Nói đến chùa Đậu, chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết đến đây là ngôi chùa nổi tiếng của Hà Tây, nơi còn lưu giữ được hai xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, nơi được mệnh danh là danh lam đệ nhất trời Nam. Chùa nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) với cây cối um tùm và được bao bọc bởi các hồ nước xung quanh, phía sau là sông Nhuệ hiền hoà chảy qua, quả là nơi đắc địa.
Nói đến chùa Đậu, chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết đến đây là ngôi chùa nổi tiếng của Hà Tây, nơi còn lưu giữ được hai xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, nơi được mệnh danh là danh lam đệ nhất trời Nam. Chùa nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) với cây cối um tùm và được bao bọc bởi các hồ nước xung quanh, phía sau là sông Nhuệ hiền hoà chảy qua, quả là nơi đắc địa.
|
Cổng vào di tích |
Chùa có tên chữ là Thành Đạo tự hoặc Pháp Vũ tự, dân gian thường gọi là chùa Vua, chùa Bà hay chùa Đậu. Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Sĩ Nhiếp, vào những thế kỷ Đầu Công nguyên, xuất hiện cùng với sự tích về Man Nương và Phật Tứ Pháp.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, ngôi chùa luôn được sự quan tâm của các triều đình phong kiến Việt Nam, đã có nhiều đợt, nhiều giai đoạn ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa khang trang. Tấm bia dựng năm Dương Hoà thứ 5 (1639) đời Lê Thần Tông hiện lưu giữ trong chùa cho biết, chùa Đậu được xây dựng từ thời Lý, tiếp tục tu bổ, mở mang vào thời Trần, Lê, Mạc. Chứng tích của những lần xây dựng, trùng tu đó còn để lại đến nay nhiều di vật quý đang hiện hữu trên các công trình kiến trúc trong chùa.
Ngay khi qua Tam Quan và sân gạch, chúng ta sẽ bắt gặp đôi rồng đá thời Trần trên bậc thềm lên xuống nhà Tiền Đường. Rồng có dáng khoẻ, thân tròn, uốn lượn nhiều khúc, đầu to, miệng ngậm ngọc, chân trước chống cằm, mào vuốt thẳng lên trên với trang trí dạng đao lửa, sừng xuôi ra sau, khép lại thành khung vuông nơi đỉnh đầu. Đã có nhiều nhà nghiên cứu, khi tiếp xúc với đôi rồng đá này đã không ngớt lời khen ngợi là một tuyệt tác của các nghệ nhân thời Trần. Chẳng thế, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã cho nhân bản phục chế lại đôi rồng này để trưng bày ngay tại sân vườn của Bảo tàng.
Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều tấm bia cổ, nhiều viên gạch trang trí rồng, cá hoá long, sen... mang đậm phong cách mỹ thuật thời Mạc. Ở thời kỳ này, chúng ta không biết được quy mô của chùa ra sao, nhưng với số ruộng gần 100 mẫu của chùa ghi trên tấm bia đá dựng vào năm Sùng Khang thứ tư (1569) đời Mạc Mậu Hợp thì đủ biết được tầm vóc của ngôi chùa như thế nào.
Vào thời Lê - Trịnh, chùa lại được sửa sang khang trang hơn, do Cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên, vợ của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, đứng ra làm hội chủ hưng công. Tấm bia Dương Hoà năm thứ 5 (1639) ghi rõ: “tháng 10 năm Bính Tý (1636) bà xuất kho nội phủ và tiền của tư nhân cho phát mộc, khởi công dựng hai toà Tiền Đường và Thiêu Hương, bồi đắp chỗ hư hỏng. Hai năm sau công việc hoàn thành, trông thật nguy nga”. Có thể đây là lần chùa Đậu được tu sửa lớn nhất. Dấu vết những hoạ tiết chạm khắc tinh xảo ở kiến trúc Tam Quan và Tiền Đường còn lại đến ngày nay là những minh chứng cụ thể cho đợt trùng tu lớn này. Do đó chùa Đậu đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và cầu đảo của tầng lớp quý tộc triều Lê - Trịnh, có lẽ tên chùa Vua xuất hiện từ giai đoạn đó. Chẳng những thế, sử sách còn ghi rõ nhiều lần gặp khi đại hạn, triều đình Lê - Trịnh đều cho rước tượng thần Pháp Vũ ở chùa Đậu về phủ Chúa tế lễ, cầu đảo và rất linh thiêng.
