Nhằm nhận thức đầy đủ hơn về di tích Ủng Thành - Đoài Môn, tháng 11 năm 2003, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội đã phối hợp điều tra và thám sát khảo cổ học di tích Ủng Thành - Đoài Môn (phường Cống Vị, quận ba Đình, Hà Nội), diện tích hơn 100m2.
Nhằm nhận thức đầy đủ hơn về di tích Ủng Thành - Đoài Môn, tháng 11 năm 2003, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội đã phối hợp điều tra và thám sát khảo cổ học di tích Ủng Thành - Đoài Môn (phường Cống Vị, quận ba Đình, Hà Nội), diện tích hơn 100m2.
Có thể nói, trải qua bao biến thiên của lịch sử, sự tác động của con người và quá trình đô thị hoá nhưng về cơ bản di tích Ủng Thành vẫn còn khá nguyên vẹn về cấu trúc và hình dáng. Gần đây cũng đã có ý kiến cho rằng nơi đây chỉ là một lò gạch của những năm 60 thuộc thế kỷ XX, không phải là một di tích kiến trúc thành quách nào cả, nhưng với kết quả khảo sát của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2002 và kết quả nghiên cứu khảo cổ học lần này, chúng ta có thể hoàn toàn bác bỏ những ý kiến thiếu căn cứ như vậy. Bằng những chứng cứ vật chất mà kết quả khảo cổ học đem lại đã khẳng định một cách chắc chắn sự hiện tồn của một di tích Ủng Thành tại vị trí bên dòng sông Tô lịch sử.
Với mục đích nhằm xác định quy mô, kết cấu và bố cục của Ủng Thành, đồng thời để làm rõ lịch sử hình thành và biến đổi của di tích, theo chủ trương của Hội nghị đầu bờ diễn ra ngày 17 tháng 11 năm 2003 tại hiện trường trước khi tiến hành khai quật giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội cùng các nhà nghiên cứu và tư vấn khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, chúng tôi đã tiến hành thám sát trên 3 khu vực khác nhau. Đó là khu vực trên gò đất cao được dự đoán là đoạn thành phía Nam duy nhất còn lại của Ủng Thành, khu vực thứ hai và ba là khu vực phía Tây và phía Bắc của Ủng Thành.
I.1. Khu vực phía Nam:
Đây là một gò đất cao nằm sát đường Đông Quan, con đường cổ còn lại cho đến ngày nay. Gò đất này thấp hơn mặt đường Bưởi 0,08m, cao hơn mặt nền hiện trạng 3,96m, dài khoảng 33m chạy theo hướng Đông - Tây, mặt gò rộng khoảng 11,5m, chân gò rộng gần 20m. Tại đây chúng tôi đã tiến hành đào 4 hố thám sát ở 4 vị trí khác nhau.
Hố I:
Hố nằm ở đầu phía Đông của gò, cách mép đường Đông Quan 6,1m về phía Bắc, cách đường Bưởi 41m về phía Đông. Hố có diện tích 8m2 (4m x 2m) chạy theo hướng Đông - Tây. ở độ sâu 9,25m so với mặt gò, kết quả khảo cổ đã xác định được toàn bộ kết cấu của tường Ủng Thành, gồm có 3 lớp gia cố xếp chồng lên nhau.
- Lớp thứ nhất cao 2,25m, được xử lý rất công phu. Gia cố gồm một lớp gạch vồ và ngói vỡ ken dày từ 5 - 7cm, xen lẫn với một lớp đất sét màu nâu vàng nện chặt, dày từ 10 - 15cm. Tổng cả có 18 lớp gạch ngói và 17 lớp đất sét. Quan sát nhận thấy gạch vồ ở đây có màu đỏ và màu xám xanh, ngói là dạng ngói bản và ngói âm dương màu đỏ, dày từ 0,7 - 1,5cm, trong đất lẫn nhiều mảnh sành, gốm men có niên đại từ thế kỷ XIV - XVIII. Bề mặt của lớp gia cố này là một lớp đất sét màu nâu vàng nện chặt, dày 19cm, riêng ở vách hố phía Đông và phía Bắc lại có một lớp xỉ than dày 5cm, ngăn cách giữa lớp gia cố thứ nhất và thứ hai.
