Thứ Năm, 20/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/11/2014 08:27 5385
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nếu lấy mốc từ khi Lý Thái Tổ (974 - 1028) quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La năm 1010, và đặt tên thành Thăng Long thì thủ đô Hà Nội đã có lịch sử ngàn năm tuổi. Việc rời đô là thể theo nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời bấy giờ. Và cũng kể từ thời điểm đó, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của cả nước.

Trấn Nam – Đền Kim Liên

Đền Kim Liên vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương, Tương truyền là Lạc tướng Vũ Lâm, con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tại đây còn lưu giữ 39 đạo sắc phong Thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng và 13 đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất là sắc phong mang niên hiệu Vĩnh Tộ thứ hai (1620).

Sự tích và lịch sử.

Theo tấm bia đá cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m, hiện vật quý giá nhất hiện còn lưu giữ trong đền có bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh", văn bia do sử thần Lê Trung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn. Nội dung cho biết: Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt.

Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay thuộc Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy giữa cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn Đại Vương". Vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho sửa sang đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa. Sau nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn , nên năm 1509, Vua cho xây dựng đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa, Đông Đô thời bấy giờ, nay thuộc phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, tp Hà Nội.

Sau này, dân làng Kim Liên đã xây thêm tam quan ở phía trước cổng đền và bổ sung thêm một số hạng mục kiến trúc mới, có cả đình Kim Liên. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong khuôn viên đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu, và thờ chủ tịch Hồ Chủ tịch.

Văn bia"Cao Sơn đại vương thần từ bi minh" do sử thần Lê Trung

soạn năm 1510.

Kiến trúc tổng thể

Đền Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao ở phía đông đầm Kim Liên xưa. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây, trông ra đầm Kim Liên (đầm này nay không còn do bị lấp đi để làm đường vành đai 1). Kiến trúc của đình và đền bao gồm hai phần tương đối rõ: Phía trước có một cổng trụ biểu và hai dãy giải vũ 3 gian bên sân đình. Phía sau là đền thờ nằm trên gò đất cao. Từ sân đình lên cửa chính điện có thềm chín bậc với đôi sấu đá được làm từ thời Lê Trung Hưng, nối hai bộ phận kiến trúc nói trên.

Quang cảnh trước cổng đền Kim Liên nhìn từ hồ bán nguyệt.

Khu chính điện đền Kim Liên.

Kiến trúc tổng thể của di tích gồm Nghi môn, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. Trên các bộ phận kiến trúc các họa tiết trang trí được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đại bái gồm 5 gian mới được tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Trong nhà xây vòm cuốn, nội thất được bố trí như sau: gian ngoài cùng, bó bệ gạch cao để đặt hương án; gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa).

Đền Kim Liên được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.

Nhà đại bái được thành phố cho tôn tạo năm 2000. Đình được sửa sang, tu bổ lớn trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước cổng xây thêm một hồ bán nguyệt nhỏ bên cạnh giếng và đắp bức bình phong trước tam quan mới.

Lễ hội

Lễ hội đền Kim Liên.

Trước đây, lễ hội đình và đền Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch, nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 - 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm ngay sau giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài lễ chính còn các lễ Sóc Vọng hàng tháng, lễ Kỳ An và lễ hoá vào ngày 12 tháng 8.

