Trong đợt khai quật lần thứ 7 (2004) tại khu trung tâm di tích Lam Kinh, bên cạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu nhằm xác định vị trí, qui mô, kích thước và các vấn đề có liên quan đến hai toà Tả Vu và Hữu Vu, các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã có một phát hiện khá lý thú.
Trong đợt khai quật lần thứ 7 (2004) tại khu trung tâm di tích Lam Kinh, bên cạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu nhằm xác định vị trí, qui mô, kích thước và các vấn đề có liên quan đến hai toà Tả Vu và Hữu Vu, các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã có một phát hiện khá lý thú.
Cùng với việc phục dựng lại những bình đồ kiến trúc chồng chéo phản ánh các đợt xây dựng, trùng tu, sửa chữa di tích trong suốt thời gian dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 thông qua bộ di vật là các loại hình vật liệu và trang trí kiến trúc minh chứng sinh động, các nhà khảo cổ đã thu thập được một sưu tập đồ gốm sứ, có nhiều nguồn gốc (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản), nhiều thời kỳ, phong phú về loại hình và trang trí, trong đó đa phần đều là đồ gốm sứ cao cấp, chuyên dùng cho Hoàng tộc nhà Lê. Trong bộ sưu tập đó, đáng chú ý nhất là những mảnh vỡ của 2 chiếc bình loại to, men trắng hoa lam vẽ nhiều màu trên men, có dát vàng kim
(ảnh). Đa số các mảnh tìm thấy là các mảnh thân (44 mảnh, trong đó 1 mảnh thân phần gần quai tạo mặt hổ phù), vỡ nhỏ, không có khả năng phục hồi, xương khá dày (từ 0,8 đến 1,2cm) màu xám trắng là sắc độ phổ biến của gốm Việt Nam, phía trong những mảnh gốm này phủ men trắng mỏng, tuy nhiên bề mặt khá mịn chứng tỏ chúng đợc xử lý rất kỹ lưỡng.
Mặt ngoài phủ lớp men trắng làm nền, men nền mịn, đều, rạn, ngả xanh hoặc trắng sữa, men lam tơi và mờ, nhoè, còn nhận thấy nét vẽ hoa lá và mây, trong đó rõ nét nhất là băng cánh sen kép với 1 đường vẽ men lam, đường còn lại vẽ màu xanh lục ?, các màu vẽ trên men đều đã bị bay ít nhiều, song nhìn nghiêng vẫn thấy dấu vết là những áng mây nhỏ hay chấm tròn, cùng với nét vẽ lam tạo thành đồ án hoàn chỉnh. Trong các màu, màu xanh lục là khả dĩ hơn cả, sau đó là màu đỏ, song không rõ đồ án. Đáng chú ý, phía trong (trung tâm, có thể là nhuỵ hoa hay chính giữa mỗi cánh sen) của mỗi đồ án men lam và vẽ màu là dấu vết của vàng kim dát trực tiếp lên bề mặt
.
Căn cứ vào hình dáng, chất liệu, men và màu vẽ trên men, đặc biệt, nơi phát hiện là Lam Kinh - vốn là vùng đất phát tích của nhà Lê, kinh đô thứ hai của nhà nước Đại Việt thời Lê, nên có thể xác định chiếc bình có niên đại khoảng thế kỷ 15 (Lê sơ). Đây là một chiếc bình gốm rất đặc biệt, hiếm thấy trong các di tích, kể cả khu vực Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nơi được coi là chốn đô hội phồn hoa, trung tâm chính trị, văn hoá dưới thời Lê sơ. Chúng ta đều biết, trong lịch sử nghiên cứu gốm sứ Việt Nam, đã xác định có hai dòng chính, là đồ gốm "quan dụng" và "dân dụng". Đồ gốm sứ "quan dụng" thường tìm thấy ở những nơi vốn là trung tâm, phủ đệ của các vương triều quân chủ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, hoặc các vùng đất phát tích của vương triều đó, nơi được coi là kinh đô thứ hai bên cạnh "chính kinh" là Thăng Long (Hà Nội). Đặc biệt, gần đây ở khu vực di tích Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hoá) đã tìm thấy khá phổ biến các loại gốm quan dụng này, trong đó phải kể tới loại gốm men trắng văn in, xương gốm mỏng như "vỏ trứng", trang trí tinh xảo hình rồng, phượng, mây nước, trong lòng in nổi chữ Quan hay bông hoa mai thể hiện rõ tính chất cung đình và đối tượng sử dụng, mà căn cứ vào đó, có ý kiến gọi đó là "sứ" của Việt Nam
|
|
.
Tuy nhiên, các đồ gốm sứ cao cấp có dát vàng kim thì phải đến đợt khai quật lần thứ 7 (năm 2004) ở di tích Lam Kinh mới được tìm thấy. Việc tìm thấy mảnh vỡ của những chiếc bình gốm đã cho thấy sự phong phú, đa dạng của gốm cao cấp Việt Nam, phần nào phản ánh rõ nhu cầu thị hiếu của tầng lớp trên của xã hội đương thời, trên cơ sở kế thừa, sáng tạo và ít nhiều chịu ảnh hưởng kỹ thuật truyền thống của gốm sứ Trung Quốc.
Nguyễn Văn Đoàn