- Lớp thứ hai cao 1,7m được xử lý chắc chắn bằng cách đầm kỹ gạch ngói vỡ và đất sét. Trong đất lẫn ít mảnh sành và gốm men có niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XVIII. Dưới chân của lớp gia cố này được ken dày bằng một hàng gạch vồ vỡ to. Trong một số mảnh gạch vồ tham gia gia cố phát hiện có dính vôi vữa liên kết.
- Lớp thứ ba cao 2,0m tính đến mặt nền của gò. Lớp này được nện chặt bằng đất sét thuần màu vàng nhạt. Tại độ sâu 1,4m so với mặt nền, ở góc Đông Bắc của hố đào phát hiện một vỉa gạch vồ vỡ nằm ken dày. Đây có thể là móng bó ngoài của thành (?).
Như vậy qua hố đào này chúng ta đã có thể hình dung một cách tổng quát về toàn bộ kết cấu gia cố của Ủng Thành. Căn cứ vào các lớp gia cố xuất lộ nhận thấy chiều cao của Ủng Thành là 5,95m, gồm có 3 lớp gia cố được nện chặt và xếp chồng lên. Tuy nhiên qua quan sát địa tầng và diễn biến các lớp gia cố cũng như những loại hình vật liệu tham gia, nhận thấy có hai giai đoạn xây dựng và sửa chữa thành. Giai đoạn đầu, thành được gia cố bằng một lớp gạch ngói vỡ xen lẫn với một lớp đất sét nện chặt mà cụ thể ở đây là lớp gia cố thứ nhất, niên đại xây dựng được xếp vào giai đoạn giữa thế kỷ XVIII. Giai đoạn sửa chữa và tôn tạo sau này được thể hiện qua hai lớp gia cố thứ hai và thứ ba. Với việc phát hiện dấu tích vôi vữa dính trong gạch, có thể xác định niên đại sửa chữa, tôn tạo vào giai đoạn muộn - cuối thế kỷ XIX đầu XX.
Bên cạnh việc làm xuất lộ hoàn toàn kết cấu gia cố của thành, trong hố đào này chúng tôi cũng đã làm rõ được diễn biến địa tầng nơi đây. Với chiều dày 2,9m, có thể nói đây là một địa bàn cư trú ổn định của cư dân Đại Việt trong suốt một thời gian dài từ cuối thời Lý (thế kỷ XI - XIII) đến đầu thời Lê Sơ (đầu thế kỷ XV). Vùng đất nguyên thuỷ của khu vực này là một bãi bồi phù sa của con sông Tô Lịch, tầng sinh thổ là lớp cát đen bở rời đã minh chứng rõ cho điều đó.
a.Hố II:
Hố nằm về phía bắc của mặt gò, diện tích 17m2 (6,8m x 2,5m), chạy theo hướng Nam - Bắc, cách mép đường Đông Quan 7,3m về phía Bắc, cách hố I 12,6m về phía Đông. Với độ sâu 3,01m, kết quả khảo cổ học đã xác định được biên thành và kết cấu gia cố phía ngoài tường thành.
Biên thành được xử lý chạy dốc từ trên xuống theo dạng choãi chân đê. Chiều rộng từ mép mặt thành đến mép chân thành là 3,3m, độ chênh cao 1,9m. Toàn bộ bề mặt phía ngoài (phía Bắc) của thành được lèn chặt bởi gạch vồ vỡ, bên trong lớp vỏ gạch là đất sét màu vàng nhạt nện chặt. Do hiện nay mặt phía Nam của thành đã bị san bạt để làm đường Đông Quan nên việc xác định qui mô cụ thể của đoạn thành phía Nam là hết sức khó khăn, nhưng qua hố đào này chúng ta có thể xác định được chiều rộng tương đối của mặt thành phía Nam là khoảng gần 10m, chân thành rộng khoảng 17m. Bên cạnh đó, qua hố đào đã cho thấy rõ mặt ngoài của tường thành phía trong không được bó gạch nhưng lại được gia cố chắc chắn bằng cách đầm gạch vỡ và đất sét nện chặt, kỹ thuật này cũng tương ứng với vết tích xuất lộ ở hố I.
c. Hố III:
Chúng ta đã biết, Ủng Thành hay còn gọi là Ủng Môn là một thành nhỏ chạy bao ngoài của cổng La Thành, mà ở đây được xác định là Đoài Môn (cổng phía Tây). Hơn nữa, đường Đông Quan còn lại ngày nay là một con đường cổ dẫn ra xứ Đoài, vì vậy để qua được cổng Đoài vào trong thành thì nhất thiết phải qua Ủng Thành. Trên tinh thần đó, để xác định lối đi vào từ con đường cổ qua Ủng Thành, theo suy đoán nằm ở mặt thành phía Nam, điểm tiếp giáp giữa La Thành (chính là đường Bưởi ngày nay) và Ủng Thành, chúng tôi tiến hành đào thám sát ở đầu phía đông của gò đất. Hố đào có dạng hình vuông, diện tích 36m2, nằm cách mép đường Đông Quan 5,8m về phía Bắc, cách mép đường Bưởi 17m về phía Tây.
Ở độ sâu 20cm so với mặt gò đất, phát hiện lớp đất sét màu vàng nhạt nện chặt chạy dài từ mép hố phía Tây sang Đông là 2,6m. Đây là lớp gia cố thứ ba của thành mà trong hố I chúng tôi đã làm rõ. Cách vách hố phía Bắc 50cm về phía Nam, trong hố đào cũng xuất hiện một vỉa gạch vố chạy dốc từ trên xuống giống như tính chất ở hố II. Như vậy rõ ràng là mặt thành bên trong của Ủng Thành đều được đầm gia cố bằng gạch vỡ và đất sét nện chặt.
Điều đáng quan tâm hơn nữa trong hố thám sát này là ngay đầu phía Đông của lớp gia cố bằng đất sét và vỉa gạch vồ có một hố rác sâu 0,9m, dài 2,7m, rộng 1,3m. Trong hố rác còn có 3 tấm tôn sắt dính nhựa đường, xung quanh hố rác là lớp đất xáo trộn gồm gạch ngói vỡ cùng xỉ lò. Đây là lớp đất san lấp trong quá trình tạo mặt bằng ở đây. Điều này đã cho thấy rõ là đầu phía Đông của gò đất nguyên trước là một đoạn trũng không có thành cao, phải chăng là lối đi vào Ủng Thành nằm ở vị trí này (?). Trên cơ sở đó chúng tôi tiến hành đào tiếp hố IV chạy từ mép hố III ra pía đường Bưởi.
d. Hố IV:
Hố có diện tích 18m2 (12m x 1,5m), chạy theo hướng Đông – Tây, hố nằm cách mép đường Bưởi 5m về phía Đông, cách mép đường Đông Quan 6,7m về phía Bắc. Bề mặt hố là nền sân xi măng, phía dưới là lớp cát vàng dày 15cm. Mặt nền này thấp hơn đỉnh gò 1,07m, đây là nền của một cửa hàng nhỏ được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Ở độ sâu 60cm, tại đầu hố phía Đông đã phát hiện được lớp đất sét màu nâu vàng nguyên thổ, rắn chắc, trong đất lẫn nhiều hiện vật gốm sứ có niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XVIII. Lớp đất sét này dài 3,35m tính từ mép hố phía Đông ra phía Tây (dài 8,35m tính từ mép đường Bưởi ra phía Tây). Quan sát trắc diện nhận thấy đầu mép phía Tây của lớp đất sét chạy thẳng từ trên xuống, phía ngoài là lớp đất đổ xáo trộn như đầu phía Đông của lớp đất sét và vỉa gạch vồ trong hố III. Ngoài ra, ở độ sâu 2,05m, cách lớp đất sét 0,8m về phía Tây phát hiện một vỉa gạch vồ màu đỏ và xám. Vỉa gạch được xếp thẳng, vuông vức, mạch liên kết là vôi vữa màu trắng đục. Đây có thể là móng bó ngoài của lớp đất sét đó được cải tạo sau này.
Ở độ sâu 2,4m, xuất lộ lớp gia cố thành gồm một lớp gạch ngói vỡ xen lẫn với một lớp đất sét nện chặt như tính chất của lớp gia cố thứ nhất của hố I. Như vậy, rõ ràng lối đi vào Ủng Thành đã bị san lấp sau này, dấu vết còn lại là hai đầu đất sét rất rõ nét nằm ở hai đầu hố III và IV vừa được trình bày, đáy nền của lối đi là bề mặt của lớp gia cố thứ nhất mà chúng ta đã biết qua hố thám sát I. Căn cứ vào dấu tích đất sét thuần gia cố xuất hiện trong hố III và hố IV, cho thấy bề rộng của lối đi vào Ủng Thành xấp xỉ 12m, tương ứng với hai đầu của lối đi trên bề mặt hiện trạng ngày nay còn có hai bụi tre già đã được tồn tại lâu năm, có thể hai bụi tre đó được trồng trên hai gò đất cao của lối đi ngày xưa, đó cũng là điều dễ hiểu.
I.2. Khu vực phía Tây:
Trên cơ sở những phát hiện về quy mô, kết cấu của Ủng Thành ở khu vực phía Nam, tại khu vực này chúng tôi cũng tiến hành một hố thám sát nhằm xác định đoạn tường phía Tây của Ủng Thành. Tại đây, qua quá trình biến thiên của lịch sử, qua bao lần nạo vét lòng sông Tô Lịch, giờ đây phần đất ở khu vực phía Tây đã bị biến dạng đáng kể, hiện tại chỉ có gò đất cao hơn bề mặt hiện trạng 1,0m, thấp hơn gò đất phía Nam 2,96m, rộng khoảng 19m, cách bờ sông Tô Lịch chừng 24m. Để kiểm tra địa tầng và lần tìm dấu vết đoạn thành phía Tây, chúng tôi mở thám sát chạy dài theo hướng Đông - Tây, cắt ngang qua gò đất. Hố có diện tích 10,6m2 (10,6m x 1m), chạy từ mép gò phía Tây về phía Đông.
Ở độ sâu từ 0 - 1,2m là lớp đất sét màu nâu sẫm, đây là lớp đất đắp sau này. Theo cư dân sinh sống ở đây cho biết là vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, trong quá trình nạo vét sông Tô Lịch người ta đã đắp lên bề mặt khu vực này một lượng đất khá lớn. Phía dưới lớp đất đắp ấy còn có dấu vết của một lớp vôi vữa và cát, dày khoảng 10cm. Phía dưới lớp vôi vữa và cát là bề mặt gia cố Ủng Thành. Gia cố của Ủng Thành là gạch ngói vỡ nện chặt, chạy dốc từ đầu phía Tây về phía Đông. Đầu phía Đông của bề mặt gia cố là lớp đất sét màu vàng nhạt được đầm kỹ nên rất cứng. Có thể bề mặt của gia cố thành trước đây đã bị san bạt nhiều đoạn, dấu vết vôi vữa và cát đã minh chững cho điều đó. Tuy nhiên, với việc phát hiện lớp gia cố này chúng ta có thể xác định sự tồn tại của đoạn thành phía Tây của Ủng Thành.
I.3. Khu vực phía Bắc:
Tại khu vực này, nhằm mục đích xác định đoạn tường thành phía Bắc của Ủng Thành, chúng tôi cũng tiến hành đào một hố thám sát. Hố thám sát được đào trên gò đất cao, dấu vết còn lại cho thấy gò đất đó cao hơn bề mặt hiện trạng 1,45m, thấp hơn gò đất phía Nam 2,5m, đầu phía Tây và phía Bắc của gò đất là ao nước trũng được hình thành trong quá trình lấy đất làm gạch trước đây của một gia đình sinh sống tại nơi này vào những năm 60 của thế kỷ trước. Hố đào có diện tích 10,7m2 (10,7m x 1m), chạy cắt ngang gò đất theo hướng Nam - Bắc, đầu phía Bắc của hố đào chạy ra sát mép của ao nước.
