Di tích chùa Long Đọi Sơn (Long Đội Sơn) nổi tiếng trong lịch sử với cây Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Nhân Tông triều Lý dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121).
Di tích chùa Long Đọi Sơn (Long Đội Sơn) nổi tiếng trong lịch sử với cây Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Nhân Tông triều Lý dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121).
|
Lối lên chùa Long Đọi Sơn |
Di tích nằm trên ngọn núi Đọi, là một trong các ngọn núi sót miền địa hình phía nam Hà Nội, thuộc thôn Đọi Nhì, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Dân gian có câu ca khi nói về vị trí của di tích:
Đầu gối núi Đọi. Chân dội Tuần Vường. Phát tích đế vương. Lưu truyền vạn đại.
Đây là vùng đất "địa linh nhân kiệt". Lịch sử của vùng đất gắn với sông Châu - núi Đọi, với thế đất Long chầu. Hình thế nơi đây được ví như hình con rồng lớn nằm phục giữa vùng đồng bằng trù phú. Từ trên đỉnh núi có thể nhận thấy có chín đường nước từ bốn hướng chạy về núi Đọi như chín rồng chầu về. Tại đây, còn chín giếng nước hiện nay vẫn đang đựơc sử dụng và quanh năm không bao giờ khô cạn được ví như những mắt rồng (Long nhãn).
Chùa Long Đọi hiện nay nằm trên đỉnh núi cao, như tách khỏi cuộc sống thường nhật sôi động. Không gian của chùa dường như ít thay đổi trong quá trình tồn tại, vẫn giữ được vẻ u tịch của chốn thiền môn, đặc biệt tại chùa còn lưu giữ được các di vật, trong đó nổi tiếng nhất là các di vật từ thời Lý:
- Bia Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng được đặt ở phía trước chùa, bia cao 2,88m, rộng 1,40m, soạn năm 1121, với các đường nét chạm khắc tinh xảo hình rồng và mây nước, đặc trưng nghệ thuật thời Lý.
- Trong hành lang trước chùa còn lưu giữ được 6 trong số 8 pho tượng Kim Cương thời Lý vốn là các tượng đặt ở trong ngôi Bảo tháp cùng nhiều di vật khác là các vật liệu và trang trí kiến trúc của chùa và cây Bảo tháp.
- Phía Tây nam chùa là vườn tháp mộ sư, với 37 tháp mộ với nhiều kích thước khác nhau được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại của chùa. Đây là vườn tháp cổ kính và hiếm thấy còn ở các ngôi chùa hiện nay.
Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ X - XI, chùa Long Đọi Sơn chỉ là một am nhỏ, sau đó được vị tổ sư Đàm Cứu Chỉ, cho xây dựng và mở rộng qui mô ngôi chùa được khang trang. Đến thế kỷ XII, trên đường kinh lý, Lý Nhân Tông khi qua đây thấy cảnh sắc vẫn còn mà ngôi chùa thì đã đổ nát, cảm trước cảnh sắc của tạo hoá, đã cho xây dựng lại ngôi chùa. Văn bia cho biết công việc xây dựng lại ngôi chùa và dựng cây Bảo tháp: xác định phương hướng, mặt trông ra ngoài sông Kinh, gió lặng mặt sông như lụa biếc, lưng quay vào núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm thêu. Bên Hữu khống chế Bình Nguyên, trông tới luỹ cũ Càn Hưng; bên tả men theo sông nhỏ, quanh Hán Thuỷ để ra khơi. Xuống chiếu cho thợ thuyền căng dây nảy mực, thi của cải làm sáng thêm công đức. Nhiều công trình kiến trúc khác cũng được xây dựng như: bên Tả dựng cung tứ giác, bên Hữu dựng nhà khám, xây tường bảo vệ, dựng hiên phô trương, bắc cầu mở rộng thôn....
|
Bia Sùng Thiện Diên Linh |
Và đặc biệt là cây Bảo tháp:
lấy đá Mân làm đấu, dùng đá Vũ dựng hiên. Xây 13 tầng chọc trời, mở 40 cửa hóng gió. Vách trạm ổ rồng; xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng Xá lỵ toả tường quang cho đời thịnh sau này, đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo. Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm. Chính giữa đặt tượng Đa Bảo Như Lai; sức thề nguyền sâu rộng, đành hiến cả thân mình.
