Thứ Hai, 17/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/08/2014 09:02 3903
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
“Tôi nhớ mãi sáng tháng Năm ấy… Trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Trong vườn Bác, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít”.

Đó là những dòng hồi ký đầy xúc động của đồng chí Vũ Kỳ - người “đầy tớ trung thành” thực thụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần ba thập kỷ khi kể lại ngày đầu tiên Người đặt bút viết “mấy lời gửi lại” cho đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng, 44 năm về trước, khi bước vào tuổi 75, “với tinh thần sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, Bác Hồ bắt đầu viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” mà ngày nay chúng ta gọi đó là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được Bác khởi thảo từ ngày 10/5/1965 và Người xem lại lần cuối vào ngày 19/5/1969.

Di chúc của Bác “Trước hết nói về Đảng”, vì Đảng là nhân tố quyết định thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng lại đất nước sau này. Di chúc nhấn mạnh những vấn đề rất cơ bản để xây dựng lại Đảng trong sạch vững mạnh. Đó là phải phát huy truyền thống đoàn kết cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta; phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; phải thực hành dân chủ rộng rãi, phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau; phải thấm nhuần đạo đức cách mạng; phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng; phải giữ gìn Đảng ta thực sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Tháng 5-1968, Người đã bổ sung vào Di chúc một điểm chỉ dẫn quan trọng: Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi thì “việc cần phải làm trước hết là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Toàn văn, bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phần xây dựng chỉnh đốn Đảng đã thể hiện sức sống tư tưởng của Người trong khả năng vận dụng sáng tạo những lý luận cơ bản nhất về xây dựng Đảng cầm quyền của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng nước ta.

Di chúc được khởi thảo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang đi vào thời kỳ quyết liệt nhất: Mỹ ồ ạt đưa 50 vạn quân vào miền Nam, chuyển chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Hơn nữa, ở hậu phương lớn miền Bắc phải tiếp tục chống lại cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt nhằm biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ. Thế nhưng, toàn bộ Di chúc toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, luôn tin tưởng vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cũng như của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Đó là niềm tin, là ý chí, lòng quyết tâm của Bác và của cả dân tộc. Niềm tin đó xuất phát từ đường lối độc lập, tự chủ, từ phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng sáng tạo của Đảng.

Niềm tin đó xuất phát từ khối đại đoàn kết dân tộc, từ tinh thần hy sinh anh dũng của bao người Việt nam từ thế hệ này đến thế hệ khác. Niềm tin đó còn xuất phát từ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhìn thấy trước một nước Việt Nam thắng lợi hoàn toàn, đồng bào xum họp một nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho Đảng ta và Nhà nước ta những việc cần làm sau chiến tranh rất cụ thể, tỉ mỉ.

Sức sống lớn lao và ánh sáng kỳ diệu tỏa ra trong toàn bộ Di chúc đó là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và đầy giá trị nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà biểu hiện sinh động nhất chính là tình yêu thương sâu sắc đối với con người. Tư tưởng vì nhân dân, vì con người là điều nổi bật và xuyên suốt cuộc đời Bác mà kết tinh ở đỉnh cao trong bản Di chúc lịch sử. Cả cuộc đời Người đã dành cho dân tộc Việt Nam. Khi ra đi Người “để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Yêu thương con người, Bác dặn lại nhiệm vụ: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định toàn bộ những việc lớn của cách mạng, của xã hội đều gắn với con người. Con người mà Bác đề cập ở đây là cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, là lực lượng vũ trang nhân dân, là phụ nữ, là nông dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến những nạn nhân của chế độ cũ. Đối với những kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng với những người con vì cảnh ngộ mà phải lạc bầy: “Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu thì nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Có thể nói, điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của Di chúc chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả. Một chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản được kết tinh trong một con người vĩ đại nhất của dân tộc.