|
|
Ở độ sâu 16cm, dưới lớp đất xỉ than màu đỏ sẫm, phát hiện lớp đất sét màu nâu vàng, thuần, rắn chắc, trong đất lẫn nhiều mảnh sành, gốm men có niên đại kéo dài từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII. Căn cứ vào lớp đất sét xuất lộ cùng các mảnh di vật lẫn trong đất cho thấy đây là một lớp gia cố tường thành phía Bắc của Ủng Thành. Hơn nữa ở khu vực phía Bắc của hố đào, cách mép hố phía Bắc 2,1m về phía Nam lại phát hiện được một vỉa gạch vồ vỡ màu đỏ và xám xanh được lèn chặt cùng với lớp đất sét, vỉa gạch đó chạy dốc từ trên xuống theo dạng choãi chân đê. Quan sát đặc điểm, tính chất của vỉa gạch này nhận thấy có sự tương đồng với vỉa gạch phát hiện được ở hố I, hố II và hố III, qua đó có thể xác nhận rõ ràng đây là phần gia cố bó ngoài của tường Ủng Thành.
II. Một vài nhận xét và kiến nghị:
II.1. Nhận xét:
Với diện tích hơn 100m2 sau thời gian hơn một tháng được tiến hành thám sát tại 3 khu vực trên mặt bằng rộng lớn, có thể nói cuộc khai quật khảo cổ học lần này còn rất nhiều mặt hạn chế, nhiều vấn đề còn chưa được làm rõ. Song, qua từng hố đào, những kết quả đem lại bước đầu đã đóng góp đáng kể cho việc nhận thức của chúng ta về di tích Ủng Thành - một loại hình di tích kiến trúc độc đáo trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Qua kết quả đó chúng ta không cần bàn cãi gì nữa về vấn đề đây có phải là di tích thành hay không phải là thành.
Rõ ràng, với từng lớp gia cố chắc chắn do bàn tay của con người tạo nên, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đây là những lớp gia cố tường thành truyền thống. Kỹ thuật gia cố đan xen một lớp gạch ngói vỡ với một lớp đất sét nện chặt là kỹ gia cố có từ rất lâu đời trong lịch sử kiến trúc Việt Nam mà phần nào đã được phản ánh qua lớp gia cố thành Cổ Loa, hay gia cố trụ móng đặt chân tảng kê cột ở di tích chùa Báo Ân (1) thời Lê và gần hơn là gia cố Bắc Khuyết Đài (2) ở Hoàng Thành Huế thời Nguyễn. Như vậy, sự tồn tại của một kiến trúc thành tại khu vực này là điều không cần phải bàn cãi.
Ủng Thành, qua kết quả thám sát khảo cổ học có thể xác định đây là một toà thành nhỏ có dạng hình chữ nhật gần vuông, dài 54m, rộng 52m ôm sát đường Bưởi, vị trí dự đoán sự tồn tại của Đoài Môn. Muốn đi vào cửa Đoài cần phải qua Ủng Thành, lối đi vào Ủng Thành, qua hố thám sát IV ở khu vực phía Nam đã được khảo cổ học làm rõ với chiều rộng xấp xỉ 12m.
Ủng Thành hay Ủng Môn là một loại hình kiến trúc có nguồn gốc ở Trung Quốc, ra đời cách đây hàng nghìn năm. Theo bước chân xâm lược của phong kiến phương Bắc, ở nước ta loại hình kiến trúc này xuất hiện sớm nhất vào thời Cao Biền khi đắp lại La Thành năm 866, Việt Sử lược ghi rõ: Biền (tức Cao Biền) đắp lại La Thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (bằng khoảng 6139m), cao 2 trượng 6 tấc (bằng khoảng 8,04m), bốn mặt xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc (bằng 1,7m), 55 lầu vọng dịch (vọng gác), 5 môn lầu (lầu trên cửa thành), 6 ủng môn, đào 3 ngòi nước, đắp 34 con đường.... Qua đoạn trích này cho biết La Thành thời Cao Biền có đắp các Ủng Thành. Có bao nhiêu Ủng Thành và hiện đang nằm ở đâu vẫn chưa được xác định. Chính vì vậy, khi phát hiện ra dấu tích của di tích này, GS. Đỗ Văn Ninh đã cho rằng đây là dấu tích còn lại một trong sáu Ủng Thành xây dựng dưới thời Cao Biền và được tồn tại qua thời gian cho đến ngày nay (3). Tuy nhiên qua kết quả thám sát khảo cổ học cùng với những loại hình di vật thu lượm được, bước đầu chúng tôi xác định niên đại xây dựng của Ủng Thành này vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, phù hợp với giai đoạn Chúa Trịnh Doanh cho sửa sang lại Đại Đô năm 1749 (Đại Đô là La Thành cũ có sửa sang đôi chút) (4). Di tích này có thể tiếp tục được sửa chữa tôn tạo vào giai đoạn sau, cuối thế kỷ XIX, đầu XX (?).
