Thứ Hai, 02/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/08/2014 08:30 5883
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Dưới triều vua Lê Thánh Tông, giúp vua tuyển chọn và sử dụng nhân tài là Bộ Lại. Việc xuất hiện Bộ lại đã có từ trước thời Lê Sơ (theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì có từ cuối thời Trần).

Bộ Lại với tổ chức và cơ chế vận hành công việc của nó, đã thực sự là cơ quan có vai trò quan trọng, thiết thực trong việc tuyển dụng quan lại. Khi đó Bộ Lại có 3 nhiệm vụ quan trọng chính: tuyển dụng và lựa chọn quan chức; khảo xét và thăng giáng các quan; phong tước cho các quan. Đứng đầu Bộ Lại là Lại Bộ Thượng thư, tiếp theo là 2 chức quan: Lại Bộ tả và Hữu Thị lang. Bộ Lại tuyển dụng quan chức dựa trên kết quả đào tạo, thi cử do Bộ Lễ và Quốc Tử Giám phụ trách theo trình tự:Bộ Lại ban ấn mệnh nhà vua;Bộ Lễ mang Bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học; Bộ Lại tham khảo các ý kiến đánh giá quan lại từ Bộ Hình. Như Lệnh tuyển bổ quan viên các ty ở Hình bộ năm Hồng Đức thứ 9 (1478) đã quy định : “ Đường quan Hình bộ công bằng xét kỹ quan các ty, có người nào do chân lại viên xuất thân, học thức nông cạn, tài năng thấp kém thì tâu lên rõ rang, đưa sang Lại bộ xét thực, đổi bổ làm việc khác.”( Sách Đại Việt sử ký toàn thư)

Có hai đối tượng chính mà triều Lê Thánh Tông tuyển dụng là những người chưa bao giờ làm quan và những người đã làm quan rồi nhưng cần thăng giáng, hoặc thuyên chuyển, hoặc phải đào tạo lại. Ở đối tượng thứ nhất thì gọi là “Tuyển bổ”; đối tượng thứ 2 gọi là “chọn bổ”.

Ở đối tượng thứ nhất, bao gồm những sĩ tử được đậu đạt tại các kỳ thi cử luôn được triều đình coi trọng và ưu tiên hàng đầu trong việc trọng dụng. Trọng dụng hiền tài là tiêu chuẩn cao nhất của thời vua Lê Thánh Tông. Điều này thể hiện rõ tư tưởng của triều đình Lê Thánh Tông khi Phụng trực đại phu, hàn Lâm viện thừa chỉ, Đông các học sĩ Thân Nhân Trung vâng sắc soạn chỉ (năm Hồng Đức thứ 15) :” Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.

Đầu thời Lê Sơ, có chế độ tuyển dụng quan lại gọi là “Nhiệm tử”. Việc tuyển dụng này nhờ vào ân trạch của cha ông đã từng làm quan thì con cháu nghiễm nhiên được thừa hưởng đặc ân đó, lại được bổ nhiệm quan chức. Sang thời vua Lê Thánh Tông việc tuyển dụng theo chế dộ “nhiệm tử” bị hạn chế và chặt chẽ hơn. Con của các vị quan có công với triều đình vẫn được hưởng đặc ân vua ban. Tuy vậy Phan Huy Chú cũng đã nhận xét” Còn như phép nhiệm tử thì thực chẳng ra làm sao. Chỉ lấy tư cách con quan mà được hơn tư cách người thường. Những công tử sang trọng thường không có thực tài mà được lạm quyền, thì phép chọn tài bổ quan không khỏi bị hỏng vì thiên tư. Đó là phép tuyển bỏ không được tốt vậy”.

Các quan đứng đầu trong Lục bộ thời Nguyễn (ảnh minh họa)

Bên cạnh chế độ Nhiệm tử, còn có các chế độ Tiến cử và Bảo cử. Tiến cử là nhiệm vụ của mỗi quan cấp tam phẩm trở lên phải làm. Họ phải lấy yu tín, tước vị, phẩm hàm của mình ra để tiến cử (chịu trách nhiệm) cho người hiền tài mà họ giới thiệu vào một chức quan.. Vào đầu thời Lê Sơ, việc tiến cử đã được thực hiện. Nhưng đến triều vua Lê Thánh Tông, chế độ Tiến cử được nâng lên thành chế độ nhà nước, mặc dù khoa cử lúc này đã rất phát triển. Trong Bộ Quốc triều hình luật (thời vua Lê Thánh Tông), điều 174 quy định:” những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng, nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm 2 bậc.”

Bảo cử là hình thức chọn những quan lại có quá trình công tác tốt, có tài năng và có kinh nghiệm thực tiễn quan trường mà bổ vào những chức quan quan trọng ở triều đình hoặc các địa phương. Các quan đứng đầu nha môn, có chức khuyết, giới thiệu người mình thấy xứng đáng với chức đó lên Bộ Lại. các quan ở Lại khoa và Ngự sử đài phải ghi chép bản đề nghị rõ ràng để sau này, người được tiến cử không xứng đáng thì người giới thiệu sẽ bị trị tội. Sau đó, Bộ lại xe, xét lại lần nữa rồi chuẩn tấu lên vua. Đợi khi có chiếu của vua ban xuống, sẽ chuyển qua các quan chính đường tra xét lại, sau đó Lại khoa xét thêm một lần cuối cùng rồi làm sắc mệnh. Phương thức Bảo cử người ra làm quan như một cách thức tuyển dụng quan lại chính thức đã được áp dụng thường xuyên, trở thành nề nếp. Chẳng hạn như Bảo cử quan huyện năm Hồng Đức thứ 8 (1477), vua Lê Thánh Tông đã cho phép các quan trong triều, mỗi người được đề cử một người có tính cương trực, hay chống lũ gian tà, để làm quan huyện. Từ đó, các năm Hồng Đức về sau, phép Bảo cử đã phần nào đáp ứng được những người có năng lực và đức độ giúp việc cho bộ máy cai trị của nhà vua, đồng thời tỏ rõ được thiện ý của các bậc quân chủ trong việc tìm kiếm rộng rãi những người hiền, tài tham gia vào đội ngũ quan lại.

