Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ "Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam" mà còn là người viết nhiều văn kiện quan trọng gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng, của dân tộc và có sức lay động sâu xa tới từng trái tim, từng khối óc của triệu triệu con người. Tài liệu "Tuyệt đối bí mật" Đảng ta công bố sau ngày Người qua đời với tên gọi "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" là một trong những văn kiện như thế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc năm 1965 nhân dịp Người tròn 75 tuổi. Thế nhưng với đức tính cẩn trọng của một người cộng sản mẫu mực, với ý thức trách nhiệm hết sức cao đối với hậu thế, trong khoảng 4 năm (1965-1969), theo cố đồng chí Vũ Kỳ (nguyên Thư ký riêng của Bác), năm nào cũng vậy, cứ vào dịp trung tuần tháng 5, Người lại lấy tài liệu "Tuyệt đối bí mật" (Di chúc) ra xem lại để sửa chữa, bổ sung những chữ, những câu cần thiết. Người cân nhắc từng ý, từng lời sao cho giản dị, dễ hiểu, trong sáng, chân thành, tự nhiên như chính cuộc đời Người đã sống. Vì thế Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá bởi nó kết tinh những giá trị văn hoá to lớn của dân tộc và của nhân loại với cốt lõi: "Đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"; là cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vùng giải phóng miền Nam, tháng 9-1969. (Ảnh tư liệu)
Khi Người viết những dòng đầu tiên của Di chúc cũng là lúc cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang đi vào thời kỳ quyết liệt nhất. Mỹ ồ ạt đưa 50 vạn quân vào miền Nam, chuyển chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nhưng với tầm nhìn mẫn cảm và sáng suốt lạ kỳ, Người tiên đoán: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn"; đồng thời Người cũng dự báo những việc cần phải làm ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Người viết: "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm". Và theo Người đây là "Một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Vậy đâu là khâu đột phá đầu tiên, Người chỉ rõ: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi Đoàn viên, mỗi Chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi". Cũng theo Người, việc đầu tiên Đảng phải quan tâm là công việc đối với con người mà cốt lõi là: Coi trọng yếu tố con người, chăm lo cho lợi ích của con người, bồi dưỡng giáo dục con người, thương yêu con người và chính Người đã đề ra những chính sách cụ thể với từng đối tượng. Ví dụ: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Ví dụ khác: "Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất". Hoặc: "Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu v.v… thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện"… nghĩa là: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Trong tài liệu "Tuyệt đối bí mật" (Di chúc), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cập tới vấn đề đoàn kết quốc tế. Người tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, càng đau xót trước sự chia rẽ, mất đoàn kết của các phong trào ấy bấy nhiêu. Để khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em, Người mong Đảng ta phải tăng cường hoạt động đối ngoại.
Về riêng mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, dài hơn nữa…
"THEO CON ĐƯỜNG BÁC HỒ ĐÃ CHỌN"(Ảnh chụp áp phích lưu tại BTLSQG).
Kỷ niệm 69 năm thành lập nước, cả dân tộc ta không bao giờ quên công lao trời cao biển rộng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đó đem lại cho Đảng ta, cho nhân dân ta, cho phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Chúng ta tự hào vì có vị lãnh tụ vĩ đại, thiên tài - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới kiệt xuất và chúng ta luôn tâm niệm Di chúc của Người là cương lĩnh hành động trước mắt cũng như lâu dài của dân tộc ta.
PGS. TS. Phạm Mai Hùng(Nguyên Giám đốc BTCMVN)