II.2. Một vài kiến nghị:
Có thể nói, với chỉ hơn 100m2 đào thám sát trong điều kiện thời gian còn hạn chế, kết quả nghiên cứu khảo cổ học lần này vẫn chưa thể đáp ứng thoả mãn những yêu cầu cụ thể về qui mô, bố cục của Ủng Thành xưa kia, ngoài ra dấu tích của Đoài Môn (cổng phía Tây của La Thành) vẫn chưa được xác định. Trên tinh thần đó, tại Hội nghị báo cáo kết quả thám sát và khai quật khảo cổ học di tích Ủng Thành - Đoài Môn diễn ra ngày 16 thàng 12 năm 2003 tại hiện trường, các nhà quản lý thuộc Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, Ban dự án 1000 năm Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội cùng nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực khác nhau đã thống nhất quan điểm cho rằng đây là một di tích Ủng Thành, nhưng cần phải tiếp tục tiến hành nghiên cứu khảo cổ học để làm rõ hơn nữa về qui mô, kết cấu của Ủng Thành - một loại hình kiến trúc độc đáo và còn lại duy nhất ở nước ta. Đặc biệt việc xác định được vị trí tồn tại của Đoài Môn là hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Dựa trên tinh thần của Hội nghị, với tư cách là cơ quan chuyên môn, phụ trách khai quật khảo cổ học, chúng tôi xin đề nghị với Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội tiếp tục cho tiến hành nghiên cứu Khảo cổ học ở di tích Ủng Thành. Căn cứ vào kết quả thám sát và khai quật vừa rồi chúng tôi dự kiến cần đào thêm diện tích khoảng 100m2 nữa, tập trung vào 5 khu vực sau:
- Khu vực phía Nam: cần mở rộng hố IV để làm rõ kết cấu bẻ góc giữa La Thành và Ủng Thành, xác định cụ thể quy mô và kết cấu của lối đi vào Ủng Thành.
- Khu vực phía Tây: cần mở rộng hố đào để xác định biên thành, đồng thời đào sâu hơn nữa để làm rõ kết cấu gia cố của đoạn thành nơi đây.
- Khu vực phía Bắc: cũng nên tiếp tục mở rộng hhố đào và đào sâu hơn nữa để làm rõ qui mô và kết cấu của thành.
- Khu vực phía Đông: Đây là khu vực hết sức quan trọng trong việc xác định vị trí của cổng Đoài Môn, nhưng hiện nay khu vực này là cơ đường của con đường Bưởi, vì vậy để tạo điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội cần có công văn trao đổi với Sở Giao thông Công Chính Hà Nội trên tinh thần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau nhằm phục vụ hiệu quả cho Kỷ niệm 1000 năm Thàng Long - Hà Nội. Tại đây chúng tôi sẽ tiến hành đào hố thám sát và là vách đất để xác định vị trí, quy mô và kết cấu của cổng thành phía Tây.
- Khu vực trung tâm: Đây là vùng trũng nằm trong lòng của Ủng Thành, vì vậy cần tiến hành đào hố thám sát để xác định côte nền cũ cũng như việc làm rõ hơn nữa biên thành phía trong của Ủng Thành.
Rất đáng tiếc, công việc nghiên cứu không thể tiếp tục. Nhưng dù sao một di tích kiến trúc lịch sử độc đáo của thủ đô ngàn năm văn hiến cũng cần được đánh dấu và ghi nhận.
Nguyễn Văn Đoàn