, đặc biệt có những di vật cho thấy tính chất sản xuất tại chỗ của một làng gốm cổ.
Trong quá trình tồn tại, do chịu ảnh hưởng của việc sông Hồng đổi dòng, tại khu vực mép sông Hồng thuộc địa phận xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) đã xuất lộ nhiều di vật cổ.
|
Gốm sứ trong di chỉ cư trú ở Kim Lan |
Việc tiến hành điều tra, khảo sát và khai quật đã mang lại những nhận thức rất bổ ích và lý thú khi tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này, đồng thời đã thu thập được sưu tập hiện vật có số lượng lớn, trong đó chủ yếu là những đồ gốm, sứ có niên đại kéo dài từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, mà tập trung là gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn, hoa văn trang trí tinh xảo, đặc biệt có những di vật cho thấy tính chất sản xuất tại chỗ của một làng gốm cổ.
Đồ gốm sứ là sưu tập hiện vật rất phong phú các loại hình với các kiểu dáng như: bát, đĩa, âu, ống nhổ ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần như men ngọc, men nâu, men trắng, men trắng hoa nâu, trong trắng ngoài nâu, men trắng vẽ lam, men trắng và nâu vẽ lam...Trên mỗi loại hình và các dòng men lại được thể hiện các hoa văn và phong cách trang trí cực kỳ phong phú với nhiều kiểu và các biến thể sinh động. Các hiện vật này rất có giá trị nghiên cứu, qua đó đem lại nhận thức mới về sự phát triển của gốm sứ Việt Nam, bởi trong sưu tập, bên cạnh những đồ gốm gia dụng là các đồ gốm cao cấp thể hiện qua chất liệu, hoa văn trang trí, đặc biệt có tiêu bản trong lòng có chữ Quan in nổi. Ngoài ra, trong sưu tập còn có số ít đồ gốm men trắng vẽ lam thế kỷ XVI - XVI.
|
Gốm men ngọc và men xanh |
Bên cạnh đồ gốm men Việt Nam là các đồ sứ Quảng Đông, ngoại Long Tuyền (Trung Quốc) có cùng niên đại hoặc sớm hơn chút ít, phản ánh phần nào quá trình giao lưu trao đổi của vùng đất này là đặc điểm chung của các di chỉ cư trú thời Trần.
Đồ đất nung bao gồm các loại hình chủ yếu là nồi và vung (nắp đậy) có kích thước khá lớn. Nhóm hiện vật này tập trung ở niên đại thế kỷ IX - X và XIII - XIV. Đồ đựng sành bao gồm các loại hình lon có núm và không có núm (hình trụ, hình bu gà, hình ống...), chậu, chum ....
|
Gốm hoa nâu |
Một phần di vật khác, bên cạnh đồ gốm tạo nên diện mạo làng cổ Kim Lan là nhóm vật liệu kiến trúc, với các loại hình ngói (ngói bản lót thể hiện rõ tính chất dân gian của kiến trúc, khác biệt so với các kiến trúc tôn giáo và cung đình), gạch (lát nền, bó móng), ngói bò, ống (?) đều là các vật liệu của kiến trúc thời Trần.
Trong bộ sưu tập nêu trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các đồ gốm sứ thời Trần. Từ trước đến nay khi nghiên cứu và tìm hiểu các di tích và di vật ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, đã có rất nhiều ý kiến tán thành quanh việc xác nhận có một dòng gốm cao cấp được sản xuất phục vụ riêng cho Hoàng tộc. Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc của chúng, các ý kiến còn chưa thống nhất bởi thực tế phát hiện di tích và di vật chưa đủ sức thuyết phục, trong đó đa phần đều cho rằng chúng là sản phẩm của các lò gốm khu vực phía tây Hoàng thành Thăng Long. Việc tìm thấy các đồ gốm cao cấp ở Kim Lan cùng các di vật phản ánh tính chất sản xuất tại chỗ như : Bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men (?), đất làm gốm (?)..... đã cho phép giả thiết Kim Lan là một trong những trung tâm chuyên sản xuất gốm sứ cao cấp phục vụ cung đình. Thực tế khảo cổ học này là minh chứng sinh động những ghi chép của sử sách. Từ lâu nay, qua ghi chép trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi chúng ta đã biết đến làng gốm cổ Bát Tràng như một trung tâm nổi tiếng về sản xuất gốm sứ, với các sản phẩm được chọn để cung tiến cho nhà Minh (Trung Quốc).
|
Bát gốm men ngọc thời Trần |
Chúng ta đều biết, hiện nay Bát Tràng nằm liền kề với Kim Lan qua sông Bắc Hưng Hải, cho nên trong lịch sử nhiều khả năng chúng cùng nằm trong một vùng làng nghề, thậm chí có thể là cùng một đơn vị hành chính. Và ngẫu nhiên chăng khi vào thế kỷ XV, những sản phẩm gốm sứ này được chon lựa để tiến vua Minh, nếu như đó không phải là những sản phẩm của một làng nghề có truyền thống từ thế kỷ XIII - XIV, thậm chí từ trước đó, thế kỷ IX - X ?.
Nguyễn Văn Đoàn