Có thể nói, việc tìm kiếm những dấu tích về một Dương Kinh cổ xưa đã được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm, lưu ý và đã có nhiều đợt điều tra, khảo sát tại vùng Cổ Trai và các vùng phụ cận khác trong những năm gần đây.
Có thể nói, việc tìm kiếm những dấu tích về một Dương Kinh cổ xưa đã được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm, lưu ý và đã có nhiều đợt điều tra, khảo sát tại vùng Cổ Trai và các vùng phụ cận khác trong những năm gần đây.
Tuy nhiên những kết quả đưa lại vẫn chưa đáp ứng được như mục đích đề ra. Thực tế đã cho thấy gần như tất cả các công trình kiến trúc ở Cổ Trai đã bị tàn phá theo thời gian và chiến tranh.
Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn ghi rõ, vào năm 1592, sau khi đánh bại nhà Mạc, Trịnh Tùng đã
đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, huỷ bia đá ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng. Do vậy, để tìm kiếm những chứng tích liên quan đến Dương Kinh xưa nhất thiết cần phải có sự đầu tư nghiên cứu khảo cổ học.
Trên tinh thần đó, từ cuối tháng 07 đến cuối tháng 10 năm 2004, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hoá - Thông tin Hải Phòng đã phối hợp tiến hành điều tra, thám sát và khai quật Khu di tích Dương Kinh tại làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Tuy chỉ với diện tích 450m2 thám sát và khai quật nhưng kết quả đưa lại thật khả quan. Ngoài việc làm xuất lộ nhiều dấu tích, xác định được vị trí tồn tại của các công trình kiến trúc cổ, hàng ngàn mảnh di vật cũng đã được đưa lên khỏi lòng đất, soi sáng cho quá trình nhận thức về Dương Kinh nhà Mạc.
Từ kết quả của đợt nghiên cứu này, chúng ta có thể khẳng định có một Dương Kinh của nhà Mạc trong lòng đất Cổ Trai hiện nay.
- Tại khu vực Gò Gạo (thôn Đại Thắng, xã Ngũ Đoan), nơi được tương truyền là khu vực tồn tại của điện Hưng Quốc - nơi ở của Mạc Đăng Dung trước khi lên ngôi Hoàng đế, qua 4 hố đào thám sát, khảo cổ học đã làm xuất lộ vết tích tường bao phía nam và nhiều đống vật liệu đổ của khu di tích điện Hưng Quốc trước đây.
Móng tường bao đã bị sạt phá nhiều, cao còn lại 0,8m, rộng 0,7m, được xếp bằng đá trầm tích màu xám vàng. Đá được khai thác tự nhiên, khi xếp, người thợ đã cố tạo mặt phẳng bên ngoài, đá xếp không có mạch liên kết, đôi chỗ được chèn các mảnh gạch ngói vỡ.
Trong các đống vật liệu đổ, tìm thấy nhiều vệt ngói và trang trí kiến trúc. Qua quan sát nhận thấy có hai loại ngói: ngói mũi lá, đất nung màu đỏ tươi và ngói ống có kích thước nhỏ, đất nung màu xám xanh. Diềm trang trí gồm nhiều mảnh yếm ngói hình lá đề cách điệu, đất nung màu xám xanh, bề mặt trang trí nổi hoa dây uốn móc và hoa văn như ý… Tuợng con giống được tìm thấy chủ yếu là các mảnh tượng nghê bằng đất nung màu xám xanh, mang đậm phong cách nghệ thuật Mạc. Ngoài ra, tại đây còn thu lượm được nhiều mảnh sành vỡ thuộc các loại hình đồ đựng như lon, chậu, hũ, nồi…, đất nung màu xám tím, thô. Đồ gốm men cũng có số lượng đáng kể với các dòng gốm men trắng, men nâu, men ngọc, men trắng hoa lam trang trí rồng, hoa lá, chữ Hán, xương xám vàng, thô, thuộc các loại hình bát, đĩa, âu, bình… có niên đại thế kỷ XV - XVI.
- Tạikhu vực Gò chữ Công (thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan), nơi được tương truyền là vị trí toạ lạc của điện Tường Quang - nơi ở của Mạc Đăng Dung sau khi nhường ngôi cho Đăng Doanh để lui về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng, với 4 hố đào, dưới lớp đất đổ, kết quả đã tìm thấy dấu vết gia cố nền và gia cố móng trụ của một kiến trúc quy mô. Gia cố nền được xử lý chắc chắn bằng lớp đất sét mịn, màu xám vàng nện chặt ở phía dưới; phía trên được đầm kỹ một lớp gạch ngói vỡ, dày 15cm. Gia cố móng trụ cũng được xử lý công phu bằng các lớp đất sét vàng, nhuyễn, đan xen với một lớp gạch ngói vỡ vụn nện chặt. Căn cứ vết tích gia cố nền và móng trụ cho thấy đây là một kiến trúc lớn, mặt quay hướng Nam, nhiều khả năng có mặt bằng hình chữ Công giống với mặt bằng kiến trúc Chính Điện và Tây Thất ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hoá) thời Hậu Lê.