Trong ngày chính hội (16/3), 6 giờ sáng người làng đã làm lễ Tế ở chính điện. Các bậc "bô lão" trong đội tế nam của làng thành kính đứng trước sân đình Tế Cáo với Thượng Đẳng thần Cao Sơn Đại Vương, "mở lối đi linh thiêng" để người dân bước vào ngày chính hội 16/3 âm lịch cùng những đại lễ bái rất bài bản của đội tế lễ mũ mão cân đai chỉnh tề. Vang vọng và linh thiêng còn ở tiếng thỉnh chiêng trống ... Sau đó lễ dâng hương kính cẩn diễn ra trước sân đình, rồi các dòng họ dâng những mâm cỗ cầu kỳ tái hiện nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Có những mâm cỗ được bài trí đẹp như một tác phẩm nghệ thuật nhưng mang đầy đủ ý nghĩa của mối giao hoà giữa con người và trời đất. Tiếp sau đó là lễ rước với 4 kiệu: kiệu Long đình, kiệu ông, kiệu bà và kiệu võng, người dân theo địa phận của làng đi từ phố Kim Hoa đến Đào Duy Anh rồi trở về đình Kim Liên tạo nên một hình ảnh rất đẹp.

Trước đó, sáng ngày 15/3 diễn ra hội cắt tóc, các tay thợ trẻ vào cuộc đua tài trước sự "giám sát" kỹ lưỡng và công bằng của một ban giám khảo toàn các bậc cao niên có uy tín và tay nghề trong làng.

Bởi làng Kim Liên xưa nay vẫn nổi tiếng với những "tay thợ" vừa cắt tóc, vừa múa kéo như một thứ nghệ thuật với những tiếng lách cách đều đặn và vui tai, cả cách quàng khăn đúng theo chiều gió vừa để giữ gìn sức khoẻ cho người cắt tóc, vừa thể hiện phong cách diệu nghệ và cũng để quảng bá và phát triển một làng nghề truyền thống của người Hà Nội. Sau cuộc thi là các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đập niêu, chọi chim, cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật … buổi tối là chương trình liên hoan ca múa nhạc. Các hoạt động của 2 ngày lễ hội hàng năm thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng tham gia.

Trấn Bắc – Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh xưa là Trấn Vũ Quán, một di tích mang những dấu ấn của Đạo giáo ở Việt Nam.Đền thờ Thần Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long.

Theo các văn bia còn lưu giữ trong đền và các bản dịch trong hồ sơ di tích, từ tấm bia cổ nhất tạo năm 1633 đến tấm bia muộn nhất Chân Vũ Quán Thạch Bi năm Thành Thái 1893, hay Trùng Tu Trấn Vũ Quán Bi Ký thời Tự Đức (1856) Quán Trấn Vũ được xây dựng từ năm 1010 thời vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long để trấn phương Bắc. Đền/ Quán đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa như năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768), năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), thời vua Tự Đức (1856), năm Thành Thái thứ 5 (1893) và gần đây nhất là đợt tu bổ chào mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010. Và chính lần tu sửa lớn vào năm Vĩnh Trị do đốc công Luân Quận Công Vũ Công Chấn chỉ huy là lần tu sửa khiến cho ngôi đền có được sự to đẹp như ngày nay.

Cổng đền Quán Thánh xưa (Ảnh tư liệu).

Cổng đền Quán Thánh ngày nay.

Sự tích và lịch sử

Đền Quán Thánh ngày nay nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền có tên chữ là Trấn Vũ Quán, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long.

Tương truyền, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái phá hoại đời sống yên lành vùng chung quanh thành Thăng Long: trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông... Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán.

Đền nằm bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội.

Từng trải qua nhiều đợt trùng tu, Đợt trùng tu năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 đời vua Lê Hy Tông thì đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng hun, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó. Năm Cảnh Thịnh 2 (1794) đời vua Quang Toản viên Đô đốc Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc chiếc khánh đồng lớn. Ba chữ Hán được tạc trên nóc cổng tam quan cho thấy người xưa chấp nhận cả hai cách gọi là Trấn Vũ quán và Đền Quán Thánh. Quán là Đạo Quán và là nơi thờ tự của Đạo Giáo, cũng như chùa là của Phật Giáo.

