04/09/2008 16:12 2391
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Phục hồi cổ vật như là một công việc thường nhật của các bảo tàng trên thế giới suốt từ cổ chí kim. Thế nhưng, phục hồi như thế nào cho mỗi cổ vật phải có một hội đồng và hội đồng ấy đưa ra các hướng tu sửa, còn chuẩn mực của sự tu sửa phải tuân thủ quốc tế.
Phục hồi cổ vật như là một công việc thường nhật của các bảo tàng trên thế giới suốt từ cổ chí kim. Thế nhưng, phục hồi như thế nào cho mỗi cổ vật phải có một hội đồng và hội đồng ấy đưa ra các hướng tu sửa, còn chuẩn mực của sự tu sửa phải tuân thủ quốc tế.
Vậy định hướng cho một cổ vật được tu sửa phải là các chuyên gia không chỉ trên lĩnh vực bảo quản, mà gồm nhiều lĩnh vực khác nữa, tùy đối tượng. Một chiếc trống đồng khi khai quật được bị vỡ, nhà khảo cổ học phải biết nó vỡ vì nguyên nhân gì? O. Janse, người Thuỵ Điển, đã chỉ ra rằng, khá nhiều trong những cổ vật bị vỡ thời Đông Sơn, cách đây hơn 3.000 năm là do tín ngưỡng, khi người sống chôn theo người chết những đồ vật (rất nhiều trong số đó là trống đồng), muốn cắt lìa mối quan hệ giữa cõi âm và cõi dương, cần phải đập vỡ đồ chôn theo ấy. Như vậy, những vết vỡ “đáng yêu” kia lại là một thông điệp về tâm linh, tín ngưỡng, ánh xạ văn hóa phi vật thể, theo đó, không thể phục hồi, tu sửa, những mang mắt vỡ ấy theo chủ quan. Các nhà sưu tập tư nhân, một số bảo tàng không cần biết mọi thông tin, cứ tu sửa, miễn sao cho cổ vật lành lặn, gọn mắt.
Gắn chắp cổ vật bể vỡ bằng một loại keo chuẩn mực và chuẩn mực ấy cũng phải tùy từng loại chất liệu. Các nhà sưu tập gắn bằng keo con voi, 502, .v.v… cho mọi đối tượng. Cách làm ấy khiến cho những chỗ lành có nguy cơ bị hủy hoại khi keo dính quá chặt nơi hàn gắn.
Rồi đa số các nhà sưu tập dùng chất dẻo pha với một loại keo để đắp hàn những phần bị vỡ của cổ vật, khiến cho những chất hóa học gây hại tác động vào cổ vật, hơn thế làm cho những chỗ còn nguyên lành có nguy cơ bị nứt vỡ do độ co giãn khác nhau giữa phần nguyên lành và phần đắp bồi của chất dẻo, dưới tác động của môi trường, nhiệt độ và khí hậu. “Những vết thương” của cổ vật “băng bó” theo kiểu này không phải ít kinh phí, nhưng làm tổn hại đến cổ vật quá nhiều. Trong các bảo tàng, cổ vật được tu sửa, phục hồi không thể dùng các loại chất liệu cứng hơn chất liệu của chính cổ vật và tuyệt nhiên, không có những thành phần hóa học gây hại. Tu sửa và phục hồi cổ vật chỉ có thể dùng thạch cao cùng một số phụ gia khác, theo chuẩn mực và công thức.
Rồi đây, khi đất nước hội nhập, khi ngành bảo quản, tu sửa di sản văn hóa Việt Nam phải tuân thủ chuẩn quốc tế, tất cả những cổ vật được tu sửa ngẫu hứng, tùy tiện trên đây đều phải dỡ bỏ, trả lại cho cách làm bài bản và khoa học. Điều ấy khiến chúng ta phải trả giả cho sự ấu trĩ và cổ vật gánh thêm một thiệt thòi không đáng có.
Tôi đã thăm một trung tâm bảo quản của Pháp, những nhà khoa học đang khắc phục những sai lầm của đồng nghiệp của họ ở thế kỷ trước, do cách phục hồi thiếu chuẩn mực, phản khoa học. Giá để trả lại cho nước sơn ban đầu của một bức tượng cao 50cm bằng đất khoảng 100.000USD, khi các thế hệ trước muốn cho đẹp cứ quét phủ hết lớp này lên lớp khác những loại sơn không thuộc thời đại nó sinh ra.
Nhắn gửi các nhà sưu tập để không phải trả giá, đó là trách nhiệm của chúng tôi, những người làm bảo tồn – bảo tàng.
Phạm Quốc Quân
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam