Trước đây, các nhà nghiên cứu gốm sứ đều cho rằng, niên đại khởi đầu của gốm men trắng vẽ lam khoảng thế kỷ 14, tương đương với triều đại nhà Trần của Việt Nam và nhà Nguyên Trung Quốc.
Trước đây, các nhà nghiên cứu gốm sứ đều cho rằng, niên đại khởi đầu của gốm men trắng vẽ lam khoảng thế kỷ 14, tương đương với triều đại nhà Trần của Việt Nam và nhà Nguyên Trung Quốc.
Quan điểm ấy, cho đến nay vẫn đúng với gốm hoa lam Việt Nam với những tiêu bản gốm vẽ lam Hồi và lam mờ (tiền men lam) trong những địa tầng khá chuẩn xác của khảo cổ học và những con tàu chở gốm sứ thương mại với những di vật chỉ định niên đại tương đối đi kèm. Tuy nhiên, gốm hoa lam của Trung Quốc, gần đây còn có nhiều ý kiến thảo luận: thời Nguyên, thời Tống hay còn xưa hơn nữa? Vấn đề còn chưa ngã ngũ khi những tiêu bản gốm được viện dẫn chưa đủ chứng cứ thuyết phục về niên đại.
Tháng 8 năm 2006, tôi được may mắn tham gia một đoàn nghiên cứu tới Singapor và được vinh dự thăm con tàu cổ Belingtung vừa được khai quật ở Indonexia và mới được Singapor mua về để chuẩn bị cho việc xây dựng một bảo tàng con đường tơ lụa trên biển, với giá 32 triệu USD. Trong 60.000 hiện vật của con tàu do Công ty Seabad Exploration khai quật với sự chủ trì của chuyên gia hàng đầu thế giới của khảo cổ học dưới nước, Tilman Watlerfeng, có rất nhiều đồ gốm sứ lò quan thuộc tỉnh Hà Bắc và Triết Giang, cùng một số đồ vàng, bạc có trang trí vô cùng tinh xảo. Singapor đã có cuộc trưng bày 400 hiện vật của con tàu này tại công viên Sentosa vào tháng 6 năm 2005. Những tín hiệu trên đồ gốm, trên gương đồng, đã khẳng định niên đại của con tàu cổ Belingtung khoảng thế kỷ 9, thời nhà Đường, đang trên hải trình tới thế giới Hồi giáo và bị đắm tại vùng biển gần đảo Belingtung (Indonexia).
Điểm đặc biệt đáng lưu ý, trong 60.000 hiện vật của con tàu cổ, ba tiêu bản gốm men trắng vẽ lam, với kỹ thuật vẽ dưới men khá hoàn hảo, màu lam Hồi tươi tắn như là một chứng tích làm đảo lộn toàn bộ những quan niệm xưa nay về niên đại khởi đầu của gốm men trắng vẽ lam Trung Quốc. Một trong ba chiếc đĩa được đồng nghiệp của tôi chụp ảnh, có miệng loe bằng, lòng rộng và nông. Giữa lòng đĩa vẽ một chùm hoa nhiều cánh như xương cá (ảnh) màu lam dưới men mang phong cách và mô típ trang trí không thể phủ nhận niên đại thời Đường của nó. Và hàng hoạt những đồ gốm men trắng, men nhiều màu nhẹ lửa, men nâu đỏ vẽ dưới men cũng là hàng hóa trên con tàu cổ, càng khẳng định hơn niên đại thời Đường của chiếc đĩa men trắng vẽ lam mà tôi vừa giới thiệu.
Như vậy, đây là tài liệu duy nhất và cũng là sớm nhất, lý lịch rõ ràng nhất để nói lên sự ra đời của gốm men trắng vẽ lam Trung Quốc. Ông Alvinchia, Giám đốc phát triển du lịch ở Santosa, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Đông Nam Á đã phát biểu rằng, đây là hiện vật có niên đại sớm nhất và duy nhất hoàn hảo về sứ thanh hoa cổ của Trung Quốc.
Phải chăng đây đã phải là nhận thức cuối cùng của nhân loại về niên đại khởi đầu gốm men trắng vẽ lam Trung Quốc hay chưa? Câu trả lời vẫn phải dành cho khảo cổ học, khi qua rất nhiều những phát hiện của ngày nay đã làm đảo lộn nhận thức lịch sử của thế giới.
Phạm Quốc Quân