Trong mặt bằng tổng thể khu trung tâm di tích Lam Kinh, bên cạnh các toà điện có qui mô to lớn với vị trí đặc biệt quan trọng như Chính Điện, Thái Miếu và các công trình kiến trúc phụ cận khác, ta thấy xuất hiện hai công trình kiến trúc nữa đó là Tả Vu và Hữu Vu.
Trong mặt bằng tổng thể khu trung tâm di tích Lam Kinh, bên cạnh các toà điện có qui mô to lớn với vị trí đặc biệt quan trọng như Chính Điện, Thái Miếu và các công trình kiến trúc phụ cận khác, ta thấy xuất hiện hai công trình kiến trúc nữa đó là Tả Vu và Hữu Vu.
|
Khảo sát hiện trạng Hữu Vu |
Hai toà Tả Vu và Hữu Vu nằm ở phía trước Chính Điện, ở bên trong Nghi Môn (Nghinh Môn) - là cổng chính dẫn vào khu trung tâm điện miếu và liền kề với hai phía đông và tây của sân rồng (sân chầu). Trải qua quá trình tồn tại, cũng giống như nhiều công trình kiến trúc ở Lam Kinh, hai kiến trúc này đã bị triệt giải toàn bộ, nay chỉ còn dấu vết nền móng ẩn mình trong khuôn đất hình chữ nhật, cao hơn bề mặt xung quanh khoảng gần 1m và trong tâm thức dân gian.
Di tích Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, là vùng đất phát tích của nhà Lê, được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt thời Lê sau Đông Đô - Thăng Long (Hà Nội). Do tiềm ẩn những giá trị lịch sử/văn hoá vô cùng to lớn về vương triều nhà hậu Lê nên di tích Lam Kinh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước, trong đó có các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ.... Tuy nhiên, có thể nói hai toà Tả Vu và Hữu Vu được biết tới rất muộn, mãi tới tận năm 1974 mới được biết tới trong mặt bằng tổng thể của khu di tích. Mặc dù vẫn còn nhiều bí ẩn lịch sử xung quanh hai công trình kiến trúc này, ví như tên gọi, công năng sử dụng và mối quan hệ với khu điện miếu trung tâm, song đó cũng là một thành tựu nghiên cứu đáng kể của các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
|
Khảo sát hiện trạng Hữu Vu |
Từ trước đến nay, khi đề cập đến kiến trúc Tả Vu - Hữu Vu, chúng ta dường như mới chỉ biết tới loại hình kiến trúc này qua ghi chép của sử sách về hai toà Tả và Hữu Vu ở di tích Đại Nội (Huế). Theo Đại Nam hội điển sự lệ, chúng có chức năng chính là nơi phục vụ cho vua (pha chè), nơi các quan đến yết kiến vua (chuẩn bị hành lễ, lễ phục, phẩm phục) của các quan văn (Tả) quan võ (Hữu). Tả Vu và Hữu Vu là hai toà nhà giải vũ, nằm hai bên của điện Cần Chánh - nơi làm việc hàng này của vua nhà Nguyễn. Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 18 (1819) cùng hai nhà Tả phương và Hữu Phương (đến năm Minh Mạng thứ 5 1824 đổi tên là điện Văn Minh và Võ Hiển).
Về bố cục, Tả Vu và Hữu Vu đều có 5 gian hai chái, mái chồng, bên đông và tây cùng hướng vào nhau. Nhà giải vũ bên Tả là Viện Cơ Mật, chái nam là phòng Nội Các, phía đông bắc, sau nhà giải vũ là cửa Đông Các. Chái phía bắc nhà giải vũ bên Hữu là phòng trực Viện Vũ Bị, chái nam là phòng trực Viện Thượng Trà (nơi pha trà dành cho vua). Phía nam các nhà giải vũ đều có hành lang cánh gà nối vào bên Tả, bên Hữu Đại Cung môn, phía bắc các nhà giải vũ cũng có hành lang cánh gà nối vào bên Tả, bên Hữu điện Cần Chánh. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) hai nhà Tả Vu, Hữu Vu được tu bổ. Năm 1996, Tả Vu và Hữu Vu đã được trùng tu, sữa chữa khang trang và đang phát huy tác dụng.
Như vậy, trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, cho đến nay, ngoài hai toà Tả và Hữu Vu ở Đại Nội Huế, chúng ta đã biết thêm hai toà Tả và Hữu Vu ở Lam Kinh được xây dựng vào thế kỷ 15, đó là niên đại sớm nhất hiện biết (trước thời Lê chưa có). Hiện nay còn có ý kiến khác nhau về tên gọi và chức năng sử dụng. Về tên gọi, có người căn cứ vào doi đất hình chữ nhật, chạy dài theo trục bắc -nam mà cho rằng nên gọi đó là hai toà nhà dạng "giải vũ", có ý kiến căn cứ vào vị trí nằm ở phía trước toà Chính Điện (kiến trúc trung tâm) gọi là nhà "mạc" (mục, hai con mắt)... Về chức năng sử dụng, đa số cho chúng có chức năng như hai toà Tả và Hữu Vu ở Đại Nội (Huế) nêu trên, có ý kiến bổ sung có thêm chức năng phục vụ việc hành lễ, tế cáo các Thái Miếu, lăng mộ, vì đây là khu điện miếu và lăng mộ của nhà Lê.
|
Hiện trạng Tả Vu trước khi khai quật |
Tất cả những ý kiến nêu trên mới chỉ là giả thiết công tác, bởi chính sử nhà Lê dường như không có thông tin gì về hai toà Tả và Hữu Vu. Những giả thiết đó chỉ có thể thuyết phục khi có những chứng cứ khảo cổ học được lấy lên từ lòng đất Lam Kinh.
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thời Lê Hiến Tông năm (1506): Mùa xuân, tháng giêng, có chiếu rằng: từ nay trở đi các việc sửa sang trong cung tường thì định làm thêm thêm lăng miếu và nhà giải vũ (ở Lam Kinh). Trong đoạn ghi chép này cũng nhắc tới việc vua về Lam Kinh (2 lần liên tục vào tháng 2 và tháng 4 năm 1506), sau đó ít lâu thì vua mất. Như vậy, qua đoạn ghi chép trên đây đã cho biết rất có thể 2 kiến trúc Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào thời kỳ này theo lối nhà giải vũ (nhà dài ?).
Nguyễn Văn Đoàn