Ngoài việc phát hiện các dấu tích và mặt bằng kiến trúc có qui mô to lớn ở khu vực Tả Vu, Hữu Vu, đợt khai quật khu di tích Lam Kinh năm 2004 đã thu thập được một sưu tập hiện vật có số lượng lớn, với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau, có khung niên đại tương ứng với các lớp kiến trúc (thế kỷ 15-16 và 17-18), bổ sung thêm tư liệu và nhận thức mới về quá trình tồn tại của khu trung tâm di tích Lam Kinh.
Ngoài việc phát hiện các dấu tích và mặt bằng kiến trúc có qui mô to lớn ở khu vực Tả Vu, Hữu Vu, đợt khai quật khu di tích Lam Kinh năm 2004 đã thu thập được một sưu tập hiện vật có số lượng lớn, với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau, có khung niên đại tương ứng với các lớp kiến trúc (thế kỷ 15-16 và 17-18), bổ sung thêm tư liệu và nhận thức mới về quá trình tồn tại của khu trung tâm di tích Lam Kinh. Nhóm vật liệu kiến trúc thu được trong đợt này chủ yếu là chất liệu đất nung, bên cạnh đó là vật liệu đá (chân tảng) và kim loại (đinh sắt, nhiều kích thước khác nhau). Các loại vật liệu đất nung đặc trưng của thời hậu Lê bao gồm các loại gạch vồ (hình hộp chữ nhật, hoặc hình hòm sớ với nhiều kích thước khác nhau, một số viên có khắc chữ Hán, dài từ 36cm đến 41cm (tập trung trong khoảng 38cm - 40cm), rộng từ 13m - 16cm (tập trung trong khoảng 14cm - 15cm), dày từ 9cm đến 14cm (tập trung trong khoảng 11cm - 12,5cm), gạch lát nền (hình vuông, không trang trí) với nhiều kích cỡ (màu đỏ tươi, xám đen, xám chì..); ngói bao gồm ngói mũi hài, ngói ống (trang trí rồng, hoa lá, phủ men vàng hoặc để mộc), ngói âm dương (trang trí rồng, hổ phù, hoa lá...), ngói lá, ngói bờ nóc...
Các loại trang trí kiến trúc rất phong phú gồm có các loại gạch ốp trang trí (nhiều kích thước khác nhau, trang trí nổi hình rồng kết hợp với văn nhũ đinh, sóng nước, hoa cúc, hoa dây xoắn móc, nhũ đinh, và các biến thể...) các loại trang trí diềm mái (hình chữ T, hình chữ L trang trí rồng, hoa lá với nhiều biến thể khác nhau...), các loại trang trí bờ nóc (hoa 4 cánh trổ thủng, đều có chữ Hán khắc ở mặt sau để định vị kiến trúc... là dấu hiệu của công trình có qui mô lớn).
|
Đĩa gốm men trắng vẽ lam |
Nhóm đồ gốm sứ có gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản với các loại hình chủ yếu là bát, đĩa, bình, chân đèn, nắp đậy.... Đồ gốm men Việt Nam gồm các dòng men ngọc, men nâu, men trắng, trong đó đáng chú ý nhất là nhóm gốm men trắng văn in và men trắng vẽ lam chiếm tỷ lệ lớn. Nhóm hiện vật này có niên đại thế kỷ 15 -16 và đều là những sản phẩm cao cấp, ngự dụng với trang trí hình rồng, phượng, mây nước, hoa lá thiêng cùng chữ
Quan khắc hoặc in chìm trong lòng và đáy bát, đĩa.
Đặc biệt trong đợt này, lần đầu tiên tìm thấy các mảnh vỡ của loại bình lớn, men trắng vẽ nhiều màu, có dát vàng kim trang trí rồng mây và hoa lá thiêng cùng nhóm chân đèn nhỏ, men trắng và các loại nắp đậy trang trí hình rồng, với đường nét tinh xảo. Trong sưu tập cũng xuất hiện 1 tiêu bản "lạ" chưa xác định rõ công năng sử dụng
|
Một loại di vật mới phát hiện chưa rõ chức năng |
Nhóm đồ gốm Việt Nam thế kỷ 17-18 chủ yếu là đồ gốm men trắng vẽ lam và men trắng ngả xanh, phủ men không hết. Xương gốm thô, trang trí có phần đơn điệu, không thấy sự xuất hiện các đồ gốm cao cấp như thời kỳ trước đó.
Đồ sứ Trung Quốc xuất hiện với số lượng lớn, niên đại chủ yếu thuộc thế kỷ 17-18 phần lớn là sản phẩm của các lò gốm thuộc Nam Trung Quốc, bao gồm các loại bát, đĩa... men trắng vẽ lam, men trắng xanh, men trắng vẽ nhiều màu.
|
Bát gốm Hizen Nhật Bản |
Đồ sứ Nhật Bảncó số lượng ít hơn, là các loại bát, đĩa men trắng vẽ lam (Hizen) niên đại thế kỷ 17 lần đầu phục nguyên được hình dáng và hoa văn trang trí.
Theo dõi sự xuất hiện và diễn biến của các nhóm vật liệu kiến trúc trong sưu tập có thể phần nào nhận biết được qui mô của công trình kiến trúc nơi đây. Đó là sự tập kết khối lượng rất lớn các loại vật liệu và trang trí kiến trúc, có sự qui chuẩn từ chất liệu, màu sắc đến kích cỡ và mô típ trang trí.
Nhóm hiện vật gốm sứ cùng với các tàn tích vật chất khác đã phản ánh sinh hoạt đương thời của khu trung tâm Lam Kinh. Thông qua đó, tính chất cung đình, hoàng tộc được thể hiện sinh động với các đồ gốm sứ cao cấp, tính chất của khu trung tâm Lam Kinh cũng được minh chứng rõ ràng hơn qua các đồ thờ cúng và tế lễ chiếm tỷ lệ lớn trong sưu tập hiện vật. Đồng thời, nó minh chứng rõ ràng hơn về chức năng của hai toà Tả Vu và Hữu Vu là nơi chuẩn bị đồ tế lễ, phục vụ điện miếu trung tâm Lam Kinh vốn là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trong giới nghiên cứu.
Nguyễn Văn Đoàn