Tuy không nói nhiều về nhân dân và cách mạng thế giới, nhưng trong Di chúc, chúng ta vẫn thấy rất rõ tình cảm và tư tưởng của Người về sự gắn bó giữa nhân dân và cách mạng Việt Nam với nhân dân và sự nghiệp cách mạng thế giới nói chung. Bác luôn coi thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi chung của nhân dân thế giới và mỗi thắng lợi của cách mạng thế giới là thắng lợi và sự cổ vũ cho cách mạng Việt Nam. Vì vậy, một trong những dự định đầu tiên, ngay sau khi chiến tranh kết thúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thay mặt nhân dân ta, Người sẽ đi thăm, cảm ơn và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết quốc tế giữa Việt Nam và bạn bè năm châu. Điều băn khoăn, day dứt nhất của Người trước khi đi vào cõi vĩnh hằng chính là sự bất hòa trong phong trào cộng sản thế giới. Lời mong muốn cuối cùng của Người với phong trào cách mạng thế giới: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Di chúc của Bác đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, … của đời sống mỗi người dân Việt Nam. Nó vạch ra những vấn đề mang tính chất cương lĩnh định hướng cho sự phát triển của đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi. Vậy mà khác với các văn bản chính luận khác, ẩn chứa bên trong mỗi từ, mỗi câu của bản Di chúc là một chất thơ được kết tụ dồn nén cảm xúc, tình yêu thương đối với thiên nhiên, con người và cuộc đời. “Muôn vàn thương yêu” mà Người gửi lại trong Di chúc thiết tha và xúc động đối với triệu triệu trái tim hôm qua và hôm nay: “Tôi có ý định đến ngày đó (ngày chiến thắng), tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng yêu quí của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Những dòng chữ như một lời tạ từ, một sự lỗi hẹn vì biết mình không kịp thấy, không kịp làm những điều mình ấp ủ của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Vì thế, Di chúc mãi mãi là áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc của mỗi con người.

Bìa sách Bác Hồ viết Di chúc.

Hạt nhân cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, mang đậm tính nhân văn tất cả vì con người, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự kết tinh ở đỉnh cao những quan điểm tiến bộ về chân, thiện, mỹ của dân tộc, thời đại và của loài người tiến bộ trên toàn thế giới. Xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, viết cho người dân Việt Nam, là cương lĩnh xây dựng đất nước Việt Nam, Di chúc của Người phản ánh tâm hồn và đạo đức cao đẹp, trong sáng và phong phú của một con người vĩ đại đã dành cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cách mạng, nhân dân. Công lao và uy tín của Người đối với dân tộc và nhân loại lớn biết chừng nào, thế nhưng Người không bao giờ cho mình là người lãnh đạo, đứng cao hơn mọi người mà chỉ coi mình là một người phục vụ, “một người suốt đời một lòng một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Viết về cái chết của mình với một thái độ ung dung và bình tĩnh lạ thường, Người đã chuẩn bị cho mình đi vào cõi vĩnh hằng thật nhẹ nhàng, thanh thản nhưng vẫn còn một day dứt khuôn nguôi “nay phải từ biệt thế giới này, tôi không còn điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Lịch sử đã có sự trùng hợp thiêng liêng và kỳ diệu. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1969 (tức ngày 21 tháng Bẩy năm Kỷ Dậu), Người đi vào thế giới Người Hiền tại ngôi nhà sàn đơn sơ cũng thuộc Quảng trường Ba Đình lịch sử với lời nhắn gửi đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong bản Di chúc lịch sử. Nếu như Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca khai sinh ra nước Việt Nam mới, thì Di chúc là thể hiện sự thành công trọn vẹn bản khai sinh đất nước và trở thành ánh sáng tương lai. Di chúc là một văn kiện có cách viết độc đáo, trong đó tồn tại song song giữa cái vĩ đại và cái bình thường, cái mãnh liệt nồng nàn và cái điềm đạm sâu lắng, lại trang trọng mà gần gũi. Với trách nhiệm trước hậu thế, Người đã cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Người đã sống.

45 năm trôi qua, biết bao đổi thay to lớn đã diễn ra trên đất nước ta, trong đời sống của nhân dân ta, trong bối cảnh thế giới hết sức phức tạp với những biến động không thể lường trước… Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều điều trong Di chúc của Bác đã được thực hiện. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; công tác đền ơn đáp nghĩa; công tác chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ đã và đang được toàn xã hội quan tâm. “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” là khẩu hiệu, là lời thề thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chúng ta vĩnh biệt Người. Ngày hôm nay, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là sự tiếp nối lời thề thiêng liêng ấy của toàn dân tộc kính dâng lên Bác Hồ kính yêu.

Ths. Nguyễn Kim Thành (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7171

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Tìm hiểu về tướng quân Cao Lỗ và chiếc lẫy nỏ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tìm hiểu về tướng quân Cao Lỗ và chiếc lẫy nỏ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 18/08/2014 15:14
  • 10434

Theo các thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, Cao Lỗ là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê ông ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Cuộc đời của ông gắn liền với sự hình thành và tồn tại của quốc gia Âu Lạc. Vào thế kỷ III trước Công nguyên, quốc gia Âu Lạc được hình thành trên cơ sở sát nhập, thống nhất cư dân Âu Việt và Lạc Việt. Thục Phán chính thức lên ngôi vua xưng là An Dương Vương và đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Quốc gia Âu Lạc được thành lập là sự kế thừa và phát triển cao hơn, trên cơ sở của Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương.