Kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại Lam Kinh trong thời gian qua đã cho thấy những giá trị to lớn về nhiều mặt của khu di tích này. Hiếm có một khu di tích nào lại có mật độ dày đặc các di tích và di vật như Lam Kinh, hơn thế các phế tích kiến trúc nằm sâu trong lòng đất khi khai quật đều có thể khôi phục được mặt bằng. Các mặt bằng kiến trúc có diễn biến kéo dài từ thời Lê sơ đến thời Lê Trung hưng là rất hiếm trong tình hình phát hiện và nghiên cứu hiện nay.
Kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại Lam Kinh trong thời gian qua đã cho thấy những giá trị to lớn về nhiều mặt của khu di tích này.
|
Nhà bia Vĩnh Lăng |
Hiếm có một khu di tích nào lại có mật độ dày đặc các di tích và di vật như Lam Kinh, hơn thế các phế tích kiến trúc nằm sâu trong lòng đất khi khai quật đều có thể khôi phục được mặt bằng. Các mặt bằng kiến trúc có diễn biến kéo dài từ thời Lê sơ đến thời Lê Trung hưng là rất hiếm trong tình hình phát hiện và nghiên cứu hiện nay. Đặc biệt, mặt bằng hình chữ
Công ở Chính Điện, 9 toà Thái Miếu xếp hình vòng cung đều là những bố cục “đặc biệt” chưa thấy trong diễn biến các loại hình kiến trúc cổ Việt Nam. Các kiến trúc ở Lam Kinh trang trí đặc sắc, với mô típ rồng, hoa lá thiêng cho thấy tính chất cung đình đậm nét, ngoại trừ ở Hoàng thành Thăng Long, thật hiếm di tích nào có được.
Vậy, trước khu di tích hàm chứa những giá trị to lớn như vậy, việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích như thế nào ? là một vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong thời gian qua, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tiến độ công trình. Vì vậy, đến nay khi thời gian đã hết (1995 - 2005), Dự án vẫn còn gặp lúng túng.
Trước đây, Bộ Văn hoá - Thông tin đã nêu phương án trùng tu, tôn tạo thích hợp, theo đó, có thể phục hồi kiến trúc bên trên nhưng vẫn có thể bảo tồn và phát huy các lớp phế tích kiến trúc trong lòng đất. Xem ra, một giải pháp tối ưu như vậy chắc chắn là rất khó đối với nền kinh tế và trình độ công nghệ, kĩ thuật của đất nước ta hiện nay (nhưng không phải là điều không thể thực hiện nếu nhìn ra thế giới và nhìn về tương lai).
Cũng có ý kiến cho rằng nên xây một khu mới tôn vinh Lê Lợi, tôn vinh triều đại nhà Lê ở vị trí khác có qui mô to lớn, còn khu vực di tích nên được bảo tồn nguyên trạng. Việc thiết kế và xây dựng mô hình thể hiện nội dung này không khó khăn. Nó sẽ là sản phẩm mang dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh, tưởng niệm về Lê Thái Tổ và triều Lê. Tuy nhiên, xây mới, nhưng vấn đề xây mới ở vị trí nào (?), có đáp ứng được nhu cầu tâm linh, sự thành kính của nhân dân đối với Lê Lợi và nhà Lê. Hơn nữa, xây dựng một khu tưởng niệm mới, song không thể tách rời hệ thống lăng mộ ở nơi đây, bởi khi nói đến Lam Kinh là nói đến các điện miếu và lăng mộ của các vua và hoàng hậu nhà Lê.
|
Cầu Bạch và sông Ngọc sau khi tôn tạo |
Dưới góc độ là những nhà chuyên môn, có quá trình nghiên cứu khảo cổ học và theo dõi công tác trùng tu, tôn tạo, theo chúng tôi, Lam Kinh hiện nay có được điều quan trọng nhất, đó là quan điểm trùng tu, tôn tạo, phục hồi thể hiện trong nội dung Dự án 609TTg của Chính phủ. Thực tế khi triển khai dự án, Dự án đã đi đúng hướng, khu di tích được qui hoạch tổng thể, với nhiều giai đoạn thực hiện, bên cạnh trùng tu, tôn tạo và phục hồi di tích, chú trọng đến cảnh quan, môi trường và cơ sở hạn tầng. Cụ thể, trước tiên thực hiện các công trình tương đối rõ ở “ngoại vi” (cầu, giếng, sông Ngọc..), hoặc hệ thống hồ Tây, kênh dẫn nước, song song từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng... đảm bảo vừa tôn tạo, phục hồi mà vẫn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trong bối cảnh hiện nay, phương án như vậy là khách quan và hợp lý. Tuy nhiên, dù đã có sự nỗ lực rất lớn của các nhà quản lý, chuyên môn, thiết kế, thi công với việc tập trung “sức người, sức của” cho việc nghiên cứu cơ bản và đối sánh, các di tích trùng tu, tôn tạo cũng đã phát huy được những giá trị nhất định, song cũng còn một thực tế là có những hạng mục khi hoàn thành không nhận được đánh giá “thiện cảm” của dư luận.
|
Một phần hồ Bán nguyệt sau khi tôn tạo |
Vậy, nguyên nhân do đâu ? theo chúng tôi, vấn đề quan trọng là việc thực hiện đối với từng đơn nguyên và hạng mục cụ thể, mà ở đây cần có sự "gặp gỡ" giữa các nhà thiết kế, thi công và nhà quản lý, chuyên môn trong ý tưởng, ý đồ thể hiện. Khảo cổ học, với ưu thế trong phương pháp tiếp cận và đối tượng nghiên cứu, cũng chỉ có thể cung cấp nguồn tài liệu phong phú, tiệm cận nhất qua mặt bằng di tích (các đơn nguyên, qui mô, kích thước); mặt cắt (các lớp văn hóa, kiến trúc, quá trình tôn tại của di tích); di vật (các loại hình, mô típ trang trí…). Để có thể trùng tu, tôn tạo, phục hồi được kiến trúc, các nhà thiết kế, thi công nên coi khảo cổ học là cái cơ bản, cái gốc… là “cần thiết”, cùng việc tham khảo, đối sánh với nhiều nguồn tài liệu khác. Chính bởi vậy, nhà thiết kế đã “đọc” tài liệu khảo cổ như thế nào, nhà thi công, xây dựng “đọc” bản thiết kế ra sao, đội ngũ công nhân có đủ kinh nghiệm, có sự tham gia của các nghệ nhân… ? Đây là hạn chế, có lẽ còn phổ biến trong hầu hết các dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá hiện nay ở Việt Nam. Nó càng trở nên khó khắc phục, nhất là đối với một di tích có qui mô phân bố rộng lớn cùng bề dày lịch sử, văn hoá như Lam Kinh.
Hi vọng, trong thời gian tới, trên tinh thần “cầu thị”, hợp tác những tồn tại nêu trên sẽ từng bước được khắc phục.
Nguyen Van Doan