Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cách mạng tháng Tám 1945 là kết thúc tất yếu, không tránh khỏi, một bên là chính sách thực dân Pháp, một chính sách cướp bóc, đàn áp và ngu dân; một bên là hàng loạt các cuộc nổi dậy dân tộc hầu như không hề gián đoạn, đánh dấu 80 năm thống trị của nước ngoài. Người ta có thể khẳng định rằng: Nếu như từ 1862 đến 1884 chủ nghĩa thực dân Pháp đã dễ dàng chiến thắng bằng vũ khí nền quân chủ ruỗng nát đang cầm quyền lúc xảy ra cuộc chinh phục thì nó lại chưa bao giờ thành công trong việc làm cho toàn thể nhân dân Việt Nam thừa nhận nó cả; nếu như cuộc thất bại năm 1884 là một thất bại của chế độ phong kiến bất lực và lạc hậu thì Cách mạng tháng Tám năm 1945 quả là một chiến thắng vẻ vang của nhân dân gắn liền với độc lập và dân chủ".
Gần bảy mươi năm đã trôi qua nhưng Cách mạng tháng Tám với sức mạnh bất diệt của nó đang tiếp tục tác động mạnh mẽ vào toàn bộ sự nghiệp của chúng ta hôm nay. Dẫu vậy vẫn còn có những người chưa thấy hết được ý nghĩa lớn lao của Cách mạng tháng Tám; thậm chí có một số người chưa đánh giá đúng mức vai trò của nó đối với lịch sử Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đối với đất nước ta hôm nay và cả mai sau. Đặc biệt là thái độ ứng xử chưa thật trọng thị đối với di sản - vật thể và phi vật thể mà cuộc cách mạng đó để lại. "Lịch sử Cách mạng tháng Tám thì bắt đầu từ cuộc Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào thuộc khu giải phóng Việt Bắc cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Thủ đô Hà Nội… Thời gian lịch sử Cách mạng tháng Tám là ba bốn tuần còn thời gian lịch sử cách mạng dài hơn nhiều. Nói rõ hơn, thời gian Cách mạng tháng Tám chủ yếu là thời gian Tổng khởi nghĩa… Tất cả đồng bào các tỉnh, huyện, xã nối tiếp nhau, từ Bắc chí Nam, từ miền biển đến miền núi đều nhất tề đứng dậy và đều thành công trọn vẹn… Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công nhanh gọn, xét cho cùng là vì nó đã được chuẩn bị lâu dài, liên tục và cực kỳ gian khổ. Hiểu theo cách diễn đạt của Giáo sư Trần Văn Giàu thì rõ ràng di sản Cách mạng tháng Tám không phải chỉ là di sản của ba bốn tuần mà chí ít nó phải là di sản của 15 năm - nghĩa là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam và lịch sử đã minh chứng: Cao trào cách mạng năm 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh rồi 1936-1939 đến 1939-1945 chính là những bước tập dượt vô cùng quan trọng cho Cách mạng tháng Tám. Vì thế khi thời cơ đến, đáp lại lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh "Trước cơ hội có một không hai này, toàn thể dân tộc ta đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh quân giải phóng, tung xương máu ra đánh đuổi hết giặc Nhật đổi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân"; đáp lại lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, lấy sức ta giải phóng cho ta" đã được cả dân tộc hưởng ứng và tạo nên một dòng thác cách mạng cuồn cuộn thừa sức nhấn chìm ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất đất nước, đánh đổ chế độ quân chủ đã lỗi thời, ruỗng nát, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước đúng như nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đại da số nhân dân tập hợp trong những uỷ ban nhân dân dưới lá cờ Việt Minh. Trước sự vùng dậy của toàn thể nhân dân, mọi cố gắng đàn áp của người Nhật và bọn bù nhìn người bản xứ của chúng (bây giờ đã trở thành tôi tớ trung thành của bọn thực dân trở lại xâm lược) đều trở thành vô hiệu".

