Nằm trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp là nơi lưu giữ hiện vật xe tăng lớn nhất trong các bảo tàng khu vực Đông Nam Á. Nơi đây lưu giữ hàng nghìn hiện vật quý, tái hiện sinh động lịch sử Binh chủng Tăng-Thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp đón nhận khoảng 40.000 khách tham quan.
Hệ thống hiện vật ở Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp có nhiều hiện vật quý, nguyên gốc. Mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử sống động, gắn liền với lịch sử oai hùng của Bộ đội Tăng-Thiết giáp. Đến tham quan, khách sẽ được trực tiếp chiêm ngưỡng và nghe giới thiệu về Xe tăng 390-Bảo vật quốc gia cùng nhiều hiện vật, hình ảnh về hai kíp xe tăng 390 và xe tăng 843 trong ngày lịch sử 30-4-1975. Những câu chuyện bi tráng về Kíp xe 377- Kíp xe mà bộ đội Tăng-Thiết giáp gọi đó là kíp xe bất tử, kíp xe huyền thoại, tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng “một xe cũng tiến công, một người cũng chiến đấu”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hiện vật: Lá thư, cuốn sổ ghi chép, những tấm ảnh cá nhân của các thành viên kíp xe như in đậm mãi hình ảnh dũng mãnh của chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377 trong trận Đắc Tô - Tân Cảnh. Hoặc những hiện vật thể hiện tình cảm quân dân cá-nước trong trận Tà Mây-Làng Vây; chiếc áo của dũng sĩ Trần Hùng Vách… Tất cả được trưng bày khoa học, bắt mắt và được các hướng dẫn viên thuyết minh truyền cảm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu về hệ thống hiện vật thuộc Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp.

Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các nhân chứng lịch sử bên chiếc xe tăng 390 trong buổi lễ đón bằng chứng nhận “Bảo vật quốc gia”.

Ảnh tư liệu về Kíp xe 843 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khách tham quan nghe giới thiệu về mô hình “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.

Những mắt xích xe tăng đã vượt Trường Sơn vàoNamlập chiến công.

Cuốn Điều lệ Đảng và đồng tiền thấm máu của liệt sĩ Nguyễn Tiến Chén – chiến sĩ xe tăng thuộc Tiểu đoàn 198.

Chiếc áo của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hùng Vách, người ba lần bị thương vẫn nén đau tiến công tiêu diệt quân thù trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hiện vật “Chiếc thuyền độc mộc” – đồng bào Vân Kiều đã sử dụng thuyền này chở bộ đội, bình điện xe tăng cùng nhiều trang bị khác giúp bộ đội vượt sông Xê-Pôn trong trận đánh Làng Vây năm 1968.

Gùi mây và liềm – những vật dụng của đồng bào Vân Kiều mang theo phục vụ Bộ đội Tăng-Thiết giáp chuẩn bị cho trận Làng Vây năm 1968.

Mảnh dù pháo sáng được các chiến sĩ công binh khoác lên mình làm lộ tiêu sống cho xe tăng vượt sông Xê-Pôn trong trận Làng Vây năm 1968.

Hình ảnh các chiến sĩ trong Kíp xe 377 tham gia chiếc dịch Bắc Tây Nguyên 1972.
MAI NGỌC – HƯƠNG SEN (thực hiện)