Bắc loa gọi sĩ tử vào thi dưới thời Nguyễn (ảnh minh họa).

Chế độ khoa cử:

Vào thời Lê Thánh Tông việc học hành thi cử đã đi vào nề nếp và được mở rộng từ trung ương đến tận các làng xã chọn từ 10-20 người dự thi hương. Sau khi loại bớt những người học kém, sĩ tử phải qua 4 kỳ thi:

Kì đệ nhất: thi năm bài kinh nghĩa và truyện nghĩa.

Kì đệ nhị: thi chiếu, chế, biểu.

Kì đệ tam: thi thơ, phú. Bài tho dung luật Đường, bài phú dùng cổ thể, hoặc thể ly tao, văn tuyển.

Kì đệ tứ: thi văn sách, đầu đề hỏi về sách kinh, sách sử và thời sự.

Các cuộc thi Hương thường được tổ chức vào mùa thu, nếu người nào trúng tuyển sẽ được tấu trình lên bộ Lễ đến khoảng tháng giêng, tháng hai năm sau, những người đỗ sẽ được dự thi Hội.

Vào năm 1472, nhà Lê đã quy định phép thi Hội:

Kì đệ nhất: “Tứ thư ra 8 đầu đề… Các cử tử tự chọn lấy 4 đầu đề làm bài…”

“Ngũ kinh: Mỗi loại ra 3 đề, cử tử chọn lấy một đầu đề mà làm chỉ có kinh Xuân Thu ra 2 đầu đề gồm làm 1, cử tử làm vào một bài”.

Kì đệ nhị: Chiếu chế, biểu mỗi thể 1 đầu đề.

Kì đệ tam: Thơ và phú mỗi thể đều 2 đàu đề, bài phú dùng thể phú Lý Bạch.

Kì đệ tứ: Một bài văn sách hỏi về ý nghĩa dị đồng trong các sách Tứ thư, Ngũ kinh và chính sự hay dở các triều đại

Vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho phép tôn vinh việc học bằng các cuộc lễ xướng danh (lễ đọc tên người thi đậu), lễ vinh quy bái tổ (lễ đón rước người thi đậu về làng) và nhất là lệ khắc tên và lý lịch tiến sĩ vào bia đá Văn Miếu (Năm 1484). Việc làm đó đã khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân đua nhau học hành để tên tuổi được ghi vào bảng vàng, để gia môn được vinh dự và để làng quê được vinh hiển. Từ Triều nhà Lý đã tổ chức các khoa thi từ năm 1075, nhưng đến thời vua Lê Thánh Tông mới cho dựng các Bia Tiến sĩ, ghi danh những người đỗ đại khoa, đặt ở trong Văn Miếu để vinh danh. Tấm bia đầu tiên được dựng năm 1484, cách đây hơn 500 năm, ghi danh các tiến sĩ đỗ năm 1442, trước đó hơn 40 năm. Truyền thống dựng bia tiến sĩ đó được tiếp tục cho đến cuối triều Lê, triều Nguyễn rời vào Huế. Cho đến nay còn lại 82 bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Những văn bia này đã trở thành di sản văn hoá đặc biệt của quốc gia.

Lều và chõng giành cho một sĩ tử dự thi dưới thời phong kiến.

Vì các sĩ tử phải trải qua các kỳ thi rất nghiêm ngặt trên, nên vua Lê Thánh Tông rất biết trọng dụng những nhân tài của đất nước được tuyển chọn qua thi cử. Có thể nói, chế độ khoa cử dưới triều vua Lê Thánh Tông thực sự phát triển, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho các triều đại sau này tiếp tục thực hiện. Từ đây, kết quả khoa cử trở thành phương thức chủ yếu để tuyển lựa quan lại của nhà nước. Về cơ bản, dù là con quan hay con dân thường, nếu có chí, tài, đức đều có quyền dự các khoa thi. Nếu đỗ, đều được bổ nhiệm làm quan. Chế độ thi cử làm quan dưới các triều đại phong kiến ở nước ta có tiếng là nghiêm túc, khắt khe, chặt chẽ, công bằng. Chính vì vậy ở các triều đại mà “ vua sáng- tôi hiền” đều có được một bộ máy cai trị nghiêm túc, đất nước được phát triển. Đặc biệt ở triều đại vua Lê Thánh Tông, một ông vua sáng biết trọng dụng hiền tài, với 38 năm ở ngôi vua, Lê Thánh Tông đã đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia cường thịnh về nhiều mặt ở thế kỷ XV.

Minh Vượng

Nguồn TLTK:

- Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam – Phan Huy Lê- NXB Giáo dục; 1962.

- Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử - NXB Chính trị quốc gia - 1994.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6638

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng: Đa dạng, năng động, hiệu quả

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng: Đa dạng, năng động, hiệu quả

  • 23/08/2014 18:18
  • 6694

Bảo tàng Lâm Đồng nằm trên một ngọn đồi cao ở số 4 đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3km về hướng đông bắc.