Kiến trúc tổng thể

Đền Quán Thánh tọa lạc ở một địa thế rất đẹp trên đường Cổ Ngư xưa, hai bên là hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Ngôi đền hiện nay đã được sửa chữa nhiều lần. Các bộ phận kiến trúc đền sau khi trùng tu bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa. Hồ Tây phía trước mặt tiền tạo nên bầu không khí mát mẻ quanh năm

Ngôi chính điện (bái đường) nơi đặt tượng Trấn Vũ có 4 lớp mái (4 hàng hiên). Chính giữa là bức hoành phi đề "Trấn Vũ Quán". Hai tường hồi có khắc các bài thơ ca ngợi ngôi đền và pho tượng Trấn Vũ của các tác giả thời nhà Nguyễn như Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm...

Bức tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ.

Tượng Luân Quận Công Vũ Công Chấn vị quan phụ trách việc đúc tạc nên pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.

Pho Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen. Tượng cao khoảng 3,96m, chu vi 8m, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng rùa. Rắn và rùa theo truyền thuyết là hai bộ hạ theo hầu đức Trấn Vũ. Có lẽ vì thế mà rắn – rùa – kiếm đã tạo thành bộ ba biểu trưng cho Huyền Thiên Trấn Vũ. Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây ba thế kỉ. Khi dựng lên bức tượng này, người xưa muốn gửi gắm nhiều thông điệp quý giá.

Trên bài minh văn khắc bia Trấn Vũ Quán bi ký do Thượng Thư Đông Các Đại Học Sĩ Hồ Sĩ Dương soạn và được Vũ Tộc Đại Tông, gia phả họ Vũ ở từ đường thôn An Cự, xã Đại An, Vụ Bản, Nam Định do Vũ Huyên chép năm Bảo Đại xác nhận: Năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Luân Quận Công Vũ Công Chấn đốc công theo dõi việc đúc pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.

Vì vậy, thêm một điểm đặc biệt mà ít di tích nào có được chính là việc xuất hiện một pho tượng ngay trong nội điện của ngôi đền. Pho tượng này được minh xác là tượng vị quan phụ trách việc đúc tạc nên pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ. Trong lạc khoản bài minh văn khắc bia Trấn Vũ Quán bi ký do Thượng Thư Đông Các Đại Học Sĩ Hồ Sĩ Dương soạn kể trên chép“Ngày lành tháng tốt, vâng mệnh đốc công Luân Quận Công Vũ Tướng công, có chỉ cho được cùng thờ ở đền”.

Cũng theo văn bia này thì Luân Quận Công không chỉ là người đốc công tạc khắc nên pho tượng Huyền Thiên mà ông còn là người cho đúc chuông lớn hiện nay đang được treo ở Tam Quan đền có niện đại Vĩnh Trị thứ 2 (1677).

Khi Vũ Công Chấn nhận đốc công công trình này cũng là năm ông tròn 60 tuổi và pho tượng đã tạc khắc một cách chân thực chân dung vị công thần này ở độ tuổi đó. Pho tượng có thể xem là kiệt tác thứ hai của ngôi đền minh chứng cho lịch sử của nghệ thuật điêu khắc chân dung đạt đến đỉnh cao giai đoạn thế kỷ XVII.

Năm 1856, bố chánh Sơn Tây là Phạm Xuân Quế, bố chánh Hà Nội là Tôn Thất Giáo, tri huyện Vĩnh Thuận là Phan Huy Khiêm đã tổ chức quyên góp trùng tu, sửa lại chính điện, đình thiêu hương, bái đường và gác chuông, làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái, đắp lại bốn pho tượng đại nguyên soái, tượng thần Đương Niên hành khiển, Văn Xương Đế Quân.

Đền Quán Thánh đã qua nhiều lần sửa chữa, kiểu kiến trúc hiện nay chủ yếu là của thời Nguyễn. Đền được xếp hạng di tích di lích cấp quốc gia năm 1962.

Lễ hội

Lễ hội đền Quán Thánh diễn ra vào ngày 03 tháng 03 Âm lịch hàng năm với nghi thức chính: Giáng bút, cầu mộng, cầu lộc, suy tôn: Đại Đế Huyền Thiên Trấn Vũ.