|
Tam quan |
Sau này chùa còn được tu bổ khang trang thêm ở các thời Cảnh Hưng, Tây Sơn, Nguyễn.... Về cơ bản, mặt bằng kiến trúc hiện nay của chùa là mặt bằng của thời Lê - Nguyễn, với kết cấu kiểu “nội Công ngoại Quốc”, mặt quay hướng Đông Nam. Ngoài cùng là Tam Quan (cũng là gác chuông), tiếp theo là sân gạch với hai toà giải vũ hai bên. Tiền Đường ở phía trước nối với hai dãy hành lang cùng Hậu Đường (tức nhà Tổ) ở phía sau khép lại thành khung vuông bao bọc lấy khu vực trung tâm của chùa. Kiến trúc trung tâm gồm ba nếp nhà liên kết với nhau tạo thành hình chữ Công (I), phía trước là Chính Điện, phía sau là Thượng Điện (Hậu Điện), nơi đặt tượng thần Pháp Vũ. Liên kết giữa hai nếp nhà này là một ống muống, nơi bài trí hệ thống tượng Phật, gọi là Thiêu Hương. Năm 1947, toàn bộ khu trung tâm chùa đã bị giặc Pháp đốt cháy, chỉ còn lại nền móng và bệ đá nằm ở chính giữa nền Thượng Điện. Bệ đá được làm bằng đá vôi màu xám trắng, xung quanh trang trí hoa văn rồng yên ngựa và hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạc.
Năm 1950, để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, chính quyền và nhân đân địa phương đã cho đúc lại tượng Thánh Pháp Vũ. Tượng đúc bằng đồng ở tư thế ngồi, xếp bằng trà cao 45cm. Bảo vệ bên ngoài bức tượng và bệ đá là Long Đỉnh được xây bằng gạch và xi măng. Năm 1986, chính quyền và nhân dân địa phương lại cho dựng tạm trên nền cũ một kiến trúc nối thông từ Long Đỉnh đến giữa nền toà Chính Điện theo dạng hình ống. Kiến trúc này được nhân dân gọi chung là Tam Bảo hay Thượng Điện. Bên trong kiến trúc, bài trí hệ thống tượng Phật gồm hai lớp: trên cùng là lớp tượng Tam thế, lới thứ hai là toà tượng Cửu long với Thích ca sơ sinh, hai bên là toà cửu phẩm liên hoa, trong cùng là tượng Thánh Pháp Vũ. Gần đây, nhà chùa đã cho dịch chuyển toà tượng Cửu long vào trong nhà Tổ và thay thế bằng bức tượng gỗ Quan âm thiên thủ thiên nhãn.
|
Kiến trúc Tiền Đường |
Ngoài khu vực trung tâm, trong không gian của chùa còn có nhiều công trình kiến trúc khác như chùa Am (là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân thời kỳ trước đây), điện thờ Mẫu, am thờ hai vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, nhà Tăng....
Như vậy, có thể nói chùa Đậu là một di tích kiến trúc, tôn giáo và văn hoá có bề dày lịch sử, đã trải qua nhiều giai đoạn hình thành, phát triển và biến đổi. Lòng đất và những di tích, di vật hiện tồn của ngôi chùa đều ẩn chứa trong mình những thông điệp của thời gian. Việc Bộ Văn hoá - Thông tin cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia cho ngôi chùa trong giai đoạn đầu, vào năm 1968, là một kết quả đúng đắn, ghi nhận những chân giá trị của ngôi chùa. Thật không ngoa, khi cho rằng chùa Đậu là một Di sản văn hoá quý giá của dân tộc.
Đáng tiếc, hiện nay khu vực kiến trúc trung tâm của ngôi chùa, gồm 3 toà Chính Điện, Thiêu Hương và Thượng Điện đã bị phá huỷ, chỉ còn lại dấu vết nền móng và ngôi nhà tạm dựng năm 1986 dùng làm nơi thờ Phật. Thật không tương xứng với tầm vóc của một ngôi chùa có lịch sử lâu đời và mang tầm Quốc gia như di tích chùa Đậu. Do vậy, công tác thiết kế, trùng tu và tôn tạo lại khu vực trung tâm là việc làm hết sức cần thiết để gìn giữ và phát huy giá trị của Di sản văn hoá Quốc gia này. Trong đó, khai quật khảo cổ học phải là bước đi tiên phong, nhằm thu thập đầy đủ các thông tin khoa học, phục vụ hiệu quả cho công tác thiết kế, trùng tu, tôn tạo. Chắc chắn, lòng đất của chùa Đậu sẽ đem đến cho chúng ta nhiều chứng tích quan trọng để nhìn nhận thấu đáo hơn những giá trị vốn có của ngôi chùa./.