Lệnh tổng khởi nghĩa được phát hành rộng rãi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Cách mạng tháng Tám, trước hết và trên hết là bảo tồn, phát huy những giá trị chính trị - tư tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này. Bởi lẽ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kiên quyết tới mức "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải lãnh đạo nhân dân ta giành lại Độc lập" và kịp thời chính là nhân tố quyết định cho sự thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng tháng Tám. Những giá trị đó tựu trung lại được thể hiện đủ đầy từ những bài học rút ra của cuộc cách mạng đó như sau: Bài học về việc xác định rõ mục tiêu của cách mạng và các giải pháp hữu hiệu để hiện thực hoá mục tiêu; là bài học đánh giá đúng tình hình, đánh giá đúng tương quan lực lượng, dự kiến chính xác khả năng diễn biến thời cuộc để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công" và dựa trên nền tảng vững chắc của khối liên minh công nông; kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng; kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng tạo tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền; xây dựng Đảng vững mạnh… Tất cả những cái đó đều là những thành tố cơ bản, quan trọng tạo nên giá trị chính trị - tư tưởng của Đảng. Minh chứng cho những giá trị đó là các văn kiện: Chính cương, sách lược của Đảng do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soạn thảo, trình bày trong Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930), là các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương VI, VII, VIII, là Nghị quyết thành lập Việt Minh, là chương trình hành động của Việt Minh, là Nghị quyết Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, là Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, là Hiệu triệu của Việt Minh, là lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch v.v…; là việc tổ chức quần chúng và đưa quần chúng ra đấu tranh trực diện với quân thù từ hình thức thấp đến hình thức cao v.v…
Riêng về lĩnh vực văn hoá, giữa bộn bề công việc của một Chính Đảng được lịch sử trao trọng trách lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành đấu tranh cách mạng để giành lại Độc lập, Tự do, vào năm 1943, Đảng công khai công bố quan điểm, cũng như tư tưởng chỉ đạo của mình về xây dựng một nền văn hoá mới - một nền văn hoá thấm nhuần sâu sắc và triệt để ba nguyên tắc: Dân tộc hoá, Khoa học hoá, Đại chúng hoá. Đó là bản Đề cương văn hoá Việt Nam - Văn kiện lịch sử quan trọng này đã từ lâu được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hoá. Giá trị lý luận, giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của Đề cương văn hoá năm 1943 được Đảng giữ gìn, phát triển tư duy tạo cơ sở để hình thành và công bố Cương lĩnh thức hai của Đảng về văn hoá trong thời kỳ đổi mới đất nước. Đó là Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỉ tại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa Xã hội.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Cách mạng tháng Tám là bảo tồn, phát huy các di tích vật thể và phi vật thể đã được công nhận, đã được sưu tầm, gìn giữ và sẽ tiếp tục nghiên cứu để sưu tầm, để công nhận và để trưng bày giới thiệu. Trong tổng số 2792 di tích lịch sử - văn hoá tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2004 đã được Bộ Văn hoá - Thông tin liệt hạng (công nhận), có tới 1.289 di tích lịch sử - cách mạng và đáng quý hơn là có những di tích có giá trị đặc biệt quan trọng đã được nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, gắn bảo tồn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các địa phương như di tích ngục Sơn La, nhà tù Côn Đảo, di tích Pắc Bó, di tích Tân Trào, di tích đình Đình Bảng, di tích 18 thôn Vườn Trầu - Hóc Môn - Bà Điểm, di tích 5D Hàm Long, quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội)… Tuy vậy, chúng ta vẫn thấy rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, cũng như các di vật cách mạng luôn luôn là một bài toán khó. Dẫu đã, đang được đầu tư không ít tiền của và trí lực. Di tích 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, nơi đồng chí Trần Phú soạn thảo Luận cương rồi các căn cứ địa cách mạng Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà… hàng năm vẫn vắng khách tham quan. Tuổi trẻ Hà Nội, trong ngày cưới có thói quen chụp ảnh kỷ niệm trước Nhà hát lớn nhưng không tạo được thói quen chụp ảnh kỷ niệm trước "biểu tượng" của di tích Cách mạng tháng Tám ngay cạnh đó. Để tạo điều kiện tối ưu cho tuổi trẻ, cho khách trong, ngoài nước hành hương về quê hương cách mạng Việt Bắc chúng ta vô tình tới vô thức đang ngày qua ngày làm biến dạng cảnh quan di tích mà di tích Tân Trào là một ví dụ điển hình.
Chúng ta tự hào về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám nhưng những di vật về cuộc cách mạng này cho đến nay sưu tầm được vẫn còn quá khiêm tốn. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Cách mạng tháng Tám là bảo tồn, phát huy giá trị những ký ức, hồi ký, chuyện kể của các nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia vào sự kiện trọng đại này trong lịch sử dân tộc chúng ta chưa làm được bao nhiêu và điều đáng quan ngại là theo quy luật, số nhân chứng đó lần lượt về với tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng thế là kho tàng giá trị phi vật thể ẩn chứa trong họ vĩnh viễn rời xa chúng ta. Vậy nên việc lập hồ sơ hiện vật cách mạng phải luôn luôn chú ý tới việc gặp gỡ nhân chứng ghi chép lại, hiệu đính và xác minh những mẩu chuyện, những chuyện kể có liên quan, thổi thêm hồn vào hiện vật, tạo nên sự hấp dẫn hơn khi trưng bày, giới thiệu.
GS. TS. Phạm Mai Hùng(Nguyên GĐ BTCM)