Cách mạng tháng Tám tuy đã thành công nhưng các thế lực thù trong, giặc ngoài vẫn không từ bỏ mưu đồ phá hoại, lật đổ. Bên cạnh đó, sự trống rỗng về tài chính, tiền tệ, hậu quả nặng nề sau nạn đói, nạn dốt, dịch bệnh và thiên tai, lại bị cô lập về chính trị và ngoại giao v.v... Đó chính là những khó khăn chồng chất, đặt chính quyền cách mạng non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày, tháng đầu mới ra đời ở vào một tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Trước tình thế vận mệnh độc lập, tự do của dân tộc vừa mới giành được đứng trước nguy cơ mất còn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, sách lược đối nội, đối ngoại sáng suốt, đúng đắn và kịp thời để cứu nguy dân tộc và bảo vệ nhà nước Dân chủ Nhân dân.
Ngoài việc phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, về tài chính - tiền tệ, Chính phủ Lâm thời đã xoá bỏ các thứ thuế vô lý và bất công của chế độ cũ và đấu tranh với Ngân hàng Đông Dương, với quân đội Tưởng Giới Thạch và Pháp, đồng thời động viên nhân dân đóng góp vào Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng, Quỹ Nam bộ, Quỹ Đảm phụ quốc phòng... ủng hộ nền độc lập, tự do mới giành được. Tiếp theo, Chính phủ đã cho phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam, vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu to lớn và cần kíp của xã hội, chủ yếu là quốc phòng.
Chủ trương phát hành Giấy bạc Việt Nam độc lập đã được đề ra ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công và đồng chí Phạm Văn Đồng (1), ủy viên Chính phủ Lâm thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ việc in và phát hành giấy bạc Việt Nam. Để tránh sự hoạnh họe của quân Tưởng và quân Pháp, Chính phủ chủ trương cho lưu hành trước các loại tiền nhỏ bằng kim loại để thay thế những hào rách đã lưu hành từ thời Pháp, Nhật. Ngày 1-12-1945, Sở Ngân khố đã bắt đầu phát hành các loại 2 hào, 5 hào, 1 đồng bằng nhôm và 2 đồng bằng đồng.
Tuy nhiên, những loại tiền bằng kim loại này không thể dùng làm vũ khí để đấu tranh nhằm thay thế và loại hẳn tiền Đông Dương ra khỏi nước ta, vì vậy, ngày 15-11-1945, Cơ quan Ấn loát thuộc Bộ Tài chính đã được thành lập với nhiệm vụ sản xuất giấy bạc Việt Nam để đưa ra lưu hành phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống.
Thời gian đầu, tất cả mọi thứ cần dùng cho việc sản xuất giấy bạc như xưởng in, máy in, giấy in chuyên dùng, vật liệu, cán bộ, công nhân kỹ thuật... đều chưa có gì.
Do điều kiện cách mạng mới thành công, ta chưa sử dụng được những nhà in cũ của người Pháp, ta phải mượn máy in ở nhà in Quốc Hoa (phố Hàng Bông) đưa xuống ấp Thái Hà (Đống Đa) đặt trong nhà muợn của anh Khôi. Anh em còn đi tìm công nhân in thạch bản giỏi ở nhà in Nguyễn Ninh, phố Hàng Than, họ đã bỏ nghề nhưng ta thuyết phục, vận động anh em làm việc cho nhà nước, in giấy bạc cho cách mạng.(2)

Tiền loại 1 đồng, Bộ Tài chính và ngân khố Trung ương phát hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh chụp HV BTLSQG)
Để tăng nhanh số lượng bạc, ta phải sử dụng thêm nhà in Nguyễn Ninh (phố Hàng Than), Nhà in Việt Hưng (phố Cửa Nam) và Nhà in Ngô Tử Hạ (phố Lý Quốc Sư). Cuối cùng, Bộ Tài chính quyết định điều đình mua lại toàn bộ Nhà in Taupin của chủ người Pháp (đường Lê Duẩn) để dành riêng cho việc in tiền. Nhằm che mắt bọn phản cách mạng, nhà in được mang tên Việt Nam Quốc gia Ấn thư cục.
Ngoài việc in giấy bạc, Nhà nước còn có cơ sở dập tiền nhôm loại 2 và 5 hào ở phố Lò Đúc, Hà Nội và được khắc khuôn ở dưới hầm nhà Bát Giác (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Sau đó, nhà in được dời lên đồn điền Chi Nê, huyện Lạc Thủy, Hoà Bình(3) của ông Đỗ Đình Thiện (một nhà tư sản dân tộc yêu nước đã từng ủng hộ nhiều cho cách mạng), sau đó lại chuyển về Bản Thi (Chợ Đồn, Bắc Cạn) nằm trong một mỏ kẽm của Pháp. Bị Pháp đánh phá nên nhà in phải dời lên Bản Chóm (Hà Giang). Đến năm 1951, ông Nguyễn Văn Bách được cử làm Giám đốc nhà in, chuẩn bị điều kiện cho Ngân hàng Quốc gia ra đời.

