Cụm di tích đền - chùa Bà Tấm thuộc địa phận xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Di tích nằm ở phía Đông và cách khu vực nội thành Hà Nội gần 20km. Từ trung tâm thành phố, qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 5 đi Hải Phòng khoảng 8km thì đến địa phận xã Dương Xá. Di tích nằm bên trái, liền kề đường quốc lộ.
Cụm di tích đền - chùa Bà Tấm thuộc địa phận xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Di tích nằm ở phía Đông và cách khu vực nội thành Hà Nội gần 20km. Từ trung tâm thành phố, qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 5 đi Hải Phòng khoảng 8km thì đến địa phận xã Dương Xá. Di tích nằm bên trái, liền kề đường quốc lộ.
|
Toàn cảnh di tích |
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, cụm di tích đền - chùa Bà Tấm được xây dựng từ thời Lý. Sự ra đời của di tích gắn với Nguyên phi, Hoàng thái Hậu Ỷ Lan - một nhân vật kiệt xuất của vương triều nhà Lý. Sử cũ cho biết: Nguyên phi Ỷ Lan giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính), khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình, dân gian sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm. Các huyền thoại, truyền thuyết về Bà phủ trùm lên một vùng văn hoá lịch sử của xứ kinh Bắc xưa. Bà được dân gian gọi là bà Tấm - là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Bà đã cho xây dựng nhiều chùa, tháp (hơn 100) nổi tiếng, tồn tại đến tận ngày nay như: Chùa Dạm, 1086 (Quế Võ - Bắc Ninh); chùa Một Mái ở Hoàng Xá, 1099 (Quốc Oai - Hà Tây); chùa Phật Tích, 1100 (Tiên Sơn - Bắc Ninh); chùa Báo Ân, 1100 (Động Sơn - Thanh Hoá); tháp Chương Sơn, 1108 (Ý Yên - Nam Định). Và ở quê hương của bà, hương Thổ Lỗi đã được đổi thành hương Siêu Loại, vào năm 1115 Bà đã cho xây dựng ngôi chùa Linh Nhân tư Phúc tự (Bà Tấm là tên gọi được dân gian thường dùng). Vào năm 1117, khi Ỷ Lan qua đời, ngôi đền thờ Bà cũng được xây dựng. Từ đó đến nay, đền - chùa Bà Tấm là nơi hành lễ thờ Phật và cũng là nơi tưởng niệm của nhân dân trong vùng. Trong quá trình tồn tại, đền - chùa Bà Tấm luôn được sửa chữa, trùng tu và xây mới. Văn bia cho biết vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII, các vương phi, quận chúa họ Trịnh nhiều lần công đức tiền của cùng nhân dân xã Dương Xá, Dương Nguyễn tu bổ lại chùa.
|
Mộ tháp trong chùa |
Cụm di tích chùa - đền Bà Tấm vốn được xây dựng trên một gò đất cao, rộng, nằm bên hữu ngạn dòng sông Thiên Đức nổi tiếng (phía bên Tả ngạn là chùa Báo Ân thời Trần, gắn liền với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông). Trải qua quá trình tồn tại, mặt bằng di tích có nhiều thay đổi, hiện nay còn có chùa, đền và nhà thờ mẫu cùng một số đơn nguyên kiến trúc kề cận. Mặc dù các công trình kiến trúc đều được xây dựng gần đây (đền xây khoảng nửa đầu thế kỷ XX, chùa xây khoảng những năm 1980), song, đây vẫn là một không gian linh thiêng, thể hiện trong lễ hội tổ chức trang trọng hàng năm vào các ngày 19/2 và 25/7 Âm lịch. Theo lời kể của nhân dân trong vùng, hội đền Bà Tấm có qui mô rất to lớn, không chỉ có Dương Xá, Dương Nguyễn tổ chức mà kéo dài suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm (Hưng Yên).
|
Bia đá được lưu giữ tại chùa |
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, phản ánh lịch sử và quá trình tồn tại, các lần trùng tu, sửa chữa di tích... Đáng chú ý nhất là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, 1 thành bậc trang trí sấu, chim phượng, cúc dây nổi tiếng được nhiều nhà nghiên cứu biết tới, cùng các di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý đang được lưu giữ tại di tích
(ảnh).Ngoài ra, còn có nhiều bia đá thời Lê và Nguyễn (1 bia niên hiệu Dương Hoà năm thứ 7 - 1641; 1 bia niên hiệu Hoằng Định năm thứ 17 - 1617; 2 bia niên hiệu Đức Long năm thứ 7 - 1635; 1 bia niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18 - 1943) và hệ thống chân tảng, trong đó đáng chú ý là các chân tảng bằng đá sa thạch thời Lý - Trần và nhiều di vật khác thời Lê - Nguyễn. Nhận thấy những giá trị lịch sử - văn hoá đang tiềm ẩn nơi đây, trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, VP. Ban Chỉ đạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học tại cụm di tích này.