Sau khi vua Lê Thái Tổ mất (1433), triều đình đã tổ chức rước linh cữu về Lam Sơn chôn cất, từ đó Lam Sơn đã trở thành nơi an táng của các vua và hoàng hậu thời Lê sơ. Vậy là, cũng giống như thời nhà Lý có khu vực Đình Bảng/rừng Báng (Bắc Ninh), nhà Trần có khu Tam Đường (Thái Bình) sau là Đông Triều (Quảng Ninh), Lam Sơn đã trở thành khu "sơn lăng cấm địa" của nhà Lê.
Sau khi vua Lê Thái Tổ mất (1433), triều đình đã tổ chức rước linh cữu về Lam Sơn chôn cất, từ đó Lam Sơn đã trở thành nơi an táng của các vua và hoàng hậu thời Lê sơ.
|
Cảnh quan khu lăng mộ Lam Kinh |
Vậy là, cũng giống như thời nhà Lý có khu vực Đình Bảng/rừng Báng (Bắc Ninh), nhà Trần có khu Tam Đường (Thái Bình) sau là Đông Triều (Quảng Ninh), Lam Sơn đã trở thành khu "sơn lăng cấm địa" của nhà Lê.
Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, với ý nghĩa là quê hương và là nơi phát tích của vương triều nhà hậu Lê, Lam Sơn đã được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt thời Lê sau Đông Đô/Đông Kinh/Thăng Long với tên gọi Tây Kinh/Lam Kinh. Cùng với hệ thống lăng mộ các vua và hoàng hậu, nhiều công trình kiến trúc có qui mô to lớn là các điện, miếu thờ đã được xây dựng, được bao bọc bởi hệ thống sông suối, phía trước (minh đường) là dòng sông Chu uốn lượn và hệ thống các đồi/núi, trong đó có núi Dầu (hậu chẩm), núi Mục, núi Chẩu (án sa). Tất cả đã tạo nên một Lam Sơn/Lam Kinh linh thiêng, lung linh huyền ảo giữa núi rừng Lam Sơn. Lam Sơn/Lam Kinh đã trở nên nổi tiếng, in đậm sâu trong tâm thức dân gian, là vùng đất đặc biệt quan trọng, vùng đất "căn bản" của nhà Lê.
|
Bia Vĩnh Lăng |
Sử sách cho biết, khi có một vị vua băng hà, triều đình tổ chức rất long trọng, rồi sau đó đưa về an táng tại Lam Sơn, hoặc một năm sau làm lễ chiêu hồn rồi đưa về mai táng. Việc mai táng, ngoài xây lăng, đắp mồ, còn dựng bia ghi tiểu sử, công đức của người đã mất. Có 6 vua đầu triều Lê sơ được an táng tại Lam Sơn là vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông. Từ sau vua Túc Tông, triều đình Lê sơ còn có bốn vua nữa là uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng, nhưng không có ai nối ngôi được trọn vẹn cho đến lúc mất, mà đều bị các vua sau chiếm đoạt, hoặc phế đi, hoặc giết, cho đến lúc mất, nên không theo tập tục đưa về Lam Kinh an táng nữa, mà táng ở nơi khác.
- Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ: sau khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi (1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Thuận Thiên. ở ngôi 6 năm, với biết bao công tích là vị vua "sáng nghiệp" nhà Lê, năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) ngày 22 tháng 8, "Thái Tổ Cao hoàng đế chầu trời", ngày 23 tháng 10 táng ở Vĩnh Lăng (Lam Sơn).
|
Tượng ngựa lăng Lê Thái Tổ |
- Hựu Lăng của Lê Thái Tông: vua tên huý là Nguyên Long, con thứ của vua Lê Thái Tổ, mẹ là Cung từ Hoàng Thái hậu, họ Phạm, huý là Trần. Vua sinh năm Quí Mão (1423), năm 1428 được sách phong Lương Quận công, năm 1429 lập Hoàng Thái tử, năm 1434 lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Thiệu Bình. ở ngôi 9 năm (1434 - 1442), hưởng thọ 20 tuổi, táng ở Hựu Lăng.
- Mục Lăng của Lê Nhân Tông: vua tên huý là Bang Cơ, con thứ ba của Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị, tên huý là Anh. Vua sinh năm Đại Bảo thứ 2 (1441), năm thứ 3 (1442), được lập Hoàng Thái Tử, ngày 8 tháng 12 lên ngôi, niên hiệu Thái Hoà. ở ngôi 17 năm, thọ 19 tuổi, táng ở Mục Lăng.
- Chiêu Lăng của Lê Thánh Tông: vua tên huý là Tư Thành, hiệu là Thiên Nam Động chủ (Đạo Am chủ nhân) là con thứ của Lê Thái Tông, ở ngôi 38 năm (1459 - 1497), thọ 56 tuổi, táng ở Chiêu Lăng.
- Dụ Lăng của Lê Hiến Tông: vua tên huý là Sanh (và Huy), con trưởng của Lê Thánh Tông, mẹ là Trường Lạc Thánh từ Hoàng Thái Hậu, họ Nguyễn, huý là Hằng (Huyên), ở ngôi 7 năm (1497- 1504). Thọ 44 tuổi, an táng ở Dụ Lăng, bên phía Tây (Hữu) Vĩnh Lăng.
|
Tượng quan hầu lăng Lê Thái Tổ |
- Kính Lăng của vua Lê Túc Tông: vua tên huý là Thuần, con thứ ba của Lê Hiến Tông, mẹ là Trang thuận Hoàng Thái hậu họ Nguyễn, huý là Hoàn. Vua ở ngôi gần 1 năm (1504 - 1505), thọ 17 tuổi, táng ở Kính Lăng.
Ngoài ra, ở Lam Sơn còn có lăng mộ của các Hoàng Hậu như Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên, Công chúa Thụy Hoa cùng một số "công thần khai quốc"... nay đều còn lăng mộ, bia.
- Lăng mộ hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao: là Quang thục Hoàng thái hậu, cha là Ngô Từ, gia thần của Lê Thái Tổ. Thái hậu theo chị gái là Xuân vào cung, vua Thái Tông trông thấy cho gọi vào, cho làm Cung tần. Năm Đại Bảo thứ nhất (1440) sách phong Tiệp dư, năm sau sinh vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ nhất (1460) tôn làm Hoàng thái hậu, mất năm 1498, thọ 76 tuổi, táng ở Khôn Nguyên Lăng.
- Lăng mộ Nguyễn Thị Ngọc Huyên: là vợ của vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Hiến Tông, mất năm 1505. Lăng mộ được táng ở khu vực Đồi Kè, làng Dao Xá, xã Xuân Lam, nay đã bị phá huỷ, chỉ còn dấu vết các mảnh ở tượng con giống.
Qua quá trình tồn tại, các lăng mộ ở Lam Kinh nay đã được quan tâm tu sửa khang trang, tượng người và thú xếp ngay ngắn, bia đều có nhà che mưa nắng, trở nên chốn thâm nghiêm, cổ kính, thoả nguyện nhu cầu tâm linh của du khách thập phương.
Nguyễn Văn Đoàn