|
|
Tại khu vực gò nhỏ ở phía nam của Gò chữ Công, ở độ sâu 2,0 m, dưới lớp đất đổ, kết quả khảo cổ học cũng phát hiện dấu vết gia cố nền và móng trụ của một kiến trúc khác, có quy mô nhỏ hơn. Vật liệu và kỹ thuật gia cố của kiến trúc này hoàn toàn tương đồng với kỹ thuật gia cố của kiến trúc lớn ở Gò chữ Công. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, dài khoảng 8m, rộng khoảng 3,5m, mặt quay hướng nam, kết cấu gồm 3 gian, vì kèo có 4 hàng chân cột. Căn cứ vào quy mô, kết cấu và vị trí xuất lộ, bước đầu chúng tôi suy đoán đây là kiến trúc của cổng vào khu di tích. Cổng được xây dựng theo dạng nghi môn, với 3 lối vào. Điều này còn được minh chứng qua sự xuất hiện của các mảnh đá tảng màu xám xanh dùng để bó thềm bậc ở đây.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc bằng đất nung màu xám xanh và đỏ sẫm như gạch vồ, gạch lát nền, ngói mũi lá, ngói ống, đầu ngói tròn, yếm ngói, tượng rồng, tượng nghê, diềm trang trí bờ nóc hình hoa thị 4 cánh…; nhiều loại hình đồ gốm men sinh hoạt với các dòng gốm men nâu, men ngọc, men trắng văn in trang trí rồng, phượng… và men trắng vẽ lam với nhiều hoạ tiết trang trí mang đậm tính chất cung đình như rồng, cá, hoa lá… cũng đã được tìm thấy ở đây, phản ánh sự tồn tại của kiến trúc điện Tường Quang như ghi chép của sử sách và tương truyền trong dân gian.
- Tại khu vực Gò Quan Thiệu (Thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan; nằm cách gò chữ Công 400m về phía Đông; cách Gò Gạo khoảng 500m về phía nam), tương truyền là nơi làm việc của Quan Thiệu, một vị quan có vị trí trong triều đình nhà Mạc ở Dương Kinh. Với hố đào có diện tích 72m2, ở độ sâu 0,2m, kết quả khảo cổ học đã phát hiện dấu vết gia cố nền và móng trụ của một kiến trúc có quy mô. Vật liệu và kỹ thuật gia cố ở đây cũng tương đồng với vật liệu và kỹ thuật gia cố của các kiến trúc ở khu vực Gò chữ Công. Do giới hạn về thời gian và diện tích khai quật nên quy mô và kết cấu của công trình chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, qua kết quả khai quật từ trong hố đào cũng như khảo sát trên hiện trạng đã tìm thấy nhiều mảnh dụng cụ và phế phẩm của lò nung gốm như mảnh bao nung, con kê, chồng dính đĩa gốm men nâu, men trắng vẽ lam… phản ánh hoạt động sản xuất gốm tại khu vực này....
Nói tóm lại, đây là lần đầu tiên di tích Dương Kinh nhà Mạc được tiến hành nghiên cứu khảo cổ học một cách quy mô trong lòng đất Cổ Trai. Mặc dù mới chỉ có 450m2 được khai quật tại ba địa điểm, nhưng kết quả đem lại đã minh chứng sinh động cho những ghi chép ít ỏi còn lại của sử sách về Dương Kinh.
Tại khu vực Gò Gạo, với việc phát hiện dấu vết của đoạn móng tường bao phía nam cùng các đống vật liệu đổ đã khẳng định có sự tồn tại của nhiều công trình kiến trúc nơi đây mà đoán định bước đầu cho là vị trí tồn tại của di tích điện Hưng Quốc như ghi chép của sử sách và tương truyền trong dân gian.
Ở khu vực Gò chữ Công, qua kết quả khai quật cũng đã xác định được vị trí tồn tại của di tích điện Tường Quang với nhiều công trình kiến trúc như chính điện, cổng vào và hệ thống tường bao… Các vết tích gia cố nền và móng trụ xuất lộ đã cho thấy sự ảnh hưởng, tiếp thu kỹ thuật xây dựng truyền thống của thời Trần, thời Lê mà chúng ta đã gặp ở các di tích như Hoàng thành Thăng Long, Lam Kinh (Thanh Hoá) hay chùa Báo Ân (Gia Lâm - Hà Nội).
Khu vực Gò Quan Thiệu, ngoài việc làm xuất lộ những dấu vết gia cố nền và móng trụ của kiến trúc thì việc tìm thấy các mảnh dụng cụ và phế phẩm của lò nung đã gợi mở cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hoạt động sản xuất tại chỗ các loại hình vật liệu cũng như đồ dùng phục vụ cho việc xây dựng và sinh hoạt của chính quyền nhà Mạc ở vùng Dương Kinh.
Ngoài ra, với số lượng lớn các loại hình vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc được tìm thấy tại 3 địa điểm đào đã phản ánh rõ sự phân bố đậm đặc của các công trình kiến trúc nơi đây. Mặt khác, qua việc nghiên cứu loại hình, chất liệu màu sắc cũng như các hoạ tiết trang trí trên vật liệu, chúng ta cũng có thể xác lập chính xác được phần nào tính chất, đặc trưng nổi bật của kiến trúc và nghệ thuật thời Mạc. Hơn nữa, sưu tập gốm sứ thu được với sự phong phú về loại hình và đa dạng về dòng men và hoạ tiết trang trí càng cho thấy rõ sự phát triển và nở rộ của nghệ thuật Mạc đối với lịch sử phát triển và biến đổi của nền mỹ thuật Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học lần này đã góp phần phác dựng lên được phần nào diện mạo của một kinh đô nhà Mạc thế kỷ XVI. Lòng đất Cổ Trai hiện nay chắc chắn vẫn còn mang trong mình đầy bí ẩn về một Dương Kinh tráng lệ, nếu tiếp tục được đầu tư nghiên cứu một cách quy mô và hệ thống, di tích Dương Kinh nhà Mạc sẽ được làm sáng tỏ, đem đến một cái nhìn toàn diện hơn về Dương Kinh nói riêng và nhà Mạc nói chung trên nhiều góc độ.
Nguyễn Ngọc Chất