Thứ Hai, 02/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/08/2008 17:39 3936
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Quanh Hà Nội ngày nay, đâu đó trong dân gian vẫn còn nhắc tới những cái tên phản ánh dấu vết của các Đấu Đong Quân, như đoạn đê đường La Thành (nơi giao nhau giữa phố Láng Hạ - và phố La thành). Trên thực địa chẳng còn dấu tích gì nhưng dân làng Giảng Võ, đặc biệt là những người già vẫn còn nhắc tới Đấu Đong Quân. Mọi người đều truyền nhau hiểu rằng đó là một tường vây bằng đất đắp cao quá đầu người.
Quanh Hà Nội ngày nay, đâu đó trong dân gian vẫn còn nhắc tới những cái tên phản ánh dấu vết của các Đấu Đong Quân, như đoạn đê đường La Thành (nơi giao nhau giữa phố Láng Hạ - và phố La thành).

Trên thực địa chẳng còn dấu tích gì nhưng dân làng Giảng Võ, đặc biệt là những người già vẫn còn nhắc tới Đấu Đong Quân. Mọi người đều truyền nhau hiểu rằng đó là một tường vây bằng đất đắp cao quá đầu người. Theo lời kể, khi xưa tuyển lính, quân lính vào đứng kín trong đó để ước lượng xem có khoảng bao nhiêu người ? Khi tổng kiểm tra quân số người ta cho lính vào đứng đầy trong đó rồi nhân với số lần lính xếp vào là sẽ biết được số lượng quân lính đã tuyển dụng.




Tất nhiên đó chỉ là minh giả lịch sử của dân gian, lính đứng chật, đứng thưa số lượng sẽ khác nhau rất nhiều và mỗi đấu cũng sẽ đong được số lượng quân khác nhau. Có thể thấy câu chuyện này là không cơ sở.


Có một Đấu Đong Quân hiện nay vẫn còn di tích, đó là ở đoạn giữa đoạn đường Bưởi đến dốc Đội Cấn (còn được gọi là dốc Tập Lái). Di tích nằm ngay sát bên đường rẽ sang bên sông Tô Lịch (cũng là ngoại hào của La Thành) đi về phía Bảo tàng Dân tộc học.

Đây vốn là nơi cửa mở ra phía Tây La Thành. Bên kia là địa phận của Đoài Môn xã. Xã Đoài Môn nay không còn là một đơn vị hành chính nữa. Dân xã Đoài Môn đều chuyển cư đi nơi khác để nhường đất xây dựng thành phố nhưng nhiều người còn nhớ rõ ràng về xã Đoài Môn của mình.




Ngoài Đoài Môn có đắp một Ủng Thành. Ủng Thành là một thành bao cửa thành chính, mở lối đi vào cạnh bên (nách). Muốn vào trong thành, phải qua cửa nách của Ủng Thành rồi mới quay một góc 900 để vào trong thành. Như vậy chức năng chính Ủng Thành là không cho vào thẳng cửa thành.


Lối bố cục của Ủng Thành là cách xây thành của người Trung Quốc, có từ thời Hán. Ở Việt Nam, trong Việt Sử lược chép: "Biền (tức Cao Biền) đắp lại La Thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (tương đương khoảng 6.139 m) cao 2 trượng 6 thước (tương đương khoảng 8,04m), bốn mặt xây nữ tường (tường thấp) cao 5 thước 5 tấc (tương đương khoảng 1,70m), có 55 lầu vọng dịch (vọng gác), 5 môn lầu (lầu trên cửa thành), 6 Ủng Môn (cửa tò vò, cửa nách) đào 3 ngòi nước, đắp 34 con đường..."Ủng Môn dịch là cửa tò vò, có phần chưa chính xác, nhưng đoạn trích này cho hay La Thành thời Cao Biền có đắp các Ủng Thành. 6 Ủng Thành đó là những chỗ nào, nay chưa rõ hết, mà chỉ còn 1, xưa kia là Đoài Môn xã, có cầu bắc qua sông Tô Lịch để đi về xứ Đoài.




Tháng 9 năm 2002, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã khảo sát và xác định kích thước hiện nay của Ủng Thành là 52m x 54m, bình đồ gần vuông, bề mặt di tích có nhiều gạch vồ, một loại vật liệu đặc trưng của thời hậu Lê (thế kỷ 15 - 18). Vậy, có thể tường Ủng Thành được xây gạch vồ phía ngoài, trong lèn đất và tồn tại kéo dài đến tận thời hậu Lê. Nói cách khác phía tây La Thành của Cao Biền cũng chính là của La Thành, Đông Đô thời Lê. Con đường hiện nay từ Ủng Thành đi ra chính là con đường cổ từ Đông Đô đến các miền xứ Đoài. Đây mới chỉ là giả thuyết và còn rất nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.


Gần đây, có một sự việc rất đáng lo ngại là Sở Xây dựng đang bắc lại một cầu mới kiên cố qua sông Tô Lịch và sửa đoạn đường qua cầu. Theo mốc chỉ giới đã đóng thì toàn bộ tường của Ủng Thành bị san ủi hết.




Trước thực trạng này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội đã tổ chức các cuộc họp xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý và có kiến nghị về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Các ý kiến đều thống nhất, hiện nay Hà Nội chỉ còn một di tích Ủng Thành duy nhất, di tích cần được bảo vệ kịp thời, trước qui hoạch hiện đại. Di tích cần được thăm dò khảo cổ học, để có đánh giá khách quan, khoa học về niên đại, qui mô, chức năng sử dụng và các vấn đề lịch sử liên quan.

Nguyễn Văn Đoàn

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6638

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Khái quát kết quả nghiên cứu và khai quật Di tích Lam Kinh

Khái quát kết quả nghiên cứu và khai quật Di tích Lam Kinh

  • 20/08/2008 17:30
  • 2732

Từ năm 1996 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với ngành Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá tiến hành nhiều đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học tại di tích Lam Kinh. Công việc nghiên cứu được thực hiện một cách thận trọng, với các bước điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật trên diện rộng. Qua đó, mặt bằng tổng thể của di tích Lam Kinh đã được phác dựng khá đầy đủ, với nhiều đơn nguyên kiến trúc bao gồm toà Chính Điện, các toà Thái Miếu, các điện thờ ở Tây Thất, toà Tả Vu và Hữu Vu, sân rồng