Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/08/2008 17:30 2824
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ năm 1996 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với ngành Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá tiến hành nhiều đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học tại di tích Lam Kinh. Công việc nghiên cứu được thực hiện một cách thận trọng, với các bước điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật trên diện rộng. Qua đó, mặt bằng tổng thể của di tích Lam Kinh đã được phác dựng khá đầy đủ, với nhiều đơn nguyên kiến trúc bao gồm toà Chính Điện, các toà Thái Miếu, các điện thờ ở Tây Thất, toà Tả Vu và Hữu Vu, sân rồng
Từ năm 1996 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với ngành Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá tiến hành nhiều đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học tại di tích Lam Kinh.

Công việc nghiên cứu được thực hiện một cách thận trọng, với các bước điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật trên diện rộng. Qua đó, mặt bằng tổng thể của di tích Lam Kinh đã được phác dựng khá đầy đủ, với nhiều đơn nguyên kiến trúc bao gồm toà Chính Điện, các toà Thái Miếu, các điện thờ ở Tây Thất, toà Tả Vu và Hữu Vu, sân rồng, các công trình kiến trúc hình chữ Công, chữ nhật ở khu Đông Trù.... và hệ thuỷ Lam Kinh bao gồm đập nước cổ, hồ Như áng, kênh dẫn nước, hồ Tây và sông Ngọc.

Sơ đồ tổng thể khu Lam Kinh


Qua diễn biến địa tầng các khu vực thám sát và khai quật, đã biết đến quá trình tồn tại của Lam Kinh suốt từ thế kỷ 15 - 18 với hai lớp kiến trúc thời Lê sơ (15 - 16) và Lê trung hưng (17 - 18) nằm kế tiếp nhau. Nằm dưới hai lớp kiến trúc là tầng văn hoá thời Trần, niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, chứa đựng các tàn tích vật chất như: đồ gốm sứ, tiền đồng, xương răng động vật, rìu bôn đá, ngói lợp kiến trúc đã phần nào phản ánh những ghi chép của sử thành văn và bia Vĩnh Lăng về vùng đất này khi tổ tiên của Lê Thái Tổ đến đây lập trại, khi Lam Sơn chưa trở thành Lam Kinh với vị trí là "kinh đô thứ hai" của nước Đại Việt thời Lê...


Bát gốm men trắng văn in


Kết quả khai quật cho biết tới một “cố đô Lam Kinh hiển hiện trong lòng đất” với các mặt bằng của các công trình đồ sộ, qui mô to lớn và bề thế, được thể hiện qua các bó móng (gạch vồ hình chữ nhật, hình hòm sớ, màu xám xanh và đỏ, xếp so le), nền (gạch hình vuông màu đỏ, xám, lát đều, khít mạch không có vôi vữa kết dính), gia cố (dùng sỏi cuội, phế liệu kiến trúc trộn lẫn đất sét vàng lèn chặt) và chân tảng (đá vôi, kích thước lớn), hệ thống thoát nước, hàng hiên bao quanh... Trong số đó, đáng kể nhất là toà Chính Điện với mặt bằng hình chữ Công ( I ), có niên đại Lê sơ là loại mặt bằng mới xuất hiện lần đầu tiên và 9 toà Thái Miếu xếp thành hình vòng cung rất “đặc biệt” trong diễn biến chung của các loại hình kiến trúc Việt Nam, hai dãy Tả - Hữu Vu dạng Giải Vũ


Qui mô công trình còn được thể hiện qua sự góp mặt của các loại vật liệu và trang trí kiến trúc cực kỳ phong phú. Những viên gạch tham gia bậc tam cấp, những đầu rồng trang trí bờ nóc, phù điêu, gạch ốp trang trí, thành bậc tạo hình sóc trang trí hoa lá…. đặc biệt là các thành bậc lối lên trước thềm Chính Điện và Thái Miếu trang trí rồng và mây hiện còn trên bề mặt di tích mà khi quan sát nhận thấy sự giống nhau giữa chúng với với các thành bậc ở điện Kính Thiên (Thăng Long - Hà Nội) (học giả người Pháp - L.Bezacier đã cho chúng là sản phẩm của cùng “một hiệp thợ”)… cho thấy phần nào sự hoành tráng kiến trúc nơi đây.


Trang trí rồng trên đĩa gốm

Trong quá trình khai quật đã thu được các dấu tích phản ánh quá trình tế lễ điện miếu, bái yết Sơn Lăng và sinh hoạt thường nhật của Hoàng tộc nhà Lê. Trong đó đáng chú ý nhất là nhóm đồ gốm sứ cao cấp, mỏng như vỏ trứng, có thể nhìn thấu quang, trang trí rồng, mây, trong lòng có chữ Quan in nổi đều là các đồ ngự dụng, dành riêng cho vua và Hoàng tộc giống như đã thấy ở Hoàng thành Thăng Long.


Ngoài những khám phá về các công trình điện, miếu Lam Kinh, với nhiều bí mật Hoàng tộc nhà Lê, khảo cổ học cũng có những phát hiện mới về các lăng mộ, về các lò nung vật liệu cổ ở bờ sông Ngọc và khu tập kết vật liệu kiến trúc xây dựng các công trình lớn... đặc biệt là khảo sát và thám sát hệ thuỷ Lam Kinh (bao gồm kênh dẫn nước, sông Ngọc, các hồ Như áng, hồ Tây - não của Lam Kinh) giúp cho các nhà tôn tạo có thể khôi phục toàn bộ diện mạo cảnh quan, môi trường khu vực Lam Kinh hài hoà với các công trình điện, miếu làm cho Lam Kinh thực sự lung linh, huyền ảo giữa núi rừng Lam Sơn.


Đầu rồng trang trí kiến trúc

Thời gian tới đây, công tác nghiên cứu khảo cổ học sẽ tập trung ở khu vực phía đông di tích, nơi được dự đoán là khu vực hậu cần của khu điện, miếuLam Kinh. Bên cạnh đó sẽ khảo sát hệ thống di tích vệ tinh xung quanh khu vực trung tâm, nơi thời gian qua đã tìm thấy các di tích, di vật và hàm chứa những truyền thuyết, giai thoại... có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn, Lam Kinh, Lê Lợi và các công thần nhà Lê... nhằm lý giải công năng cũng như quy mô, kích thước và mối quan hệ với khu vực điện, miếu Lam Kinh góp phần nhận thức đầy đủ về một vùng văn hoá Lam Sơn như khái niệm mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và các học trò của ông đã đề xuất.

Nguyễn Văn Đoàn

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6789

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Nhắn gửi các nhà sưu tập: Điều thứ nhất: Đăng ký cổ vật- Cần hay không?

  • 20/08/2008 17:22
  • 2423

Luật Di sản Văn hóa khuyến khích các nhà sưu tập đăng ký cổ vật, khiến không ít người băn khoăn về quyền sở hữu của họ bị động chạm. Đó là cách hiểu chưa toàn diện về bộ luật này, khi nhà nước đã công nhận quyền sở hữu tư nhân về cổ vật mà những điều khoản trước đó trong luật đã thể hiện.