Tiền loại 100 đồng, Bộ Tài chính và ngân khố Trung ương phát hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh chụp HV BTLSQG)
Về mẫu giấy bạc, đích thân Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã cho mời một số họa sĩ nổi tiếng đương thời, được chia ra làm nhiều nhóm: nhóm của họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng; nhóm của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng; nhóm của họa sĩ Nguyễn Văn Khanh, vẽ mẫu giấy bạc 20 đồng; nhóm của hoạ sĩ Nguyễn Văn Huyến, vẽ mẫu giấy bạc 100 đồng và các hoạ sĩ khác như Nguyễn Sáng, Bùi Quang Chước, Lê Khả... đều tham gia vẽ mẫu.
Về hình thức: thông thường, mặt trước Giấy bạc Tài chính Việt Nam có quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt sau, có ảnh về công, nông, binh; có dòng chữ "Giấy bạc Việt Nam", hoặc không có dòng chữ này. Giá trị đồng bạc được ghi nguyên bằng tiếng Việt Nam, Miên, Lào; số dùng là số Ả Rập. Trên mỗi tờ giấy bạc, đều có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến) và Giám đốc Ngân hàng Trung ương.

Tiền giấy loại 5 đồng, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1946. (Ảnh chụp HV BTLSQG)
Việc phát hành: để đảm bảo cho giấy bạc ra đời được thuận lợi và đạt được thắng lợi ngay từ đầu, phải chọn một nơi phát hành thí điểm, rồi sau đó rút kinh nghiệm và cho phát triển dần ra nơi khác. Chính phủ đã chọn miền Nam Trung bộ là nơi phát hành đầu tiên. Ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 18b/SL cho phép phát hành giấy bạc Việt Nam tại các địa phương từ nam vĩ tuyến 16 trở vào. Nơi Giấy bạc Tài chính Việt Nam được phát hành thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi vào ngày 3-2-1946 (tức ngày 2 Tết Bính Tuất). Sau đó, ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ, tờ giấy bạc Việt Nam - biểu tượng cho nền độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia thiêng liêng được nhân dân chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt. Ở Liên khu 5, theo sắc lệnh 234/SL ngày 18-7-1947, Chính phủ cho phép Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ chỉ phát hành một loại tiền, đó là tín phiếu.
Ngày 13-8-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 154/SL cho mở rộng và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tại kỳ họp thứ Hai, họp vào tháng 11-1946, Quốc hội khoá I đã quyết định cho phát hành rộng rãi giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc. Đó là thắng lợi lịch sử chưa từng có của việc in và phát hành Giấy bạc Tài chính Cụ Hồ, đánh dấu một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính của nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tờ bạc Việt Nam đã có mặt ở khắp mọi miền tổ quốc, trở thành một lợi khí sắc bén để đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận kinh tế, tài chính, góp phần quyết định vào việc bảo đảm cung cấp cho nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến.
Sự ra đời của Giấy bạc Tài chính Việt Nam - tiền thân của giấy bạc ngân hàng Việt Nam ngày nay (4) là một phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động được sức người, sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, nó cũng khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính, độc lập dân tộc trong đó phải có độc lập về tài chính. Nước Việt Nam độc lập phải có đồng bạc Việt Nam độc lập.
Tuy chưa thật đẹp về hình thức, tuy được in và phát hành trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng Giấy bạc Tài chính Việt Nam - Giấy bạc Cụ Hồ vẫn tồn tại và phát triển trong suốt những chặng đường dài đầy cam go, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên mỗi tờ Giấy bạc Tài chính ở Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ, hay Tín phiếu ở Liên khu 5 đều mang hình bóng của Bác Hồ vĩ đại với ngôi sao chìm 5 cánh như một biểu tượng về niềm tin, lòng tôn kính của nhân dân với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm tin đó cũng chính là sức mạnh của cả một dân tộc, cả một thời đại - thời đại Hồ Chí Minh.
Nguyễn Tường Khanh
Chú thích:
(1) Chính phủ Lâm thời thành lập ngày 28-8-1945, đồng chí Phạm Văn Đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngày 1-1-1946, Chính phủ Lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá I nước Việt Nam DCCH bầu Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, vị trí này do đồng chí Lê Văn Hiến đảm nhiệm.
(2) Đồng bạc Tài chính - đồng bạc Cụ Hồ 1945-1954. Trần Quốc Dụ, Nguyễn Hữu Thuận, Nguyễn Bá. Viện Nghiên cứu tài chính, Bộ tài Chính. NXB Tài Chính. Hà Nội, tháng 8-2000, tr 17.
(3) Ngày 2-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm cơ sở in tiền này.
(4) Sắc lệnh số 15/SL, Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ ngày 5-6-1951, quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, thay giấy bạc Tài chính bằng bạc Ngân hàng, việc in và phát hành đều do Ngân hàng Quốc gia đảm trách.