Đền còn thờ các vị thần khác như: Tứ đại Nguyên suý Pháp tượng, Bạch Ngọc thần Pháp tượng…trong đó có tượng Tử đồng Văn Xương đế quân. Đây là vị thần theo quan niệm Đạo giáo, coi về văn chương thi cử. Uy tín của thần rất lớn đối với các nho sinh. Xưa các thầy đồ, thầy khoá cứ vào các ngày mồng 1, ngày mồng 6 âm lịch hàng tháng thường mang vàng hương lễ vật đến khấn cầu rất thành kính, rồi ngủ lại đền chờ thần báo mộng xem cuộc thi sắp tới đỗ hay không đỗ. Nhất là những năm, tháng có khoa thi thì đền càng tấp nập. Sở dĩ có lệ ấy là do truyền thuyết, thần từng giáng bút cho biết, vì thấy nước Nam là nước văn hiến nên hàng tháng cứ vào hai ngày ấy thần sẽ tới báo mộng cho sĩ tử. NhưngTừ khi tượng thần Văn Xương chuyển ra thờ ở đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm) thì lệ tục kia cũng không còn.

Trong tứ trấn Thăng Long thì trấn Bắc phải vĩnh viễn trấn áp mọi loài yêu quái ở Hồ Tây, nên từ đời Lê, dân làng Yên Quang (sát Hồ Tây) hàng năm hai lần phải cử hành lễ rước “thần Hồ” theo bờ Hồ Tây, để biểu tượng uy quyền của thánh và sức mạnh của dân, áp đảo các thế lực hắc ám. Trước khi rước, có lệ tuyên đọc sắc chỉ của vua. Mồng 3 tháng Ba là ngày chính hội có rước từ đền Quán Thánh tới đền Thụy Khuê.

Nguyễn Thị Hữu (Phòng Truyền thông)

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Thị Hồng Dung (2010), “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội việc tế lễ ở đền voi phục”, Văn hóa - nghệ thuật, số 307, tr. 15-18.

2. Nguyễn Doãn Minh (2013), “Tục thờ tứ trấn Thăng Long qua các nguồn tư liệu”, Văn hoá dân gian, số 3, tr. 10-20.

3. Nguyễn Hạnh, Trần Thị Thanh Nguyên, Nguyễn Duy Linh (2005), Đền Bạch Mã (Trấn Đông Phương - Thăng Long tứ trấn), NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Hạnh, Trần Thị Thanh Nguyên, Nguyễn Duy Linh (2005), Đền Kim Liên (Trấn Nam Phương - Thăng Long tứ trấn), NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Hạnh, Trần Thị Thanh Nguyên, Nguyễn Duy Linh (2005), Đền Quán Thánh (Trấn Bắc Phương - Thăng Long tứ trấn), NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Hạnh, Trần Thị Thanh Nguyên, Nguyễn Duy Linh (2005), Đền Voi Phục (Trấn Tây Phương - Thăng Long tứ trấn), NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

7. Phùng Thành Chủng (2006), “Thăng Long tứ trấn”, Văn hoá dân gian, số 5, tr. 74-76.

8. Quỳnh Trang (2012), “Lễ hội đền Bạch Mã”, Thông tin Khoa học và Công nghệ Nghệ An, số 3, tr. 52-53.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7200

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn

  • 20/11/2014 09:12
  • 5563

Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13, vùng ven biển Việt Nam đương thời tiếp nhận một nền văn hóa độc đáo, chịu ảnh hưởng của Ấn độ giáo. Mối quan hệ này được thể hiện qua phế tích của một loạt các đền- tháp kỳ vĩ, phân bố ở của một địa điểm quan trọng, vốn là một thủ đô tôn giáo và chính trị của vương quốc Chămpa trong hầu hết quá trình tồn tại của nó.