Chùa được xây dựng từ năm 1118 đến năm 1121 thì hoàn thành. Vua Lý Nhân Tông đích thân đến chùa Đọi để khánh thành và đặt tên cho cây Bảo tháp.
Chùa và tháp tồn tại trong khoảng 300 năm đến hết thời Trần, sang thời Lê, chùa đã hoang phế bởi sự phá hoại của giặc Minh, tháp và bia đều bị đổ nát. Mặt sau bia Sùng Thiện Diên Linh còn lưu bút tích của vua Lê Thánh Tông với bài thơ đề năm Quang Thuận thứ 8 (1467) cho biết rõ điều đó (bài thơ này được Phan Huy Chú ghi lại trong Lịch triều hiến chương loại chí).
Cũng qua văn bia Sùng Thịên Diên Linh, cho biết chùa được sửa sang và thay đổi vào thời Mạc: năm 1551, chùa bị hư hỏng nặng, vị quan đầu huyện Duy Tân (Duy Tiên) cùng dân làng các giáp trong thôn Đọi Tín, Đọi Trung và Đọi Lĩnh cùng nhau góp sức dựng lại bia đổ, bắc xà nhà dựng lại tượng, khiến cho hơn sau 500 năm, một nơi thắng cảnh trong chốn Tùng Lâm lại được mới mẻ.
|
Chân tảng trang trí cánh sen thời Lý |
Từ đó cho đến thời Nguyễn, chùa cũng liên tục được tu sửa, trong đó qua hệ thống di vật như bia, chuông đã cho biết có tu sửa lớn vào thời Tự Đức. Vào năm 1860, Thượng Điện của chùa được sửa chữa cùng gác chuông, Tam quan. Thời kỳ này, chùa có tới 100 gian và là nơi giảng dạy Phật giáo cho khu vực (trường hạ). Năm 1864, sửa hành lang, đúc tượng Di lặc, khánh và chuông...
Trong những năm kháng Pháp, chùa bị tiêu thổ kháng chiến, trong khoảng 10 năm chùa bị hoang tàn. Những năm 1957 - 1960, chùa lại được dân bản cho sửa chữa lại, toàn bộ kiến trúc gỗ ở khu vực Văn Chỉ ở gần đó đã được chuyển sang để dựng chùa. Năm 1992, chùa được xếp hạng di tích Quốc gia. Từ đó chùa luôn được quan tâm sửa chữa và trở thành trung tâm Phật giáo cho khu vực này.
Quá trình hình thành và tồn tại của chùa Long Đọi cho thấy đây là một di tích nổi tiếng có bề dày lịch sử với các thời kỳ hưng thịnh và suy tàn, trong đó tác động lớn nhất làm ảnh hưởng nặng nề đến di tích phải kể tới sự phá huỷ của giặc Minh vào đầu thế kỷ XV, trong đó cây Bảo tháp đã bị phá huỷ hoàn toàn.
Năm 2001, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở VH - TT Hà Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ học để xác định vị trí, qui mô của cây Bảo tháp cũng như các vấn đề có liên quan, làm cơ sở cho việc trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hoá của di tích. Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy các vết tích nền, móng và vật liệu kiến trúc thời Lý nằm từ độ sâu 0,5m - 0,67m đến 1m - 12,4m, qua đó xác định đây chính là các vết tích còn lại của cây Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh đã được sử sách sử sách, văn bia và truyền thuyết dân gian nhắc tới.
Hiện nay, các vết tích kiến trúc này đã được làm mái che, bảo quản tại chỗ nhằm phục vụ tham quan, học tập. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được tấm bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, là một sử liệu quí giá, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo thời Lý, mà qua đó cung cấp nhiều thông tin liên quan đến lịch sử Phật giáo Đại Việt thời Lý, đặc biệt là về các lễ hội ở Thăng Long - Hà Nội như hội đèn Quảng Chiếu, qua đó có thể góp phần tìm hiểu về vị trí thành Thăng Long xưa...
Nguyễn Văn Đoàn